Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Xem xét giảm lãi suất và tăng hạn mức tín dụng cho sản xuất, kinh doanh lúa gạo
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, cần có hỗ trợ cho các doanh nghiệp để đảm bảo đủ nguồn vốn thu mua lúa gạo cho người nông dân trong vụ Đông Xuân năm nay nhằm giúp giá lúa gạo không bị giảm sâu, đảm bảo lợi nhuận cho người trồng lúa.
- 26-02-2019Vốn ngân hàng sẵn sàng cho sản xuất, chế biến, tiêu thụ lúa gạo, lãi suất chỉ từ 6%/năm
- 26-02-2019Trên 100.000 tỷ đồng cho vay lúa gạo
Chiều ngày 26/2, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đã chủ trì Hội nghị "Ngành Ngân hàng thúc đẩy cho vay sản xuất, tiêu thụ lúa gạo ĐBSCL" nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu lúa gạo.
Tại Hội nghị, các ý kiến thảo luận cho thấy, vốn tín dụng không phải là vấn đề vướng mắc, khó khăn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm lúa gạo, mà vấn đề đặt ra là cung - cầu thị trường, về thị trường tiêu thụ, tổ chức sản xuất… đối với sản phẩm lúa gạo. Tuy nhiên, Phó Thống đốc chỉ đạo các NHTM phải quyết liệt cung ứng nguồn vốn, xem xét tiếp tục giảm lãi suất, giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh để sát cánh cùng bà con trong lúc khó khăn.
Trước đó, tại Hội nghị "Thúc đẩy sản xuất tiêu thụ lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long" sáng ngày 26/2/2019 tại Đồng Tháp, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định ngành ngân hàng cam kết sẵn sàng đáp ứng đủ vốn để đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ lúa gạo với lãi suất và thời hạn cho vay phù hợp. Bên cạnh đó, NHNN cũng đảm bảo điều hành chính sách tiền tệ (lãi suất, tỷ giá ổn định…) góp phần quan trọng vào ổn định vĩ mô, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh.
Kết quả thảo luận chiều 26/2 cho thấy, trong thời gian qua, ngành ngân hàng đã rất quan tâm và có nhiều chính sách, giải pháp đồng bộ giúp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp, thương nhân, người sản xuất lúa nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ lúa gạo.
Cơ chế, chính sách cho vay nói chung và cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có ngành lúa gạo thường xuyên được Chính phủ và NHNN quan tâm hoàn thiện, bổ sung phù hợp với hệ thống pháp luật chung, chủ trương cải cách thủ tục hành chính và yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.
NHNN và các TCTD đã đổi mới quy trình, thủ tục cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay... nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho doanh nghiệp và người dân.
Hệ thống ngân hàng đã tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách tín dụng, đặc biệt là đối với các lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích phát triển như tín lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, trong đó có ngành lúa gạo.
Kết quả này đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng, đảm bảo thu nhập cho doanh nghiệp, thương nhân và người sản xuất lúa.
Tại hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú chỉ đạo ngành Ngân hàng cần tiếp tục:
(i) tập trung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của thương nhân kinh doanh, đầu tư, chế biến thóc, gạo, người sản xuất lúa với thời hạn và lãi suất hợp lý theo Nghị định 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, Nghị định 55/2018/NĐ-CP ngày 15/6/2015, Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn;
(ii) Xem xét tăng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp để đảm bảo đủ nguồn vốn thu mua lúa gạo cho người nông dân trong vụ Đông Xuân năm nay nhằm giúp giá lúa gạo không bị giảm sâu, đảm bảo lợi nhuận cho người trồng lúa;
(iii) Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, ngân hang. Cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay. Đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng, các gói tín dụng hỗ trợ phù hợp với từng phân khúc, đối tượng khách hàng;
(iv) Chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông và chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị xã hội thực hiện các chương trình truyền thông mạnh mẽ, toàn diện để người dân, doanh nghiệp nắm bắt đầy đủ các chính sách tín dụng ngân hàng và chủ động tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Để triển khai có hiệu quả các giải pháp nêu trên, Phó Thống đốc đề nghị các đơn vị trong ngành Ngân hàng cụ thể hóa thành các nhiệm vụ, giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để tổ chức thực hiện có hiệu quả trong năm 2019 và các năm tiếp theo, trong đó chú trọng một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
(i) Đối với các đơn vị Vụ, cục thuộc NHNN: Theo dõi sát tình hình thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung và ngành lúa gạo nói riêng của các TCTD để kịp thời có những đề xuất chỉnh sửa, bổ sung hoặc tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh; Tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị xã hội: thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng hiệu quả; Thực hiện chương trình truyền thông sâu rộng để người dân nắm bắt đầy đủ thông tin về cách thức tiếp cận vốn vay ngân hàng.
(ii) Đối với NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố: Nắm sát hoạt động cho vay của các TCTD trên địa bàn, đặc biệt là chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó có ngành lúa gạo, đảm bảo hoạt động ngân hàng đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương; Kịp thời tham mưu cho UBND các tỉnh/thành phố triển khai có hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn; tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, giải thích cho người dân về cách thức tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
(iii) Đối với hệ thống TCTD: Tiếp tục ưu tiên, tập trung nguồn vốn phục vụ cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là ngành lúa gạo. Xem xét tăng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp, thương nhân nhằm thúc đẩy thu mua, tiêu thụ lúa gạo vụ Đông Xuân năm nay; Đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay; Thực hiện nghiêm túc quy định về trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có ngành lúa gạo; Phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội để thông tin kịp thời, đầy đủ về chính sách, sản phẩm cho vay.