Phía sau những sản phẩm công nghệ nổi bật của Trung Quốc và chìa khóa “mở tiềm năng” để Việt Nam bứt phá về công nghệ
Để tạo ra đột phá về khoa học công nghệ cho Việt Nam, PSG. TS Tạ Hải Tùng - Hiệu trưởng Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông - ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, Nhà nước cần trở thành bệ đỡ cho phát triển nhân lực chất lượng cao, hướng tới đào tạo tinh hoa.
Việt Nam có nhiều điều có thể học hỏi trong lĩnh vực đào tạo từ Trung Quốc, một nước láng giềng với nhiều nét tương đồng Việt Nam, đang gặt hái nhiều quả ngọt về đổi mới sáng tạo, với nhiều sản phẩm công nghệ ấn tượng từng bước chiếm lĩnh thị trường Thế giới cả về giá cả, chất lượng và hàm lượng công nghệ cao.
Ông Tùng chia sẻ, Việt Nam có các đại học hàng đầu được truyền thông gán mác “câu lạc bộ nghìn tỷ doanh thu” nhưng so với quy mô và đòi hỏi của nền kinh tế thì nguồn lực như vậy của các đại học này vẫn còn rất khiêm tốn. Trong khi đó, một đại học cấp tỉnh ở Trung Quốc với số giảng viên gấp nhiều lần và số sinh viên ít hơn rất nhiều một trường đại học Việt Nam thì chỉ riêng kinh phí cho một hoạt động là nghiên cứu khoa học đến từ riêng nguồn của Nhà nước đã gấp 7 lần chúng ta, khoảng 7.000 tỷ đồng.
Đơn cử như ngân sách của đại học hàng đầu của họ như Thanh Hoa cũng đã lên tới hơn 4 tỷ USD (hơn 100 nghìn tỷ đồng). So với 17.000 tỷ đồng ngân sách Nhà nước dành cho toàn bộ hệ thống giáo dục đại học Việt Nam (số liệu của Bộ Tài chính năm 2020) mới thấy, họ đầu tư cho giáo dục tinh hoa nhiều hơn chúng ta rất rất nhiều.
Một sự thực không thể chối cãi, “khó có một cái gì tốt mà lại không phải đầu tư xứng đáng, hay muốn có thành phẩm chất lượng cao mà lại đầu tư ít nguồn lực thì cái ta thu được chắc chắn không thể như kỳ vọng!”, ông Tùng nhấn mạnh.
Ngày nay, nói về sản phẩm sáng tạo giờ ở châu Á thì Trung Quốc mới là cái tên truyền cảm hứng nhất, chứ không phải Nhật Bản hay Hàn Quốc, với hàng loạt công ty đang tạo được tiếng vang trên toàn cầu như ByteDance, Tencent, Alibaba, Xiaomi, Huawei, BYD, CATL, DJI, Hikvision, Ecovacs, Ezviz…
Ông từng nói: "Muốn đất nước có trận Điện Biên Phủ ở mặt trận Khoa học Công nghệ thì điểm đột phá, tương tự như 70 năm trước: chính là con người, mà giờ là con người khoa học công nghệ, và con người khoa học công nghệ phải được đào tạo ở các Đại học xứng tầm".
Từ chuyến công tác đến một số trường đại học hàng đầu ở Trung Quốc mới đây, ông nhận thấy chúng ta có thể học được gì?
Như chúng ta đã biết, năm 2023, theo Bảng xếp hạng Times Higher Education Trung Quốc có 7 trường nằm trong top 10 trường đại học hàng đầu châu Á với Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh chia nhau 2 vị trí đứng đầu bảng xếp hạng.
Điều này cho thấy họ đã phát triển rất nhanh trong hơn 20 năm qua. Là nước láng giềng, xuất phát điểm về kinh tế - xã hội, cũng như thể chế có nhiều nét tương đồng Việt Nam, đặc biệt đang rất thành công về nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo nên đương nhiên Trung Quốc trở thành mối quan tâm hàng đầu.
Do đó, trong thời gian vừa qua, cùng với đoàn công tác của Đại học Bách khoa Hà Nội, tôi đã có chuyến công tác sang các trường công nghệ hàng đầu tại Thẩm Quyến, Bắc Kinh (Trung Quốc) và nhận thấy 3 bài học kinh nghiệm chúng ta nên học tập.
Đầu tiên, họ có chính sách phát triển giáo dục đại học nhất quán và xuyên suốt trên Toàn quốc, từ Trung ương đến địa phương, ở đó, đặt các đại học hàng đầu vào vị trí trung tâm với sứ mệnh tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, cũng như xây dựng nền tảng khoa học – công nghệ tiên tiến cho đất nước, với định hướng đổi mới sáng tạo rất rõ nét. Trong đó, chúng tôi thực sự ấn tượng với các chính sách thu hút nhân tài bao gồm đội ngũ giảng viên và sinh viên giỏi, quốc tế rất hiệu quả của họ. Đó là những nhân tài thật sự, tầm vóc Thế giới.
Tiếp theo, họ đã xây dựng được mô hình quản trị đại học hiệu quả kết hợp các mô hình phổ quát tiên tiến trên Thế giới với các đặc thù mang màu sắc Trung Quốc. Chúng tôi coi đó có thể là các mô hình quản trị hướng tới các đại học nghiên cứu hàng đầu mà chúng ta có thể tham khảo.
Cuối cùng, khi đã xác định được hướng đi và mô hình phù hợp, họ đã đầu tư rất mạnh mẽ để nhanh chóng phát triển các đại học chất lượng cao, kịp thời đáp ứng nhu cầu khoa học – công nghệ và nguồn nhân lực trước đòi hỏi phát triển kinh tế - xã hội. Nguồn ngân sách đầu tư cho các đại học ở các mảng cơ sở vật chất và kinh phí đào tạo, nghiên cứu của họ rất dồi dào.
Đáng chú ý, để tạo ra sự khác biệt và vọt lên nhanh chóng, Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư Nhà nước cho các đại học hàng đầu (thường chiếm khoảng 80% ngân sách hoạt động), từ TW đến chính quyền địa phương của tỉnh, thành phố.
Thậm chí, các giảng viên đại học Trung Quốc hiện có một “sự đau đầu dễ chịu” là làm thế nào để giải ngân hết kinh phí tài trợ, vốn được cung cấp để kỳ vọng tạo ra nhiều hơn nữa các kết quả nghiên cứu tốt. Cùng với đó, họ có tầm nhìn rõ ràng về sứ mệnh dài hạn của các trường đại học là đào tạo và nghiên cứu. Hai điều này cộng hưởng tạo ra một Trung Quốc phát triển ấn tượng như ngày hôm nay.
Còn ở Việt Nam, các đại học hàng đầu được truyền thông gán mác “câu lạc bộ nghìn tỷ doanh thu” nhưng so với quy mô và đòi hỏi của nền kinh tế thì nguồn lực như vậy của các đại học này vẫn còn rất khiêm tốn.
Như ông vừa chia sẻ, kinh phí cho các trường đại học hàng đầu ở Trung Quốc có 80% đến từ Nhà nước, trong khi đó nhiều trường đại học lớn ở Việt Nam đang đi theo mô hình tự chủ. Ông thấy gì từ mô hình đại học này ở Việt Nam?
Điều đầu tiên thấy rõ, mô hình tự chủ đại học thành công trong giai đoạn vừa qua đem lại sức sống mới cho các trường đại học Việt Nam và yêu cầu các trường phải năng động hơn trong thu hút nhân tài, cũng như tối ưu hệ thống và mô hình quản trị.
Tuy nhiên, giai đoạn vừa qua “tự chủ đại học” thường được hiểu song hành với “tự lo tài chính”, chính vì vậy, mô hình tự chủ kiểu này có thể khiến các trường đại học, đặc biệt là các đại học hàng đầu, xa rời sứ mệnh vốn có là chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như chuẩn bị nền tảng khoa học – công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển. Chúng ta có thể dễ sa vào bẫy là các đại học tự chủ chỉ đào tạo các ngành nghề “hot” và quên đi các ngành chưa “hot” nhưng rất cần cho sự phát triển của một quốc gia.
Một câu chuyện chúng ta thấy rất rõ, cách đây khoảng 15 năm, ngành ô tô không phải ngành hot nhưng với sự ra đời của Thaco, VinFast và các tập đoàn lớn khác, ngành ô tô trở nên hấp dẫn hơn và trở thành ngành học quan trọng, điều gì xảy ra nếu 15 năm trước vì tuyển sinh không hiệu quả, chúng ta phải xóa sổ ngành đào tạo này.
Trong khi với các lĩnh vực hot như kinh tế, hay công nghệ thông tin thì phải có đến vài trăm cơ sở đào tạo ở các trình độ khác nhau cùng tham gia đào tạo, với chất lượng không phải ở nơi nào cũng có thể đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.
Theo tôi, đã đến lúc chúng ta cần học theo mô hình của các đại học tiên tiến trên thế giới. Tức Nhà nước nên phân tầng và trao cho các trường đại học sứ mệnh phù hợp với năng lực. Nên có những trường chuyên về đào tạo tinh hoa (số ít), bên cạnh những trường chuyên về đào tạo nghề nghiệp (số nhiều).
Đặc biệt, Nhà nước nên có các hình thức đầu tư, hỗ trợ để các trường bất kể công lập hay tư thục hoàn thành sứ mệnh của mình, trong đó, cần đặc biệt chú trọng dành nguồn lực cho các đại học hàng đầu, phát triển họ như “các máy cái” về đào tạo và nghiên cứu tinh hoa, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao không những phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, mà còn phục vụ chính nhiệm vụ đào tạo cho các cơ sở khác. Dĩ nhiên, chúng ta cần cân nhắc giữa đóng góp của Nhà nước và các nguồn xã hội khác nhưng chắc chắn đào tạo đại học tinh hoa rất cần sự đầu tư lớn của Nhà nước.
Thành lập được 4 năm, Trường CNTT và Truyền thông đi theo mô hình như thế nào để trở thành đơn vị đào tạo “xứng tầm”?
Trong những năm vừa qua, việc chuyển sang cơ chế tự chủ đại học tại Đại học Bách khoa Hà Nội đã khá thành công, và dù còn phải cố gắng nhiều thì vẫn có thể tự hào nhìn nhận đây đang là một hình mẫu về tự chủ đại học ở Việt Nam.
Và với riêng Trường CNTT&TT thì việc chuyển đổi sang mô hình tự chủ đại học đã tạo ra “sức ép tích cực”, góp phần giúp đơn vị trẻ như chúng tôi có cơ hội để thể hiện sự năng động và sáng tạo trong quản lý và điều hành hoạt động đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.
Nên hiện tại, mô hình quản trị của Đại học Bách Khoa Hà Nội nói chung và Trường CNTT và Truyền thông nói riêng đã bước đầu theo mô hình quản trị tiên tiến, tập trung vào đào tạo, nghiên cứu trình độ cao và hướng tới trở thành đại học nghiên cứu.
Ở các đơn vị của ĐHBKHN đã không còn các bộ môn theo mô hình cũ, và hoạt động chuyên môn chính được diễn ra ở các nhóm chuyên môn, phòng thí nghiệm nghiên cứu, tạo ra sự linh hoạt trong quản trị nguồn lực, cũng như từng bước chuyển trọng tâm sang hoạt động nghiên cứu trình độ cao.
Hoạt động nghiên cứu sẽ tạo ra 3 hiệu ứng tích cực lớn. Đầu tiên, chỉ có con đường nghiên cứu, các giảng viên mới tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn và quay trở lại phục vụ đào tạo trình độ cao. Vì khoa học công nghệ thay đổi liên tục, nếu chúng ta không duy trì mạch nghiên cứu liên tục, sẽ rất khó để sinh viên cập nhật kiến thức và công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới.
Cùng với đó, nghiên cứu ở trường đại học còn có sứ mệnh là chuẩn bị nền tảng khoa học - công nghệ cho đất nước. Điều này được thấy rõ khi Covid-19 xảy ra, nguồn lực nội tại của đất nước chính là khoa học công nghệ, thứ mà “lúc nguy nan” có tiền cũng không mua được.
Thêm vào đó, việc sinh viên được tham gia vào các hoạt động nghiên cứu từ sớm sẽ giúp các em nắm vững các kiến thức cốt lõi và cập nhật, tạo điều kiện cho các hoạt động đổi mới sáng tạo ngay từ trên ghế Nhà trường.
Hiện nay, cứ có một ngành nghề nào đó “hot” thì mọi người sẽ ồ ạt theo học. Trước đây, ngành lập trình, phân tích dữ liệu rất hot nhưng giờ tình trạng thất nghiệp đã xảy ra. Ông nghĩ sao về hiện tượng đào tạo nhân lực công nghệ thông tin theo phong trào?
Thực tế, làn sóng các doanh nghiệp công nghệ sa thải hàng hoạt đến từ các nước lớn nhất thế giới như Mỹ, Tây Âu… do nhu cầu sau đại dịch Covid-19 sụt giảm. Tuy nhiên, sau nhiều năm gắn bó với ngành công nghệ thông tin, tôi nhận thấy, dù ở thời nào, nhân lực thừa luôn thừa và thiếu luôn thiếu.
Nôm na, chúng ta luôn thừa nhân lực được đào tạo ra với trình độ chuyên môn “làng nhàng”. Nếu như kỹ sư công nghệ thông tin ra trường chỉ có thể làm những việc hết sức đơn giản, ví dụ như thiết kế trang web, nhập liệu, dán nhãn dữ liệu… hoặc các công việc liên quan đến quản trị hệ thống đơn giản thì chắc chắn sẽ bị đào thải.
Trong khi đó, chúng ta vẫn luôn rất thiếu những kỹ sư công nghệ thông tin có trình độ cao, có khả năng làm việc trong môi trường toàn cầu hóa. Lĩnh vực công nghệ thông tin là lĩnh vực toàn cầu hóa rất mạnh, một lập trình viên chỉ cần một cái máy tính và một đường truyền internet, có thể ngồi làm việc ở Việt Nam nhưng phục vụ khách hàng ở các nước trên thế giới là chuyện bình thường.
Vì vậy, đào tạo nhân lực CNTT trình độ cao còn là mở rộng không gian phát triển cho người trẻ Việt Nam, thay vì làm các công việc giản đơn với thu nhập thấp, các em có thể có được các công việc tốt với mức đãi ngộ quốc tế.
Vậy chúng ta cần những yếu tố nào để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao?
Bản chất là đào tạo nhân lực chất lượng cao cần 4 yếu tố. Đầu tiên, chúng ta phải có thầy giỏi. Tiếp theo, chúng ta phải có trò giỏi, cần tuyển chọn những bộ óc thông minh, sáng láng nhất và quy tụ họ lại để đào tạo tinh hoa cho đất nước. Sau đó, cơ sở vật chất cần được đầu tư đầy đủ. Ngoài 3 điều này, một yếu tố không thể thiếu chính là hệ sinh thái bao gồm các doanh nghiệp, các công ty và hỗ trợ đổi mới sáng tạo.
Trong đó, điều tiên quyết để thực hiện 4 yếu tố này là nguồn kinh phí, và với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hướng tới đổi mới sáng tạo thì Nhà nước với nguồn lực, và sứ mệnh phát triển xã hội, phải là nơi cung cấp ngân sách chủ yếu. Điển hình như Trung Quốc, họ sẵn sàng trả mức lương rất hậu hĩnh để mời gọi các nhà khoa học Hoa Kiều về nước cống hiến hay đẩy mạnh thu hút các nhân tài nước ngoài đến làm việc nhằm bổ sung nguồn lực mới và cách làm mới theo chuẩn mực quốc tế.
Ngoài ra, hiện nay, hệ sinh thái hỗ trợ đổi mới sáng tạo, với hạt nhân là các tập đoàn công nghệ Việt Nam còn chưa được hoàn chỉnh. Các doanh nghiệp đa phần là vừa và nhỏ nên suy nghĩ về nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo chưa đầy đủ như doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, sự hỗ trợ từ Nhà nước rất quan trọng.
Có lẽ manh nha chỉ có ở một số tập đoàn lớn như Vingroup hay Viettel hoặc FPT, còn lại từ trải nghiệm của tôi, nhiều doanh nghiệp còn đang rất vất vả để tồn tại. Hơn nữa, nhiều công ty công nghệ Việt Nam hướng đến gia công là chính nên việc đầu tư nguồn lực nghiên cứu phát triển, cũng như nhu cầu tìm đến các trường đại học chưa lớn.
Cảm ơn ông!
Nhịp sống thị trường
Sự kiện: TECH INSIDER
Xem tất cả >>- AI đang biến đổi ngành khách sạn như thế nào: Thông tin chuyên sâu và chiến lược
- CEO Amazon Global Selling ‘giải mã’ lý do thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam với hạt nhân là các doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ
- Điều đặc biệt phía sau sản phẩm công nghệ Việt xuất hiện tại khai mạc Olympic Paris 2024
- AI có thể thay đổi cục diện ngành du lịch Việt
- Vì sao các vụ lừa đảo giả danh công an thường dùng Zalo, lừa đảo đầu tư dùng Telegram và lừa đảo chuyển tiền dùng Facebook?