MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phiên tòa chiều 24/7 xử Phạm Công Danh giai đoạn 2: Các bị cáo bị cáo buộc đã gây thất thoát hơn 6.000 tỷ đồng

24-07-2018 - 15:31 PM | Tài chính - ngân hàng

Bị cáo Trầm Bê và Phan Huy Khang cho rằng việc mình cho vay cũng như các lãnh đạo tại TPBank, BIDV nhưng chỉ có các bị cáo bị truy tố là chưa thỏa đáng.

Chiều ngày 24/7/2018, TAND Tp.HCM tiếp tục xét xử vụ án Phạm Công Danh (PCD) và đồng phạm (giai đoạn 2) về tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, gây thất thoát hơn 6.000 tỷ đồng cho VNCB.

Mở đầu phiên tòa, HĐXX yêu cầu Viện kiểm sát (VKS) đọc cáo trạng.

Theo cáo trạng, ông PCD cần tiền sử dụng vào mục đích cá nhân, đã chỉ đạo cấp dưới sử dụng 29 công ty do ông PCD thành lập hoặc mượn pháp nhân, rồi lập hồ sơ khống, vay tổng cộng 6.126 tỷ đồng tại 3 ngân hàng Sacombank (1.835 tỷ đồng), TPBank (1.740 tỷ đồng) và BIDV (2.550 tỷ đồng).

Toàn bộ số tiền các công ty vay được từ 3 ngân hàng được PCD chỉ đạo sử dụng cho các mục đích của Danh. Do các công ty này làm hồ sơ vay khống, không thực hiện kinh doanh theo phương án đã cam kết trong hợp đồng tín dụng nên không có tiền trả nợ. Ngân hàng VNCB thực hiện việc bảo lãnh nhưng không yêu cầu cầm cố, thế chấp tài sản nên không thu hồi được tiền bảo lãnh từ các công ty đó dẫn đến bị thiệt hại trên 6.000 tỷ đồng.

Mặt khác, theo văn bản số 15/VKSTC-V3, VKS cho biết trên cơ sở tài liệu, chứng cứ đã thu thập được trong quá trình điều tra, hiện đã có đủ căn cứ để giải quyết các yêu cầu trong Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung của HĐXX, Tòa án Tp.HCM, đối với vụ án PCD và đồng phạm.

Phiên tòa chiều 24/7 xử Phạm Công Danh giai đoạn 2: Các bị cáo bị cáo buộc đã gây thất thoát hơn 6.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Các bị cáo ngồi nghe cáo trạng tại phiên tòa chiều 24/7/2018.

Nhắc lại, tại phiên tòa trước đó, các bị cáo là cán bộ tại Ngân hàng BIDV, TPBank và người bào chữa cho các bị cáo này khẳng định các bị cáo không quen biết với PCD, khi cho vay các bị cáo cũng không biết được các công ty đi vay là do PCD thành lập hay có mối quan hệ với PCD hay không, mà chỉ biết là các công ty này do VNBC hoặc PCD giới thiệu. Cùng với đó, các bị cáo cũng không biết mục đích vay tiền là chuyển về cho PCD sử dụng cũng như chưa chứng minh được có sự tiếp nhận ý kiến từ phía bị cáo PCD, các bị cáo có lỗi là sai sót trong quá trình nghiệp vụ nhưng là lỗi vô ý. Theo đó, luật sư và các bị cáo cho rằng các bị cáo không đồng phạm với Phạm Công Danh.

Bị cáo Trầm Bê nói không phục cáo buộc của VKS

Song song với đó, liên quan đến bị cáo Trầm Bê và Phan Huy Khang, hai bị cáo này cho rằng việc mình cho vay cũng như các lãnh đạo tại TPBank, BIDV nhưng chỉ có các bị cáo bị truy tố. Được biết, bị cáo Trầm Bê và Phan Huy Khang thừa nhận có gặp bị cáo PCD bàn bạc, song việc bàn bạc này liên quan đến vấn đề vay tiền là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật cũng như quy trình ngân hàng. Như vậy, việc sai sót là vấn đề nghiệp vụ của cấp dưới, các bị cáo chỉ phê duyệt chủ trương, các bị cáo cho rằng mình hoàn toàn không biết mục đích thật sự của các công ty vay tiền là để chuyển cho PCD, cũng như mục đích thực sự của bị cáo PCD khi giới thiệu các công ty vay tiền. Hai bị cáo này khẳng định không thể dựa vào đó để buộc các bị cáo là đồng phạm của PCD, bị cáo Trầm Bê theo đó trình bày bị cáo không phục cáo buộc của VKS.

Tuy nhiên, theo kết luận công khai đã xác định rõ, Trầm Bê và Phan Huy Khang trực tiếp bàn bạc, thống nhất cho PCD vay 1.800 tỷ đồng, nhưng yêu cầu PCD dùng tiền của VNCB để bảo lãnh. Sau đó, bị cáo chỉ đạo cán bộ cấp dưới thực hiện việc cho vay. Như vậy, các bị cáo đều biết rõ PCD là Chủ tịch VNCB là đối tượng không được phép dùng tiền của VNCB để tổ chức tín dụng khác cấp tín dụng theo Luật tín dụng 2010 mà bỏ qua các quy định bắt buộc, với mục đích thu được lợi nhuận từ các khoản vay này. Hành vi của Trầm Bê và Phan Huy Khang đã giúp sức tích cực, tạo điều kiện cho PCD vay tiền và gây thiệt hại cho VNCB, nên các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình.

Về các lãnh đạo TPBank, tài liệu đã chứng minh rõ trách nhiệm phạm tội của bị cáo Đặng Thị Bích Thủy – nguyên PGĐ khối KHCN, GĐ trung tâm kinh doanh Hội sở TPBank và bị cáo Đinh Việt Cường – nguyên GĐ khối KHDN TPBank. Riêng các các đối tượng là lãnh đạo khác của TPBank chưa đủ căn cứ xác định hành vi phạm tội nên Cơ quan điều tra không khởi tố.

Nhìn chung, phiên tòa GĐ 2 tiếp tục xét xử điều tra làm rõ các đối tượng là lãnh đạo BIDV, TPBank khi mặc dù đã xác định được vi phạm hoạt động cho vay, tuy nhiên chưa đủ căn cứ xác định là đồng phạm với PCD.

Phiên tòa ngày 24/7 có 68 người có nghĩa vụ liên quan, 164 người làm chứng liên quan có mặt, những người vắng mặt sẽ không làm ảnh hưởng đến phiên tòa GĐ 2 lần này.

Nhóm PV

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên