Phó Chủ tịch QH tiếc câu đối đỏ ngày Tết không còn
Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển thích tiết trời se lạnh cuối Đông, cả gia đình quây quần thưởng thức hương vị ngày Tết.
“Tôi không bao giờ bỏ được hương vị ngày tết của dân tộc. Bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành... Tiếc là bây giờ không có câu đối đỏ”, Phó Chủ tịch QH chia sẻ.
Ông cho rằng câu đối đỏ cũng gần như một tuyên ngôn, một thông điệp, một tâm thế hay một mong muốn cho một năm mới.
Đừng ngại thất bại trận đầu
Thưa ông, kỳ họp vừa rồi, QH thông qua Nghị quyết về cơ cấu lại nền kinh tế 2016 - 2020. Đây được xem là kim chỉ nam cho phát triển đất nước trong nhiệm kỳ này. Tuy nhiên, nhiều ý kiến còn băn khoăn nếu chúng ta vẫn giữ cách làm cũ, tư duy cũ trong khi đã hội nhập sâu thì vẫn có thể rơi vào tình cảnh thua ngay trên sân nhà?
Rõ ràng với điều kiện hiện tại của chúng ta, giai đoạn đầu khi hội nhập sẽ gặp khó khăn. Nhưng tôi nghĩ, các doanh nghiệp giống như lên sàn đấu, ngay từ những trận đầu, gặp những đấu sĩ rất to khỏe, mà mình lại thiếu cân, thiếu lạng, gầy gò thì phải gục thôi, thua trên sân nhà là đương nhiên.
Nhưng gục rồi, chúng ta vùng dậy giống như người ta nói “muốn bơi phải ném xuống nước”. Hội nhập là xu thế, chúng ta có thể chấp nhận thua ngay trận đầu nhưng về lâu dài sẽ phải thắng nên đừng ngại thất bại lần đầu.
Khi hội nhập, chúng ta có thể đo ván vài hiệp đầu, nhưng rồi chúng ta sẽ chiếm lĩnh lại thị trường. Cuộc chiến này đâu phải ngày một, ngày hai.
Chúng ta không ngại, quan trọng là tạo ra môi trường hết sức thông thoáng, công khai, minh bạch, bình đẳng. Chúng ta phải thực hiện cơ chế thị trường đầy đủ, chỉ có vào thực tiễn mới phát triển và trưởng thành được.
Cơ cấu lại là vận hội, là cơ hội, biết sử dụng những cái chúng ta đã có, chúng ta đã làm, chúng ta đã đi để tạo bước phát triển mới, tư duy mới, nhận thức mới.
Khi cơ cấu lại, chúng ta xác định được mục tiêu, bước đi và giải pháp của chúng ta. Đây là điều trước nay chúng ta đã làm nhưng chưa rõ, chưa cụ thể lắm. Lần này rõ ràng, cụ thể, từ đó đưa ra những quyết định chính xác, hiệu quả hơn.
Chấn hưng đất nước phải thông qua giáo dục
Như ông nói, cơ cấu lại để tạo bước phát triển mới, tư duy mới, nhận thức mới và cấn có môi trường tốt nhưng nếu vẫn những con người cũ thực hiện thì liệu có thành công?
Có môi trường tốt rồi, thì phải có con người thực hiện tốt, cán bộ thực hiện tốt, quyết tâm, nghiêm túc làm việc. Cho nên, nguồn lực con người là một yêu cầu và cũng là khó khăn tiếp theo của chúng ta. Muốn làm được cơ cấu lại thì do con người hết.
Nhưng bối cảnh của chúng ta hiện nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo mới đạt 53%, trong đó đào tạo 3 tháng trở lên có chứng chỉ đạt 21%. Chính vì thế, về lâu về dài phải thay đổi căn bản nền giáo dục của chúng ta. Giáo dục đào tạo phải đổi mới đầu tiên. Chấn hưng đất nước phải thông qua giáo dục, phải đào tạo được nguồn lao động có tri thức, có năng lực, có kinh nghiệm.
Những năm qua, chúng ta phát triển chủ yếu dựa vào vốn, tài nguyên, nguồn lao động giá rẻ. Giai đoạn thứ 2, phải thay thế dần, sử dụng vốn không dàn trải nữa mà phải hiệu quả, tài nguyên phải tiết kiệm, nhân lực phải có trình độ, kỹ thuật hơn.
Giai đoạn thứ 3, khi có lực lượng lao động dồi dào, có trình độ chuyên môn cao, có sự sáng tạo lớn, thì lúc ấy chúng ta mới có nguồn tài nguyên trí thức cao. Lúc ấy mới là sự cạnh tranh cuối cùng.
Con người là câu chuyện không phải ngày một, ngày hai, không thể từ nông dân dưới ruộng sang bên kia đường là vào nhà máy làm được đâu.
Thuận lợi có, khó khăn có, đó là quá trình đan xen nhau. Chỉ khi chúng ta vào cuộc thì mới thấy nảy sinh những vấn đề mới. Cuộc sống là thế, đâu phải mọi thứ đều trải hoa hồng cả. Hoa hồng còn có gai kia mà. Nhưng rõ ràng, cơ cấu lại là chúng ta có lợi. Khó khăn chỉ là trước mắt.
Nhưng điều rất mừng là chúng ta xác định được định hướng, mục tiêu. Vấn đề còn lại là chúng ta tổ chức thực hiện như thế nào.
Tôi không bao giờ bỏ được hương vị ngày tết
Nhân dịp tết đến, cử tri cả nước cũng muốn biết các hoạt động, sở thích đón Tết của Phó Chủ tịch QH như thế nào, ông có thể chia sẻ đôi điều?
Tôi cũng như mọi người Việt Nam, mỗi dịp Tết đến, xuân về đều cảm thấy háo hức. Tất nhiên không phải háo hức như con trẻ được mặc quần áo mới đi chơi Tết như ngày xưa, mà bây giờ tuổi khác rồi, sở thích cũng trầm lắng hơn.
Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển tiếc câu đối đỏ của tết xưa nay không còn
Tôi luôn trân trọng truyền thống đón Tết của gia đình, đó là sum vầy, đông đủ gia đình, mọi người được cùng nhau chia sẻ hương vị ngày tết.
Tết bây giờ cũng thay đổi nhiều lắm, nhiều người thích đi du lịch nước ngoài thay vì ở nhà. Nhưng với truyền thống con người Việt Nam và cá nhân tôi, ngày Tết là ngày của xum họp gia đình. Nếu muốn đi du lịch, khám phá đó đây thì còn nhiều dịp lễ trong năm, riêng Tết vẫn là dành cho gia đình.
Trong không gian tết của người Việt Nam vào cuối Đông tiết trời se lạnh, cành đào nở, cả gia đình sống quây quần bên nhau tạo ra một không khí đầm ấm rất đặc biệt. Đây cũng là thời khắc đánh dấu một năm qua đi trong cuộc đời của mỗi con người.
Năm mới, ông có điều gì muốn nhắn gửi đến cử tri cả nước?
Tôi hy vọng, năm Đinh Dậu, năm con gà thông báo cho mọi người về một tương lai tươi sáng. Con gà cần cù, không thể khác được. Giúp mình chỉ do tay mình, dân tộc mình tự quyết định cho vị thế của dân tộc mình thôi, không ai khác.
Tất nhiên, chúng ta có dựa vào xu thế của thời đại giống như dòng nước và con thuyền, thuyền đừng đi ngược mà đi xuôi theo dòng nước, còn có gặp khúc khuỷu, thác ghềnh cũng là đương nhiên. Chúng ta phải dám đối mặt và ắt sẽ thành công.
Vietnamnet