MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phía sau dòng tiền lớn

Phía sau dòng tiền lớn

Các chuyên gia chứng khoán cho rằng, việc duy trì lượng tiền mặt lớn thể hiện tiềm lực của doanh nghiệp, song cũng có thể là chỉ báo đang thiếu cơ hội đầu tư. Giới chuyên gia cũng khuyến cáo nhà đầu tư cần quan tâm đến tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh các quốc gia tăng lãi suất, dòng vốn đầu tư có nguy rút vào "trú ẩn", trên thị trường thời điểm này doanh nghiệp nào có "tiền tươi" sẽ hưởng lợi do đa dạng hóa đầu tư. CTCP Chứng khoán Mirae Asset nhìn nhận lạm phát và lãi suất đều có xu hướng gia tăng, nhà đầu tư nào nắm giữ cổ phiếu của những doanh nghiệp sở hữu nhiều tiền mặt sẽ có cơ hội hưởng lợi. Bởi trong quá trình sản xuất kinh doanh, việc duy trì lượng tiền mặt lớn bao gồm: tiền, các khoản tương đương tiền và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn sẽ là một lợi thế lớn khi doanh nghiệp ấy có nhu cầu mở rộng quy mô hoạt động, mua bán sáp nhập, trả nợ vay…

Phía sau dòng tiền lớn - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo chia sẻ của một doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ nội thất trên sàn HoSE, năm qua doanh thu từ hoạt động sản xuất chính của doanh nghiệp này sụt giảm tới hơn 30% so với năm liền kề do phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội. Tuy nhiên, doanh thu tài chính lại tăng tới hơn 40%, nhờ thực hiện chiến lược quản trị tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn tại các ngân hàng. Đồng thời doanh nghiệp uỷ thác một phần vốn cho quỹ đầu tư để đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Nhờ đó, mặc dù hoạt động sản xuất sụt giảm song doanh thu và cả lợi nhuận tổng thể của doanh nghiệp này vẫn tăng trưởng, doanh nghiệp chi trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 20%.

Trên thị trường không khó để chỉ ra nhiều tên tuổi nổi danh nắm trong tay lượng tiền mặt lớn. Trong bối cảnh thị trường trồi sụt liên tục gần đây, Fiin Group thống kê ra 15 cổ phiếu có tiền ròng (tiền - tổng nợ vay/vốn hoá lớn nhất) chẳng hạn: TCH, CTD, DXP, PSW, PVS...

Nguồn tiền các đơn vị này nắm trong tay khá đa dạng. Đơn cử, CTCP Đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy (TCH) nguồn tiền tăng mạnh nhờ chào bán 199,6 triệu cổ phần, thu về 2.554 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này được TCH dùng để góp vốn bổ sung vào công ty con là CTCP Phát triển Nhà Đại Lộc (gần 1.800 tỷ đồng) và công ty con CTCP Xây dựng Đại Thịnh Vượng (754,7 tỷ đồng). Trong khi đó, CTCP Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng (NDN), chiếm khoản mục đầu tư tài chính ngắn hạn (961 tỷ đồng) của công ty này là chứng khoán kinh doanh (479,2 tỷ đồng) đầu tư vào cổ phiếu như SHB, TCB, VHM, VIC, VNM... Tuy nhiên, khoản mục này dễ ảnh hưởng và biến động theo sự thay đổi của thị trường chứng khoán.

Nói về thước đo chi tiêu tiền ròng trên vốn hóa với sự hấp dẫn của cổ phiếu, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó giám đốc CTCP chứng khoán Kiến thiết Việt Nam nhìn nhận, tiền ròng trên vốn hóa đánh giá chi tiêu vốn của doanh nghiệp có tối ưu hay không. Giả sử giá cổ phiếu không đổi, chỉ tiêu này tăng đồng nghĩa doanh nghiệp vay nợ ít, ít chịu ảnh hưởng từ lạm phát cao và lãi suất tăng. Đồng nghĩa tránh được việc gia tăng chi phí tài chính; ngược lại nếu tỷ lệ thấp có thể hiểu là doanh nghiệp vay nợ nhiều.

Trạng thái tích cực của chỉ số tiền ròng trên vốn hóa còn cho thấy doanh nghiệp bán được hàng và có dòng tiền, ít bị đối tác thâm dụng vốn, không bị mất chi phí cơ hội. Ngoài ra, việc duy trì lượng tiền mặt lớn giúp doanh nghiệp duy trì và dự phòng phát triển cho các kế hoạch tương lai khi luôn cần nguồn vốn để phát triển, xây nhà xưởng, nhập hàng. Mặt khác, lượng tiền mặt càng nhiều khi thị trường đi xuống sẽ giúp doanh nghiệp có điều kiện mua nguyên vật liệu, giá vốn rẻ. Tuy vậy, ông Ngọc cho rằng bên cạnh chỉ tiêu tiền ròng trên vốn hóa, nhà đầu tư cần quan tâm thêm chỉ tiêu tăng trưởng doanh thu trên lợi nhuận, cũng như các kế hoạch phát triển trong trung trên dài hạn của doanh nghiệp.

Trong khi đó, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp luôn muốn mở rộng kinh doanh, hoạt động sản xuất. Điều này đồng nghĩa dòng vốn phải xoay chuyển, tạo ra hàng hóa và giá trị. Việc trữ lượng tiền mặt lớn không thực sự tốt cho doanh nghiệp. Lượng tiền mặt nhiều có thể phản ánh rằng doanh nghiệp chưa biết sử dụng nguồn tiền thế nào, đầu tư chưa hiệu quả.

Theo Huy Ngọc

Thời báo Ngân Hàng

Trở lên trên