Bách Việt Group được thành lập từ ý tưởng “cùng làm gì đó cho vui” của hai đồng môn và chiến lược phát triển “con rùa”
Là một trong những doanh nghiệp khá kín tiếng trên thị trường với loạt khu đô thị lớn tại các tỉnh như Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên và sắp tới là Hà Nội, Đồng Nai, Bến Tre… Tập đoàn Bách Việt (BV Group) chọn cho mình chiến lược phát triển theo nguyên tắc “con rùa”, chậm mà chắc, kiểm soát rủi ro, ưu tiên phát triển bền vững. Chính vì thế trong lúc nhiều doanh nghiệp bất động sản chật vật tồn tại thì Bách Việt Group vẫn trụ vững, tiến về phía trước.
Nhớ lại chặng đường về chung một nhà, xây dựng BV Group từ những "bước đi chập chững non trẻ" đến một "thanh xuân tràn đầy sức sống" như hiện nay, Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Tân Thành đã có những chia sẻ về hành trình đầy thú vị này.
Lý do nào khiến các anh đã khởi nghiệp riêng rồi nhưng sau vẫn quyết định "chụm lại" để thành lập BV Group?
Lúc đó, Hạnh đang làm bên Vinaconex và đồng thời cũng đã có công ty riêng, còn tôi công tác bên Lilama. Hai anh em chơi với nhau rất thân, nhận thấy mỗi người đều có ưu nhược riêng nhưng nếu hợp lại có thể bổ trợ cho nhau nên rủ nhau "cùng làm gì đó" để phát huy được năng lực, thế mạnh mỗi người.
Ý tưởng khởi nghiệp, thành lập công ty riêng của hai anh em nhen nhóm từ năm 2009. Đến năm 2010, Công ty Cổ phần Địa ốc Bách Việt được thành lập. Sau đó, Hạnh nghỉ Vinaconex để về tập trung điều hành Bách Việt. Tôi là cổ đông sáng lập và vẫn công tác tại Lilama.
Mãi đến năm 2017, tôi và Hạnh mới hoàn toàn về một nhà. Tôi còn nhớ mãi đó là buổi tối ngày 26 Tết, sau khi đi công tác về tôi có gọi cho Hạnh bàn chuyện công việc tương lai, lúc đó Hạnh bảo với tôi "Thôi anh ạ, anh em mình về cùng làm với nhau!". Sau câu nói đó, hai đồng môn, hai ý chí hợp lại với nhau, Công ty Địa ốc Bách Việt ngày nào được đổi thành Tập đoàn Bách Việt. Tôi từ cổ đông sáng lập chính thức về giữ chức Phó Chủ tịch Tập đoàn Bách Việt, BV Group.
Năm 2010 thành lập Địa ốc Bách Việt là lúc thị trường bất động sản chìm trong khủng hoảng. Khó khăn là thế, tại sao các anh vẫn chọn thời điểm đó để bắt đầu?
Trong khó khăn luôn tồn tại cơ hội. Năm 2010 là giai đoạn đầu cho sự tăng trưởng bứt phá của thị trường bất động sản và đô thị Việt Nam. Thời điểm bấy giờ, hầu hết các đô thị lớn của chúng ta dù quy mô hàng chục nghìn dân vẫn trong tình trạng quy hoạch chưa bài bản và các công trình kiến trúc khá lạc hậu, thiếu thẩm mỹ. Trong khi đó, nhìn ra các nước phát triển dù những thị trấn chỉ vài nghìn dân nhưng quy mô đường xá, quy hoạch rất bài bản, cảnh quan đẹp, kiến trúc bền vững và có tính thẩm mỹ cao.
Tôi còn nhớ có lần sang Singapore, gặp một người bạn chuyên làm xây dựng, tôi hỏi: "Đất nước đẹp như thế rồi, nhà cửa đường sá khang trang thế này thì còn đâu việc để làm nữa?". Người bạn trả lời: "Không chỉ có xây mới, Chính phủ Singapore có chính sách đập đi xây lại các công trình hết niên hạn sử dụng, liên tục như thế để cải tạo nhà ở và các công trình công cộng, tôi không bao giờ lo thiếu việc".
Ở Việt Nam, chưa tính đến làm các đô thị mới, chỉ cần cải tạo, thay thế hết được những khu nhà cũ kỹ, lạc hậu ở khắp các thành phố lớn nhỏ thì đến khi nào mới hết việc. Tôi và anh Hạnh thấy một tiềm năng rất rộng mở, lại có chuyên môn và kinh nghiệm xây dựng nên quyết tâm phát triển trong lĩnh vực bất động sản.
Đã có lúc nào các công ty gặp khó khăn, các anh thấy không còn vui nữa mà muốn chùn bước không? Làm thế nào để các anh vượt qua những lúc đó?
Khó khăn thì tất nhiên gặp rất nhiều nhưng chùn bước thì không! Vất vả nhất là những lúc Công ty không có việc. Địa ốc Bách Việt được thành lập năm 2010 nhưng phải đến năm 2015 mới có dự án đầu tiên được khởi công. Suốt 5 năm chỉ tiêu tiền, nếu không có ý chí nhất định không thể vượt qua được. Rồi đến năm 2017 khi làm giáo dục, xây trường Vietschool, suốt 6 năm trời lỗ ròng gần 100 tỷ, nếu không quản trị tốt và không vững tâm thì sẽ không đi đến được ngày hôm nay.
Văn hóa của Bách Việt là "bền chí, vững tâm", luôn luôn vững vàng, khó khăn chỉ là thử thách. Phải luôn tiến về phía trước, dù bước nhanh hay bước chậm nhưng vẫn phải bước đi và giữ vững mục tiêu. Giống như đầu tư Vietschool, không vì lỗ mà dừng lại. Càng lỗ Bách Việt càng tìm cách làm tốt hơn, đầu tư nhiều hơn để nâng cao chất lượng, tạo thêm giá trị cho sản phẩm dịch vụ và niềm tin với khách hàng. Đó là một trong những nguyên tắc và vũ khí để Bách Việt vượt qua khó khăn.
Sau 5 năm thành lập, Bách Việt mới có dự án đầu tiên. Dự án đầu tay của Bách Việt có gì đặc biệt, thưa anh?
Dự án đầu tiên Địa ốc Bách Việt phát triển là khu đô thị Bách Việt Lake Garden, được thai nghén ý tưởng từ 2012 và khởi công vào 2015, xây dựng lên từ một vùng bùn lầy tại Bắc Giang. Tôi còn nhớ như in, ngày đó bao quanh dự án là một bãi sình lầy, ao tù nước đọng, không ai để ý và cũng chẳng ai muốn vào làm vì các nhà đầu tư thường chọn vị trí mặt bằng đẹp, bằng phẳng. Nhưng bù lại, vị trí này nằm ngay trung tâm thành phố.
Một doanh nghiệp mới thành lập như Bách Việt thì không thể có được dự án đẹp vì còn hạn chế về kinh nghiệm và nguồn lực. Khi đó, chúng tôi phải đứng trước hai lựa chọn, hoặc ra khu vùng ven có mặt bằng sạch đẹp hoặc đầu tư trên bãi sình lầy nhưng gần trung tâm. Xây một dự án ở vùng ven để hút dân về ở rất khó, chúng tôi quyết chọn khu sình lầy để làm. Bách Việt sẵn sàng vào chỗ khó, làm một cách chuyên nghiệp ngay từ đầu thông qua việc thuê tư vấn CPG của Singapore để cùng phát triển ý tưởng, biến vùng ao tù nước đọng thành khu đô thị hiện đại, bền vững.
Thời đó, làm dự án ở tỉnh vất vả lắm. Tôi còn nhớ những ngày ăn ngủ cùng anh em khảo sát, triển khai dự án. Đi cùng tư vấn nước ngoài lên ý tưởng lập quy hoạch, tỉ mỉ, cẩn trọng từng chút một, chọn từng viên đá, bụi hoa sao cho phù hợp nhất. Đến hôm nay, sau những gian khổ ban đầu Bách Việt Lake Garden trở thành khu đô thị kiểu mẫu, niềm tự hào của người dân Bắc Giang.
Dự án thứ 2 của chúng tôi ở Việt Trì – Phú Thọ cũng đi lên từ bãi đầm lầy. Lúc làm dự án Việt Trì, nhiều người thắc mắc "Tại sao cứ chọn đầm lầy?". Thực ra, có những chỗ mình nghĩ là đẹp, mặt bằng thuận lợi nhưng làm dự án chưa chắc đã dễ, có những chỗ nhìn thì xấu nhưng chưa hẳn đã khó. Chính những vị trí tưởng là khó khăn, nhưng mình đã hiểu rồi, có kinh nghiệm rồi, biết cách làm thì làm rất thuận lợi.
Có trụ sở tại Hà Nội nhưng Bách Việt lại thích đi "đánh bắt xa bờ" khi liên tục triển khai các dự án lớn tại Bắc Giang, Đồng Nai, Phú Thọ, Thái Nguyên… Hẳn điều này có gì đó hơi khác thường?
Năm 2010 khi Công ty mới thành lập, sức đang còn yếu nên rất khó để tìm kiếm những dự án ở Hà Nội và không dễ để cạnh tranh với các nhà đầu tư đã có tên tuổi. Nhìn bài học phát triển đô thị vệ tinh từ các nước trên thế giới, chúng tôi tin là mình có thể làm đô thị ở các tỉnh lẻ nên vạch ra chiến lược "lấy miền ngược nuôi miền xuôi", chúng tôi đã đi về các tỉnh ven Thủ đô để tìm cơ hội, xây dựng thương hiệu riêng. Khi đó, ở các đô thị nhỏ rất ít các nhà đầu tư bất động sản lớn quan tâm hoặc có làm thì chủ yếu là phân lô bán nền. Chính vì vậy, khi Bách Việt xin làm Khu đô thị kiểu mẫu Bách Việt Lake Garden ở Bắc Giang đã được lãnh đạo địa phương rất quan tâm.
Hướng đi của Bách Việt là phải tạo ra một khu đô thị đầy đủ tiện ích, cảnh quan, hạ tầng đồng bộ. Sau Bắc Giang, Bách Việt vẫn tiếp tục chiến lược riêng khi tiến về Phú Thọ, Đồng Nai, Thái Nguyên và các tỉnh để triển khai các dự án khu đô thị mới và đã đạt được nhiều dấu ấn.
Sau khi đã tạo dựng được uy tín thương hiệu và khẳng định được chất lượng thông qua các sản phẩm đã hoàn thành, thời gian tới, Bách Việt sẽ điều chỉnh chiến lược để đi vào trung tâm, phát triển một số dự án ở các thành phố lớn. Đặc biệt, Bách Việt cũng sẽ mở rộng ra các phân khúc khác như bất động sản giải trí, chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng… bên cạnh mảng bất động sản nhà ở và văn phòng cho thuê hiện tại.
Giai đoạn 2021-2023, trong lúc nhiều doanh nghiệp bất động sản chìm trong khó khăn nhưng Bách Việt dường như vẫn khá "đủng đỉnh". Bí quyết chống chọi trong khủng hoảng là gì, thưa anh?
Giai đoạn này có thể nói là giai đoạn khó khăn chưa từng có của thị trường bất động sản suốt hơn 10 năm qua. Thời điểm hiện tại được đánh giá còn khủng khiếp hơn giai đoạn khủng hoảng những năm 2010. Tuy nhiên, tôi rất mừng và cảm thấy may mắn vì Bách Việt vẫn đi theo đúng các kế hoạch đã được đề ra.
Tôi hay nói vui rằng "Bách Việt có bí quyết con rùa" – chậm chắc, làm nhiều nói ít và bền bỉ. Chúng tôi luôn cố gắng lường trước rủi ro trong mục tiêu phát triển bền vững. Ngay trong những lúc thuận lợi nhất vẫn phải tính bài nghịch. Cơ hội lớn luôn tiềm ẩn có rủi ro cao, không nên bị cuốn theo người khác, mình cứ đi theo đúng con đường của mình, cứ bình tĩnh mà đi thôi. Đầu tư cần phân bổ nguồn lực và quản trị rủi ro, mình đừng có chơi tất tay, thấy người khác đi nhanh mà mình cũng vội vã chạy theo thì rất dễ vấp ngã.
Đó chính là lý do Bách Việt làm dự án nào dứt điểm dự án đó, không đầu tư dàn trải. Khi chúng tôi đã khởi công dự án là xác định có đủ nguồn lực để làm tới khi ra được sổ đỏ cho khách hàng, bàn giao sản phẩm đúng hẹn… Cách triển khai đó là thứ mà Bách Việt muốn duy trì như một nguyên tắc, chứ không có bí quyết nào cả.
Phát triển theo kiểu "con rùa", đi cẩn trọng quá anh có sợ sự phát triển không được bứt phá?
Mỗi doanh nghiệp có chiến lược riêng của mình. Có nhiều doanh nghiệp phát triển rất nhanh, chớp mọi cơ hội; có một số lại lựa chọn chậm chắc, bền vững. Một số khác ban đầu ước mơ phát triển bền vững nhưng sau đó thấy thiên hạ đi nhanh họ lại muốn đua theo. Ở BV Group thì khác, tôi hay nói với anh em rằng Bách Việt như một chú rùa cần mẫn, cứ chậm mà chắc, không cần bứt phá quá nhanh rồi lại dễ xuống nhanh, đó là quy luật của cuộc sống. Mình cứ nhìn bài của mình thôi, đừng nhìn bài người khác mà xao xuyến.
Nếu chúng tôi tất tay có khi Bách Việt Group đã trở thành doanh nghiệp lớn hơn nhiều rồi, nhưng cũng có thể phá sản rồi. Chúng tôi muốn làm chủ chính mình, chỉ làm thứ gì mình hiểu và có thể làm tốt, muốn trở thành một công ty tạo ra giá trị chứ không cần phải đua về quy mô, trường tồn chứ ko phải một phút huy hoàng rồi vụt tắt. Triết lý kinh doanh của Bách Việt là mang lại lợi ích hài hòa cho các bên liên quan, ưu tiên sự phát triển bền vững, mà muốn bền vững đương nhiên không đi nhanh được, đi nhanh tròng trành lắm (cười).
Tại sao đang làm bất động sản, Bách Việt Group lại đầu tư rất mạnh cho giáo dục – vốn là lĩnh vực khó, biên lợi nhuận không cao?
Đối với Bách Việt Group và những người lãnh đạo công ty, giáo dục là một trong những niềm đam mê, là lý tưởng, không phải kinh doanh đơn thuần.
Chúng tôi làm việc với nhiều đối tác nước ngoài và cũng đi ra nước ngoài nhiều. Chúng tôi tự hỏi, Việt Nam có rừng vàng biển bạc, đất đai phì nhiêu, lịch sử 4.000 năm rực rỡ, con người Việt Nam thông minh, chịu khó nhưng tại sao chúng ta vẫn đi sau so với các quốc gia trong khu vực về nhiều mặt?
Bách Việt Group lựa chọn làm giáo dục vì cho rằng, để đất nước phát triển, theo kịp thế giới thì phải đi từ gốc, từ căn cơ, trong đó giáo dục đóng một vai trò rất lớn để đào tạo những đứa trẻ có nhân cách tốt, những thế hệ công dân có đủ kiến thức, kỹ năng, có khát vọng để tạo ra sự thay đổi, sự phát triển bền vững cho đất nước.
Chúng tôi ví mình như cánh bướm nhỏ bé thôi, không tham vọng trở thành đại bàng, nhưng phải hành động. "Cái đập cánh của một chú bướm nhỏ có thể tạo nên một cơn bão trong vũ trụ". Chúng tôi tin vào hiệu ứng cánh bướm. Hy vọng mọi thứ cứ lan tỏa, sẽ có hàng trăm, hàng nghìn người như mình cùng làm giáo dục, cùng nhau xây dựng các thế hệ tương lai tốt đẹp.
Công dân toàn cầu nhưng lại mang bản sắc Việt là điều không hề dễ, Vietschool sẽ làm thế nào để đạt được mục tiêu này, thưa anh?
Bách Việt Group muốn làm giáo dục rất lâu rồi nhưng ấp ủ mãi đến 2017 bắt đầu xây dựng ngôi trường đầu tiên mang tên Vietschool. Chúng tôi khát vọng tạo ra những thế hệ công dân Việt Nam có đủ trí tuệ, phẩm chất của một công dân toàn cầu nhưng vẫn giữ được cốt cách văn hóa truyền thống Việt Nam mang tính bản sắc.
Chúng ta thấy rằng, khi công dân Hàn Quốc hoặc Nhật Bản, Trung Quốc đi ra nước ngoài đều được nhận diện dễ dàng. Nhưng người Việt Nam đi ra thế giới, nhiều khi người ta không biết người nước nào, rõ ràng là mình chưa tạo được bản sắc hoặc chưa biết thể hiện. Chúng ta hòa nhập quốc tế nhưng nhiệm vụ còn là nâng tầm con người Việt, văn hóa Việt ra quốc tế để thúc đẩy phát triển đất nước. Hội nhập nhưng không hòa tan, công dân toàn cầu để có thể làm việc và chung sống mọi nơi nhưng vẫn có bản sắc riêng, đấy là mong muốn của ngôi trường mang tên Vietschool.
Chúng tôi, với sự hợp tác của các chuyên gia hàng đầu, đã biên soạn và đưa vào chương trình học các môn mang tính đặc sắc Vietschool như Văn hóa Việt, Vietskills, Vovinam cùng các hoạt động trải nghiệm, các dự án, các lễ hội, các sự kiện được "thiết kế" riêng cho học sinh Vietschool nhằm kiến tạo cho các em những kiến thức, kỹ năng, phẩm chất rất Việt Nam.
Bách Việt đầu tư rất nhiều cho giáo dục. Thậm chí, giáo dục còn là đam mê, là lý tưởng. Tại sao, anh không nghĩ đến chuyện xây dựng hàng loạt trường Vietschool trong các dự án của mình?
Chúng tôi làm giáo dục độc lập với bất động sản, chúng tôi muốn giáo dục đi đúng theo triết lý của mình. Đến giờ này, Vietschool vẫn phát triển theo đúng triết lý đó, làm giáo dục để phát triển con người chứ không phải là một giá trị gia tăng cho bất động sản, không phải là phụ gia để phát triển bất động sản. Chính vì vậy, ngôi trường Vietschool đầu tiên được xây dựng ở Hà Nội mà không phải nằm trong dự án của BV Group.
Chúng tôi thấy, một số ngôi trường trên thế giới thường tồn tại rất nhiều thế kỷ rồi nhưng vẫn chỉ có 1 hoặc một hoặc một vài cơ sở thôi. Ví dụ như Đại học Harvard, hay Phillip Exeter Academy chỉ có một thôi. Nếu họ thấy thành công rồi mở thêm nhiều cơ sở sẽ khó kiểm soát chất lượng hơn, khó làm tốt hết được. Một ngôi trường tốt hội tụ rất nhiều yếu tố, trong đó con người là quan trọng nhất bởi con người là trung tâm của giáo dục, chương trình hay, cơ sở vật chất khang trang không khó, nhưng tìm được nhiều giáo viên tốt không dễ. Chúng tôi chỉ muốn làm tốt nhất có thể, chứ không cần nhiều.
Giá trị cốt lõi của Vietschool là "Chất – Nhân – Tâm". Chất lượng được đặt lên đầu tiên, mình làm tốt rồi hãy làm tiếp. Vietschool hiện đang làm tốt nhưng còn phải nỗ lực hơn nữa. Chúng tôi mong chờ các thế hệ học sinh Vietschool tốt nghiệp, ra đời tạo thành một lớp người có ích, sống hạnh phúc, đạt được các mục tiêu giáo dục của Vietschool. Khi đó mới có thể yên tâm, có thể mở thêm cơ sở và làm tốt hơn nữa nhưng chắc chắn không phải mô hình chuỗi nhân rộng.
Khi doanh nhân làm từ thiện thường là lúc họ vượt qua khỏi ngưỡng kiếm tiền cho bản thân, gia đình và công ty. Trong suốt nhiều năm qua, Bách Việt âm thầm, bền bỉ làm từ thiện rất nhiều. Phải chăng, các anh đã là người rất giàu?
Chúng ta đừng nghĩ làm từ thiện là phải cho nhiều tiền, nhiều quà. Trong chữ từ thiện, "từ" là lòng từ bi là bản năng yêu thương, còn "thiện" là việc thiện, việc tốt. Như vậy, từ thiện không phải có tiền mới làm. Mình ra đường gặp bà bán rau bị ngã, mình dựng xe giúp cũng là làm việc thiện. Đi ra đường thấy cháu nhỏ đánh giày, mua cho cháu bữa ăn sáng, động viên cháu cố gắng làm người tốt, không ngừng vươn lên trong cuộc sống. Đấy chính là làm từ thiện.
Việc thiện phải xuất phát từ tâm. Nhiều người vẫn làm được việc từ thiện dù họ không có nhiều tiền. Có những người chỉ có một đồng nhưng người ta sẵn sàng chia sẻ cho những hoàn cảnh éo le. Không phải cứ giàu mới làm được từ thiện.
Làm từ thiện nếu nói nhiều thì dễ bị hiểu là tiêu cực nhưng nếu âm thầm quá sẽ khó lan tỏa ra cộng đồng. Ở Bách Việt, anh cân bằng việc đó thế nào?
Tôi làm từ thiện cũng có thể do ảnh hưởng từ gia đình mình hay quan tâm giúp đỡ người khác. Khi Bách Việt chưa thành lập Quỹ Trăng Xanh tôi cũng đã làm từ thiện nhiều. Nhưng sau đó, tôi nhận thấy làm từ thiện cũng nên có trọng tâm, nếu không hiệu quả sẽ rất thấp. Đó là lý do năm 2017 Quỹ Trăng Xanh ra đời tập trung cho giáo dục và đối tượng chính là trẻ em, hướng đến tương lai tốt đẹp cho trẻ mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng có mong muốn được học tập. Quỹ giúp các cháu thông qua chương trình Học bổng Trăng Xanh được trao lâu dài cho tới hết lớp 12, cùng đồng hành, động viên các cháu vượt qua khó khăn, nuôi dưỡng ước mơ. Bên cạnh đó, Quỹ cũng tài trợ xây trường học, trao quà tặng cho các em nhỏ, tài trợ phòng chống dịch, tài trợ trang thiết bị y tế, làm đường giao thông, trồng rừng…
Chúng tôi làm từ thiện mà không muốn nói nhiều về mình. Nhưng bên cạnh đó lại luôn đau đáu một mong ước làm sao phải lan tỏa được cái tốt ra cộng đồng để mọi người cùng hỗ trợ nhau, huy động được sức mạnh xã hội chứ một mình làm sao giúp hết mọi người được. Quỹ Trăng Xanh với các hoạt động Học bổng Trăng Xanh, Trăng sẻ chia, Trăng hy vọng hoạt động bền bỉ suốt gần 6 năm nay đã giúp hàng nghìn em học sinh thắp sáng ước mơ đến trường, vươn lên trong cuộc sống. Chúng tôi mong muốn chính các em sẽ là những hạt giống lan tỏa tình yêu thương, lòng tử tế đến xã hội, khơi gợi lòng từ bi trong mỗi con người.
Chúng tôi cho rằng mình chỉ là một cây nến nhỏ và chỉ có thể chiếu sáng được một góc, nhưng nếu xã hội thắp được hàng nghìn, hàng triệu cây nến yêu thương thì sức lan tỏa sẽ rất lớn. Tôi còn nhớ Tết Trung Thu vừa rồi, Đài Truyền hình Việt Nam đã đưa tin Quỹ Trăng Xanh mang Trung Thu đầu tiên của trẻ em vùng khó Hà Giang, sau khi được phát sóng đã lan tỏa được giá trị tới cộng đồng rất mạnh. Rất nhiều người đã liên hệ tới điểm trường này và các điểm trường khác trong vùng và mong muốn hỗ trợ cho các trẻ em vùng đó. Tôi vui lắm vì mình làm một việc nhỏ nhưng nhân rất rộng ra cộng đồng. Rõ ràng là hiệu ứng cánh bướm đã lan toả.
Làm từ thiện nói thì dễ nhưng làm được đến cùng mới khó. Ở Bách Việt Group, anh đã duy trì nhiệt huyết này thế nào?
Để duy trì được hoạt động từ thiện lâu dài, tôi cho rằng phải xuất phát từ triết lý kinh doanh của doanh nghiệp và nhiệt huyết, cái tâm, sự gương mẫu của những người đứng đầu. Mới đây, Quỹ có tổ chức hoạt động gặp mặt các cháu từng nhận học bổng Quỹ Trăng Xanh thi đỗ vào các trường đại học. Ban lãnh đạo Quỹ và các tình nguyện viên rất phấn khởi vì những nỗ lực, tâm huyết của chúng tôi đã tới ngày hái quả. Anh Hạnh - Chủ tịch Quỹ cùng Ban điều hành Quỹ đã dành thời gian trực tiếp gặp gỡ, chia sẻ và động viên các cháu.
Ở Bách Việt, chúng tôi luôn muốn đốt lên "ngọn lửa" của lòng từ bi trong mỗi con người. Chúng tôi đã bố trí Giám đốc Điều hành Quỹ chuyên trách và Ban lãnh đạo thường xuyên đôn đốc triển khai các kế hoạch, chương trình. Hàng tháng chúng tôi bố trí cán bộ đi đến trao quà hỏi thăm tình hình học tập, đời sống của các cháu, tư vấn cho các cháu. Hoạt động này nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ công nhân viên. Ban đầu mọi người đi vì công việc, vì trách nhiệm, vì "sếp giao" nhưng sau đó họ cảm thấy thích và đam mê làm từ thiện.
Lòng từ bi tồn tại đâu đó sâu thẳm trong mỗi con người, mình chỉ cần nhóm lên và ngọn lửa sẽ tự cháy. Ở Bách Việt, lãnh đạo làm gương để tất cả cán bộ công nhân viên cùng theo đó thực hiện. Bên cạnh đó, các tiến bộ và kết quả tốt đẹp mà các cháu đạt được cũng động viên rất nhiều cho các tình nguyện viên. Trong đợt thi tuyển đại học vừa qua, rất nhiều cháu trong quỹ học bổng Trăng Xanh đỗ đại học Bách Khoa, Học viện Công nghệ & Bưu chính Viễn thông… với số điểm cao. Con đường tri thức rộng mở, các cháu sẽ có một tương lai tươi sáng hơn. Mọi người đều cảm thấy vui như chính người nhà mình thành đạt. Cảm giác sướng vô cùng!
Anh có thể chia sẻ kế hoạch phát triển của Bách Việt đi kèm trách nhiệm xã hội trong tương lai là gì?
Bách Việt Group chỉ là một ngọn nến nên không thể nào làm sáng được cả vùng đất rộng lớn nhưng mà hàng trăm, hàng triệu ngọn nến cùng thắp lên sẽ bừng sáng cả một khu vực thì nó sẽ tạo nên sự lan tỏa rất là tuyệt vời. Chúng tôi sẽ vẫn kiên định với các triết lý kinh doanh, các giá trị mà mình lựa chọn, luôn hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp với các bên liên quan, bao gồm khách hàng, đối tác, cộng đồng và xã hội.
Xin cảm ơn những chia sẻ rất thú vị của anh!
Nhịp Sống Thị Trường