MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó chủ tịch Vinasa: Nhân lực Nhật Bản đang già đi tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam

Nguồn nhân lực công nghệ thông tin của Nhật Bản ngày càng giảm vì vấn đề tuổi tác trong khi nhu cầu phát triển ngành này ở Nhật ngày một cao. Đo đó, đây chính là cơ hội của các doanh nghiệp Việt Nam – ông Nguyễn Đoàn Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội phần mềm Việt Nam (Vinsasa) nhận xét.

Ông Nguyễn Đoàn Hùng cho biết qua khảo sát đánh giá, Việt Nam là “ngôi sao” đang lên trong ngành công nghệ thông tin. Cụ thể, Cushman & Wakefield cho rằng Việt Nam là quốc gia hấp dẫn nhất về BPO (thuê ngoài quy trình kinh doanh); A.T.Kearney 2011 thì xếp hạng Việt Nam đứng thứ 8/50 quốc gia hấp dẫn nhất về gia công phần mềm; phía Nhật bản thì nhận định Việt Nam là đối tác gia công phần mềm lớn thứ 2 sau Trung Quốc…

Do đó, hơn 20 năm qua, nhiều hãng công nghệ thông tin đã đầu tư vào Việt Nam như HP, CSC, Alcatel-Lucent,… Theo quy luật đó, các nhà đầu tư Nhật Bản không thể đứng ngoài cuộc chơi. Đến nay, hầu hết các thương hiệu lớn của Nhật Bản như Panasonic, Sony, Hitachi,…đều đã có mặt và thành công tại thị trường hơn 90 triệu dân này.

Qua quá trình hợp tác, các doanh nghiệp Việt Nam đã có sự trưởng thành, vươn mình và phát triển mạnh mẽ để dần hội nhập sâu hơn mà theo quan điểm của ông Hùng thì “đây chính là thời điểm thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ngược vào thị trường Nhật Bản”.

“Từ 2 năm nay đã có nhiều công ty sang Nhật Bản thành lập, nhất là các công ty trẻ, tôi nghĩ đó là dấu hiệu rất tốt. Xu hướng hợp tác vẫn là gia công phần mềm, phát triển nguồn nhân lực, IOT, Big Data”, ông Hùng cho biết.

Theo ông, hiện tại nguồn nhân lực về công nghệ thông tin của Nhật Bản đang có chiều hướng sụt giảm vì vấn đề dân số già trong khi đó nhu cầu của đất nước Nhật Bản lại tăng rất cao về công nghệ thông tin bởi mục tiêu của nước này đến năm 2020 sẽ trở thành xã hội ứng dụng IT mạnh nhất thế giới.

Do đó, đây là thời điểm vàng mà các doanh nghiệp Việt Nam phải nắm bắt được để đầu tư. Để làm được điều đó, theo ông, các doanh nghiệp Việt nên có mặt nhiều hơn tại thị trường Nhật Bản để dễ dàng tiếp cận hơn với khách hàng cũng như dự án.

Tuy nhiên, các công ty của Việt Nam khi sang Nhật sẽ gặp nghiều khó khăn vì trở ngại chi phí cũng như hạn chế về mối quan hệ với các công ty lớn. "Tuy nhiên, chúng ta phải khởi đầu vì mục tiêu, cơ hội cho 5 – 10 năm sau", ông Hùng nói.

Hiện tại tổng doanh thu của các ngành công nghệ thông tin Việt Nam đang tăng trưởng đều đặn, riêng năm 2013 đến 2014 có sự sụt giảm nhẹ. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp phần cứng chiếm ưu thế, chiếm từ 80-90% trong doanh thu. Lĩnh vực công nghiệp phần mềm tuy có tiềm năng nhưng chưa được phát triển mạnh. Riêng về nội dung số, ông Hùng thẳng thắn nhìn nhận chưa tốt, nhất là làm game. “Nhiều công ty Nhật vào Việt Nam tìm kiếm các đối tác làm game nhưng đều thất bại. Việt Nam chưa có văn hoá game”, ông nói.

Đình Phương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên