Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa: Mỗi năm trường đuổi 600-800 em, tân sinh viên không quen việc vừa nghe giảng vừa chép kín 6 cái bảng trong 3 tiếng!
Thầy Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa đã có những chia sẻ hết sức thẳng thắn về chất lượng sinh viên hiện tại của nhà trường.
Chỉ còn vài ngày nữa là diễn ra kỳ thi THPT Quốc gia 2019, với những ai xét tuyển vào Đại học, chắc chắn đây là cuộc đấu trí căng thẳng, khốc liệt nhất cuộc đời. Rồi chỉ vài tuần nữa sẽ có điểm thi, cuộc chiến vào các trường Đại học sẽ lại nóng hơn cả cái nóng kinh khủng của những ngày hè như hiện nay. Những trường top đầu như Bách Khoa, Ngoại thương, Kinh tế Quốc dân... luôn là mơ ước của hàng vạn học sinh nhưng thực tế, môi trường học ở đây sẽ như thế nào, phải chăng cứ vào trường top là ai cũng học giỏi, tương lai rạng ngời. Cuộc trò chuyện với thầy Trần Văn Tóp, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ cho các bạn học sinh cái nhìn rõ nhất về cuộc sống sinh viên tại ngôi trường hot hit bậc nhất Việt Nam này.
Chào thầy, thầy vui lòng cho biết mùa tuyển sinh năm nay tại Bách khoa có gì mới?
Năm nay trường chỉ tiêu có giảm thế nhưng không bao giờ hạ chất lượng tuyển sinh. Có những năm trường chỉ tuyển được 92% có những năm tuyển 103%, nhưng thực sự số trúng tuyển nhiều hơn nhập học nên hầu hết các năm sẽ gọi dư ra chỉ tiêu.
Bách Khoa bắt đầu chú trọng triển khai các chương trình mở rộng và chuyên sâu hơn, tập trung vào chương trình Elitech, tức là đào tạo tinh hoa trong lĩnh vực Khoa học - Kỹ thuật.
Có 2 loại chương trình, trong đó có một loại thực sự tinh hoa khi cho những bạn giỏi nhất đã trúng tuyển vào ĐH Bách Khoa Hà Nội theo học và một loại chương trình tài năng duy trì được 16 năm qua. Hầu hết các bạn có tố chất tốt, và điểm đầu vào qua, các bạn số lượng ít sẽ được thầy cô giỏi đào tạo và mức học phí ngang bằng chương tình đại trà, nếu có chỉ nhỉnh hơn 5-7%.
Để cho sinh viên hội nhập thì nhà trường còn tổ chức giảng dạy chương trình đào tạo sử dụng hoàn toàn bằng tiếng Anh. Bách Khoa đang duy trì việc ít nhất một kỳ mời giáo sư nước ngoài đến để giảng dạy.
(Nguồn ảnh: HSV ĐH Bách khoa Hà Nội)
Một điểm hot trong các mùa tuyển sinh mà các trường lo ngại đó là thí sinh gian lận thi cử "trà trộn" vào trường, cá biệt là vụ gian lận chấn động tại Hà Giang, Hoà Bình, Sơn La vừa qua. Trường Bách Khoa giải quyết vấn đề này như thế nào?
Bách khoa Hà Nội không chú trọng đến số lượng mà cần chất lượng. Trong vụ gian lận thi cử năm vừa qua, trường Bách khoa không hề có trường hợp gian lận nào. Có những nguyên nhân như sau: Vào Bách Khoa mà năng lực kém, thấp thì không thể tốt nghiệp ra trường được. Vào năm 2018, 80% sinh viên trúng tuyển vào Bách Khoa nằm trong top 15% những thí sinh có điểm số tốt nhất của kỳ thi (từ 22 điểm trở lên), đặc biệt số thí sinh từ 25 điểm trở lên Bách Khoa chiếm 0,21% thí sinh tốt nhất.
Tại sao học sinh nên chọn Bách Khoa để học? Vào trường sẽ nhận được lợi thế gì, đặc biệt là học sinh giỏi, học sinh đạt điểm cao?
Bách Khoa Hà Nội có một chính sách đặc biệt dành phần lớn học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Còn tất cả các sinh viên đạt giải Nhì Quốc gia trở lên trong kỳ thi Olympic các môn Toán, Lý, Hóa, Công nghệ thông tin thì các em sẽ nhận học bổng tài năng khoảng 30 triệu đồng.
Trường cũng rất chú trọng đổi mới. Năm nay có ngành mới là ngành Data Science in Artificial Intelligence (Khoa học dữ liệu trong trí tuệ nhân tạo). Từ khóa hot nhất hiện nay là 4.0, nhưng khi nó qua đi, chuyển đổi số sẽ là tương lai, và chuyển số không thể thiếu về khoa học dữ liệu lớn (Bigdata). Bách Khoa sẽ tiên phong mở ngành Bigdata. Trong tương lai ngành sản xuất phải gắn liền với phương thức giao tiếp của máy móc và sản phẩm với nhau.
(Nguồn ảnh: HSV ĐH Bách khoa Hà Nội)
Ngoài những ngành mới, đâu là thế mạnh của Bách Khoa so với các trường khác?
Bách Khoa là trường trọng điểm về Khoa học kỹ thuật, luôn nằm trong top đầu. Cách đây khoảng 5-6 năm, hầu hết 50-60% các thủ khoa tốt nghiệp THPT đều dự thi vào Bách Khoa. Khoảng 3, 4 năm gần đây số lượng người tuyển thẳng vào Bách Khoa rất nhiều.
Người học là người thông thái nhất, họ sẽ biết lựa chọn những nơi tốt nhất cho cơ hội việc làm sau khi ra trường trong tương lai. Bách Khoa hiện tại tự tin đáp ứng đủ cơ sở vật chất cho người học.
Và đặc biệt, Bách Khoa nói không với việc đào tạo chất lượng thấp, và có lẽ chính điều này đã thu hút không nhỏ một lượng sinh viên vào học. Sinh viên quốc tế được tuyển thẳng, thế nhưng phải khẳng định là phải rất chật vật mới có thể ra trường được.
(Nguồn ảnh: HSV ĐH Bách khoa Hà Nội)
Chất lượng các thủ khoa đầu vào ở Bách Khoa sau một thời gian học tập như thế nào? Có không ít những câu chuyện xung quanh việc học của các thủ khoa ?
Về vấn đề này, Phòng Đào tạo thống kê các thủ khoa, á khoa đầu vào, sau thời gian học ở trường có duy trì được phong độ hay không. Đấy là cả câu chuyện dài.
Năm 2017, Bách Khoa tuyển được 5 người Huy chương Vàng môn Toán Olympic, sau một năm theo dõi thì mình nhận thấy không phải em nào có kết quả tốt ở kỳ thi này cũng sẽ duy trì được phong độ khi học ở trường. Thậm chí cả Thủ khoa, Á khoa cũng chưa chắc là những sinh viên giỏi nhất.
Đó là do sự khác biệt giữa bậc Đại học và phổ thông. Vào Bách Khoa nếu xao nhãng sẽ bị đào thải. Sinh viên có kết quả kém dưới 0.8/4 trong nhiều tháng liền thì các em sẽ bị xem xét cảnh cáo mức 3 cho đến đuổi học nếu vẫn tiếp diễn tình trạng trì trệ như vậy.
Bách khoa luôn là điểm nóng về đuổi học, buộc thôi học sinh viên, tại sao lại như vậy, thưa thầy?
Mỗi năm, Bách khoa buộc thôi học khoảng 600-800 em một năm/toàn trường. Một phần các em sẽ ra trường mà không có bằng vì không được tốt nghiệp do bị đuổi, một phần đi du học, một phần nữa chuyển trường chuyển ngành do thi theo nguyện vọng của bố mẹ, anh chị, học một thời gian mới nhận ra không hợp.
Tỷ lệ sinh viên Bách khoa tốt nghiệp đúng hạn theo chương trình chuẩn rất thấp, ra trường sớm theo chương trình chuẩn càng thấp. Những năm nay tỷ lệ này đang dần được cải thiện. Năm 2018, lần đầu tiên có 4300/5300 sinh viên tốt nghiệp đúng hạn.
Theo thầy, tại sao đa số học sinh vào Đại học lại học kém đi, dù kết quả thời phổ thông rất tốt?
Như mọi người đã biết thì vào Đại học không học chậm như phổ thông, chương trình học chạy rất nhanh, chậm như phổ thông thì biết bao giờ ra trường. Sinh viên mới vào trường vừa nghe giảng vừa chép kín mít 6 cái bảng trong vòng 3 tiếng đồng hồ thì rất là choáng.
Nói chung về cơ bản các em có tố chất và năng lực rất tốt mới vào Bách khoa được, nhưng đôi khi các em không giữ được sự chăm chỉ sẽ bị đào thải. Hầu như không có học sinh nào giữ được phong độ như thời lớp 12.
Tôi có một kỷ niệm rất sâu sắc của một người quen ở Thái Bình. Con học rất giỏi. 20/11 lên nhà tôi ngồi khóc, vì không tìm thấy con đâu. Cũng có mua một cái nhà trên Hà Nội, sau bao tháng trời không thấy con đâu thì mới phát hiện nó đắm chìm vào trò chơi điện tử. Tôi mới huy động toàn bộ cán bộ đoàn của lớp và hỏi "Lần cuối cùng gặp bạn đó là lúc nào" thì các bảo rằng cách đây 3 tháng. Và năm đó, nó xin ra khỏi Bách Khoa.
Đôi khi các em không thể kiềm chế trước những cám giỗ, cảm thấy vào đại học là phải xả hơi rồi nên bỏ bê học hành. Và khi xả hơi nó trở thành vết trượt dài.
Tôi luôn nói rằng Bách Khoa là nơi vô cùng khốc liệt, các thầy cô giáo luôn bảo rằng Ban giám hiệu rắn quá, nhưng không đó là giúp cho các em học sinh trưởng thành.
Nguyên nhân có phải do chương trình dạy của Đại học Bách khoa nặng quá không?
Chương trình học của Bách Khoa được so sánh ngang bằng với chương trình học của các trường hàng đầu. Ví dụ Toán và khoa học cơ bản của một khoa thì có 32 tín chỉ, riêng toán là 20 tín chỉ.
Các thầy giáo ở Bách Khoa được cái luôn nghĩ rằng sinh viên Bách Khoa là phải giỏi. Mặc dù mấy năm nay các thầy đã áp dụng các phương pháp thi, đánh giá khác đi, ít đánh đố với học trò.
(Nguồn ảnh: HSV ĐH Bách khoa Hà Nội)
Trường Bách khoa làm gì để cải thiện điều này?
Sinh viên mới vào trường đôi khi không tiếp cận được phương pháp học tập của bậc đại học. Trường Bách khoa đang thực hiện một chương trình đào tạo "lớp học đảo ngược": Ngày xưa lên lớp là thầy đọc trò chép và đến thi, còn bây lý thuyết sẽ học ở nhà, bài tập sẽ làm trên lớp.
Việc dạy từ thụ động chuyển sang chủ động là một việc không hề đơn giản, đây là bài toán nan giải không chỉ dành cho sinh viên ĐH Bách Khoa Hà Nội. Thay vì dạy thụ động và truyền đạt kiến thức một chiều, không có phản hồi, thì trong phương pháp đổi mới dạy học có phương pháp lấy học trò làm trung tâm.
Thực ra nói về lý thuyết thì rất là dễ, nhưng khi triển khai không hề dễ. Cũng rất may và rất mừng vì đội ngũ giảng viên trẻ của Bách khoa rất là đông, các bạn luôn biết cách để lấy người học làm trung tâm, chủ thể không chỉ trong dạy và học mà còn trong các hoạt động của nhà trường.
Xin cảm ơn thầy!
Trí thức trẻ