MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phía sau những chuyện có 'một không hai' của năm 2021

Phía sau những chuyện có 'một không hai' của năm 2021

Thành phố giàu mạnh nhất tăng trưởng âm lần đầu tiên trong lịch sử, tuyến đường huyết mạch lần đầu tiên phải dừng bay, lễ khai giảng đầu tiên sân trường vắng bóng học trò... chúng ta còn lại gì sau những biến cố chưa từng có ấy?

Năm 2021 khởi đầu với sự lạc quan, kỳ vọng của tất cả mọi người, rằng nền kinh tế sẽ hồi phục và bật tăng trở lại. Nhiều tổ chức quốc tế dự báo, Việt Nam hoàn toàn có khả năng lấy lại tốc độ tăng trưởng 6-7% như trước Covid-19.

Không ai có thể hình dung được, với làn sóng Covid-19 mới (biến chủng Delta), chỉ sau vài tháng, Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM), nơi đóng góp ¼ ngân sách, ¼ GDP, gần như "hết sạch tiền", khốn đốn vì dịch bệnh. Lần đầu tiên trong lịch sử, trung tâm kinh tế, thương mại quan trọng nhất cả nước tăng trưởng âm tới 6,78%. Kinh tế Việt Nam lần đầu tiên chứng kiến mức tăng trưởng âm 6,17% trong quý 3 so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi bắt đầu tính và công bố GDP quý đến nay.

Cũng khó để tưởng tượng, các khu vui chơi, nghỉ dưỡng vốn thường nhộn nhịp, sôi động, tới năm nay lại vắng vẻ, hoang tàn. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel chia sẻ: "Nếu đi dọc Việt Nam hiện nay, ở tất cả các điểm du lịch, chúng ta sẽ thấy những quang cảnh thành phố ma, khu du lịch ma, không có người, tan hoang hết, và như thế này rất khó để làm cho du lịch quay trở lại, vì phục hồi cả một hệ thống như vậy không hề đơn giản".

Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam phải dừng tuyến bay huyết mạch Hà Nội – TP. HCM. Ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết: "Từ xưa đến nay, chưa bao giờ chúng ta dừng bay trên tuyến này cả. Chúng ta còn gọi là đường giải phóng miền Nam cơ mà! Thế mà khi ấy, chúng tôi phải dừng. Giờ nhìn lại, chưa bao giờ tôi gặp khủng hoảng nào dài như vậy cả".

Chưa bao giờ, thay vì tập trung trên sân trường, các em học sinh dự lễ khai giảng ngay tại nhà, đứng chào cờ trước màn hình TV, máy tính. Và cũng chưa bao giờ, với người dân Hà Nội, hay người dân TP. HCM, muốn ăn một bát phở thôi, lại khó khăn đến thế.

Có lẽ, với hàng loạt biến cố "chưa bao giờ" ấy, rất nhiều người chỉ muốn bước qua một năm khó khăn như vậy thật nhanh.

Thế nhưng, vẫn có ở đó những ánh sáng chiếu rọi vào đám mây u ám của năm 2021, vì chúng ta đã không từ bỏ. Với chiến dịch tiêm vaccine, những chính sách hỗ trợ được thực hiện đúng đắn và kịp thời, với những doanh nghiệp không ngừng nỗ lực để gây dựng lại những gì đã mất, và với những phẩm chất tốt đẹp rất "con người" được tỏa sáng giữa khó khăn, chúng ta có quyền mong chờ những điều tốt đẹp, tươi sáng hơn trong năm 2022 tới.

Tiên phong hỗ trợ đất nước vượt qua khủng hoảng, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã đóng góp những con số không tưởng cho hoạt động phòng chống dịch: 1.450 tỷ đồng cho TP. HCM mua vaccine, xây dựng các bệnh viện dã chiến hàng nghìn giường và tặng 25 triệu liều vaccine cho 25 tỉnh thành... Bà Trương Huệ Vân, tân Tổng giám đốc của tập đoàn bộc bạch: "Đôi khi nhìn lại thì chúng tôi nghĩ có lẽ do trời thương, để chúng tôi có thể thực thi được những gì tưởng chừng như không thể".

"Dù chưa hết năm 2021 nhưng nhìn vào các chỉ số quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, có thể thấy, quốc gia Đông Nam Á này vẫn làm được những điều phi thường" – trang thông tấn Sputnik của Nga nhận định.

Trí Thức Trẻ xin gửi tới bạn đọc tuyến bài "Một không hai" 2021, là những điều còn đọng lại, những kỷ niệm, bài học đáng nhớ đến từ các chuyên gia kinh tế, các lãnh đạo doanh nghiệp và từ cả những nhân vật đời thường nhất.

Câu chuyện đầu tiên sẽ là tâm sự của ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, Tổ trưởng Tổ tư vấn về chính sách phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế tại TP.HCM, người đã có những trải nghiệm có một không hai giữa tâm dịch lớn nhất cả nước trong năm 2021.


BBT

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên