MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó thủ tướng nêu những hạn chế của ngành công thương trong năm COVID-19 thứ 2

Phó thủ tướng nêu những hạn chế của ngành công thương trong năm COVID-19 thứ 2

Đó là Quy hoạch điện cùng quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia còn chậm; Quản lý thương mại biên giới còn một số bất cập, ách tắc nông sản cùng với diễn biến phức tạp của tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại...

Ngày 9/1, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 ngành công thương.

Điểm lại những thành tựu nổi bật, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong năm 2021, sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng và duy trì mức tăng trưởng gần 5%, cao hơn cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,37%, tiếp tục khẳng định vai trò động lực cho tăng trưởng của toàn ngành.

Cùng với đó, việc xuất, nhập khẩu đạt kỷ lục gần 670 tỷ USD, tăng gần 23% so với năm trước đã trở thành điểm sáng của nền kinh tế và đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Trong đó, xuất khẩu có sự bứt phá ngoạn mục, tăng trên 19% (vượt 15% so với kế hoạch), duy trì xuất siêu năm thứ 6 liên tiếp với mức thặng dư khoảng 4 tỷ USD.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 6,37%, đóng góp 1,61 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng GDP cả nước.

Phó thủ tướng nêu những hạn chế của ngành công thương trong năm COVID-19 thứ 2 - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội nghị tổng kết ngành công thương và triển khai nhiệm vụ năm 2022. Nguồn:VGP

"Góc tối" từ Quy hoạch điện và ách tắc nông sản

Tham dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, bên cạnh việc ghi nhận những nỗ lực và thành tựu đã đạt được của ngành công thương, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cũng thẳng thắn chỉ ra các khó khăn, hạn chế, bất cập của ngành trong năm.

Đầu tiên, Phó thủ tướng cho biết, Quy hoạch điện lực quốc gia, Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 còn chậm; cơ chế điều hành giá điện (đặc biệt giá FIT đối với các dự án năng lượng tái tạo) và vấn đề điều độ hệ thống điện còn bất cập.

Nói rõ thêm về công tác xây dựng quy hoạch, Phó thủ tướng cho biết, ông đã có tới 20 cuộc họp, làm việc cùng Bộ Công Thương về Quy hoạch điện VIII. “Đây là vấn đề lớn mà chúng ta cần tập trung chỉ đạo”, Phó Thủ tướng nói.

Sau nhiều lần rà soát lại quy hoạch, Chính phủ thấy có nhiều vấn đề còn bất cập như phân bổ nguồn điện chưa hợp lý, dẫn tới vốn đầu tư cho hệ thống truyền tải điện rất lớn. Trên cơ sở rà soát lại, đã cắt giảm đi 13 tỷ USD đầu tư cho đường dây.

Phó thủ tướng nêu những hạn chế của ngành công thương trong năm COVID-19 thứ 2 - Ảnh 2.

Phó thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo tại hội nghị.

 “Quy hoạch này năm nay phải tập trung làm, không để chậm quá nhưng phải làm chắc, kỹ càng, bảo đảm hiệu quả nhất, tránh tình trạng đầu tư không hợp lý về đường dây, cơ cấu nguồn điện”, ông Thành đưa ra chỉ đạo.

Đồng thời, Phó thủ tướng cũng lưu ý tiến độ triển khai các dự án trọng điểm của một số tập đoàn, doanh nghiệp còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu, cần sớm khắc phục.

Thứ 2, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; không ít doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, thậm chí giải thể, phá sản, ảnh hưởng tới việc làm, đời sống của người lao động.

Do đó, Phó thủ tướng yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các ngành công nghiệp năng lượng, chế biến chế tạo, hóa chất, phân bón, sản xuất hàng tiêu dùng như dệt may, da giày, chế biến gỗ, nông, lâm, thủy sản,...

Thứ 3, công tác quản lý thương mại biên giới còn một số bất cập. Nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu bằng hình thức tiểu ngạch, rủi ro lớn cho người sản xuất. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả còn diễn biến phức tạp.

Vì vậy, Phó thủ tướng yêu cầu ngành công thương cần bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, có phản ứng kịp thời trong sản xuất, lưu thông hàng hóa, đặc biệt hoạt động xuất nhập khẩu cần thực hiện các giải pháp bền vững, lâu dài. Đánh giá toàn diện các tác động để tận dụng tối đa lợi thế của các FTA mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

Liên quan đến việc ách tắc hàng hóa nông sản, Phó thủ tướng yêu cầu ngành công thương cần đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường và hàng hóa xuất khẩu, nhất là các thị trường tiềm năng, thị trường truyền thống.

Cùng với đó là giải quyết có hiệu quả những vướng mắc trong hoạt động thông quan hàng hóa, không để xảy ra hiện tượng ùn ứ tại các cảng biển, cửa khẩu, nhất là các cửa khẩu Việt Nam -Trung Quốc như thời gian vừa qua; phối hợp với các bộ, ngành đại phương có giải pháp căn cơ, toàn diện để tăng tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Liên quan đến hoạt động xuất khẩu nông sản, nêu ý kiến tại hội nghị, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ NN&PTNT xây dựng các đề án xuất khẩu nông sản sang từng thị trường có tiềm năng.

Theo đó, dự thảo đề án được xây dựng theo đề xuất của các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở các thị trường nước ngoài. Đề án tiếp cận theo hướng từ chuẩn hóa vùng nguyên liệu theo quy định kỹ thuật của từng thị trường, thành lập liên minh các doanh nghiệp xuất khẩu, liên minh doanh nghiệp logistics và địa phương có vùng nguyên liệu.

“Nếu đi từng chuyến hàng, từng doanh nghiệp thì chi phí tốn kém nhiều, cạnh tranh về logistics rất khó khăn, nếu đi cùng chuyến tàu, thì chi phí logisitc giảm, nâng cao thương hiệu nông sản Việt Nam”, ông Hoan nói.

Ngoài ra, Bộ trưởng Hoan cũng đề nghị hai bộ cùng phối hợp xây dựng phát triển thị trường nông sản trong nước, bởi xuất khẩu được đẩy mạnh nhưng lại chưa được chú trọng thị trường 100 triệu dân. Theo ông Hoan, làm sao thị trường trong nước không bị thả nổi, mà phải chuẩn hóa, minh bạch hóa, chuyên nghiệp hóa, vừa mở rộng tổng cầu, vừa giảm rủi ro khi thị trường xuất khẩu bị ách tắc vì lý do bất khả kháng.

Theo Tuấn Việt

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên