MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó TGĐ Biti’s Vưu Lệ Minh lần đầu kể chuyện làm giày: 200 công đoạn, 1 năm thiết kế, 20 ngày sản xuất

23-06-2023 - 11:05 AM | Doanh nghiệp

Vốn là người kín tiếng trước truyền thông, đây là lần đầu tiên con gái thứ hai của nhà sáng lập Biti’s Vưu Khải Thành, Phó TGĐ Vưu Lệ Minh (SN 1984) đồng ý tiếp báo chí.

Phó TGĐ Biti’s Vưu Lệ Minh lần đầu kể chuyện làm giày: 200 công đoạn, 1 năm thiết kế, 20 ngày sản xuất - Ảnh 1.

Phó TGĐ Biti’s Vưu Lệ Minh lần đầu kể chuyện làm giày: 200 công đoạn, 1 năm thiết kế, 20 ngày sản xuất - Ảnh 2.

Gặp chúng tôi tại nhà máy lớn nhất của Biti’s ở Biên Hòa (Đồng Nai), Lệ Minh ăn mặc giản dị. 15 năm qua, sau khi du học về nước, cô chọn làm việc tại nhà máy. Ban đầu, cô dành thời gian phát triển bộ phận xuất khẩu, trực tiếp làm việc với khách hàng để hiểu nhu cầu của họ. Sau thời gian công ty có nguồn khách hàng ổn định thì cô chuyển sang cải thiện bộ phận thiết kế sản phẩm, nơi trực tiếp tạo ra mẫu, quy trình công nghệ phục vụ sản xuất. Và gần đây, Lệ Minh quản lý thêm nhiều phần điều hành nhà máy để bớt công việc cho ba mẹ. Vì vậy, cuộc sống của nữ doanh nhân gần như gói gọn với những chuyến đi - về giữa Sài Gòn - Đồng Nai để làm việc.

Phó TGĐ Biti’s Vưu Lệ Minh lần đầu kể chuyện làm giày: 200 công đoạn, 1 năm thiết kế, 20 ngày sản xuất - Ảnh 3.

Thú thật là tôi khá bất ngờ khi biết một sản phẩm như Biti’s Hunter cần tới khoảng 20 năm ấp ủ và đầu tư số tiền rất lớn: 5 triệu đô (hơn 100 tỷ đồng). Chắc phía sau đó phải có lý do gì đặc biệt?

Chuyện này bắt đầu từ khoảng 1997-1998. Vì muốn làm giày thể thao, chúng tôi cử người sang Hàn Quốc để học hỏi công nghệ. Tuy nhiên, những đôi giày đầu tiên vẫn còn hơi nặng, cứng và chưa được thời trang cho lắm.

Người Việt thời đó cũng không mang giày thể thao nhiều vì họ ít chơi thể thao và khí hậu nóng, ẩm, nên hàng ngày người ta thường thích sử dụng sandal.

Dừng lại 6 năm, đến năm 2004, công ty tiếp tục sản xuất trở lại nhưng nhu cầu thị trường vẫn chưa cao. Chờ thêm 5 năm nữa, đến năm 2009, Biti’s quay lại sân chơi và lúc này rất may thị trường đã có nhu cầu.

2 năm tiếp theo, Biti’s phát triển mảng giày thể thao rất tốt nhưng vẫn là những đôi giày theo kiểu ăn chắc, mặc bền. Có nghĩa nó kín đáo, chắc chắn, dễ vệ sinh và bền đến mức đi hoài không hỏng (cười)... Sản phẩm chủ yếu bán ra thị trường miền Bắc vì thời đó, người dân quan điểm trời lạnh mới mang giày.

Phó TGĐ Biti’s Vưu Lệ Minh lần đầu kể chuyện làm giày: 200 công đoạn, 1 năm thiết kế, 20 ngày sản xuất - Ảnh 4.

Đến năm 2011, Phó Chủ Tịch HĐTV Biti’s (bà Lai Khiêm – mẹ ruột Lệ Minh (PV) chính là người chỉ đạo nhà máy sản xuất sản phẩm tiền thân của Biti’s Hunter: nhẹ hơn, êm chân hơn… để mọi người có thể mang hàng ngày.

