Phim tài liệu "bóc trần" sự thật khắc nghiệt về kỳ thi ĐH ở Hàn Quốc: Có những đứa trẻ bình thường, nỗ lực mấy cũng không được đền đáp
Có thật là việc học sẽ không phản bội những người chăm chỉ?
- 18-11-2023Vì sao kỳ thi đại học ở Hàn Quốc luôn diễn ra vào ngày thứ Năm?
- 14-11-2023Hàn Quốc điều chỉnh hơn 90 chuyến bay, tránh gây ồn trong kỳ thi đại học
- 26-06-2023Triệu phú Trung Quốc bỏ rượu, bỏ mạt chược, học 12 tiếng/ngày: Thi Đại học đến lần thứ 27 vẫn trượt
"Việc học sẽ không phản bội những người chăm chỉ" , câu nói này là câu mở đầu của bộ phim tài liệu Hàn Quốc mang tên Sự Phản Bội Của Việc Học . Nó nghe có vẻ rất hợp lý nhưng cũng lại có vẻ hơi mâu thuẫn với tựa đề phim.
Trong những gia đình bình thường ở Hàn Quốc, dù những đứa trẻ có học tập chăm chỉ đến đâu, chúng cũng chỉ có thể bước đi một mình trên cây cầu ván đơn của kỳ thi tuyển sinh đại học. Theo bộ phim, hành trình đỗ đại học của "người bình thường" gian nan và vất vả hơn rất nhiều so với con nhà có điều kiện.
Nhận thức sự khốc liệt ngay từ bậc tiểu học
Ai có thể vào được một trường đại học danh tiếng? Nếu vấn đề này được đặt ra ở các nước khác, phụ huynh và giáo viên thường đặt hy vọng cao vào những học sinh đứng đầu lớp. Ví dụ như ở Việt Nam, một học sinh đứng đầu sẽ có cơ hội nhận vào các trường top như Ngoại thương, Bách khoa. Ngoài ra, chúng ta còn có vô vàn lựa chọn trường và loại hình đại học khác cũng rất đa dạng và chất lượng.
Tuy nhiên, điều tương tự lại hoàn toàn khác ở Hàn Quốc. Ở xứ sở kim chi hiện tại khó có thể xây dựng thêm trường học tốt đơn giản vì… hết đất. Lựa chọn các trường đại học của người trẻ không phải quá nhiều.
Trong khi đó, tỷ lệ dân số có trình độ học vấn cao hơn ở Hàn Quốc luôn được xếp vào hàng cao nhất thế giới, đạt 1/3. Với nguồn lực giảng dạy hạn chế, Hàn Quốc lại có số lượng sinh viên đại học cao hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới. Điều này chắc chắn đã dẫn đến sự cạnh tranh của kỳ thi tuyển sinh đại học lớn hơn nhiều so với ở các nước châu Á như Trung Quốc hay Việt Nam.
Trở lại với bộ phim Sự Phản Bội Của Việc Học , trong phim xuất hiện nhiều phân cảnh phỏng vấn. Điều đáng ngạc nhiên là mỗi khi được phỏng vấn trên đường phố, các em học sinh, sinh viên đều hiểu rất rõ tầng lớp xã hội, môi trường họ đang sống cũng như cảm nhận của họ về ngôi trường đại học của mình.
Ngay cả những học sinh tiểu học ngẫu nhiên được phỏng vấn trên phố cũng có thể biết rõ rằng thành công hay thất bại trong tương lai của các em có mối liên hệ chặt chẽ với trường cấp 3 mà các em theo học. Điều này tất nhiên là do tỷ lệ trúng tuyển của các trường trung học là khác nhau.
Yun Yewon - một nữ sinh trung học đến từ "gia đình bình thường" là một ví dụ điển hình. Em được nhận vào một trường trung học top đầu với tỷ lệ trúng tuyển rất thấp. Thế nhưng mặc dù Yewon đã học tập không mệt mỏi trong ba năm trung học, cô bé vẫn không vượt qua được "rào cản giai cấp". Em đã phải thi lại đại học lần nữa để vào trường đại học mà mình mong muốn.
Khoảng cách giai cấp không thể vượt qua
Ở Hàn Quốc có câu "thành ngữ" rằng người ngủ 4 tiếng một ngày mới có thể thi đỗ đại học, những người ngủ 5 tiếng sẽ trượt. Nỗi ám ảnh về việc phải học tập chăm chỉ của người Hàn Quốc không chỉ thể hiện ở sự cạnh tranh khốc liệt. Hoàn cảnh gia đình cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến kết quả thi đại học. Cũng có thể nói, tầng lớp xã hội của một gia đình quyết định giới hạn tối đa mà một đứa trẻ có thể đạt được trong tương lai.
Trong xã hội Hàn Quốc, rào cản giai cấp đã ăn sâu, tạo ra khoảng cách không chỉ thể hiện ở kết quả học tập mà còn phản ánh toàn diện ở thẩm mỹ, khả năng đọc viết, tư duy và các khía cạnh khác của trẻ.
Theo số liệu từ một tổ chức nghiên cứu Hàn Quốc, doanh thu của 10 công ty hàng đầu Hàn Quốc chiếm 44,2% tổng GDP đất nước, trong khi con số này ở Nhật Bản là 24,6%, ở Mỹ và Trung Quốc còn thấp hơn nhiều. Có thể tưởng tượng rằng sự phát triển của xã hội đã bị ảnh hưởng rất lớn của chaebol, tức các tập đoàn gia đình tài phiệt.
Học phí hàng năm cho các trường luyện thi ở Hàn Quốc dao động từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng, nhưng số lượng học sinh tham gia các trường luyện thi lên tới 80%. Chất lượng các lớp ôn thi cũng được phân loại dựa trên học phí đắt rẻ.
Trẻ em nhà giàu thường học 4, 5 lớp luyện thi cùng một lúc, còn trẻ em nhà nghèo chỉ có thể thở dài tuyệt vọng. Đối với học sinh xứ Hàn, lớp luyện thi này có giá trị rất lớn vì có thể học kiến thức nhanh hơn và chất lượng hơn ở trường rất nhiều.
Lịch trình của hầu hết học sinh cuối cấp tại Hàn Quốc đều như thế này: Ra khỏi nhà từ 6 giờ sáng và đi luyện thi đến 11 giờ mới về nhà. Dưới những yếu tố đó, tiền đã trở thành vũ khí thần kỳ giúp việc học và ôn thi đại học diễn ra trôi chảy. Người giàu thuê nhiều gia sư cho con mình và được sự hướng dẫn từng bước của các giáo viên đến từ các trường danh tiếng, trong khi trẻ em nhà nghèo chỉ có thể mua vài cuốn sách tham khảo không biết đã bị tụt hậu so với kiến thức chung hay chưa.
Khoảng cách giai cấp đã khiến kỳ thi tuyển sinh đại học không thể cạnh tranh công bằng và ngày càng trở thành xung đột giữa nguồn tài chính của gia đình và giai cấp. Những học sinh nhà giàu có có lợi thế bẩm sinh rất lớn so với các bạn đồng trang lứa nhà ít điều kiện hơn.
Kỳ thi tuyển sinh đại học Hàn Quốc nổi tiếng khó bậc nhất thế giới. Trong ngày thi, các em phải thi tổng cộng 5 môn, buổi trưa cũng chỉ có 50 phút nghỉ ngơi. Vào ngày thi, chính quyền cấm máy bay bay vào không phận và dừng mọi công trình xây dựng, chỉ để bảo vệ những học sinh đang kiệt sức có thể bước vào kỳ thi trong tâm trạng tốt nhất. Còn ngoài phía cổng trường, đông đúc giáo viên, phụ huynh và người dân kéo đều đến cổ vũ cho các thí sinh.
Thế nhưng sự thật là đôi khi, việc học tập chăm chỉ có thể không có ích và liệu những đứa trẻ xuất thân từ gia đình bình thường có thể "hóa rồng" hay không vẫn là một câu chuyện cổ tích quá hiếm khi xảy ra. Trong xã hội Hàn Quốc, kỳ thi đại học quá khắc nghiệt đã đem lại một tình trạng buồn: thực tế không có phần thưởng nào cho sự chăm chỉ học tập.
Câu cuối cùng trong phim Sự Phản Bội Của Việc Học ghi: Đối với những học sinh đang thức khuya và chăm chỉ học tập này, họ chỉ mong muốn một cuộc sống mà sự chăm chỉ của mình sẽ được đền đáp.
Phụ nữ mới