Phó TGĐ VinFast: "Chưa nhận biệt đãi gì về chính sách từ Nhà nước"
Sau khi VinFast công khai mức lỗ trên mỗi chiếc xe bán ra, có một số ý kiến cho rằng hãng xe Việt đang cố tình lờ đi những biệt đãi "khủng" mà Nhà nước đã ưu ái dành cho họ.
Trước luồng thông tin trái chiều này, phóng viên báo VietNamNet đã phỏng vấn Phó Tổng giám đốc thường trực VinFast - Nguyễn Thị Vân Anh.
- Trong bảng cơ cấu giá xe VinFast, rất nhiều chi phí được hãng lần đầu công bố như quản lý sản xuất, bảo hành, vận chuyển, lưu kho..., nhưng chưa thấy thống kê chi phí mặt bằng nhà xưởng. Có phải vì VinFast đang được "mượn đất" và có thể dễ dàng chuyển 335ha này thành bất động sản để khai thác?
Tổ hợp nhà máy VinFast nằm trong Khu Công nghiệp Đình Vũ (Cát Hải, Hải Phòng), được tập đoàn Vingroup thuê của Nhà nước theo phương thức trả tiền hàng năm. Do là đất công nghiệp và nằm trong Khu Công nghiệp nên không thể được chuyển hóa thành các loại hình bất động sản khác.
Thực tế, trong bảng tính mà chúng tôi công bố, phần nhà xưởng, mặt bằng được tính trong tổng khấu hao và chi phí tài chính hơn 11.000 tỷ đồng/năm. Sở dĩ VinFast không tính vào giá thành vì chúng tôi đang áp dụng giá 3 Không (không khấu hao, không chi phí tài chính, không lãi). Nếu tính thêm khoản này, mức lỗ thực tế của VinFast thậm chí còn lớn hơn nhiều so với mức đã công bố.
Bà Nguyễn Thị Vân Anh - Phó TGĐ thường trực VinFast: “Ưu đãi lớn nhất về thuế là miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm kể từ khi có lãi do nằm trong khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, nhưng do chúng tôi chưa có lãi nên về cơ bản không có gì đáng kể”
- Con số 11.000 tỷ đồng chi phí khấu hao và chi phí tài chính mà VinFast phải gánh mỗi năm cũng khiến nhiều người choáng váng. Nếu hạch toán khấu hao sớm thì dĩ nhiên chi phí sẽ đội lên. Vậy VinFast đang tính khấu hao nhà máy trong bao nhiêu năm?
Chúng tôi tính khấu hao dây chuyền máy móc thiết bị chính trong 25 năm, căn cứ theo công văn hướng dẫn của Bộ Tài chính về chế độ hao mòn cho dây chuyền chưa lắp ráp tại Việt Nam. Ngoài ra, khấu hao nhà xưởng được tính trong 50 năm, khấu hao công nghệ thông tin từ 3 đến 8 năm, khuôn và máy móc thiết bị khác từ 10 đến 15 năm, thiết bị văn phòng từ 3 đến 8 năm, và khấu hao công cụ dụng cụ là 3 năm. Tất cả đều căn cứ theo đúng hướng dẫn ở Thông tư 45 của Bộ Tài chính.
- Nguyên vật liệu đang là khoản chiếm tỉ lệ cao trong chi phí cấu thành giá xe. Tuy nhiên, nguyên vật liệu có rất nhiều loại và có thể chênh nhau cả chục lần, vì sao VinFast không công bố chi tiết hơn? Ngoài ra, công ty có tính lãi trong phần nguyên vật liệu này không?
Có tới hàng chục nghìn chi tiết cấu thành nên một chiếc xe. Chỉ tính cụm 3 linh kiện đắt nhất là hộp số tự động 8 cấp, trục trước và trục sau của hệ thống khung gầm, chi phí đầu vào đã lên tới hơn 100 triệu đồng. Đây đều là các linh kiện do hãng ZF (Đức) cung cấp.
Ngoài ra, mẫu sedan VinFast Lux A2.0 còn sử dụng các linh kiện cao cấp đến từ các nhà cung cấp tên tuổi hàng đầu thế giới như toàn bộ ghế của Lear (Mỹ), hệ thống ống xả và cửa xe của Faurecia (Pháp), bộ tăng áp Mitsubishi (Nhật Bản), lốp Michelin (Pháp)… Với giá 3 Không, VinFast hoàn toàn không tính lãi trong tất cả các hạng mục.
VinFast đang bù cho khách hàng gần 300 triệu đồng với mỗi chiếc Lux A2.0 bán ra. |
- Nhìn vào bảng tính mà VinFast công bố, nhiều người cho rằng chi phí bán hàng và chi phí quản lý tính trên đầu sản phẩm hoàn toàn có thể giảm xuống khi tăng số lượng hàng bán. Do đó, số tiền lỗ cả trăm triệu đồng mỗi chiếc như VinFast công bố có một phần nguyên nhân là do số lượng xe bán được quá ít. Điều này có đúng không, thưa bà?
Nếu tăng được sản lượng thì mọi chi phí cố định sẽ giảm, tuy nhiên tỉ trọng lớn là chi phí biến đổi theo đầu sản phẩm thì lại không thay đổi, đó là chi phí linh kiện (BOM), chi phí khuyến mại cho khách hàng, chi phí bán hàng, hoa hồng cho đại lý, cho showroom...
- Một số ý kiến cho rằng VinFast đang được nhận rất nhiều ưu đãi lớn về thuế. Điều này chẳng lẽ không thể giúp giá xe tốt hơn?
Ưu đãi lớn nhất về thuế là miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm kể từ khi có lãi do nằm trong khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, nhưng do chúng tôi chưa có lãi nên về cơ bản không có gì đáng kể.
VinFast đầu tư rất lớn vào nhà máy sản xuất ô tô nhưng không tính khấu hao vào giá bán xe. |
- Vậy VinFast có mong muốn nhận được sự hỗ trợ đặc biệt gì từ Nhà nước?
Dĩ nhiên VinFast rất hy vọng sẽ nhận được những chính sách hỗ trợ phù hợp từ Chính phủ để có thể khởi nghiệp thuận lợi hơn trong lĩnh vực có quá nhiều cạnh tranh như ô tô. Tuy nhiên, chúng tôi cũng ý thức được rằng, Việt Nam vẫn còn là một quốc gia nghèo, những doanh nghiệp lớn như Vingroup hay VinFast nói riêng cần có trách nhiệm chung tay cùng chính phủ phát triển kinh tế đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Do đó, chúng tôi luôn xác định phải chủ động, nỗ lực hết sức trong khả năng của mình để mang đến cho người tiêu dùng Việt những sản phẩm đẳng cấp, chất lượng cao với giá cả phải chăng, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của thương hiệu "made in Vietnam", cạnh tranh sòng phẳng với các thương hiệu quốc tế không chỉ tại thị trường Việt Nam mà còn tiến ra chinh phục thị trường thế giới.
- Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!
Vietnamnet