MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó Chủ tịch Vingroup tiết lộ bí quyết để doanh nghiệp thực phẩm tươi sống hưởng chiết khấu 0% khi vào Vinmart

Lợi nhuận không phải là mục tiêu của Vingroup trong chương trình này, mà quan trọng là khơi dậy tinh thần coi trọng chất lượng hàng hóa và sự phát triển dài hạn, nâng cao sức cạnh tranh cho nền sản xuất Việt.

Chương trình ký kết với 250 DN cung ứng hàng hóa cho chuỗi hệ thống siêu thị Vinmart của Tập đoàn VinGroup đang nhận được nhiều sự quan tâm của giới trong ngành, bởi lần đầu tiên một DN chấp nhận chiết khấu 0% để hỗ trợ nhà sản xuất.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Khắc Hiệp - Phó Chủ tịch Vingroup để tìm hiểu lý do khiến cho tập đoàn này giảm chiết khấu còn 0% để hỗ trợ nhà sản xuất thực phẩm tươi sống.

Tại sao Vingroup quyết định lựa chọn thực phẩm tươi sống làm trọng tâm trong chương trình này?

Vấn đề thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc đang tràn lan nhiều nơi, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe mỗi người không chỉ trong hiện tại mà còn có thể tác động đến cả thế hệ mai sau. Đó là lý do chúng tôi tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp và cũng lựa chọn thực phẩm làm trọng tâm trong chương trình này.

Tôi mong muốn thông qua sự hợp tác này, Vingroup cùng các DN sản xuất Việt Nam sẽ ý thức hơn trong việc chung tay sản xuất các sản phẩm an toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng hiện tại và các thế hệ tương lai.

Ông có thể chia sẻ những điều kiện mà DN có thể tham gia chương trình này?

Chương trình “Đồng hành, Hỗ trợ và thức đẩy sản xuất nội địa” dành cho tất cả các DN hàng tiêu dùng Việt Nam phù hợp trên toàn quốc, nhưng chúng tôi tập trung ưu tiên hàng đầu vào lĩnh vực thực phẩm, đặc biệt là hàng tươi sống như thịt, cá, gia cầm, rau củ quả, trái cây…

Điều kiện cần và đủ để tham gia chương trình - đó là phải là DN Việt Nam sản xuất các sản phẩm đảm bảo chất lượng, sạch, an toàn, có chứng nhận chất lượng, chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ và có mong muốn phát triển.

Cách thức hợp tác sẽ rất đa dạng, phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể: liên danh liên kết, hợp tác đầu tư, hoặc tài trợ vốn/mua cổ phần, hoặc bao tiêu sản phẩm, tổ chức phân phối (không chỉ cho hệ thống Vinmart mà còn phân phối cho các DN khác), hoặc cùng hợp tác sản xuất phát triển dưới thương hiệu VinEco.

Hưởng chiết khấu hay cho thuê gia hàng là nguồn thu chính của các nhà bán lẻ nhưng Vingroup lại miễn phí tới 1 năm cho thực phẩm tươi sống, chi phí sẽ rất lớn. Vì sao vậy?

Lợi nhuận không phải là mục tiêu của Vingroup trong chương trình này, mà lợi ích quan trọng là được đóng góp cho xã hội, góp phần thúc đẩy sản xuất. Thông qua việc thực hiện trách nhiệm xã hội, Vingroup hy vọng khơi dậy tinh thần coi trọng chất lượng hàng hóa và sự phát triển dài hạn, qua đó lan tỏa đến toàn bộ cộng đồng doanh nhân Việt, để cùng nâng cao sức cạnh tranh cho nền sản xuất Việt.

Bên cạnh đó, chương trình này cũng là cơ hội thúc đẩy hệ thống bán lẻ của Vingroup phát triển đặc biệt là thúc đẩy hệ thống thương mại điện tử có thương hiệu Adayroi.

Nhiều nhà bán lẻ lớn rất quan tâm đến chuyện tiêu thụ đặc sản vùng miền và đưa ra nhiều chính sách ưu đãi nhưng chưa tạo dấu ấn. Vingroup sẽ có phương án nào để không dẫm vào "vết xe đổ" của nhiều DN đi trước?

Đây cũng là một lĩnh vực nhiều tiềm năng. Hiện chúng tôi đã phối hợp với chỗ chị Kim Hạnh – Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao để triển khai xây dựng “Bản đồ đặc sản” các vùng miền ở Việt Nam. Đây là các mặt hàng đặc sản tinh túy của từng địa phương, biểu trưng cho sức mạnh văn hóa và kinh tế của Việt Nam. Vingroup sẽ dành nguồn lực để hỗ trợ phục hồi, xây dựng lại hệ thống đặc sản này.

Nông sản Việt Nam giờ phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu của Trung Quốc. Là một nhà phân phối lớn, Vingroup có định thu mua tại vườn với sản lượng lớn hỗ trợ người nông dân hay không?

Hệ thống VinMart đã từng có các chương trình hỗ trợ bà con nông dân thu mua tại nguồn, bán giá gốc như “Hành tím nghĩa tình”, “Mỗi quả dưa, một tấm lòng”… Hiện nay, chúng tôi cũng đang phối hợp với nhiều doanh nghiệp nội địa thu mua tại nguồn với các sản phẩm trái cây vùng miền, vừa đảm bảo nguồn gốc sản phẩm, vừa có giá thành tốt nhất cho người tiêu dùng. Dự án liên kết với các địa phương trên cả nước và nhận được sự hỗ trợ rất kịp thời từ các tỉnh thành trong vai trò trung gian kết nối.

Để chủ động được việc cung cấp các sản phẩm đảm bảo chất lượng, chúng tôi cũng xây dựng kế hoạch hỗ trợ nông dân hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, huấn luyện đào tạo các kỹ năng nuôi trồng tiên tiến đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP.

Việc kiểm định chất lượng sản phẩm trong hệ thống siêu thị của Vingroup là một khối lượng công việc rất lớn. Vậy Vingroup giải quyết bài toán này thế nào, liệu Tập đoàn có thuê đơn vị kiểm định độc lập?

Tập đoàn Vingroup hiện đang đồng loạt triển khai nhiều giải pháp nhằm kiểm soát và nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngay trong tháng 5/2016, Vingroup đã cử 10 đoàn công tác tỏa đi toàn quốc để tuyên truyền và tham gia kiểm soát chất lượng sản phẩm của các nhà sản xuất tại các địa phương.

Vingroup đã đầu tư 16 phòng thí nghiệm tại tất cả các tỉnh có siêu thị Vinmart cùng với 2 phòng Lab lớn và hiện đại tại Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để kiểm tra an toàn thực phẩm đưa vào bán trong hệ thống siêu thị Vinmart.​

An Ngọc (thực hiện)

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên