Phó Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa: Chúng tôi rất tự hào về chất lượng đào tạo, 5% sinh viên Bách Khoa ra trường tự mở công ty
Nhưng ngoại ngữ lại là bài toán nan giải!
- 25-02-2017Trong khi SV Ngoại Thương vẫn ao ước thu nhập 1.000 USD, thì người Bách Khoa đã giải xong bài toán lương 60 tr/tháng
- 25-02-2017Những CEO nổi tiếng xuất thân từ "lò luyện" Bách Khoa
Theo khảo sát lương mới đây của ĐH Bách Khoa Hà Nội, sinh viên mới ra trường có thể nhận mức lương tới 60 triệu đồng/tháng. Đây có vẻ là thông tin gây shock với nhiều người, nhưng không phải thông tin ngạc nhiên với nhiều sinh viên và giảng viên trong trường.
“Chúng tôi tương đối hài lòng về chất lượng đào tạo của trường”, PGS.TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa Hà Nội – chia sẻ.
Theo số liệu PGS. TS Tớp đưa ra, ở ĐH Bách Khoa Hà Nội, có tới 60 – 70% sinh viên ra trường làm việc cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp tư nhân. Chỉ một tỷ lệ rất nhỏ làm trong cơ quan Nhà nước và con số nhỏ hơn làm việc trong trường ĐH, hoặc đi học tiếp. Số liệu này khá trùng khớp với kết quả khảo sát nói trên.
Đặc biệt, theo thầy Tớp, có đến 5% sinh viên Bách Khoa ra trường tự mở công ty.
“Gọi là các bạn ấy Startup thì hơi quá, nhưng thực chất các bạn đứng ra mở công ty, có công ty chỉ buôn bán máy tính. Chúng tôi có thể tự hào là hầu hết sinh viên Bách Khoa ra trường có việc làm và tỷ lệ có việc làm cao sau 3 - 6 tháng và sau 1 năm. Đó là điểm rất đặc biệt”.
“Ra đường ai cũng nói cựu sinh viên Bách Khoa tuyệt vời. Có người bảo tôi: Nếu có 2 sinh viên học cùng ngành thì dứt khoát tôi nhận Bách Khoa. Mặc dù người nói câu này không phải cựu sinh viên Bách Khoa, cũng có thể nói lấy lòng, nhưng không phủ nhận chất lượng đào tạo là một trong niềm tự hào của chúng tôi”.
Trong khi tự hào về chất lượng đào tạo của trường, PGS. TS Tớp lại trăn trở về vấn đề khác – câu chuyện đào tạo ngoại ngữ trong ĐH Bách Khoa. Rất nhiều người kêu trời vì phần lớn sinh viên ĐH Bách Khoa ra trường ngoại ngữ rất kém.
“Kỹ năng làm việc nhóm thì có thể đào tạo, nhưng kỹ năng ngoại ngữ buộc các em phải học. Mà giờ cứ chúng tôi bắt học thì các em không ra được trường”, ông Tớp trải lòng.
Chuẩn ngoại ngữ đầu ra của sinh viên Bách Khoa 4 – 5 năm nay là điểm TOEIC đạt 450.
Đạt điểm TOEIC từ 300 – 450 điểm tương đương sinh viên có khả năng hiểu và giao tiếp tiếng Anh mức độ trung bình. Đây là yêu cầu đối với học viên tốt nghiệp các trường nghề, cử nhân các trường cao đẳng (hệ đào tạo 3 năm).
Ông Tớp cho biết, ĐH Bách Khoa Hà Nội cũng dự định tăng chất lượng ngoại ngữ bằng cách học, thi, và nâng chuẩn đầu ra, chứ không chỉ ở mức TOEIC 450 điểm.
Tuy nhiên, chừng 1 – 2 năm trước, khi “siết” sinh viên không đạt chuẩn ngoại ngữ đầu ra thì sẽ không cho nhận đồ án tốt nghiệp, lập tức cả ngàn em sinh viên đều không được nhận đồ án.
“Đây là cả một bài toán đối với chúng tôi”, ông Tớp nói.
Trí thức trẻ