MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phía sau việc GIC đổ 500 triệu USD vào Vinmart và Vinmart+ đến xu hướng đầu tư vào các công ty tiêu dùng ở Việt Nam

Tại sao thay vì đổ vốn vào các công ty công nghệ, các nhà đầu tư lại ưa thích các công ty tiêu dùng?

Nhiều dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư đang giảm bớt sự tập trung vào lĩnh vực công nghệ, thay vào đó đang tăng đầu tư cho các công ty liên quan đến tiêu dùng. GIC mới đây đã công bố khoản đầu tư 500 triệu USD vào Công ty Cổ phần Phát triển Thương mại và Dịch vụ (VCM), một công ty con của Vingroup, mới thành lập hồi tháng 8/2019, sở hữu Vinmart và Vinmart+. 

GIC cho biết họ tin vào triển vọng tăng trưởng thu nhập và chi tiêu hộ gia đình tại Việt Nam. Trong đó Vingroup và VCM gần như là thương hiệu đang dẫn đầu ở thị trường Việt Nam.

Không phải ngẫu nhiên mà sau khi đã đầu tư 1,3 tỷ USD vào Vinhomes, GIC lại tiếp tục rót tiền vào VCM. Việc tập trung vào các công ty tiêu dùng đã được nhiều quỹ đầu tư thực hiện, ví dụ như MeKong Capital.

Các thỏa thuận đầu tư vào Việt Nam đã tăng vọt, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc chưa có hồi kết. Mặc dù vậy, Mekong Capital, vẫn thận trọng và hướng đầu tư vào các ngành công nghiệp truyền thông cũ nhiều hơn so với việc đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ. 

"Một số mô hình kinh doanh công nghệ không cho thấy hiệu quả", Chris Freund, partner tại Mekong Capital, cảnh báo rằng lĩnh vực này đang bắt đầu trở thành các "bong bóng" startup, có thể vỡ bất cứ lúc nào. Ví dụ như các startup vận chuyển và giao hàng đang phải cạnh tranh với các siêu ứng dụng như Grab. Và mặc dù Grab là công ty dẫn đầu thị trường Đông Nam Á, được cho là vẫn đang lỗ.

"Tôi không nhìn thấy tiềm năng sinh lời ở họ .... Nếu tiền đầu tư mạo hiểm cạn kiệt, toàn bộ ngành sẽ sụp đổ". Hiện tại, Mekong Capital đang hy vọng sẽ huy động được 200 triệu USD vào đầu năm tới, giúp họ thực hiện các giao dịch trị giá 20 triệu USD trở lên với các nhà bán lẻ địa phương và các công ty tập trung vào tiêu dùng khác. Con số 20 triệu USD nhiều hơn đáng kể so với mức đầu tư trung bình 11 triệu USD cho mỗi giao dịch hiện tại. 

"Có rất nhiều thỏa thuận lớn hơn mà chúng tôi chưa thể thực hiện" Freund từng nói. "Chúng tôi vẫn muốn duy trì quy mô nhỏ hơn các quỹ trong khu vực, nhưng muốn có thêm nhiều thỏa thuận trong phạm vi quy mô đầu tư 15-20 triệu USD". 

Mekong Capital ban đầu tài trợ cho các công ty sản xuất, nhưng tập trung vào các công ty tiêu dùng, được sàng lọc dựa trên 14 tiêu chí, bao gồm quản trị doanh nghiệp và văn hóa. 

Danh mục đầu tư của họ có tên Pharmacity, ABA cooltrans, chuỗi cửa hàng Pizza 4P's,... Sự phát triển thần tốc của các cửa hàng bán lẻ hiện đại, như Vinmart+, đã thúc đẩy nhu cầu phân phối hàng hóa tốt hơn, điều này tốt cho các công ty hậu cần mà MeKong Capital đang đầu tư, ví dụ như Nhất Tín Logistics.

Freund cho biết ông sẽ không tập trung vào các doanh nghiệp sản xuất nữa, dù Việt Nam có được cho là sẽ hưởng lợi từ thương chiến Mỹ-Trung. "Cơ hội đầu tư tốt là rất hiếm, vì các nhà sản xuất trong nước chưa có thương hiệu mạnh và cũng chưa có công nghệ tiên tiến để có thể cạnh tranh với các công ty ngoại", ông nói. 

Theo Nikkei, Warburg Pincus LLC, công ty cổ phần tư nhân của Mỹ cũng đã đầu tư 100 triệu USD vào công ty fintech Momo trong năm nay.

Xu hướng này sẽ sớm thể hiện rõ ràng hơn nếu chiến lược đầu tư và danh mục đầu tư vào các công ty tiêu dùng của Mekong Capital sớm cho thấy hiệu quả.

Hoàng An

Nikkei Asian Review

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên