Phía sau tấm vé bán kết của U22 Việt Nam: Tiễn người, răn mình
Thầy trò HLV Park Hang-seo đã loại U22 Thái Lan khỏi SEA Games theo cách không thể kịch tính hơn, còn người hâm mộ cả nước cũng trải qua những khoảnh khắc thót tim vì họ. Dù sao thì với U22 Việt Nam, mục tiêu vẫn hoàn thành mà bài học thì ngày một dày thêm trong tay nải…
- 06-12-2019Bác sĩ U22 Việt Nam nói Quang Hải nghỉ hết SEA Games 30, mâu thuẫn với câu trả lời của HLV Park Hang-seo
- 05-12-2019HLV Park Hang-seo báo tin buồn: "Quang Hải không đá được bán kết SEA Games 30"
- 05-12-2019HLV Park Hang-seo: "Tôi vừa trải qua 3 trận đấu vất vả nhất sự nghiệp"
Ở triều đại của ông Park, thành tích bất bại trước mọi cấp độ tuyển Thái (trong đó có nhiều chiến thắng thuyết phục) khiến người ta tưởng rằng cầu thủ Việt đã vượt qua hoàn toàn nỗi ám ảnh kéo dài hơn hai thập kỷ. Nhưng lúc này, khi cuộc so găng lứa tuổi U22 khép lại với những tiếng thở phào, tất cả cùng buộc phải thừa nhận, Thái Lan vẫn là đối thủ làm chúng ta… khổ nhất.
U22 Việt Nam nắm trong tay mọi lợi thế, từ vị trí, điểm số đến hiệu số, thậm chí nói một cách AQ nhất, kể cả thua với 1 bàn cách biệt chúng ta vẫn an toàn. Nhưng chẳng thể nào hình dung nổi đội bóng của ông Park, vâng, một đội bóng thực sự là của ông Park, lại có cách bắt đầu trận đấu thảm hoạ đến thế.
Đặc sản siêu phòng ngự vẫn dán nhãn Park Hang-seo, nhưng nó vụn vỡ chỉ sau chừng 10 phút bóng lăn với 2 bàn thua như từ trên trời rơi xuống. Hàng thủ ra sân đều là những người tốt nhất, với Tấn Sinh, Thành Chung, Văn Hậu, và trong khung gỗ là Văn Toản, trận thứ hai liên tiếp thế chỗ Tiến Dũng mắc sai lầm.
Éo le thay, "niềm đau" của những người gác đền lại tiếp tục kéo dài. Giống như Phí Minh Long của trận gặp Thái Lan 2 năm trước, Văn Toản "đốt nhà" từ quá sớm bằng cú đá bóng lên trúng người Supachai. Những bàn thua lãng xẹt kiểu này gây ra hệ luỵ khôn lường, không chỉ là bàn nhân đôi cách biệt cho đối phương đến ngay sau đó mà còn là trạng thái hoảng loạn bao trùm khắp U22 Việt Nam.
Sự hoảng loạn là thứ gần như không tồn tại kể từ khi ông Park đến. Nhưng trong một trận cầu sống còn, với người Thái ở phía bên kia, tâm thế đó xuất hiện khiến những dự cảm bất an lại ùa về. Chúng ta gần như đã ném chiếc vé bán kết của mình vào tay đối thủ.
Thật may là đội bóng của Akira Nishino cũng không giỏi trong việc giữ gìn lợi thế. Dường như họ cũng quá bất ngờ trước những món quà được tặng cho, đến mức không biết mình cần phải làm gì tiếp đó. Chỉ 4 phút sau, rừng phòng thủ áo xanh bất lực nhìn Tiến Linh gỡ 1 bàn với quả đánh đầu còn quý hơn vàng.
Chỉ với 1 bàn mong manh đó, hy vọng lại dào dạt trở về. Từ chỗ đã bị loại, chúng ta lại nắm quyền đi tiếp. Từ chỗ buộc phải dồn lên tìm bàn thắng, chúng ta lại được thư thái chơi kiểu bóng đá của mình. Từ chỗ hừng hực thế thượng phong, người Thái lại chết lặng trở về với thực tại đáng buồn của họ.
Đấy là thực tại của một đội bóng đã thua Indonesia và phải cực kỳ chật vật mới thắng nổi Lào, bây giờ buộc phải săn đuổi thêm một bàn cách biệt vào lưới Việt Nam.
Nhiệm vụ ấy càng nặng nề hơn với họ khi các học trò ông Park đã bình tâm trở lại, còn người Thái thì bắt đầu hiện nguyên hình là công không sắc và thủ không dày. Khi các món quà không tới nữa, họ cũng không dám dồn toàn lực lên để đi tìm, bởi nỗi lo hở sườn bị phản công.
HLV Park Hang-seo thực sự rất quái chiêu khi tung Hà Đức Chinh vào sân, như dội một gáo nước lạnh vào ý đồ dâng cao của Akira Nishino. Với hai tiền đạo, U22 Việt Nam thiết lập lại thế trận cân bằng, đẩy Thái Lan vào thế giằng co mà mỗi phút trôi đi đều là một lợi thế của chúng ta.
Trong một cục diện như vậy, bàn thắng từ chấm phạt đền của Tiến Linh giống như dấu chấm hết cho người Thái. Nó không chỉ tạo ra khoảng cách đủ lớn ở trò chơi đuổi bắt mà còn giúp thầy Park bảo toàn chiến tích bất bại Thái Lan trong mọi cuộc đối đầu. Những con số thống kê đôi khi không mang nhiều ý nghĩa, nhưng trong trường hợp này, nó giống như một "lá bùa" động viên cả đội bước vào loạt đấu "nốc ao".
U22 Việt Nam đạt mục tiêu bán kết khi đã trải qua những phút giây chết hụt, để lại cho ông Park Hang-seo và đội ngũ của mình những bài học không thể sát thực hơn. Giờ thì ông thầy Hàn Quốc sẽ chọn ai để giữ thành, tiếp tục là Văn Toản hay lại quay về Tiến Dũng? Tấn Sinh có tiếp tục đá 11m nếu trận đấu phải quy về loạt luân lưu? Và hàng thủ sẽ phải gia cố lại thế nào để bền vững đúng như đặc trưng thầy Park?
Tiễn Thái Lan khó nhọc không ngờ, âu cũng là cách để tự răn mình.
HLV Park Hang-seo: "U22 Việt Nam đã cạn kiệt sức lực"
Trí thức trẻ