MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội: “Ùn tắc giao thông, chúng tôi gọi là cơm bữa”

07-10-2016 - 09:42 AM | Xã hội

“Hôm nay mưa một ít là lại xuất hiện tắc đường. Rồi các sự kiện, va chạm, xây dựng khánh thành... đều gây ùn tắc giao thông”, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết tại buổi tọa đàm "Giải pháp nào giảm ùn tắc giao thông ở Hà Nội?".

Theo đó, tại buổi tọa đàm "Giải pháp nào giảm ùn tắc giao thông ở Hà Nội?" được báo Tiền Phong tổ chức vào chiều 6/10, khi được hỏi về lý do vì sao tình trạng ùn tắc giao thông Hà Nội ngày càng nghiêm trọng, ông Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Hà Huy Quang cho biết: “Trước tiên, nói về ùn tắc giao thông, chúng tôi trong nghề gọi là “cơm bữa”. Hôm nay mưa một ít là lại xuất hiện tắc đường. Rồi các sự kiện, va chạm, xây dựng khánh thành... đều gây ùn tắc giao thông. Nhiều vấn đề cùng tác động vào chuyện ùn tắc giao thông nên đây là vấn đề kinh tế - xã hội”.

Theo ông Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, có 2 nguyên nhân cơ bản dẫn đến ùn tắc là hạ tầng giao thông đường bộ quá tải và ý thức của người tham gia giao thông kém. Đồng thời cho rằng, cần phải phân biệt, ùn và tắc khác nhau. Ví dụ vụ ở cầu Tó, đó là tắc chứ không phải ùn.

“5 năm vừa rồi là 5 năm mà hạ tầng đô thị được đầu tư lớn như đường hướng tâm, đường vành đai... Nhưng cũng 5 năm vừa rồi thì chiều hướng tốc độ phát triển phương tiện cá nhân quá lớn. Đời sống đi lên thì người ta mua ô tô nhiều. Ô tô giờ chiếm 50 – 70% diện tích mặt đường ở chỗ tắc. Tỷ trọng ô tô và xe máy gần như tương đương. Ô tô chiếm mặt đường như thế và xe máy bằng như vậy. Ta phải quản lý phương tiện giao thông theo cách có tính toán chứ không thể để phát triển tự nhiên”, ông Hà Huy Quang nói.

Theo ông Hà Huy Quang, chuyện quản lý phương tiện giao thông là điều tất yếu phải làm. Chúng ta phải tính toán để giảm phương tiện và cường độ phương tiện; sử dụng hiệu quả hạ tầng để phương tiện đi thuận lợi hơn; xây dựng nếp sống văn hóa giao thông, trong đó có vấn đề đi bộ. Từ một bước lên xe thì ta phải thay đổi thành việc đi bộ đến nơi có phương tiện giao thông công cộng. Hệ thống chính trị phải vào cuộc để tuyên truyền vận động người dân thành phố thực hiện theo nếp sống này.

Theo ông Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, việc ùn tắc giao thông không dừng lại theo hướng mà mình nghĩ. Những khu vực mình giải quyết xong rồi thì có thể sẽ có thêm chỗ khác. Đó là việc thường xuyên liên tục chúng ta phải làm.

“Về kế hoạch giảm thiểu ùn tắc giao thông trong giai đoạn 2016 – 2020, năm nay chúng tôi phấn đấu giải quyết số lượng ùn tắc từ 8 đến 10 điểm, đồng thời giảm tai nạn giao thông từ 8 đến 10%. Giải pháp hiện nay chúng tôi đang tính tập trung hết sức để mở thông họng giao thông chính. Chúng tôi giải quyết ùn tắc giao thông nên việc khó khăn đi lại, bà con cần thông cảm và chia sẻ với chúng tôi. Trong 5 năm tới, chúng tôi phải tổ chức lại giao thông, đặc biệt là phân luồng giao thông. Chúng tôi cũng tiếp tục điều chỉnh giao thông ở khu vực nội thành, xem xét lại tuyến xe khách liên tỉnh (giảm thiểu các tuyến đi trên khu vực ùn tắc)...”, ông Hà Huy Quang cho biết.

Theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, việc quản lý phương tiện đang tiếp tục được thực hiện. Chủ trương là chưa hạn chế mà vẫn khuyến khích để cá nhân đầu tư khai thác vận tải hành khách. Đối với Đề án quản lý phương tiện giao thông, hiện nay, người dân hiểu nhầm rằng đề án quản lý phương tiện cá nhân là hạn chế sở hữu phương tiện. Lộ trình quản lý phương tiện cá nhân và phát triển phương tiện công cộng phải hỗ trợ cho nhau. Từ nay đến 2020 là quá trình tiến hành công tác chuẩn bị và tuyên truyền vận động người dân.

“Chúng tôi phải chọn xe buýt vì chỉ có xe buýt là chúng ta có thể chủ động. Với buýt nhanh và đường sắt đô thị, chúng ta chưa chủ động được. Phải đổi mới xe buýt theo hướng thuận tiện, an toàn, thân thiện nhưng thời gian đi lại phải hợp lý. Người dân sẵn sàng chấp nhận bỏ thêm tiền để đi lại đúng giờ. Từ nay đến 2020 phấn đấu phải tăng xe buýt, đáp ứng 20 – 25% nhu cầu đi lại để có cơ sở giải quyết quản lý phương tiện giao thông, đặc biệt là giải quyết từ lõi (trung tâm hất ra). Hiện nay, BRT là một mô hình vận tải công cộng tương đối lớn. Nhưng lại có chi phí thấp. Đây là mô hình mới áp dụng vào Việt Nam”, ông Hà Huy Quang cho biết.

Theo ông Hà Huy Quang, nếu quyết định làm sẽ phải ưu tiên cho xe buýt, từ đường đi đến tổ chức giao thông (cho BRT ưu tiên đi qua đèn xanh đèn đỏ...).

Theo Vạn Xuân

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên