“Phiên tòa thế kỷ” ở Hàn Quốc
“Thái tử” Samsung Lee Jae-yong có thể đối mặt bản án hơn 20 năm tù nếu bị kết tội đưa hối lộ và biển thủ.
Mọi sự quan tâm của người dân Hàn Quốc trong tuần này chắc chắn sẽ đổ dồn về Tòa án quận trung tâm Seoul, nơi sắp diễn ra phiên tòa xét xử ông Lee Jae-yong, nhân vật thừa kế sáng giá Samsung Group.
Chờ Tòa án Hiến pháp
“Khúc dạo đầu” cho “phiên tòa thế kỷ” nói trên - theo mô tả của công tố viên đặc biệt Park Young-soo - đến ngay trong ngày đầu tuần.
Hôm 6-3, ông Park thông báo kết quả cuộc điều tra kéo dài 70 ngày, theo đó, nữ Tổng thống Park Geun-hye bị nghi thông đồng với bạn thân Choi Soon-sil nhận hối lộ từ Samsung Group để giành sự ủng hộ cho ông Lee trên con đường củng cố quyền kiểm soát tập đoàn thương mại lớn nhất nước. Cuộc điều tra cũng gắn kết bà Park với hành động sai trái của các phụ tá trong việc đưa vào danh sách đen 9.473 văn nghệ sĩ bị xem là chỉ trích chính quyền hồi tháng 5-2015.
Công tố viên đặc biệt Park Young-soo thông báo kết quả cuộc điều tra hôm 6-3
Luật pháp Hàn Quốc không cho phép truy tố một đương kim tổng thống. Vì thế, bà Park sẽ không đối mặt cáo buộc chính thức nào cho đến khi bị bãi nhiệm hoặc hết nhiệm kỳ (cuối tháng 2-2018).
Tòa án Hiến pháp dự kiến trong tháng này ra phán quyết về việc có giữ nguyên quyết định luận tội bà Park của quốc hội hay không. Một phán quyết bất lợi sẽ mở đường cho các công tố viên nhà nước mở cuộc điều tra mới nhằm vào bà Park sau khi họ nhận tài liệu liên quan từ văn phòng công tố viên đặc biệt.
Có tổng cộng 30 người bị nhóm điều tra đặc biệt truy tố vì dính líu đến vụ bê bối gây rúng động chính trường Hàn Quốc. Trong số này, ông Lee, cùng 4 quan chức của hãng Samsung, vào tuần rồi bị buộc tội đưa hối lộ và biển thủ.
Ông Lee bị cáo buộc cam kết hối lộ 43 tỉ won cho một công ty và các tổ chức được bà Choi hậu thuẫn để đổi lấy những ưu ái của chính phủ. “Chúng tôi đang chuẩn bị kỹ lưỡng với suy nghĩ rằng phiên tòa sắp tới có thể là phiên tòa thế kỷ mà cả thế giới chú tâm theo dõi...” - công tố viên Park nói với các phóng viên.
Nhóm luật sư bào chữa “khủng”
Theo Reuters, phán quyết phải được đưa ra trong vòng 3 tháng kể từ khi phiên tòa bắt đầu và ông Lee đối mặt bản án hơn 20 năm tù nếu bị kết tội. Sau phiên xét xử tại tòa án quận Seoul, vụ án có thể được kháng cáo lên Tòa thượng thẩm Seoul và Tòa án Tối cao. Mỗi cơ quan này phải đưa ra phán quyết trong vòng 2 tháng, trừ khi có những trường hợp đặc biệt.
Tuyên bố mới của Samsung hôm 6-3 tiếp tục khẳng định họ không hối lộ hoặc tìm kiếm những ưu ái không phù hợp, cũng như tin rằng sự thật sẽ được làm rõ trong quá trình xét xử. Luật sư của Tổng thống Park cũng ra tuyên bố bác bỏ cáo buộc của công tố viên khi nhấn mạnh thân chủ mình không nhận hối lộ của Samsung.
Để chuẩn bị cho cuộc chiến pháp lý cam go, ông Lee Jae-yong, hiện là phó chủ tịch hãng điện tử Samsung Electronics và là con trai chủ tịch Samsung Group Lee Kun-hee, đã đích thân chọn 13 luật sư hàng đầu từ bên ngoài để bào chữa cho mình.
Theo Reuters, hầu hết luật sư này từng là công tố viên hoặc thẩm phán. Ngoài ra, 10 người hiện làm việc cho hãng luật hàng đầu Bae, Kim & Lee (BKL), từng bào chữa cho một số lãnh đạo tập đoàn lớn trong các vụ xét xử hình sự trước đó ở Hàn Quốc.
Chưa hết, truyền thông Hàn Quốc tiết lộ có 2 luật sư biện hộ từng được cân nhắc đưa vào nhóm công tố viên đặc biệt mà họ sắp đối đầu ở tòa án. “Chúng tôi có thể không bằng nhóm luật sư của Samsung về số lượng nhưng về khả năng và những gì đã đạt được đến giờ không có gì phải lo cả” - một thành viên nhóm công tố viên đặc biệt nhận định với Reuters.
“Thái tử” Samsung bị tạm giam tại Trung tâm Giam giữ Seoul từ ngày 17-2. Tại đây, người đàn ông 48 tuổi này phải ở một mình trong một buồng giam rộng vỏn vẹn 6,56 m2, chỉ có bồn rửa mặt, tấm nệm trên sàn nhà và các bữa ăn giá khoảng 1.443 won (gần 30.000 đồng).
Đối với người xuất thân từ gia tộc giàu nhất nước và thường sống trong căn biệt thự 4 triệu USD ở thủ đô Seoul, đây quả là tình cảnh không dễ chịu chút nào. Ông thậm chí còn không được phép tiếp xúc với những người đồng cảnh ngộ khác, theo một quan chức trung tâm. Ngoài vấn đề an toàn, nhà chức trách không muốn ông Lee thảo luận về vụ án với những người dính líu khác bởi nỗi lo chứng cứ bị phá hủy.
Người lao động