MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó Chủ tịch SeABank 'hiến kế' hỗ trợ ngân hàng, doanh nghiệp

08-10-2021 - 08:01 AM | Tài chính - ngân hàng

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ tịch HĐQT SeABank đề xuất NHNN cần có các chính sách định hướng cho các tổ chức tín dụng để hỗ trợ đúng và đủ các đối tượng thực sự bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Phó Chủ tịch SeABank hiến kế hỗ trợ ngân hàng, doanh nghiệp - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao vai trò, vị thế hết sức quan trọng của đội ngũ doanh nhân đối với sự phát triển của đất nước. Ảnh: Quochoi.vn

 Ngày 7/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với VCCI, gặp gỡ trực tiếp đại diện giới doanh nhân Việt Nam.

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) chia sẻ: Ngân hàng cũng là một doanh nghiệp và là huyết mạch của nền kinh tế. Ngân hàng vừa phải thu hút nguồn lực của nền kinh tế, nhận tiền gửi từ người dân, tổ chức, vừa cung cấp vốn cho doanh nghiệp hoạt động; đồng thời phải cân bằng, đảm bảo dự phòng bắt buộc để kiểm soát rủi ro trong hoạt động.

Dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng theo đại diện SeABank, ngành ngân hàng vẫn hoạt động ổn định và hiệu quả, điều đó cho thấy hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có sự vững mạnh nhất định, đạt được các tiêu chuẩn và hòa nhập với hệ thống tài chính thế giới, đạt mức cao trong xếp hạng tín nhiệm của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh có nhiều biến động, cũng cần có sự thay đổi để hoàn thiện môi trường pháp lý, hệ thống pháp luật trong lĩnh vực tài chính Ngân hàng. Theo đó, bà Nga đưa ra các đề xuất căn cơ để hỗ trợ ngân hàng, doanh nghiệp trong thời gian tới.

Thứ nhất, đề xuất Quốc hội nghiên cứu xây dựng Luật Giao dịch điện tử thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử năm 2005 để tạo cơ sở pháp lý cho các bộ, ngành hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan là công tác cần được quan tâm và đẩy nhanh tiến độ.

Đề xuất Ngân hàng Nhà nước tiến hành rà soát, sửa đổi/bổ sung về việc chấp nhận phương thức giao dịch điện tử trong các Thông tư liên quan đến nghiệp vụ ngân hàng nói chung, từ đó xây dựng hành lang pháp lý quan trọng giúp các tổ chức tín dụng hoàn thành các mục tiêu số - định hướng đến năm 2030.

Tiếp theo, kiến nghị NHNN nghiên cứu điều chỉnh Pháp lệnh ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư nước ngoài theo hướng không phân biệt đầu tư gián tiếp và trực tiếp như quy định tại Luật Đầu tư, đồng thời định hướng quản lý phù hợp với các giao dịch ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam.

Về quản lý nợ xấu, thời gian qua Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật về xử lý nợ xấu, giãn nợ qua đó tạo hành lang pháp lý cho việc xử lý nợ nhằm hỗ trợ cả ngân hàng lẫn khách hàng. Tuy nhiên, Nghị quyết 42/2017/QH14 sẽ hết hiệu lực vào 15/8/2022. Vì vậy, đại diện SeABank đề xuất cần nghiên cứu ban hành văn bản gia hạn/thay thế Nghị quyết này với nội dung kế thừa đầy đủ các quyền của tổ chức tín dụng, có sửa đổi bổ sung thêm một số nội dung để tạo sự chủ động tối đa cho tổ chức tín dụng khi xử lý thu hồi nợ.

Đề xuất bổ sung vào Luật các tổ chức tín dụng hoặc có văn bản hướng dẫn chi tiết để mở rộng hoạt động của các tổ chức tín dụng như nghiệp vụ đại lý có liên quan tới hoạt động ngân hàng, đại lý quản lý tài sản; hoạt động tư vấn hồ sơ phát hành trái phiếu doanh nghiệp...

Cuối cùng, Phó Chủ tịch SeABank nhấn mạnh, NHNN đã ban hành các thông tư hướng dẫn về miễn giảm lãi, phí, cơ cấu nợ và gia hạn nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Tuy nhiên, mong rằng NHNN sẽ tiếp tục đưa ra các chính sách định hướng cho các tổ chức tín dụng để hỗ trợ đúng và đủ các đối tượng thực sự bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Theo Đình Vũ

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên