MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phía sau vụ VinFast niêm yết, 2 đại gia tư vấn có ảnh hưởng ra sao ở Việt Nam?

JP Morgan hoạt động tại Việt Nam từ năm 1999.

JP Morgan hoạt động tại Việt Nam từ năm 1999.

JPMorgan và Deutsche Bank là hai trong số những định chế quốc tế có ảnh hưởng lớn tại Việt Nam. Họ có nhiều hoạt động hỗ trợ và đầu tư cho các doanh nghiệp Việt...

Hai ngân hàng JP Morgan và Deutsche Bank sẽ gia nhập vào nhóm tư vấn cho VinFast trong kế hoạch niêm yết cổ phiếu tại thị trường Mỹ, nguồn tin từ Reuters cho biết. Tuy nhiên, việc niêm yết này có thể gặp phải sự chậm trễ do không chắc chắn về các quy định.

Bà Lê Thị Thu Thủy – Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup tiết lộ: VinFast đang làm việc thêm với các nhà tư vấn gồm J.P Morgan và Deutsche Bank để chuẩn bị cho thương vụ niêm yết tại Mỹ".

Đây là tiến trình của kế hoạch hồi tháng 4, VinFast cho biết sẽ xem xét phương án IPO tại Mỹ hoặc sáp nhập với Công ty mua lại với mục đích đặc biệt (SPAC).

Reuters đưa tin rằng giá trị VinFast có thể lên đến 60 tỷ USD, Credit Suisse đã được chỉ định dẫn đầu giao dịch. Đợt IPO VinFast có thể huy động ít nhất 2 tỷ USD trong một thỏa thuận đã được lên kế hoạch cho quý 2/2021.

Và dĩ nhiên ngoài những lợi thế nền tảng, kịch bản niêm yết thông qua SPAC khá đặc biệt, vai trò của các nhà tư vấn là vô cùng quan trọng. Với vị thế và tầm ảnh hưởng toàn cầu, trên thực tế, họ đã và đang gắn bó với thị trường vốn cổ phần và nợ, lẫn thị trường ngân hàng của Việt Nam.

JP Morgan là một trong những ngân hàng nước ngoài đầu tiên hiện diện tại Việt Nam (từ năm 1999). Đến nay, JP Morgan đã hoạt động tại Việt Nam với đa dạng các dịch vụ như: ngân hàng cho doanh nghiệp, tư vấn đầu tư ngân hàng, thị trường vốn và sản phẩm… JP Morgan Việt Nam liên kết với hệ thống ngân hàng chi nhánh khác trên thế giới để đảm bảo rằng khách hàng nhận được dịch vụ hữu ích nhất tại bất cứ điểm giao dịch nào.

Trước Vingroup, cái tên J.P Morgan và Deutsche Bank đã thường trực trong nhiều thương vụ đầu tư tại Việt Nam.

J.P Morgan đã có các khoản đầu tư lớn tại 5 doanh nghiệp ở Việt Nam bao gồm: Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB) trị giá 40 triệu USD, Công ty Cổ phần Tập đoàn MaSan (MSN) trị giá 41,36 triệu USD, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (VNM) trị giá 32,07 triệu USD, Tổng Công ty Khí Việt Nam-CTCP (GAS) trị giá 25,62 triệu USD, Tập đoàn Vingroup - Công ty Cổ phần (VIC) trị giá 36,39 triệu USD. Bên cạnh đó J.P Morgan còn có các khoản đầu tư vào HDBank, VPBank và hợp tác đầu tư tài chính tại SeABank và Tập đoàn BRG.

Ở mảng tư vấn, bảo lãnh phát hành, cái tên JP Morgan được xướng nhiều lần gắn với những vụ huy động vốn đình đám của doanh nghiệp Việt trên thị trường quốc tế. Điển hình là vụ huy động 300 triệu USD trái phiếu của VPBank, trong đó ngoài JP Morgan còn có nhóm các tổ chức danh tiếng như BNP Paribas, Standard Chartered tham gia.

Hiện tình hình kinh doanh của ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, tính theo khối tài sản, J.P Morgan khá khả quan. Theo báo cáo tài chính quý 1/2021, lợi nhuận của ngân hàng này đạt hơn 14 tỷ USD, gấp khoảng năm lần cũng kỳ năm ngoái. Con số này bao gồm cả trên 5 tỷ USD được giải phóng từ quỹ dự phòng nợ xấu được lập ra trước đó trong bối cảnh dịch bệnh. Doanh thu của JPMorgan Chase tăng 14% lên hơn 33 tỷ USD.

Dù đạt kết quả khả quan, nhưng các nhà lãnh đạo của JPMorgan thừa nhận hoạt động cho vay ở nhiều lĩnh vực còn ảm đạm, do các chương trình hỗ trợ của Chính phủ đã làm giảm nhu cầu vay của các hộ gia đình và doanh nghiệp. Các khoản vay qua thẻ tín dụng của JPMorgan đã giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái, và hoạt động cho vay ở mảng bán buôn cũng suy giảm.

NHNN từng thông báo đánh giá cao vị thế, vai trò của JP Morgan trên thị trường Mỹ và toàn cầu cũng như hoạt động của JP Morgan trên thị trường Việt Nam đã góp phần tích cực vào sự phát triển của ngành Ngân hàng nói riêng và kinh tế - xã hội Việt Nam nói chung.

Đầu tháng 3/2021, Deutsche Bank ra thông báo sẽ nâng mức đầu tư vào thị trường Việt Nam để hỗ trợ thúc đẩy dòng giao dịch thương mại với châu Âu được kỳ vọng sẽ gia tăng sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được ký kết mới đây.

Phía sau vụ VinFast niêm yết, 2 đại gia tư vấn có ảnh hưởng ra sao ở Việt Nam? - Ảnh 1.

Deutsche Bank kỳ vọng thúc đẩy giao dịch giữa Việt Nam và châu Âu sau Hiệp định EVFTA được ký

Việt Nam vốn là đối tác thương mại quan trọng của Đức với tổng kim ngạch thương mại hàng năm giữa hai nước đạt khoảng 14 tỷ Euro, đồng thời là đối tác thương mại lớn thứ hai tại khu vực ASEAN.

Theo nghiên cứu của Deutsche Bank, tỷ trọng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã tăng gấp đôi trong 5 năm vừa qua.

Được thành lập tại Đức, Deutsche Bank cung cấp các dịch vụ ngân hàng thương mại và đầu tư, bán lẻ, giao dịch và quản lý tài sản cho các tập đoàn, tổ chức chính phủ, tổ chức đầu tư, doanh nghiệp vừa và nhỏ, và khách hàng cá nhân trên toàn cầu. Với bề dày lịch sử hình thành từ năm 1870, đến nay, Deutsche Bank là ngân hàng hàng đầu tại Đức nắm giữ vị thế vững mạnh tại thị trường Châu Âu và có sức ảnh hưởng quan trọng tại Châu Mỹ và Châu Á Thái Bình Dương.

Deutsche Bank đang đầu tư nâng cao năng lực kỹ thuật số cho các sàn giao dịch ngoại hối của mình nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng đồng nội tệ ngày càng cao. Vào cuối năm ngoái, Deutsche Bank đã bổ sung VND, vốn bị hạn chế bởi khả năng thương mại thấp, vào FX4Cash - nền tảng giao dịch ngoại hối cung cấp hơn 130 cặp tỷ giá tiền tệ trên toàn thế giới.

Trong quá khứ, năm 2017, Ngân Hàng Deutsche Bank đã cho FE Credit Khoản Vay Vốn Trị Giá 100 triệu USD. Khoản vay này sẽ góp phần gia tăng tiềm lực tài chính cho FE Credit hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục phát triển kinh doanh và củng cố vị thế dẫn đầu thị trường trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng cũng như là một cộng sự hỗ trợ tài chính đáng tin cậy cho hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam.

Deutsche Bank AG Singapore ("Deutsche Bank") sẽ đảm nhận là Tổ chức tín dụng cung cấp Khoản Vay Vốn Trị Giá 100 triệu USD này. FE Credit là thương hiệu nắm giữ gần 50% thị phần trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng tại Việt Nam.

Trong cùng năm đó, VietinBank đã ký kết hợp đồng vay hợp vốn trị giá 100 triệu USD với 8 định chế tài chính nước ngoài do VietinBank, Chi nhánh Đức và Deutsche Bank, Chi nhánh Singapore thu xếp.

Với 100 triệu USD này, VietinBank cam kết sẽ mang dòng ngoại tệ để phục vụ nhu cầu vốn cho các doanh nghiệp lớn của Việt Nam cũng như góp phần đáng kể cho hoạt động kinh doanh của VietinBank.

Dấu ấn tư vấn của Deutsche Bank được ghi đậm trong vụ IPO lịch sử của Techcombank, giúp ngân hàng này thu về 922 triệu đô. Bên cạnh Deutsche Bank, có sự đồng hành của Morgan Stanley và Viet Capital Securities.

Như vậy, không chỉ ảnh hưởng lớn đến thị trường vốn cổ phần và nợ của các doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt khi họ hướng ra thị trường toàn cầu, hay năng lực tài chính, dịch vụ kết nối các TCTD ra quốc tế trên thị trường ngân hàng, kinh nghiệm của các đại gia tư vấn toàn cầu này và quyền lực của họ, đang được kỳ vọng góp sức ở vai trò "bà đỡ" mát tay cho VinFast trên đường đến sàn Mỹ.

Theo Nguyễn Long

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên