Phó Giám đốc Công an Hà Nội: 'Tôi sẽ chất vấn việc quản lý xe công nghệ'
Thiếu tướng Đào Thanh Hải, Phó giám đốc Công an Hà Nội cho biết, trong phiên chất vấn Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, ông sẽ bấm nút đặt những câu hỏi liên quan đến trách nhiệm trong việc quản lý taxi công nghệ, vốn gây nhiều tranh luận thời gian qua.
Khó nhận biết và xử phạt vi phạm
Trước thềm phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, trao đổi với phóng viên bên lề hành lang QH ngày 4/6, Thiếu tướng Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an Hà Nội cho biết, hiện nay tại Hà Nội có khoảng hàng chục nghìn ô tô, xe máy tham vào loại hình xe công nghệ, trong đó chủ yếu là Grap. Tuy nhiên do hành lang pháp lý chưa rõ ràng dẫn đến cơ quan quản lý gặp rất nhiều khó khăn từ thu thuế, ký hợp đồng lao động, cho đến quản lý lái xe không tuân thủ theo các quy định mà cơ quan quản lý đang thực hiện.
“Bản thân các HTX vận tải và Grap không trực tiếp quản lý lái xe, không mua bảo hiểm cho lái xe nên công tác chấp hành pháp luật về vận tải, an toàn giao thông có nhiều hạn chế. Chính vì vậy, lái xe vi phạm, không đủ tiêu chuẩn trong quá trình vận chuyển hành khách diễn ra trên nhiều địa bàn Hà Nội”, ông Hải cho biết.
Cụ thể, theo ông Hải, do xe công nghê cũng như xe tham gia Grap không gắn mào nên trên những tuyến hạn chế taxi, lực lượng cảnh sát giao thông không thể nhận diện xe công nghệ. Vì thế những xe này tự do đi lại, gây nguy cơ ùn tắc giao thông và tạo ra sự thiếu công bằng giữa các loại hình vận tải.
Trước tình trạng trên Sở GTVT Hà Nội đã cấp cho xe công nghệ một phù hiệu để dán lên xe, tem dán trước xe. Tuy nhiên theo ông Hải, dấu hiệu như vậy đã đủ nhận biết là xe công nghệ. “Nếu các xe không dán logo thì cơ quan chức năng cũng chẳng thể biết được. Trong khi đó, gắn mào như taxi truyền thống dễ nhận biết hơn. Do đó lực lượng thanh tra kiểm tra gặp khó khăn trong quá trình kiểm soát hoạt động của xe công nghệ”.
Không để khoảng trống pháp lý trước vấn đề mới
Bình luận về đề xuất mà Bộ GTVT nêu ra trong dự thảo sửa đổi Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô là “lắp mào cho taxi công nghệ”, ông Hải cho biết, các nước đều có dấu hiệu nhận biết xe công nghệ và xe Grap. “Việc lắp mào cũng là cách thức để chúng ta kiểm soát, đặc biệt đối với các đô thị lớn như Hà Nội, vốn phức tạp về ùn tắc giao thông”.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nhận được nhiều ý kiến chất vấn của ĐBQH - Ảnh: Như Ý
Khẳng định, người dân có quyền kinh doanh tất cả ngành nghề pháp luật không cấm, nhưng ông Hải cho rằng, phải có cách thức quản lý phù hợp. Ví dụ như trước kia chưa có Uber, Grap, taxi Hà nội chỉ có khoảng 22.000 xe. Mỗi lần muốn tăng số lượng cho phép hoạt động, HĐND thành phố bàn rất kỹ, đánh giá, họp bàn, khảo sát thực trạng giao thông và nhu cầu của khách mới cho tăng. Nhưng với sự xuất hiện các loại hình xe công nghệ hiện nay thì việc quản lý là rất khó khăn.
“Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, tôi sẽ bấm nút đặt những câu hỏi liên quan đến trách nhiệm hoàn thiện sớm các quy định của pháp luật để việc quản lý taxi công nghệ cho phù hợp”, ông Hải cho biết.
Tiền Phong