Ý tưởng khi ấy khá táo bạo nên đội ngũ kinh doanh cũng lo ngại vì họ thấy loại này mới quá, giá thành lại cao nên rất khó được thị trường đón nhận. Thế nhưng, bà vẫn kiên quyết vì lòng tin vào sản phẩm tốt và sau khi ra mắt, sản phẩm quả nhiên thành công công rực rỡ, đánh dấu bước đột phá mới của Biti’s khi lấn sân sang lĩnh vực giày thể thao.

Sau 5 năm liên tiếp “về số” với loại giày mới, năm 2016 công ty mạnh dạn ra mắt dòng “Biti’s Hunter” có sự đột phá về mặt thời trang và cách làm truyền thông.

Số tiền 5 triệu đô chủ yếu đầu tư cho máy móc, dây chuyền, tìm kiếm nguyên vật liệu, nghiên cứu công nghệ khuôn, đế mới.... và chỉ còn có hơn 3 tỷ đồng để làm marketing. Thế nhưng với chiến lược marketing hiệu quả từ MV Lạc Trôi của ca sỹ Sơn Tùng năm 2017, sản phẩm Biti’s Hunter liên tiếp đạt kỷ lục, cán mốc hơn 1 triệu đôi/ năm trong suốt giai đoạn trước Covid-19.

Thật không ngờ để làm ra một đôi giày thể thao thành công, trong gần 20 năm, Biti’s đã phải rất kiên trì... và càng thú vị hơn là sự sáng tạo mẫu mới rất quan trọng lại đến từ ý tưởng của thế hệ đi trước.

Thực ra Biti’s Hunter là kết quả chặng đường dài thử nghiệm, trải nghiệm và học hỏi không ngừng. Quá trình ấp ủ, nghiên cứu sản phẩm chỉ trong khoảng 1 năm, nhưng chúng tôi cần chờ rất nhiều năm để có được “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, chính là thời điểm nhu cầu thị trường bắt đầu rộng mở. Kết hợp nhiều năm gia công cho các đối tác xuất khẩu, chúng tôi tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm quý báu để cải tiến sản phẩm.

Cũng có người nói về con số 5 triệu đô và hỏi: việc thuyết phục ba mẹ đầu tư lớn như thế có khó khăn gì không? (quota ava) Sự thật, ba mẹ tôi đến giờ vẫn tham gia việc kinh doanh nên họ rất hiểu về sản phẩm. Mẹ tôi thậm chí còn hiểu đến chân tơ, kẽ tóc của từng đôi giày bởi vì bà là người đã thiết lập những công thức hóa chất để làm ra phần đế giày. Với niềm đam mê sâu đậm, bà luôn mày mò, nghiên cứu áp dụng những công nghệ mới để sản phẩm ngày càng đẹp mắt và chất lượng hơn.

Phó TGĐ Biti’s Vưu Lệ Minh lần đầu kể chuyện làm giày: 200 công đoạn, 1 năm thiết kế, 20 ngày sản xuất - Ảnh 5.

Phó TGĐ Biti’s Vưu Lệ Minh lần đầu kể chuyện làm giày: 200 công đoạn, 1 năm thiết kế, 20 ngày sản xuất - Ảnh 6.

Theo như những gì chị vừa nói, có thể hiểu là mặc dù đã có đầy đủ nền tảng và chỉ phá cách về mặt thời trang, để làm ra sản phẩm mới như Biti’s Hunter vẫn cần đến hơn 1 năm nghiên cứu và phát triển. Vì sao lại cần khoảng thời gian dài như vậy?

Hầu hết các sản phẩm mới đều được nghiên cứu, phát triển trong vòng hơn 1 năm. Để “chốt” được mẫu thiết kế cuối khá gian nan. Ít nhất phải qua 10 lần chỉnh sửa, sản phẩm mới đạt được mong muốn cuối cùng về tính năng và yếu tố mỹ thuật.

Mỗi một đôi giày nhìn tưởng thật đơn giản, nhưng nó lại là sự kết hợp của rất nhiều nguồn lực. Ví dụ, trên đôi giày có da, chỉ, khoen, vải, dây buộc, dây điện, nhựa…  bao nhiêu chi tiết là bấy nhiêu nhà cung cấp. Trung bình mỗi sản phẩm ít nhất có 60 chi tiết và khoảng từ 30-40 nhà cung ứng vật tư, nguyên phụ liệu.

Sau khi đã có đầy đủ mẫu thiết kế, nguyên vật liệu và nguồn lực, chúng tôi tiến hành sản xuất. Từ lúc bắt đầu đến khi thành phẩm cần trung bình khoảng 200 công đoạn, thậm chí có mã hàng phức tạp sẽ cần nhiều hơn thế. Có nghĩa một đôi giày phải qua vô số bàn tay mới hoàn thành.

Phó TGĐ Biti’s Vưu Lệ Minh lần đầu kể chuyện làm giày: 200 công đoạn, 1 năm thiết kế, 20 ngày sản xuất - Ảnh 7.

Trong số 200 công đoạn đó, đâu là giai đoạn thử thách nhất?

Có lẽ là công đoạn may. Trên đôi giày có nhiều chi tiết tinh xảo, đòi hỏi độ chính xác rất cao. Đặc biệt, dòng sản phẩm trẻ em có diện tích cực nhỏ. Người thợ may cần tập trung hết sức để nhìn thấy từng tiểu tiết.

Nếu phải làm việc với quá nhiều cỡ số cho một lệnh sản xuất cũng như hoán đổi mẫu mã thường xuyên sẽ làm tăng thêm phần thử thách cho người thợ may. Họ phải hoán đổi cách thức may và thao tác thủ công liên tục để đáp ứng. Vì vậy, để có thể duy trì năng suất, chúng tôi cũng cần có những đơn hàng đủ lớn để có thể phần nào giảm bớt khó khăn cho công nhân và duy trì chất lượng sản phẩm.

Với sự phức tạp như vậy, một đôi giày sẽ phải mất bao nhiêu ngày nằm trong nhà xưởng thì mới được hoàn thành?

Thời gian sản xuất cần khoảng từ 20 đến 30 ngày. Đó là chỉ tiêu công ty đặt ra nhằm phát huy hết năng suất của tất cả bộ phận.

Thực tế, thời gian để sản xuất một đôi giày rất nhanh. Vấn đề là phải tính toán, xen kẽ các mã hàng như thế nào để tất cả bộ phận đều có việc làm liên tục. Đội ngũ của chúng tôi luôn tìm tòi, đưa ra nhiều giải pháp để rút ngắn công đoạn sản xuất, giao chỉ tiêu cho các đơn vị cải tiến, tinh gọn quy trình làm việc nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.

Phó TGĐ Biti’s Vưu Lệ Minh lần đầu kể chuyện làm giày: 200 công đoạn, 1 năm thiết kế, 20 ngày sản xuất - Ảnh 8.

Phó TGĐ Biti’s Vưu Lệ Minh lần đầu kể chuyện làm giày: 200 công đoạn, 1 năm thiết kế, 20 ngày sản xuất - Ảnh 9.

Phó TGĐ Biti’s Vưu Lệ Minh lần đầu kể chuyện làm giày: 200 công đoạn, 1 năm thiết kế, 20 ngày sản xuất - Ảnh 10.

Biti’s nhiều năm qua có slogan là “nâng niu bàn chân Việt”. Không biết hãng đã thực sự nâng niu đôi chân người Việt như thế nào ?

Bất cứ đôi giày nào Biti’s làm ra đều xuất phát từ nhu cầu người tiêu dùng và quan trọng nhất là luôn đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Mẫu thiết kế luôn được xây dựng trên nền tảng giải phẫu bàn chân của người Việt. Bàn chân người Việt khác với châu Âu và cũng khác luôn với người Trung Quốc. Ví dụ, người Châu Âu có bàn chân hơi gầy và dài. Bàn chân của người nước mình nhìn chung ngắn và to hơn về bề ngang. Nó có nhiều điểm tương đồng với người Trung Quốc, nhưng bàn chân của người Trung Quốc nhìn chung to hơn.

Chúng tôi cũng liên tục có sự nghiên cứu, cập nhật để chuẩn bị cho những thay đổi về giải phẫu bàn chân Việt trong khoảng thời gian dài hạn 5-10 năm nữa.

Đã nghiên cứu kỹ như vậy nhưng cứ mỗi đôi sản phẩm ra đời, đội ngũ thử fitting của chúng tôi đều phải cho mang thử để đánh giá về độ êm ái, độ vừa vặn trên mỗi bước đi và đặc biệt tất cả các vật tư trên đôi giày cũng phải kênh qua phòng thử nghiệm để kiểm tra độ bền của vật tư.

Phó TGĐ Biti’s Vưu Lệ Minh lần đầu kể chuyện làm giày: 200 công đoạn, 1 năm thiết kế, 20 ngày sản xuất - Ảnh 11.

Đối với công đoạn nghiên cứu thiết kế, đâu là thử thách lớn nhất với Biti’s?

Cái khó nhất là thiết kế bộ đế mới. Chúng tôi phải thiết kế sao cho phần đế giày vừa vặn với kích cỡ cũng như chuyển động của bàn chân trong mọi hoạt động thể thao. Thiết kế giày cho môn thể thao nào, phải nghiên cứu tỉ mỉ các chuyển động trong hoạt động thể thao đó.

Ở Biti’s, một sản phẩm đã gọi là mới thì nếu không mới về kiểu dáng sẽ phải mới về vật liệu, tính năng, hay ít nhất tạo ra quy trình sản xuất tiện lợi hơn. Tất cả trọng trách này đều đặt lên vai đội ngũ thiết kế. Đó là lý do vì sao chúng tôi có đến 300 người thuộc bộ phận R&D, trong đó 200 người chỉ chuyên phụ trách việc nghiên cứu, thiết kế giày.

Phó TGĐ Biti’s Vưu Lệ Minh lần đầu kể chuyện làm giày: 200 công đoạn, 1 năm thiết kế, 20 ngày sản xuất - Ảnh 12.

Trong rất nhiều đôi giày đã và đang sản xuất, liệu có một đôi giày nào từng lập kỷ lục về thời gian nghiên cứu – thiết kế?

Chắc là những đôi giày kết hợp với nghệ sĩ. Điều thú vị khi kết hợp với họ là các nghệ sĩ có tính bay bổng rất cao nên thường vẽ ra những mẫu giày cực kỳ sinh động, bắt mắt. Nhưng khó khăn ở chỗ công nghệ, kỹ thuật của ngành giày còn hạn chế nên đôi khi đứng trước ý tưởng của họ, việc thực thi thiết kế cũng là một thử thách.

Vì tôn trọng sự sáng tạo từ những nhà thiết kế lớn đang hợp tác với mình, công ty luôn suy xét, tính toán nên áp dụng kỹ thuật, lựa chọn công nghệ mới nào để có thể phản chiếu hết những thiết kế tinh xảo.

Ví dụ, chúng tôi từng hợp tác với anh Công Trí để ra mắt một mẫu giày đặc biệt. Để thống nhất được thiết kế, hai bên phải tương tác qua lại, làm việc với nhau trong suốt gần 1 năm. Khoảng thời gian dài đó thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao của cả hai bên đối với sản phẩm chung.

Để có thể làm tốt mẫu giày ấy, chúng tôi không ngại đầu tư nhiều thứ như: sử dụng vật liệu mới cao cấp, công nghệ khuôn đế mới… Cũng vì sản phẩm đặc biệt như vậy, nên thời điểm ra mắt, giá sản phẩm này khoảng 1.500.000 đồng/ đôi.

Phó TGĐ Biti’s Vưu Lệ Minh lần đầu kể chuyện làm giày: 200 công đoạn, 1 năm thiết kế, 20 ngày sản xuất - Ảnh 13.

Cuối cùng, hiệu quả đem lại cho sự kết hợp đó là gì?

Sản phẩm đó có nét thời trang độc đáo riêng, không phải ai cũng phù hợp nên nếu nói về hiệu quả doanh số sẽ không cao. Tuy nhiên, nó lại có giá trị về mặt thương hiệu. Những KOLs nổi tiếng như Hồ Ngọc Hà, Công Trí, Hương Giang… đều từng mang đôi giày đặc biệt này và lan tỏa trên khắp MXH.

Phó TGĐ Biti’s Vưu Lệ Minh lần đầu kể chuyện làm giày: 200 công đoạn, 1 năm thiết kế, 20 ngày sản xuất - Ảnh 14.

Du học về nước và 15 năm qua đã gắn bó với Biti’s, chị nghĩ đóng góp nào là lớn nhất mà mình đã làm được cho công ty?

Tôi nghĩ rằng, điều mình đã đóng góp cho công ty là thiết lập quy trình phối hợp công việc nhịp nhàng giữa các bộ phận từ khâu thiết kế, sản xuất đến kinh doanh nhằm tinh gọn quy trình làm việc, rút ngắn thời gian ra hàng, các bộ phận làm việc tuân thủ timeline và hiểu rõ nhiệm vụ để hoàn thành mục tiêu chung.

Trước đó các bộ phận chưa có sự phối hợp như vậy sao?

Trước đó, phía nhà máy cứ thiết kế, sản xuất, còn kinh doanh chọn lựa những sản phẩm phù hợp để bán, chưa có tiếng nói chung vì vậy sản phẩm ra đời đôi khi không đáp ứng được kỳ vọng kinh doanh.

Từ khi xây dựng thành công tiến độ chung, các bộ phận nhìn vào đó và biết cách phối hợp với nhau, giúp đưa sản phẩm lên kệ đúng thời hạn.

Phó TGĐ Biti’s Vưu Lệ Minh lần đầu kể chuyện làm giày: 200 công đoạn, 1 năm thiết kế, 20 ngày sản xuất - Ảnh 15.

Phó TGĐ Biti’s Vưu Lệ Minh lần đầu kể chuyện làm giày: 200 công đoạn, 1 năm thiết kế, 20 ngày sản xuất - Ảnh 16.

Phó TGĐ Biti’s Vưu Lệ Minh lần đầu kể chuyện làm giày: 200 công đoạn, 1 năm thiết kế, 20 ngày sản xuất - Ảnh 17.

Còn bài học để chị rút kinh nghiệm…?

Hiện nay, khối sản xuất thường phản ánh: mẫu mã của công ty ngày càng phức tạp, gây ách tắc trong sản xuất, công nhân phải tăng ca, chi phí phát sinh và sự cố nhiều hơn... Tôi nghĩ gốc vấn đề nằm ở khâu thiết kế.

Thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục và không ngừng cải nhằm tiến tinh gọn công đoạn sản xuất, lựa chọn vật tư và chuỗi cung ứng phù hợp để kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm, gia tăng năng suất, tối ưu hóa nguồn lực, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động.

Nghe nói mỗi năm Biti’s sản xuất 400 mẫu. Trong số nhiều mẫu mã như vậy, liệu có sản phẩm nào Biti’s từng phải dừng lại vì nó không thành công?

Có lẽ dòng sandal thời trang nữ là chưa được phát triển như kỳ vọng. Mặc dù dòng sản phẩm đó không phải chủ lực, nhưng Biti’s vẫn kinh doanh nhằm đa dạng chủng loại phục vụ người tiêu dùng, đặc biệt là nhóm khách hàng gia đình có thể tìm thấy sản phẩm ưa thích mỗi khi vào cửa hàng Biti’s.

Trước đó, chúng tôi từng làm bộ sưu tập giày cho trẻ sơ sinh nhưng không bán được tốt. Sau đó, phải giảm số lượng mẫu, chỉ làm vài mẫu đáp ứng đúng nhu cầu thị trường. Lý do nghe “rất ngược”, đối với giày trẻ sơ sinh không cần độ bền cao vì chân bé lớn nhanh nhưng chúng tôi vẫn dùng những chất liệu quá bền nên mức giá không cạnh tranh. Đây là một bài học lớn mà Biti’s cần rút kinh nghiệm cho những mùa vụ trong tương lai.

Phó TGĐ Biti’s Vưu Lệ Minh lần đầu kể chuyện làm giày: 200 công đoạn, 1 năm thiết kế, 20 ngày sản xuất - Ảnh 18.

Những bước đi chưa chính xác đó, ở công ty chị, những người trực tiếp liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào?

Ở Biti’s thường không có chuyện một cá nhân phải đứng ra chịu trách nhiệm hoặc tự tìm giải pháp cho một vấn đề nào đó. Tất cả phải là trách nhiệm của tập thể hoặc đội nhóm. Đội ngũ của công ty thường xuyên có những cuộc họp phối hợp để tìm lý do dẫn đến kết quả chưa tốt và tìm giải pháp khắc phục triệt để vì mục tiêu chung.

Xin cảm ơn chị vì cuộc trò chuyện./.

Theo Trương Thu Hường - ảnh Phùng Tiên - thiết kế Hà Mĩ

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên