Phó giáo sư gốc Việt sản xuất ra "siêu vật liệu - lấy rác dọn rác": Tôi muốn đem công nghệ về Việt Nam, vì tôi là người Việt Nam
"Đem công nghệ về cho người Việt mình trước. Mặc dù các công ty Trung Quốc, Mỹ hay châu Âu đưa ra những lời đề nghị hấp dẫn hơn rất nhiều" - PGS.TS Dương Minh Hải tâm sự.
- 24-03-2020Báo Trung Quốc: Nếu Ấn Độ muốn thay thế Trung Quốc để trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu, phải nhanh chân hơn Việt Nam
- 24-03-2020WEF: Các nhà kinh tế học hàng đầu khuyên các chính phủ nên thực thi chính sách "tiền trực thăng" - phát tiền miễn phí cho người dân để vượt qua khủng hoảng Covid-19
PGS.TS Dương Minh Hải bắt đầu nghiên cứu aerogel sau khi làm nghiên cứu về carbon nanotube. Anh chia sẻ với Trí thức trẻ: "Việc nghiên cứu aerogel đến với tôi cũng tình cờ thôi. Đó là khi tôi đang tìm hướng nghiên cứu độc lập cho bản thân vào năm 2010, thời điểm mới bắt đầu làm cho NUS. Một hôm, tôi muốn bỏ rác nhưng không tìm thấy thùng rác, nhân viên vệ sinh cười nói: "Sao bỏ đi mà không tái chế?". Tôi chợt nghĩ, tại sao mình không tận dụng cơ hội đó – tái chế rác thải? Tôi chia sẻ với đồng nghiệp, lúc đó thì họ nghĩ là tôi nói chơi thôi.
Một lần khác, tôi đi biển, thấy rác trên bờ rất nhiều, và dầu thải bám đầy xung quanh đó. Tôi nghĩ: "Tại sao không dùng chính rác này để chống ô nhiễm dầu loang? Lấy độc trị độc, lấy rác dọn rác, lấy rác thải môi trường để xử lý chính dầu loang ra môi trường?".
Ý tưởng sử dụng chất thải giấy xuất hiện trong đầu tôi khi tôi nhìn thấy có người ném giấy bừa bãi. Tôi cảm thấy đó là một thách thức. Để xem tôi có thể làm gì với giấy. Chất thải giấy có ở mọi nơi. Tôi muốn sử dụng chất thải này để xử lý ô nhiễm môi trường. Khi tôi gặp một người bạn – Tiến sĩ Steven Steiner – một nhà nghiên cứu aerogels ở MIT, Mỹ, cậu ta hỏi: "Sao không biến rác thành aerogel đi. Aerogel là vật liệu "hot" thế kỷ 21 đó".
Năm 2016, nhóm nghiên cứu của tôi đã tạo ra aerogel cellulose đầu tiên trên thế giới làm từ chất thải giấy - có khả năng phân hủy sinh học, không độc hại, linh hoạt và cực kỳ mạnh và không thấm nước. Đây là vật liệu lý tưởng cho các ứng dụng như làm sạch dầu tràn, cách nhiệt cũng như đóng gói. Nó có thể được sử dụng làm vật liệu phủ để phân phối thuốc và làm vật liệu thông minh cho các ứng dụng y sinh khác nhau".
PGS Dương Minh Hải bắt đầu làm việc với GS.TS Phan Thiện Nhân - nhà đồng sáng lập của nhóm nghiên cứu từ năm 2016. Nhóm nghiên cứu việc tái sử dụng các loại rác thải để sản xuất aerogel cho ứng dụng công nghệ. Vật liệu này có thể trở thành lớp lót cho áo chống cháy và mặt nạ hấp thụ carbon dioxide có thể được sử dụng khi có hỏa hoạn; sử dụng làm vật liệu cách nhiệt và cách âm tốt hơn trong các tòa nhà; và làm sạch dầu tràn.
Aerogel được coi là siêu vật liệu, bởi chúng là một trong những vật liệu nhẹ nhất thế giới, có độ xốp cao và khả năng hấp thụ mạnh, độ dẫn nhiệt cũng thấp. Nhưng ban đầu, chúng không được sử dụng rộng rãi bởi các ngành công nghiệp, vì chi phí quá cao. Sản xuất một mẻ mất 7 ngày, sử dụng rất nhiều dung môi độc hại, không có sẵn trên thị trường và đắt đỏ. Ứng dụng của aerogel tại thời điểm đó cũng không hề đa dạng.
Anh Dương Minh Hải từng phát biểu tại một hội nghị quốc tế ở Mỹ: "Nếu aerogel không khắc phục được những nhược điểm này thì chỉ nằm trong phòng thí nghiệm mà thôi, không thể sản xuất đại trà được". Từ đó, anh Hải tiên phong sử dụng các vật liệu khác, không phải silica để sản xuất aerogel, và mạnh dạn dùng các phương pháp chế tạo mới để thành công.
Anh Hải chia sẻ, nhiều phát minh sáng chế, thực ra lại đến từ các bạn sinh viên năm bốn, Khoa Cơ khí của NUS. "Các bạn không có nhiều kiến thức về hóa học và vật liệu, nhưng lại thực sự muốn làm những điều thiết thực, thay vì cắm đầu học để có điểm luận văn cao. Các bạn ấy sẵn sàng chấp nhận rủi ro, và cuối cùng lại thành công hơn mong đợi, thậm chí là làm tốt hơn cả các nghiên cứu sinh và tiến sĩ" - anh Hải nói.
"Nếu muốn dẫn dắt học trò, hãy truyền cảm hứng cho họ, và đừng tập trung quá và nghiên cứu trên giấy. Họ sẽ chẳng đi đến đâu nếu không có nghiên cứu mang tính ứng dụng" - anh Hải nói.
Hiện tại, nhóm nghiên cứu của anh Hải đang triển khai việc tái chế rác thải điện từ, để tạo ra aerogel kim loại. Anh cũng đang xây dựng 2 thử nghiệm ở NUS để sản xuất aerogel bản rộng và thử nghiệm sản xuất aerogel ưu việt và bền vững hơn, giá thành thấp hơn so với các sản phẩm thông thường. Nhiều công ty đã đặt hàng nên anh Hải không cho biết thông tin chi tiết hơn.
Hơn hàng trăm công ty trên thế giới như 3M, MapleTree… đã liên hệ với tôi để mua công nghệ sản xuất. Mới đây nhất là các công ty ở Canada, New Zealand, Anh, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia va Singapore đã có lời đề nghị với nhóm nghiên cứu.
Năm 2019, DPN Aerogels Việt Nam đã mua 3 công nghệ (bông aerogel từ chất thải vải, aerogel PET từ chất thải nhựa và aerogel cao su từ chất thải lốp xe hơi) để sản xuất tại Việt Nam. Nhà máy đang hoàn thiện và đi vào sản xuất ở Tiền Giang với sự hợp tác của Trường đại học Bách Khoa. Sản phẩm sẽ bán ra thị trường đầu năm 2021.
"Tôi muốn đem công nghệ về Việt Nam vì tôi là người Việt Nam. Đem công nghệ về cho người Việt mình trước. Mặc dù các công ty Trung Quốc, Mỹ hay châu Âu đưa ra những lời đề nghị hấp dẫn hơn rất nhiều" - nhà nghiên cứu này tâm sự.