MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó giám đốc Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN: Áp lực niềm tin và kỳ vọng của quốc tế với Việt Nam là rất lớn

Phó giám đốc Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN: Áp lực niềm tin và kỳ vọng của quốc tế với Việt Nam là rất lớn

Phát biểu tại toạ đàm "Giải pháp giúp doanh nghiệp chủ động thích ứng và chung sống an toàn với Covid-19" diễn ra sáng 10/9, ông Vũ Tú Thành – Phó Giám đốc điều hành khu vực Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ- ASEAN cho rằng, Việt Nam phải tính đến phương án tái mở cửa ngay tại thời điểm bây giờ, với kế hoạch rõ ràng.

Ông Vũ Tú Thành cho rằng, áp lực và kỳ vọng của quốc tế đối với Việt Nam là rất lớn, điển hình là Mỹ. Trong chuyến thăm gần đây, Phó Tổng Thống Kamala Harris cũng nhấn mạnh, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng cho thị trường Mỹ. Điều đó có thể hiểu, Mỹ có lợi ích quốc gia tự thân trong việc hỗ trợ Việt Nam nói riêng và khu vực ASEAN nói chung, trong công tác phòng chống dịch, nhằm nâng cao năng lực của khu vực này, trong việc đảm bảo chuỗi cung ứng cho thị trường Mỹ và cả đồng minh của Mỹ. Điều này có thể lý giải vì sao Mỹ lại ưu tiên vaccine cho Việt Nam và một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

Ví dụ trong mùa mua sắm giáng sinh tới đây, lượng hàng tại Việt Nam xuất sang thị trường nước ngoài như khu vực Mỹ, châu Âu sẽ bị thiếu hụt, không thể đảm bảo số lượng xuất như kỳ vọng ban đầu. Điều đó khiến giá cả gia tăng và tác động đến chỉ số lạm phát của Mỹ, hay thậm chí có thể tác động đến an ninh kinh tế của Mỹ.

Bản thân các doanh nghiệp Mỹ cũng đề xuất việc Chính phủ Mỹ phải tăng cường hỗ trợ hơn nữa cho Việt Nam trong công tác chống dịch, nhằm đảm bảo duy trì an ninh kinh tế, an ninh cho chính chuỗi cung ứng tại Mỹ.

Nhưng nếu Việt Nam không thể đảm bảo kỳ vọng cho các doanh nghiệp, thị trường trọng yếu của nước ta như Mỹ, hay chính các doanh nghiệp đang có hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, thì bản thân chính phủ hay các doanh nghiệp này cũng không thể hỗ trợ mãi một quốc gia, một thị trường nào đó mà không nhìn thấy hiệu quả, lợi ích mang lại. Do đó, Việt Nam bắt buộc phải tính đến phương án tái mở cửa, hoạt động trở lại, không phải trong thời gian sắp tới, mà ngay tại thời điểm bây giờ cũng phải có kế hoạch rõ ràng.

Đồng thời, ông Vũ Tú Thành nhấn mạnh, việc liên tục “tắt – bật” trạng thái hoạt động của nền kinh tế, hay việc thắt nút, rồi lại mở cửa cho hoạt động giao thương, sản xuất là hoàn toàn không phù hợp. Với đặc thù ngành sản xuất – kinh doanh, doanh nghiệp trong lĩnh vực này cần có sự ổn định. Ví dụ, nếu doanh nghiệp được quay trở lại hoạt động với công suất 50%, thì doanh nghiệp phải căn cứ vào công suất ấy để nhận đơn hàng và có chiến lược vận hành cụ thể, chứ không thể căn cứ vào tình hình dịch bệnh để liên tục điều chỉnh công suất hoạt động được.

Nếu cho phép doanh nghiệp hoạt động với công suất 50%, 70% nhưng dịch bùng đột ngột lại bắt doanh nghiệp cắt giảm còn 40%, thì không 1 doanh nghiệp nào có thể thích ứng và hoạt động như vậy được. Điều đó gây khó khăn cho doanh nghiệp về cả chi phí vận hành, và chiến lược phát triển.

Hồng Nhuận

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên