MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó Chủ tịch Unilever VN: Chi phí logistics tăng thêm 2,5 triệu EUR so với trước dịch, nếu đứt gãy chuỗi cung ứng kéo dài sẽ có nhiều hệ luỵ cho nền kinh tế

03-09-2021 - 06:03 AM | Doanh nghiệp

Phó Chủ tịch Unilever VN: Chi phí logistics tăng thêm 2,5 triệu EUR so với trước dịch, nếu đứt gãy chuỗi cung ứng kéo dài sẽ có nhiều hệ luỵ cho nền kinh tế

Việc "ngăn sông cấm chợ" trong vận chuyển hàng hóa đến các địa phương không chỉ gây khó khăn cho khâu đầu ra của doanh nghiệp mà còn dẫn đến tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung hàng hóa cho người dân.

Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng vì "mỗi nơi áp dụng chống dịch một kiểu"

Chiều 30/8, chính quyền thành phố Cần Thơ bỏ quy định "đổi tài, sang xe" sau một tuần áp dụng khiến hàng hoá ùn ứ tại cửa ngõ thủ phủ miền Tây. Trước đó, Cần Thơ yêu cầu các doanh nghiệp vận tải phải "đăng ký trước" và "sang xe, đổi tài" tại bãi tập kết cho dù tài xế đã thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. Điều này đã dẫn đến tình trạng hàng nghìn xe bị chặn lại trước cửa ngõ vào Cần Thơ.

"Suốt bốn ngày, 44 chiếc xe chở theo gần 500 tấn hàng tiêu dùng của chúng tôi bị chôn chân trên đường", ông Đỗ Thái Vương, Phó Chủ tịch Phát triển Bền vững và Truyền thông Unilever Việt Nam đã chia sẻ với truyền thông về câu chuyện đứt gãy chuỗi cung ứng vào đầu tuần này. 

Unilever là một tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất và phân phối các sản phẩm chăm sóc cá nhân, vệ sinh bề mặt và môi trường sống, các sản phẩm thực phẩm với các nhãn hàng quen thuộc với gia đình Việt như OMO, P/S, Clear, Pond's, Knorr, Lifebuoy, Sunsilk, VIM, Lipton, Sunlight, VISO, Rexona…

Trao đổi với người viết, ông Đỗ Thái Vương cho biết khi dịch bùng phát nghiêm trọng tại TP HCM, Bình Dương và các tỉnh phía Nam, Unilever Việt Nam đã và đang cố gắng hết sức để duy trì sản xuất đồng thời bảo vệ an toàn-sức khỏe của người lao động. "Hai cụm nhà máy của Unilever ở khu công nghiệp Tây Bắc Củ chi và VSIP Bắc Ninh cùng các công ty đối tác Lix, Net; Các trung tâm phân phối sản phẩm Linfox Bắc Ninh, Linfox Đà Nẵng và Linfox Bình Dương đang hoạt động hết công xuất 24/7, đồng thời thực hiện 3 tại chỗ trong một thời gian dài vừa qua nhằm cung ứng những mặt hàng thiết yếu cho hơn 35 triệu người tiêu dùng Việt Nam mỗi ngày", Phó Chủ tịch Unilever chia sẻ.

Phó Chủ tịch Unilever VN: Chi phí logistics tăng thêm 2,5 triệu EUR so với trước dịch, nếu đứt gãy chuỗi cung ứng kéo dài sẽ có nhiều hệ luỵ cho nền kinh tế - Ảnh 1.

Ông Đỗ Thái Vương, Phó Chủ tịch Phó Chủ tịch Phát triển Bền vững và Truyền thông Unilever Việt Nam

Tuy nhiên, tình trạng các quy định, yêu cầu các thủ tục giấy tờ để lưu thông hàng hóa tại các địa phương không thống nhất. Thậm chí, có tình trạng địa phương này không công nhận giấy tờ của địa phương khác cấp, hoặc xe chuyển hàng được địa phương này cho lưu thông nhưng địa phương kia không cho vào giao hàng dẫn tới việc chuỗi cung ứng từ khâu sản xuất tới lưu thông trên thị trường bị gián đoạn, đứt gãy, gây khó khăn kép cho các doanh nghiệp trong đó có Unilever, gây ảnh hưởng tới mục tiêu phát triển kinh tế của Chính phủ. 

Như trường hợp tại Cần Thơ khi áp dụng biện pháp "đổi tài, sang xe", hàng nghìn xe kẹt cứng vì hàng hóa không thể giao sang xe khác vì vừa thiếu tài xế địa phương vừa không có nhân lực bốc xếp; bãi chật chội; phương án dỡ hàng và đổi người có nguy cơ thất thoát hàng hóa cho doanh nghiệp và còn có thể lây nhiễm dịch bệnh.

Chi phí logistics tăng hàng triệu USD so với trước dịch

Theo ông Đỗ Thái Vương, đại dịch Covid ’19 là một cuộc khủng hoảng thực sự và chưa từng có tiền lệ, không ai có kinh nghiệm. Trong suốt thời gian qua, Covid-19 đã tác động xấu đến chuỗi cung ứng toàn cầu khi nhiều cảng biển bị đóng cửa, bào mòn sức lực công nhân và lợi nhuận của doanh nghiệp. Không chỉ gián đoạn, đứt gãy trong chuỗi cung ứng, tình hình cước phí vận chuyển trong nước cũng bị ảnh hưởng. Chi phí logistics của Unilever đã tăng lên hơn 2,5 triệu Euro so với trước dịch. Tình trạng thiếu hụt nhân công lao động, đặc biệt lực lượng nhân công bốc xếp hàng do các qui định giãn cách và giấy đi đường.

Ông Vương cho biết, đợt dịch thứ tư này, hàng nghìn công nhân của Unilever phải chấp nhận xa nhà, ở lại nhà máy hoặc nơi tập trung để duy trì sản xuất, đảm bảo nguồn hàng cung cấp cho thị trường. Những tháng thực thi "ba tại chỗ", "một cung đường, hai điểm đến", chi phí bị đội lên hàng chục tỷ đồng, nhưng công suất chỉ đảm bảo được 30% tới 50% vì phải luân phiên lao động.

Phó Chủ tịch Unilever nhận định, nếu đứt gãy chuỗi cung ứng tiếp tục kéo dài, sẽ có nhiều hệ lụy cho nền kinh tế và xã hội. 

Đầu tiên, sẽ thêm nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa do không có nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất và chi phí để duy trì sản xuất tới lưu thông hàng hóa đội lên quá cao. 

Thứ hai, việc "ngăn sông cấm chợ" trong vận chuyển hàng hóa đến các địa phương không chỉ gây khó khăn cho khâu đầu ra của doanh nghiệp mà còn dẫn đến tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung hàng hóa cho người dân, đặc biệt là những sản phẩm thiết yếu góp phần phòng chống dịch bệnh, như sản phẩm vệ sinh cá nhân, vệ sinh khử khuẩn bề mặt, thực phẩm…

Thứ ba, một khi các doanh nghiệp không thể trụ nổi, vấn đề an sinh xã hội và mục tiêu phát triển kinh tế của chính phủ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chưa kể có thể phát sinh vấn đề nhập lậu hàng hóa nếu nguồn cung trong nước thiếu hụt và lạm phát trong những tháng cuối năm.

Phải đảm bảo chuỗi cung ứng không bị đứt gãy

"Các doanh nghiệp hiện đang cố gắng duy trì hoạt động sản xuất nên được nhìn nhận như những trụ đỡ góp phần duy trì nền kinh tế, giữ việc làm và thu nhập cho hàng triệu lao động, bảo đảm an sinh xã hội. Vì vậy, chúng tôi hi vọng sẽ được tạo điều kiện tốt nhất để tiếp tục duy trì sản xuất và cung ứng hàng hóa ra thị trường với chi phí hợp lý nhất cho người dân, những người cũng đang phải gánh chịu những tổn thất về tinh thần, thu nhập, thậm chí thất nghiệp do giãn cách", Phó Chủ tịch Unilever mong các chính sách tháo gỡ cho các doanh nghiệp khối sản xuất và lưu thông hàng hóa trên thị trường cần mang tính toàn diện và đồng bộ, bao gồm cả các doanh nghiệp logistics, vận tải để không bị đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu. 

Unilever đã đưa ra một số kiến nghị:

Thứ nhất, để đảm bảo tính nhất quán, đồng bộ từ trung ương tới địa phương trong việc lưu thông hàng hóa, cần có sự thống nhất về thủ tục giấy tờ trên toàn quốc khi lưu thông hàng hóa, đặc biệt phải quán triệt trong các lực lượng tham gia chốt chặn nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng không bị đứt gãy, người tiêu dùng có thể tiếp cận các hàng hóa thiết yếu phục vụ mục đích dân sinh và phòng chống Covid-19.

Thứ hai, bổ sung nhóm các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ, logistic phục vụ hệ thống phân phối (siêu thị, cửa hàng cung cấp lương thực, thực phẩm) được phép hoạt động nhằm hỗ trợ hệ thống phân phối phục vụ dân sinh, đặc biệt là tại các địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, khu vực Mê Kông và miền Đông Nam bộ.

Quan trọng nhất, Unilever cho rằng cần triển khai tiêm vaccine tới các lực lượng lao động trong chuỗi sản xuất, cung ứng nhằm tiến tới xóa bỏ mô hình "3 tại chỗ" giúp giảm gánh nặng tài chính và nguy cơ lây nhiễm.

Phép vua thua lệ làng

Mặc dù Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế đã có quy định về "luồng xanh vận tải", không kiểm tra tại chốt kiểm soát dịch với xe có giấy nhận diện có mã QR còn thời hạn vận chuyển hàng hóa (trừ hàng cấm) trên tất cả đường cao tốc đến đường liên huyện, đô thị, song nhiều địa phương vẫn dừng xe kiểm tra tại chốt kiểm dịch làm ùn tắc giao thông. Có địa phương chỉ chấp nhận tài xế có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo phương pháp RT-PCR, không chấp nhận kết quả test nhanh; nơi chỉ chấp nhận giá trị của giấy xét nghiệm trong 48 tiếng thay vì 72 tiếng, bắt xe đăng ký trước khi đến địa phương.

Trong khi đó, mỗi địa phương lại đưa ra yêu cầu riêng:

- Bà Rịa - Vũng Tàu: từ chiều 24/8 thực hiện test nhanh tại chỗ tất cả các trường hợp qua chốt trên quốc lộ 51 theo quy định của UBND tỉnh, kể cả trường hợp có giấy test nhanh đang còn hiệu lực.

- An Giang: các tài xế khi vào tỉnh này phải tiến hành test nhanh cho tất cả các trường hợp, sau khi test xong ghi lại thông tin thì cho xe qua, gây bức xúc đối với tài xế, doanh nghiệp.

- Quảng Ninh: yêu cầu tài xế phải âm tính PCR trước 48 giờ, khuyến khích tiêm 2 mũi vắc xin.

- Hà Tĩnh: quy định khi đi vào địa bàn tỉnh phải có giấy xét nghiệm RT-PCR trong thời hạn tối đa 48 giờ.

- Cần Thơ: lập đội tài xế hỗ trợ để trung chuyển trong nội đô. Những doanh nghiệp không có tài xế ở Cần Thơ phải giao cho đội này lái xe vào. Nhưng hiện không có đủ lực lượng để làm và tốn kém kinh phí. Xe từ địa phương khác muốn vào thành phố phải đăng ký trước; tất cả các xe đều phải tập trung tại điểm tập kết theo quy định để trung chuyển giao nhận hàng hóa. Việc này gây ách tắc tại cửa ngõ và bức xúc của các tài xế, doanh nghiệp; chậm trễ vận chuyển lương thực, thực phẩm cho TP.HCM của một số doanh nghiệp (Cần Thơ đã bỏ quy định đổi tài, sang xe từ 30/8.

Bộ trưởng Bộ GTVT: Tất cả hàng hoá đều là hàng hoá thiết yếu

Tại cuộc họp trực tuyến tháo gỡ khó khăn cho vận chuyển nông sản, hàng hóa trong bối cảnh thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh ngày 25/8, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tuyên bố tất cả hàng hoá đều là hàng hoá thiết yếu.

"Địa phương nào ‘đẻ’ ra quy định trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, gây khó khăn trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa thì phải chịu trách nhiệm".

“Các địa phương cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT trong thực hiện các quy định về lưu thông hàng hóa, bảo đảm quy định phòng, chống dịch. Tất cả các tuyến đường đều là ‘luồng xanh’ phục vụ vận chuyển hàng hóa, từ đường bộ đến đường thủy. Chúng ta cần tạo thuận lợi tối đa cho các phương tiện có QR code hoặc chưa có QR code nhưng đã đáp ứng đầy đủ giấy tờ, thủ tục theo quy định nhanh chóng lưu thông. Đặc biệt, phải thực hiện nghiêm văn bản số 1015 do Phó Thủ tướng Chính Thủ Lê Văn Thành ký và văn bản số 5187 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng với các hướng chỉ đạo giúp chuỗi vận tải hàng hóa được khơi thông, đáp ứng mục tiêu kép”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Châu Cao

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên