Phó GS, Tiến sỹ Trần Đình Thiên: Covid-19 gây đứt chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng quan trọng không phải nối lại chuỗi mà là thay đổi chuỗi và tạo chuỗi mới
Tại sự kiện gặp gỡ trao đổi giữa FPT và Câu lạc bộ Doanh nhân Sao đỏ với chủ đề "Phải sống", Phó GS, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn Chính phủ nhận định dịch Covid-19 gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng điều cần làm hiện nay không phải là nối lại chuỗi mà là thay đổi chuỗi và tạo chuỗi mới.
- 23-05-2020Các nền kinh tế thế giới đang thích ứng thế nào với “bình thường mới” sau đại dịch Covid-19?
- 23-05-2020Chủ tịch FPT: Tận dụng cơ hội, thích nghi với "bình thường mới" để sinh tồn và vươn lên
- 22-05-2020Thủ tướng trả lời phỏng vấn báo nước ngoài: Việt Nam cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, chuyển sang "bình thường mới", quyết tâm tăng trưởng 5% trong năm nay
Theo PGS, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, có hai điều quan trọng trong tình hình hiện nay mà các doanh nghiệp cần làm đó là việc tìm cơ trong nguy và tạo thế như thế nào.
Về việc tìm cơ trong nguy, theo ông Thiên, nếu không tìm được thì khả năng Việt Nam lại đánh mất cơ hội lịch sử lần thứ 2. "Covid-19 đang tạo cơ hội để nhận diện một thế giới mới, đây là bài toán của tất cả người Việt Nam, nhưng đầu tiên là của doanh nghiệp. Covid-19 bảo chúng ta cần phải và có thể sống khác. Không thể sống như trước được nữa. Sống thế là sống thế nào và sống khác là sống thế nào?", ông Thiên đặt câu hỏi.
Trong khi đó, theo quan điểm của ông Trần Đình Thiên, Covid-19 mang giá trị biểu tượng, thách thức, đó là cuộc chơi đã thay đổi, đặt ra một loạt các vấn đề lớn của nhân loại – thời đại gồm: (i) Sự tồn tại tự nhiên sinh vật của loài người, (ii) Vai trò của thời đại công nghệ mới, (iii) Giá trị sống và phát triển thay đổi, (iv) Trật tự thế giới mới.
Covid-19 gây đứt chuỗi cung ứng toàn cầu. Quan trọng không phải nối lại chuỗi mà là thay đổi chuỗi và tạo chuỗi mới. Ông Thiên gửi thông điệp đến các doanh nhân Sao đỏ phải là người tạo ra thế để chuyển.
"Thời thế tạo anh hùng. Không có thời thì liệu có anh hùng không, không có thời thì làm gì để có anh hùng. Anh hùng là hai phẩm chất khác nhau hoàn toàn. Hùng là thắng người khác, Anh là thắng mình. Anh hùng là người thắng cả mình lẫn người mà thắng mình là khó nhất", ông Thiên chia sẻ.
Theo ông Thiên, dịch cúm là một trong những bối cảnh phát triển không bình thường. Đây là cơ hội để doanh nghiệp thoát khỏi cách tư duy cũ, trói buộc cũ; Tiến vượt bậc để “đuổi kịp thế giới” và “đi cùng thời đại”; Thoát khỏi lệ thuộc; Vươn lên đẳng cấp mới.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT nhận định, "cuộc chiến chống Covid-19 là cuộc chiến khốc liệt nhất trong tất cả cuộc chiến đã xảy ra. Hiện nay loài người phải đối phó với 3 con virus: Con đầu tiên là vaccine chống Covid-19 đang trong giai đoạn nghiên cứu, con thứ 2 là sợ hãi và con thứ 3 là tiêu dùng tối thiểu. 3 con virus này thay đổi môi trường sống, kinh doanh kinh tế xã hội của chúng ta. Nhanh thì 5 năm chậm thì 10 năm thế giới mới học được cách sống mới - New normal. Đây là cuộc chiến khủng khiếp và chúng ta kiểu gì cũng vẫn phải sống và phải sống khỏe".
Khi Covid ập đến, mọi hoạt động của FPT ngay lập tức chuyển sang chế độ ‘thời chiến’, tức là áp dụng các nguyên tắc của một cuộc chiến vào hoạt động doanh nghiệp. Đó là thực hiện mục tiêu trọng điểm, chủ động tấn công, hợp lực sức mạnh, giao quyền tối cao cho các chỉ huy, đặt sự an toàn của nhân viên trong công ty lên hàng đầu, đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số mang lại giá trị lâu dài cho doanh nghiệp.
Đánh giá về trạng thái "bình thường mới" mà Việt Nam đã và đang hướng đến, ông Thiên cho rằng có 4 vấn đề mà kinh tế Việt Nam phải làm đó là nền kinh tế đang phải đối mặt với những điều gì (cách chống dịch của Việt Nam, sức chống chịu của nền kinh tế và thế giới thoát khỏi dịch như thế nào), những vấn đề liên quan đến cứu doanh nghiệp, cứu tất cả các doanh nghiệp hay như thế nào, thứ ba là đón nhận những làn sóng FDI và thương mại mới, và cuối cùng là đón bắt cơ hội lịch sử.
Ông Thiên cho rằng không thể cứu tất cả các doanh nghiệp, mỗi DN phải tự chịu trách nhiệm về số phận của mình. Nhà nước phải định hình chính sách ưu tiên cứu những doanh nghiệp giúp nền kinh tế đứng dậy sau dịch và giúp những lực lượng sẽ thay máu lực lượng cũ – khởi nghiệp theo đúng tinh thần chủ nghĩa sáng tạo.
Về dài hạn, theo ông Thiên, có 2 nhóm vấn đề lớn phát sinh đó là khả năng xung đột quốc tế và xu thế chuyển dịch cơ cấu kinh tế thế giới theo chiều ngang và chiều dọc và Việt Nam có khả năng tận dụng được cơ hội này hay không.
Theo ông Trần Huy Bảo Giang, giám đốc chuyển đổi số FPT, để kiến tạo bình thường mới, DN cần xác định ưu tiên: Đầu tiên cần đảm bảo vấn đề sinh tồn, tiếp theo là tính liên tục và đảm bảo phát triển cho tương lai.