MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phía sau sự thành công của chiến lược sức mạnh mềm Nhật Bản

27-10-2023 - 17:48 PM | Tài chính quốc tế

Một đám đông trước khu vực giao lộ Shibuya sầm uất của Tokyo.Ảnh: Anton Cherednichenko / Pexels)

Một đám đông trước khu vực giao lộ Shibuya sầm uất của Tokyo.Ảnh: Anton Cherednichenko / Pexels)

Nhật Bản đang ra sức gây ảnh hưởng bằng văn hóa, xã hội và kinh tế. Nhưng người Nhật thường không muốn cho người khác biết về những nỗ lực của mình. Vậy Nhật Bản đã làm gì để có thành công ấy?

“Quyền lực mềm” là thuật ngữ do giáo sư Joseph S.Nye thuộc Đại học Harvard của Mỹ đưa ra để mô tả cách các quốc gia “đạt được điều họ muốn bằng sự hấp dẫn chứ không phải bằng áp bức”.

Theo tạp chí Time, Heizo Takenaka, cựu Bộ trưởng Kinh tế và Chính sách tài chính Nhật Bản, từng phát biểu: “Quyền lực mềm là loại vũ khí rất hữu hiệu. Nếu chúng tôi có những nhà lãnh đạo chính trị phù hợp, nó còn có thể có hiệu quả mạnh hơn nữa."

Bị ràng buộc bởi Hiến pháp hòa bình, Nhật Bản đã phải dựa nhiều hơn vào các biện pháp không mang tính cưỡng chế để điều chỉnh lại vị thế của mình như một cường quốc tầm trung đang lên. Điều này đặc biệt đúng ở Đông Nam Á, nơi thảm họa do chiến tranh gây nên đã làm mất lòng tin giữa các nước trong khu vực đối với Nhật Bản.

Việc thành lập ASEAN và Học thuyết Fukuda năm 1977 là một bước ngoặt xác định lại sự tham gia của Nhật Bản trong khu vực. Học thuyết nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác “từ trái tim đến trái tim” như một nguyên tắc chỉ đạo. Kể từ đó, Nhật Bản đã có những bước tiến vững chắc trong việc giành được chỗ đứng trong khu vực, một phần nhờ vào chiến lược quyền lực mềm đa diện, thúc đẩy văn hóa, chính sách đối ngoại và các giá trị chính trị của nước này.

Văn hóa - Sức mạnh mềm của Nhật Bản

Trong vài thập kỷ qua, hoạt động xuất khẩu văn hóa của Nhật Bản đã gây được tiếng vang trên toàn cầu. Hình ảnh anime, manga và nhạc pop Nhật Bản (J-pop) nổi lên như hình ảnh thu nhỏ của quyền lực mềm. Đông Nam Á là thị trường lớn cho ngành công nghiệp nội dung và sáng tạo của Nhật Bản. Khu vực này là quê hương của ba trong số năm quốc gia có mức độ phổ biến anime cao nhất. Nó cũng đã trở thành một trung tâm dành cho người hâm mộ, với Lễ hội Anime Châu Á kéo dài ba ngày hàng năm tại Singapore, thu hút hơn 145.000 du khách vào năm 2022.

J-pop cũng đã thu hút khán giả khắp khu vực, với nhóm nhạc nữ Nhật Bản AKB48 hoạt động ở Indonesia (JKT48), Philippines (MNL48) và Thái Lan (BNK48). Vào tháng 8 năm nay, McDonald's Indonesia đã tạo ra một bản nhạc J-pop leng keng để chào đón sự trở lại của loại bánh mì kẹp thịt mang "Hương vị Nhật Bản". Được viết hoàn toàn bằng tiếng Nhật và phát hành không có phụ đề ở Indonesia, video âm nhạc này đã thu hút được ba triệu lượt xem trên YouTube trong tuần đầu tiên ra mắt. Mặc dù, nhiều người Indonesia không hiểu ý nghĩa của lời bài hát, nhưng nó thể hiện sự đón nhận mạnh mẽ đối với văn hóa Nhật Bản.

Phía sau sự thành công của chiến lược sức mạnh mềm Nhật Bản - Ảnh 1.

Các cosplayer và người hâm mộ anime đã đến thăm Anime Festival Asia tại Singapore vào tháng 11 năm 2022. Ảnh: Anime Festival Asia

Ngoài việc thu hút sự chú ý của người dân Đông Nam Á, Nhật Bản còn là một điểm đến du lịch nổi tiếng. Theo khảo sát tình trạng Đông Nam Á của ISEAS – Viện Yusof Ishak, Nhật Bản là điểm đến du lịch hàng đầu trong 4 năm liên tiếp, từ 2020-2023. Khi du lịch tiếp tục trở lại sau đại dịch, công dân Đông Nam Á đã quay trở lại Nhật Bản, với hơn 260.000 lượt ghé thăm chỉ riêng trong tháng 6 năm 2023 . Đây là mức giảm nhẹ so với mức độ du lịch trước đại dịch, vốn đón 272.000 du khách Đông Nam Á trong cùng kỳ năm 2019 .

Mặc dù, sự trỗi dậy của ảnh hưởng văn hóa Nhật Bản có vẻ tình cờ nhưng thực tế lại không như vậy. Nói đúng hơn, đó là kết quả của sự suy tính từ trước và đầu tư của chính phủ. Từ cố Thủ tướng Shinzo Abe đến Fumio Kishida, các chính quyền Nhật Bản liên tiếp đã thúc đẩy các chính sách nhằm nâng cao “Tổng sức hấp dẫn quốc gia” của đất nước.

Vào đầu thế kỷ 21, khi Nhật Bản đang ở giữa “thập kỷ mất mát” với tốc độ tăng trưởng trì trệ và sự suy giảm lực lượng lao động, chính phủ đã tìm kiếm các chiến lược mới để vực dậy nền kinh tế quốc gia. Họ nhận thức được rằng các ngành công nghiệp nội dung và sáng tạo có thể là động lực tăng trưởng mới của đất nước. Ngành công nghiệp trước đây bị lãng quên này giờ đây được coi như là nguồn tài nguyên thiên nhiên mới được phát hiện.

Các nỗ lực ban đầu do Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) chỉ đạo thông qua việc triển khai Chiến lược Cool Japan vào năm 2012. Chiến lược này nhằm tận dụng văn hóa đại chúng Nhật Bản và có ba yếu tố: khai thác nhu cầu trong nước, kết hợp nhu cầu nước ngoài và chuyển đổi cơ cấu của các ngành công nghiệp sáng tạo.

Nếu hoàn thành, ba yếu tố này sẽ giúp đảm bảo việc làm mới và khôi phục nền kinh tế của khu vực. Để hỗ trợ các sáng kiến của chiến lược, đặc biệt là thúc đẩy nhu cầu nước ngoài đối với các sản phẩm và dịch vụ của Nhật Bản, Quỹ Cool Japan được thành lập vào năm 2013. Khi thành lập, quỹ đầu tư công-tư đã nhận được 50 tỷ yên từ chính phủ Nhật Bản và 10 tỷ yên từ tư nhân và các cơ quan.

Tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo Nhật Bản

Ngoài sức hấp dẫn của nền văn hóa đại chúng, quá trình triển khai quyền lực mềm đa dạng của Nhật Bản còn phụ thuộc vào một yếu tố quan trọng khác. Đó là khả năng lãnh đạo của Chính phủ Nhật trong việc giải quyết các thách thức chung.

Cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 xảy ra ở châu Á với hiệu ứng domino cùng sự bất ổn kinh tế của ASEAN có thể gây ra đối với Nhật Bản. Nhận thức rõ điều này, Nhật Bản đã hỗ trợ các nước ASEAN thông qua giải ngân hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) - song phương và tập thể. Nhật Bản củng cố sự ủng hộ của mình đối với ASEAN và các nỗ lực xây dựng cộng đồng của khối thông qua các sáng kiến như Quỹ hội nhập Nhật Bản-ASEAN (JAIF) được đưa ra vào năm 2006.

Gần đây nhất, Nhật Bản đã hỗ trợ Quỹ ứng phó Covid-19 của ASEAN. Qũy này bao gồm các khoản quyên góp cho JAIF để giải quyết tình trạng khẩn cấp về sức khỏe, cung cấp thiết bị y tế và liều vaccine, đào tạo nhân viên y tế từ các nước ASEAN và đóng góp cho Trung tâm ASEAN về các trường hợp khẩn cấp và bệnh mới nổi về sức khỏe cộng đồng ( ACPHEED).

Để hỗ trợ quá trình phục hồi sau đại dịch của khu vực, nước này cũng đã thiết lập Kế hoạch hành động phục hồi kinh tế ASEAN-Nhật Bản nhằm duy trì mối quan hệ chặt chẽ giữa hai bên, làm giảm thiểu tác động kinh tế và tăng cường khả năng phục hồi. Các biện pháp cụ thể trong kế hoạch hành động bao gồm xây dựng năng lực về chuỗi giá trị toàn cầu và số hóa, thiết lập mạng lưới đổi mới cho các công ty khởi nghiệp và hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME).

Nhật Bản cũng đảm nhận vai trò lãnh đạo trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và giải quyết các vấn đề an ninh khu vực. Trước đây, Nhật Bản đã đặt mục tiêu không phát thải vào năm 2050, đồng thời theo đuổi mục tiêu giảm phát thải 46% vào năm 2030. Nhật Bản cũng đã thành lập Cộng đồng Châu Á không phát thải (AZEC), một nền tảng cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để giúp các nước Đông Nam Á theo đuổi mục tiêu sáng kiến khử cacbon.

Vào tháng 8 năm nay, ASEAN và Nhật Bản cũng đã khởi động Chương trình chiến lược về sáng kiến Khí hậu và Môi trường ASEAN (SPACE), nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ba mặt là biến đổi khí hậu, ô nhiễm và mất đa dạng sinh học. Nhận thức được tính dễ bị tổn thương của khu vực trước các thảm họa do khí hậu và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, Nhật Bản cũng đã tận dụng chuyên môn kỹ thuật của mình để tăng cường khả năng ứng phó quản lý thảm họa của ASEAN.

Sự hỗ trợ của nước này đối với Trung tâm điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong quản lý thảm họa (Trung tâm AHA), đã giúp thiết lập một hệ thống công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) tích hợp và hệ thống hậu cần khẩn cấp thiên tai cho ASEAN (DELSA). Qua sự phối hợp hài hòa của hai bên đã tạo điều kiện huy động nguồn lực cho các quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp sau thảm họa.

Phía sau sự thành công của chiến lược sức mạnh mềm Nhật Bản - Ảnh 2.

Hoàng đế Nhật Bản Naruhito (trái) tại Ga tàu điện ngầm Jakarta ở Lebak Bulus.Ảnh: Irwan Citrajaya / PT MRT Jakarta

Về an ninh, Nhật Bản là đối tác đối thoại đầu tiên của ASEAN, điều chỉnh tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở với tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP), được công bố trong Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 23 vào năm 2020.

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 26/9/2023, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã công bố khoản đóng góp mới trị giá 100 triệu USD cho JAIF, dự kiến sẽ triển khai các lĩnh vực trọng điểm trong AOIP. Khoản tiền này bổ sung cho khoản đóng góp trước đó là 243,6 triệu USD của Nhật Bản cho JAIF kể từ năm 2006 để hỗ trợ kết nối ASEAN và hội nhập khu vực .

Cuối cùng, Nhật Bản đã đưa ra các giải pháp thay thế hiệu quả cho Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc để phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy cơ sở hạ tầng chất lượng và các nguyên tắc về tính toàn diện, bền vững và khả năng phục hồi trong đầu tư của mình. Thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), nước này đã xây dựng cầu, hệ thống tàu điện ngầm và đường dây truyền tải điện. Những công trình lớn được Nhật Bản tham gia đầu tư và xây dựng bao gồm cầu Hữu nghị Thái-Lào thứ hai, nối Thái Lan và Lào, cầu Tsubasa nối Campuchia và Việt Nam và hệ thống tàu điện ngầm đầu tiên của Indonesia ở Jakarta.

Những nỗ lực được đền đáp xứng đáng

Chiến lược quyền lực mềm đa diện của Nhật Bản, kết hợp văn hóa đại chúng, chính sách đối ngoại và các giá trị chính trị đã phát huy tác dụng tốt ở Đông Nam Á. Hiện Nhật Bản được coi là cường quốc đáng tin cậy nhất khu vực trong 5 năm liên tiếp kể từ năm 2019, theo khảo sát Tình hình Đông Nam Á của ISEAS .

Trong 5 năm qua, một trong ba lý do hàng đầu khiến người được hỏi tin tưởng vào Nhật Bản là nước này là một bên liên quan có trách nhiệm, tôn trọng và bảo vệ luật pháp quốc tế, tôn trọng văn hóa và văn minh của các nước.

Chỉ số Quyền lực mềm Toàn cầu 2023 cũng xếp Nhật Bản ở vị trí thứ tư, chỉ sau Mỹ, Vương quốc Anh và Đức.Chiến lược sử dụng quyền lực mềm của Nhật Bản đã giúp xây dựng mối quan hệ bền chặt với ASEAN trong 50 năm qua - một mối quan hệ đã phát triển từ động lực nhà tài trợ - người nhận thành quan hệ đối tác bình đẳng dựa trên sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.

Theo Ngọc Hưng

Báo Tin Tức

Trở lên trên