MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó Chủ tịch Gỗ Trường Thành: "Chúng tôi hiểu cảm giác của cổ đông nhưng “cơ thể” của TTF sẽ còn phải trải qua những đau đớn nhất định"

29-04-2018 - 08:00 AM | Doanh nghiệp

"Cơ thể này sẽ còn phải trải qua những đau đớn nhất định. Chúng tôi hiểu cảm giác của cổ đông khi nhìn thấy giá cổ phiếu. Chúng tôi khẳng định TTF chỉ có thể vươn lên mạnh mẽ khi xử lý hết các vấn đề của 2018" ông Tín nói.

Câu chuyện tại Gỗ Trường Thành có lẽ đã đi vào quá khứ, và tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 chiều ngày 27/4, ông Hồ Anh Dũng – Chủ tịch HĐQT Công ty – chia sẻ: "Câu chuyện của quá khứ ban lãnh đạo mới không muốn bàn nhiều. Nói chung là TTF vay ngắn hạn để đầu tư dài hạn, đầu tư rừng mà 8 – 10 năm mới có thể thu hồi vốn; trong khi đó, công nghệ sản xuất của TTF đang quá cũ kĩ, nhân sự không nâng cấp, đầu tư ngoài không hiệu quả".

Và hôm nay, TTF phải đưa ra và tập trung vào chủ trương thoái vốn vì phần trả lãi vay của Công ty vẫn còn khá nặng. Ông Dũng cho biết năm 2018 TTF đặt mục tiêu rà soát tồn kho lâu năm, các khoản phải thu khó đòi, thoái vốn các khoản đầu tư không hiệu quả. Năm 2017, ban điều hành đặt mục tiêu để TTF sống lại và đã làm được điều đó, năm nay TTF sẽ phải xử lý các vấn đề theo đuổi nhiều năm.

Được biết, TTF đang ghi nhận giá trị các khoản đầu tư 349 tỷ đồng, tuy nhiên đến nay ban lãnh đạo chưa tính được giá trị thoái vốn các khoản đầu tư. Hiện tại, TTF còn 14 công ty con liên kết, giá trị đầu tư 349 tỷ đồng, bao gồm nhiều lĩnh vực, trong đó có 5 công ty về trồng rừng.

Đáng chú ý, trong 14 công ty có 5 công ty về rừng, TTF có 33.300 ha rừng (hơn 9.500 ha có sổ đỏ), trong đó có 1 công ty rừng liên doanh với Nhật Bản. Khi được cổ đông hỏi "Tại sao lại bán công ty rừng?", người cầm cương TTF trần tình công tác quản lý rừng khó vô cùng vì ở các tỉnh có tính địa phương cao, thời gian hòa vốn 7-10 năm, do đó công sức bỏ ra rất lớn. Nếu lấy ngắn hạn đầu tư dài hạn thì khá lớn, như vậy chuyển rừng này cho người có chuyên môn thì tốt hơn.

Kết quả 2017 không hề ảo, 2018 tiếp tục "vật lộn" với hàng tồn kho

Nói về năm 2017, sau 1 năm điều hành TTF, ông Tín rất phấn khởi về những kết quả đạt được, cụ thể doanh số Công ty đạt 1.303 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ 35 tỷ đồng. Như vậy, doanh thu 2017 đã tăng gấp đôi so với năm 2016.

Nhấn mạnh tại đại đội, vị Phó Chủ tịch khẳng định tất cả con số này đều là thực tế, không có lý do gì tạo dựng nên số ảo để làm đẹp lòng cổ đông. Để đạt được doanh thu này, nhà máy hoạt động công suất gấp đôi, con người làm việc gấp đôi.

Bước sang năm 2018, Công ty tiếp tục làm việc cao độ với kế hoạch không thay đổi gì so với dự kiến từ năm 2017, tức vẫn giữ doanh số 1.570 tỷ đồng và lãi sau thuế 76 tỷ đồng. Bởi, những vấn đề còn lại năm 2018 vẫn chưa xử lý được, 700 tỷ đồng doanh thu đã tăng là nguồn năng lượng bổ sung.

"Vấn đề của TTF nằm ở tồn kho gỗ nguyên liệu, tồn kho thành phẩm; các loại chi phí; các khoản đầu tư ra ngoài ở công ty con, công ty liên kết. Trong năm nay, TTF sẽ giải quyết dứt điểm các vấn đề này. Cơ thể này sẽ còn phải trải qua những đau đớn nhất định. Chúng tôi hiểu cảm giác của cổ đông khi nhìn thấy giá cổ phiếu. Chúng tôi khẳng định TTF chỉ có thể vươn lên mạnh mẽ khi xử lý hết các vấn đề của 2018", ông Tín nói.

Trên thị trường, giá cổ phiếu TTF hiện vẫn loanh quanh vùng đáy 5.120 đồng/cp (chốt phiên 27/4/2018).

Phó Chủ tịch Gỗ Trường Thành (TTF) - ông Mai Hữu Tín: Cơ thể này sẽ còn phải trải qua những đau đớn nhất định - Ảnh 1.

80% doanh thu 2017 đến từ đơn hàng Vingroup, song tương lai TTF không muốn bị phụ thuộc

Về chỉ tiêu kinh doanh 2018, HĐQT đặt kế hoạch doanh thu 1.520 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 76,6 tỷ đồng. Công ty sẽ tiếp tục phát triển nhóm khách hàng công trình, đặc biệt các hợp đồng của Tập đoàn Vingroup đã ký kết; đẩy mạnh xuất khẩu, tăng doanh thu tại các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.

Trọng tâm, đại diện ban giám đốc TTF cho biết đặt nhiều kỳ vọng vào hệ thống ERP chạy từ cuối năm 2018; kỳ vọng các khoản doanh thu từ Vingroup. Tuy nhiên, TTF không coi Vingroup là khách hàng độc nhất, hiện Công ty đang mới nguồn lực để tiếp cận với các khách hàng trong và ngoài nước, xúc tiến các đơn hàng xuất khẩu đầu tiên. "Không thể chia trung bình theo từng năm về việc thực hiện hợp đồng vì còn phụ thuộc vào năng lực sản xuất của nhà máy. Năng lực của TTF đến đâu thì Vingroup giao đơn hàng đến đó. Thực tế, Vingroup đang chiếm 80% doanh thu của TTF vào năm 2017. Nếu tiếp tục tìm kiếm các doanh nghiệp cùng ngành, TTF sẽ trở thành công ty toàn diện hơn, doanh thu tốt hơn, trở thành doanh nghiệp số 1 nội địa", phía Công ty bổ sung. Chưa kể về lâu dài, TTF sẽ đẩy mạnh xuất khẩu, hướng đến ước mơ doanh số 5.000 tỷ đồng vào năm 2021 với tỷ trọng 50% trong nước và 50% nước ngoài; điều này khiến TTF không lệ thuộc vào một đơn vị cố định nào.

Đồng thời, TTF cũng lên kế hoạch chuyển nhượng vốn góp tại các công ty con, công ty liên kết liên doanh để bổ sung vốn lưu động cho công ty mẹ; song song phân loại hàng tồn kho thành các lô nhỏ, thành các nhóm có chất lượng tương đương nhau để có nhiều người mua hơn. Công ty kiên quyết giải phóng hết số hàng tồn kho, sau đó sẽ biết được chênh lệch giữa giá vốn và giá bán. Được biết, tổng giá trị tồn kho đến 2017 là 1.694 tỷ đồng, dự phòng là 82 tỷ đồng.

Một nội dung quan trọng khác, HĐQT đề xuất tăng vốn điều lệ bao gồm mua bán, sáp nhập doanh nghiệp hoặc phương án khác. Nội dung cụ thể sẽ được trình và thực hiện trong quý 2. Về công tác tăng vốn năm 2018, lãnh đạo TTF khẳng định đây là việc làm cấp bách ngay trong năm nay, song tại thời điểm này, ban lãnh đạo chưa tính số liệu tăng vốn cụ thể.

Kết thúc quý 1/2018, TTF ghi nhận doanh thu hơn 200 tỷ, công ty mẹ lãi trên báo cáo hợp nhất trong khi cùng kỳ năm trước lỗ.

Kế hoạch đổi tên vẫn đang chờ đợi kết luận từ Công an và Tòa án, sẽ M&A để hướng đến mốc 200 tỷ lợi nhuận 2020

Liên quan đến việc đổi tên Công ty, tại đại hội  năm nay HĐQT có trình cổ đông chấp thuận và ủy quyền cho HĐQT chọn thời điểm triển khai phù hợp định hướng kinh doanh.

Chia sẻ sâu hơn, TTF cho biết chuyện thu hồi tài sản từ ông Võ Trường Thành liên quan tới việc đổi tên Công ty. Thực tế, tên Công ty gắn liền với tên nhà sáng lập, là cổ đông lớn và hiện tại vẫn đang là cổ đông của TTF. Mặc dù hành động của cổ đông này với Công ty trong quá khứ thì ban điều hành biết, nhưng không thể quy chụp tội trạng. Hiện, TTF đợi kết luận từ bộ Công an và Tòa án để đưa ra ý kiến về đổi tên.

Cũng liên quan đến cổ đông lớn, mới đây SAM đã thực hiện thoái vốn tại TTF, liệu điều này có ảnh hưởng gì đến Công ty và tương lai TTF có dự kiến sẽ mời gọi nhà đầu tư nào thay thế? Trả lời, ông Dũng dứt khoát: "Tôi không trả lời thay SAM. Tuy nhiên, SAM là nhà đầu tư tài chính, SAM có thể mua bán theo từng thời kỳ để cơ cấu danh mục".

Đồng tình quan điểm trên, ông Tín cho biết SAM chỉ là nhà đầu tư tài chính đơn thuần, SAM bán lúc nào mua lúc nào TTF không quan tâm. Các cổ đông lớn đầu tư vào TTF từ năm ngoái, trong đó có bản thân tôi, cam kết sẽ đi tới cùng với TTF.

Đi qua năm 2017 có phục hồi, vạch lộ trình đến 2020, TTF kỳ vọng doanh số đạt khoảng 2.000 tỷ đồng, lãi khoảng 200 tỷ. Để đạt được, TTF sẽ mời gọi nhiều doanh nghiệp nhỏ khác cùng ngành để sáp nhập với công ty để gia tăng quy mô, doanh số gia tăng. Theo ban lãnh đạo thì đó là con đường đáng đi, nhằm sử dụng các thế mạnh về tiếp thị, thị trường của TTF để lôi kéo các doanh nghiệp cùng ngành. Hiện, TTF đang nhắm đến 3 đơn vị cho kế hoạch M&A.

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên