MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phía sau những liều vắc xin “thần tốc” về Việt Nam: Thành tựu của ngoại giao vắc xin ở cấp cao nhất

Phía sau những liều vắc xin “thần tốc” về Việt Nam: Thành tựu của ngoại giao vắc xin ở cấp cao nhất

Kết thúc tốt đẹp những chuyến công du đặc biệt, chuyên cơ đưa Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trở về Việt Nam đều mang trên mình những liều vắc xin mà bạn bè quốc tế gửi tặng. Bên cạnh đó, nỗ lực của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chính phủ góp phần đưa hàng chục triệu liều vắc xin về Việt Nam chỉ trong tháng 8.

Tối muộn ngày 25/9, một nghi thức đặc biệt diễn ra ngay tại sân bay Nội Bài sau khi chiếc chuyên cơ đưa Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam trở về từ New York, Mỹ sau chuyến công du tới Cuba và dự Phiên họp cấp cao Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 76. Không lâu sau khi máy bay hạ cánh, công việc bốc dỡ hàng hóa đã được tiến hành.

Những kiện hàng lớn, gắn quốc kỳ cờ Việt Nam và Cuba được các phương tiện chuyên dụng bốc dỡ khỏi máy bay. Trong lúc đó, Bộ Ngoại giao đã chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức lễ tiếp nhận vắc xin, trang thiết bị và vật tư y tế phòng chống dịch COVID-19 được chuyển về Việt Nam cùng đoàn công tác của Chủ tịch nước.

Trong những kiện hàng đó là 1,05 triệu liều vắc xin mà đất nước Cuba anh em bàn giao cho phía Việt Nam. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, người vừa trở về Việt Nam sau hành trình dài nửa vòng trái đất, cũng tham dự lễ tiếp nhận. Phía Cuba có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Cuba tại Việt Nam Orlando Hernández Guillén.

Phía sau những liều vắc xin “thần tốc” về Việt Nam: Thành tựu của ngoại giao vắc xin ở cấp cao nhất - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc giới thiệu với các đại biểu lô vaccine của Cuba chuyển về Việt Nam theo chuyên cơ của Chủ tịch nước. Ảnh: QDND

Trong khuôn khổ chuyến công du của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Cuba, hai nước cũng đã ký kết mua 10 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 Abdala của Cuba. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm Trung tâm Nghiên cứu Di truyền và Công nghệ sinh học - CIGB thuộc Tập đoàn Sinh dược Cuba. Cuba và Việt Nam cũng đã bắt đầu hợp tác để Việt Nam có thể sản xuất và phân phối vắc xin này.

Bên cạnh 1,05 triệu liều vắc xin Abdala của Cuba, nhiều quốc gia và đối tác cũng đã cam kết viện trợ và cung cấp 1,5 triệu liều vắc xin cho Việt Nam trong khuôn khổ chuyến công du của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Mỹ tiếp tục cam kết viện trợ một số lượng lớn vắc xin cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX trong kỳ phân bổ sắp tới.

Trong chuyến chuyến công du, Chủ tịch nước cũng đã làm việc với công ty Pfizer và được cam kết chuyển đủ 31 triệu liều vắc xin đã ký hợp đồng với Việt Nam ngay trong năm 2021 và 20 triệu liều vắc xin cho trẻ em khi có đầy đủ dữ liệu về hiệu quả và tính an toàn.

2 tuần trước đó, chiều 12/9, chuyên cơ cũng đã đưa Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đáp xuống sân bay Nội Bài từ Thủ đô Helsinki, Phần Lan. Những thành tựu từ chuyến thăm châu Âu đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng được đánh giá rất cao.

Một trong những điểm nhấn của chuyến đi là công tác ngoại giao vắc xin và hợp tác phòng chống Covid-19. Trong chuyến thăm, Bỉ và Slovakia đã hỗ trợ 200.000 liều vắc xin và cam kết hỗ trợ, nhượng lại nhiều triệu liều vắc xin. Các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân cũng hỗ trợ trang thiết bị và vật tư y tế tổng trị giá 1.028 tỷ đồng (chưa bao gồm 200.000 liều vắc xin được tặng) cho Việt Nam.

Phía sau những liều vắc xin “thần tốc” về Việt Nam: Thành tựu của ngoại giao vắc xin ở cấp cao nhất - Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu, Đại sứ chứng kiến Lễ bàn giao 200.000 liều vaccine AstraZeneca và số thiết bị, vật tư y tế với tổng trị giá 1.028 tỷ đồng cho đại diện Bộ Y tế (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Ngay sau khi chiếc chuyên cơ hạ cánh xuống sân bay quốc tế Nội Bài, Văn phòng Quốc hội đã chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Lễ bàn giao vắc xin, thiết bị, vật tư y tế và kinh phí được ủng hộ trong chuyến công tác châu Âu của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam.

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch, Ngoại giao vắc xin trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Việc đề nghị các nước bạn nhượng lại cho Việt Nam số lượng vắc xin họ chưa dùng đến xuất hiện trong hầu hết các cuộc điện đàm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính suốt nhiều tháng qua.

Nửa đầu năm 2021, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp do chúng ta kiểm soát tốt dịch bệnh nên không được ưu tiên phân phối vắc xin. Tuy nhiên, khi đợt bùng phát thứ 4 lan rộng và gây ra những hậu quả nặng nề, cả về sinh mạng con người lẫn kinh tế, Việt Nam không ngần ngại đề cập thẳng thắn về vấn đề vắc xin với các quốc gia bạn bè, đối tác. Tiếng nói của Việt Nam đã nhanh chóng được thế giới lắng nghe.

Trong báo cáo mới nhất của Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vắc xin (được thành lập ngày 13/8/2021 theo Quyết định số 1399/QĐ-TTg mà Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành), Việt Nam đã nhận 16 triệu liều vắc xin Covid-19 trong tháng 8, nâng tổng số vắc xin đã nhận lên 33 triệu liều. Dự kiến trong tháng 9, Việt Nam có thể nhận thêm khoảng 16-17 triệu liều vắc xin nữa.

Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, 50% trong tổng số 33 triệu liều vắc xin mà Việt Nam nhận được chuyển về trong tháng 8. Số vắc xin này đóng vai trò quan trọng trong đẩy mạnh tiêm chủng ở các "điểm nóng", góp phần kiểm soát đại dịch lây lan và sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Bên cạnh nhập khẩu vắc xin, tự chủ vắc xin cũng là điểm được các lãnh đạo Việt Nam đặc biệt chú trọng đề cao. Ngày 26/9, lô vắc xin Sputnik V mã số SV-030721M sản xuất tại Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) đã được Viện Nghiên cứu quốc gia về dịch tễ học và vi sinh vật Gamaleya, Liên bang Nga phân tích, thẩm định và đánh giá đáp ứng yêu cầu của tài liệu quy chuẩn.

Phía sau những liều vắc xin “thần tốc” về Việt Nam: Thành tựu của ngoại giao vắc xin ở cấp cao nhất - Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi, động viên các nhà khoa học đang làm việc tại Công ty VABIOTECH. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

VABIOTECH là doanh nghiệp trực thuộc Bộ Y tế, có thỏa thuận với Viện Gamaleya của Nga trong sản xuất và phân phối vắc xin Sputnik V. Đây là loại vắc xin được gần 100 quốc gia trên toàn thế giới phê duyệt sử dụng khẩn cấp. Đánh giá chất lượng tại các quốc gia sử dung Sputnik V cho thấy vắc xin này có hiệu quả cao trong ngăn chặn dịch bệnh.

Tuy nhiên, thành tựu của VABIOTECH có sự ủng hộ không nhỏ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ. Ngay từ cuối tháng 6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm VABIOTECH cùng những lời động viên và chỉ đạo. Thủ tướng nhấn mạnh quyết tâm tập trung cho việc chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc xin nói chung và trước mắt là vắc xin COVID-19 càng sớm càng tốt.

Trung tuần tháng 9, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ cảm ơn và mong Nga tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về vắc xin, thuốc điều trị và vật tư y tế chống dịch. Chủ tịch nước cũng mong ưu tiên tiếp cận vắc xin và đẩy nhanh chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin cho Việt Nam. Đáp lại, Tổng thống Putin đã khẳng định tiếp tục hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ với Việt Nam nhằm sớm đẩy lùi đại dịch Covid-19.

Trong khi đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga cũng tích cực xúc tiến, triển khai nỗ lực "ngoại giao vắc xin". Đại sứ quán tăng cường trao đổi với phía Nga cũng như chủ động liên hệ với Viện Nghiên cứu quốc gia về dịch tễ học và vi sinh vật Gamaleya và các bên hữu quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc sản xuất vắc xin tại Việt Nam.

Với những nỗ lực không biết mệt mỏi của cả hệ thống chính trị, người dân Việt Nam có quyền mong đợi việc tự chủ sản xuất vắc xin sẽ chủ động cung cấp đầy đủ và nhanh nhất vắc xin cho công tác tiêm chủng trong nước nhằm sớm đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng, đưa cuộc sống trở lại bình thường. Xa hơn, chúng ta cũng có cơ sở để tin tưởng Việt Nam có thể tự sản xuất vắc xin, chủ động nguồn cung cấp từ năm 2022 trở đi và có thể xuất khẩu ra thế giới.

Linh Anh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên