MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó Chủ tịch Nissan: Cách mạng 4.0 có thể đưa Việt Nam bắt kịp ngành công nghiệp ô tô của Nhật Bản

13-09-2018 - 14:40 PM | Tài chính quốc tế

Tốc độ tăng trưởng lên tới 6-7% mỗi năm có thể giúp Việt Nam sớm bắt kịp Nhật Bản và các nước phát triển trong ngành công nghiệp ô tô.

Việt Nam có thể "nhảy cóc" nhờ CMCN 4.0

Đó là nhận định của ông Yutana Sanada, Phó Chủ tịch cấp cao của Nissan khu vực châu Á và châu Đại Dương. Theo ông Sanada, khoảng cách giữa ngành công nghiệp ô tô non trẻ của Việt Nam và các nước như Nhật Bản là rất rõ ràng. Tuy nhiên, CMCN 4.0 có thể giúp Việt Nam thực hiện những bước đi đột phá để san bằng những cách biệt.

"Dù so sánh GDP bình quân theo đầu người hay những chỉ số khác, Việt Nam còn cách rất xa Nhật Bản. Tuy nhiên, với mức độ tăng trưởng lên tới 6-7% mỗi năm, Việt Nam có thể nhanh chóng bắt kịp với Nhật Bản trong lĩnh vực công nghiệp ô tô", ông Sanada bày tỏ sự tin tưởng vào tương lai ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam.

Bên cạnh đó, theo ông Sanada, Việt Nam còn có cơ hội ở nhiều loại hình công nghệ khác và có nhiều thuận lợi để trở thành một trọng tâm của khu vực và thế giới. Tỷ lệ phổ cập của điện thoại thông minh và kết nối Internet ở Việt Nam được coi là một động lực lớn, giúp quốc gia có thể thực hiện được những bước "nhảy cóc" trong cuộc CMCN 4.0. 

Thời điểm này, những gì từng được coi là yếu điểm của Việt Nam lại có thể chuyến hóa thành điểm mạnh để đạt được những tiến bộ mạnh mẽ. Thậm chí, CMCN 4.0 còn có thể giúp Việt Nam trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm của các tập đoàn ô tô hàng đầu thế giới.

Phó Chủ tịch Nissan: Cách mạng 4.0 có thể đưa Việt Nam bắt kịp ngành công nghiệp ô tô của Nhật Bản - Ảnh 1.

Chỉ tính riêng Nissan, hiện đang có khoảng 2.000 kỹ sư trẻ đang làm việc trong trung tâm Nissan Automotive Technology - đơn vị chịu trách nhiệm phát triển các bộ phận xe hơi và đóng góp hơn 95% dữ liệu thiết kế và mô phỏng vận hành trên máy tính của trung tâm nghiên cứu & phát triển toàn cầu của Nissan. Nếu tính cả các thương hiệu khác, con số này có thể lớn hơn nhiều lần.

"Hàng ngày, họ được cập nhật các công nghệ mới nhất của Nissan hay những công nghệ sắp được ra mắt. Vì vậy, tôi hoàn toàn tin tưởng vào năng lực và khả năng bắt kịp xu hướng của nguồn nhân lực Việt Nam. Do đó, tôi nghĩ rằng Việt Nam có đủ tất cả những yếu tố để thực hiện Cách mạng công nghiệp 4.0", ông Sanada bày tỏ tin tưởng.

Doanh nghiệp Việt có thể trở thành đối thủ của những tập đoàn ô tô hàng đầu thế giới

Phó Chủ tịch cao cấp của Nissan phụ trách châu Á và châu Đại dương cũng nhấn mạnh yếu tố quan trọng nhất để bắt kịp dòng chảy nhanh chóng và mạnh mẽ của CMCN 4.0 chính là con người. Thực tế làm việc ở Nissan cũng đã cho thấy người Việt rất có năng lực và có khả năng nắm bắt cơ hội. Đó sẽ là chìa khóa để Việt Nam có thể tiến những bước xa trong thời điểm bùng nổ CMCN trên khắp thế giới.

Cùng với những cơ hội đó, các doanh nghiệp của Việt Nam, trong đó có Vinfast, có thể bắt kịp được các nước có bề dày lịch sử trong ngành công nghiệp ô tô. Cùng với đó, việc ngày càng nhiều công ty ô tô hàng đầu thế giới mở nhà máy ở Việt Nam sẽ trở thành nền tảng tốt cho quá trình này.

Phó Chủ tịch Nissan: Cách mạng 4.0 có thể đưa Việt Nam bắt kịp ngành công nghiệp ô tô của Nhật Bản - Ảnh 2.

Ảnh: Linh Anh

"Tôi không chắc về kế hoạch của đối tác cũng như đối thủ cạnh tranh của mình. Tuy nhiên, từ sự hợp tác với nhiều tên tuổi khác như Mazda hay Toyota, các kỹ thuật sản xuất ôtô tối tân nhất sẽ sớm được triển khai ở Việt Nam. Người Việt Nam có khả năng dễ dàng thích nghi với các xu hướng và kỹ thuật hiện đại. Từ đó, công nghệ và công nghiệp hóa có thể phát triển hơn nữa tại Việt Nam", ông Sanada nói.

Ông Sanada cũng đề cập tới xu hướng của xe điện trong ngành công nghiệp ô tô cũng như những mối đe dọa có thể có với các hãng sản xuất ô tô truyền thống. Để không bị bỏ lại phía sau, Nissan đã dành nhiều chi phí và nhân lực để đầu tư cho lĩnh vực này đồng thời thể hiện quyết tâm nhanh chóng đưa sản phẩm tới tay khách hàng để họ có cơ hội trải nghiệm.

Trước sự nổi lên của Tesla, ông Sanada nhấn mạnh: "Khách hàng không được trực tiếp trải nghiệm sản phẩm mà chỉ nhìn thấy trên các tạp chí thì họ khó có thể hiểu được nó. Chúng tôi có thể sản xuất một số lượng nhỏ các ôtô thế hệ mới với sự hỗ trợ từ các đối tác tại địa phương, giúp khách hàng được trải nghiệm thực tế và lái xe trong thời gian ngắn nhất".

Phía Nissan cũng bày tỏ mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp địa phương nhằm phát triển lĩnh vực điện khí hóa và mang lại cơ hội cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, quá trình điện hóa ô tô có thể được tiếp cận với nhiều cách khác nhau và Nissan đang nỗ lực phát triển công nghệ nhằm dễ áp dụng vào thực tiễn nhất để phù hợp với khách hàng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các thị trường khác.

Phó Chủ tịch Nissan: Cách mạng 4.0 có thể đưa Việt Nam bắt kịp ngành công nghiệp ô tô của Nhật Bản - Ảnh 3.

Ảnh: Linh Anh

Đề cập đến vấn đề xe tự lái, ông Sanada đánh giá nó đến nhanh hơn nhiều so với những gì chúng ta nghĩ. Thậm chí, nhiều ứng dụng hỗ trợ điều khiển xe, chẳng hạn như hệ thống phanh tự động, đã được phát triển và đưa vào ứng dụng trên sản phẩm. Nissan cũng đã có những thành tựu trong lĩnh vực này giúp gia tăng an toàn cho người sử dụng.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là khởi đầu. Tự động hóa xe hơi sẽ cần nhiều thời gian hơn để phát triển nhưng có thể, nó sẽ xuất hiện không muộn như người ta tưởng tượng. Ngoài mức độ an toàn, việc giúp người lái có thời gian "rảnh tay" để trải nghiệm những công nghệ hoặc đam mê khác sẽ mang đến nhiều lợi ích cho người dùng.

"Thời điểm xe tự hành được đưa ra thị trường phụ thuộc vào nhiều điều kiện. Các nhà sản xuất cũng cần sự hỗ trợ của các chính phủ để tối đa hóa yếu tố an toàn vì đây là vấn đề ưu tiên số một của tất cả các nhà sản xuất ô tô. Tôi không thể nói về thời gian cụ thể cho từng thị trường nhưng nó có thể xảy ra trong khoảng 10 - 15 năm nữa", ông Sanata nhận định.

Tự động hóa diễn ra trong bối cảnh ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam còn hết sức non trẻ. Tuy nhiên, đây không phải rào cản. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp của Việt Nam cùng những thuận lợi về lực lượng lao động và nguồn nhân lực trẻ, sẵn sàng đón nhận những công nghệ mới được xem là điểm tích cực với Việt Nam trước xu thế mới. Ngoài ra, chính phủ Việt Nam cũng có nhiều bước đi cho thấy sự sẵn sàng hỗ trợ các ngành công nghiệp bắt kịp xu thế CMCN 4.0 nhằm đạt được những bước tăng trưởng mạnh mẽ.

Trong khi đó, giao thông ở Việt Nam không phải là rào cản. Ông Sanada bày tỏ sự lạc quan về sự ra mắt của xe tự lái ở Hà Nội, Tp Hồ Chính Minh cũng như các đô thị khác như Tokyo, Bắc Kinh hay New York.

"Chúng tôi luôn cố gắng đáp ứng các yêu cầu cụ thể của từng địa phương. Trong một số trường hợp chúng tôi có thể tự mình sản xuất, nhưng một số khác, chúng tôi cũng hợp tác để có thể đóng góp nhiều hơn và gắn kết hơn với địa phương. Chúng tôi luôn cởi mở cho sự hợp tác", ông Sanada nói về tiềm năng hợp tác của Nissan với các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực ô tô.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên