MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó Cục trưởng Cục Tin học Bộ Tài chính: Mục tiêu xây dựng xong hệ sinh thái tài chính số Việt Nam không quá tham vọng!

Phó Cục trưởng Cục Tin học Bộ Tài chính: Mục tiêu xây dựng xong hệ sinh thái tài chính số Việt Nam không quá tham vọng!

Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Tin học - Thống kê tài chính khẳng định, mục tiêu xây dựng xong hệ sinh thái tài chính số hiện đại với những cơ chế kết nối thông minh, chia sẻ thông minh vào năm 2030 là không quá tham vọng.

Ngày 15/12, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin – truyền thông Việt Nam 2020 dưới sự chủ trì của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA). Phát biểu tại phiên thảo luận với chủ đề "Chuyển đổi số trong lĩnh vực Tài chính ngân hàng", ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Tin học - Thống kê tài chính, Bộ Tài chính cho biết, những năm vừa qua đã chứng kiến sự chuyển động rất tích cực của chuyển đổi số.

Công nghệ thông tin là một thành phần chiến lược của ngành tài chính

Cụ thể, ông Hùng nhấn mạnh, thời gian qua, các bộ, ban ngành cũng như cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã hoạt động tương đối đồng bộ để hướng tới một xã hội số, phát triển một nền kinh tế số và chính phủ số.

Liên quan đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Phó Cục trưởng Hùng cho hay: "Cuộc cách mạng công nghiệp lần này là đại diện của một lực lượng sản xuất rất mạnh, nhờ có sự phát triển mạnh về công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo cũng như các ngành khoa học vật liệu hiện đại làm cho lực lượng sản xuất tiến bộ, phát triển như vũ bão".

Ông Hùng nói thêm: "Đến năm 2025, ngành tài chính sẽ thiết lập hệ sinh thái tài chính số, trong đó Chính phủ đóng vai trò kiến tạo và kết nối với các bên thông qua việc mở, chia sẻ dữ liệu và các nền tảng số hóa, cho phép nhiều bên tạo ra các dịch vụ tài chính thông minh".

Tầm nhìn 2030: Chuyển đổi số đồng đều giữa các ngành, xây dựng chính sách thông thoáng!

"Ở giai đoạn này, vai trò công nghệ thông tin trở thành một thành phần chiến lược của ngành tài chính, giúp thiết lập hệ thống dữ liệu tài chính, tạo nền tảng cho hệ sinh thái tài chính số. Cụ thể, cách đây hai tháng, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ấn nút khai trương Cổng dịch vụ ngân sách mở, hay còn gọi là Cổng công khai ngân sách của Bộ Tài chính. Đây là bước đầu để công khai ngân sách ra xã hội theo quy định của Luật Ngân sách.

Tiếp theo bước này, Cục TH&TKTC sẽ tạo nền tảng giúp các bên khai thác giữ liệu một cách bài bản hơn. Đến năm 2030, Bộ Tài chính có mục tiêu rõ ràng là Chính phủ thông qua ngành tài chính hiện đại, dẫn dắt sự phát triển của kinh tế số, dựa trên đẩy nhanh các giá trị gia tăng của dịch vụ tài chính, chuyển đổi mô hình kinh tế, bao hàm kinh tế số", Phó Cục trưởng nêu rõ.

Ngoài ra, đến năm 2030, Bộ Tài chính cũng đặt mục tiêu xây dựng xong hệ sinh thái tài chính số hiện đại với những cơ chế kết nối thông minh, với những cơ chế chia sẻ thông minh, từ đó tạo ra những giá trị gia tăng thông minh để hướng tới một nền kinh tế số toàn diện.

"Đây là một tầm nhìn mà tôi cho rằng không quá tham vọng. Với sự phát triển nhanh chóng của các ngành nghề như hiện nay thì tôi tin rằng, chúng ta sẽ làm được", ông Nguyễn Việt Hùng nhận định.

Cuối cùng, Phó Cục trưởng Cục Tin học - Thống kê tài chính bày tỏ mong muốn trong tương lai, sự chuyển dịch số sẽ phát triển đồng đều ở mọi ngành như giao thông, y tế, giáo dục công thương, du lịch... Bởi nếu chỉ có một ngành bứt phá thì không thể phát triển được. Từ đó, Việt Nam sẽ đạt được mức độ đồng bộ trong phát triển kinh tế số.

"Đối với chính sách, cần phải phối hợp để xây dựng chính sách thông thoáng vì nếu chính sách có quá nhiều rào cản về mặt quy trình, thủ tục thì tốc độ chuyển đổi số sẽ chậm đi, hiệu quả sẽ không cao".

Hà Trần

Kinh doanh và phát triển

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên