MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó Thủ tướng Thường trực: 5 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác thuế năm 2021

Phó Thủ tướng Thường trực: 5 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác thuế năm 2021

Chiều 5/1, Tổng cục Thuế tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác thuế năm 2020, triển khai các giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm 2021. Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình dự và phát biểu chỉ đạo.

Tham dự có Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, Phó Chủ nhiệm VPCP Mai Thu Vân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn, lãnh đạo các bộ, ngành và đông đảo cán bộ, công chức ngành thuế cả nước.

Thu ngân sách vượt dự toán Quốc hội giao

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nêu rõ: Năm 2020 là một năm đầy khó khăn, thử thách đối với cả thế giới nói chung và nước ta nói riêng khi bị tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ..., tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã âm gần 4%. Trong bối cảnh đó, Việt Nam chúng ta thực sự nổi lên là điểm sáng, là một trong số ít những nền kinh tế thế giới đã thực hiện thành công "mục tiêu kép", vừa phòng chống dịch COVID-19 đồng thời kinh tế vẫn tăng trưởng và đạt mức 2,91%, thuộc nhóm nền kinh tế có mức tăng trưởng cao nhất thế giới, lạm phát giữ vững dưới 4% và các chỉ tiêu tài chính về bội chi, nợ công giai đoạn 2016-2020 đều bảo đảm trong phạm vi Quốc hội giao.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực, những kết quả này đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khái quát tại Hội nghị trực tuyến cuối năm của Chính phủ với các địa phương vào ngày 28/12/2020 là: "Mặc dù không hoàn thành được một số chỉ tiêu đề ra từ đầu năm, chủ yếu do nguyên nhân khách quan, nhưng năm 2020 vẫn được xem là năm thành công hơn năm 2019 và là năm thành công nhất trong 5 năm vừa qua".

Qua phóng sự và báo cáo tổng kết đầy đủ, toàn diện của ngành thuế, Phó Thủ tướng Thường trực cơ bản nhất trí với các vấn đề được nêu và nhấn mạnh một số điểm nổi bật.

Một là, mặc dù trong bối cảnh, tình hình đất nước và toàn cầu đặc biệt khó khăn trong năm 2020, nhưng thu ngân sách nhà nước của ngành thuế ước đạt trên 1.275 triệu tỷ đồng, vượt 1,7% so với dự toán đã được Quốc hội giao (tương ứng mức vượt gần 21.000 tỷ đồng), vượt trên 172.000 tỷ đồng so với số ước thu đã báo cáo Quốc hội; Có 55/63 (87%) địa phương hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán, đáng chú ý trong bối cảnh tăng trưởng kinh không như kỳ vọng, nhưng có 40/63 (63%) địa phương có số thu cao hơn năm 2019.

Đây là nỗ lực rất lớn của ngành thuế, góp phần cơ bản bảo đảm số thu chung của toàn ngành tài chính, đóng góp vào ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm các chỉ tiêu được Quốc hội giao. Số thu nội địa năm 2020 đạt tỷ trọng rất lớn 86,5% trong tổng thu ngân sách nhà nước, cao hơn so với bình quân 84,8% của giai đoạn 2016-2019, bình quân 5 năm giai đoạn 2016-2020 là vượt so với mục tiêu 5 năm đề ra (84-85%) và cao hơn so mức 68% của giai đoạn 2011-2015, điều này cho thấy nguồn thu thuế đã chuyển biến theo hướng bền vững hơn, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu thô và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu.

Hai là, năm 2020 là năm toàn ngành thuế đã cơ bản hoàn thành Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 với nhiều kết quả tích cực. Hệ thống chính sách thuế đã được hoàn thiện theo hướng bao quát, phát triển nguồn thu, bảo đảm tính thống nhất, đơn giản, công bằng, hiệu quả phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phù hợp với thông lệ quốc tế. Trong năm 2020, đã trình Chính phủ ban hành 6 nghị định để kịp thời hướng dẫn triển khai Luật Quản lý thuế, phù hợp với Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị và đảm bảo tính thống nhất của các văn bản pháp luật, trên nguyên tắc đơn giản, minh bạch, phù hợp với thực tiễn và ứng dụng tốt công nghệ vào công tác quản lý thuế.

Ba là, toàn ngành thuế đã thực hiện tốt các chức năng của ngành, phù hợp với trạng thái "bình thường mới" của đất nước trong đại dịch COVID-19. Theo đó, công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế được thực hiện đa dạng, đặc biệt đối với những người gặp khó khăn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã được triển khai hiệu quả, kịp thời như các chính sách hỗ trợ theo Nghị định 41 về gia hạn thời hạn nộp thuế tiền thuê đất, Nghị định 70 về giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước, Nghị quyết 954 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về tăng mức giảm trừ gia cảnh người nộp thuế, Nghị quyết 116 của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp 2020, Nghị quyết 107 của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Công tác kê khai và hoàn thuế đã được tăng cường và nâng lên theo hướng hiện đại, chuyển sang hoàn thuế điện tử, giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân. Công tác thanh tra, kiểm tra thuế có cách làm linh hoạt, đẩy mạnh công tác kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế, giảm thiểu việc kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế. Quản lý nợ thuế cũng đạt được kết quả tốt, đẩy mạnh xóa nợ theo Nghị quyết của Quốc hội, thu được 96% số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn vào ngân sách nhà nước, giảm số tiền nợ thuế phải quản lý khoảng 5,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Bốn là, đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp. Hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục thuế trên toàn quốc với 99,9% số doanh nghiệp khai, đăng ký nộp thuế điện tử, 95,5% số doanh nghiệp hoàn thuế điện tử; đã hoàn thành tích hợp 150 thủ tục thuế lên Cổng Dịch vụ công quốc gia vượt 161% kế hoạch đề ra.

Năm là, ngành thuế tiếp tục làm tốt công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế với việc cắt giảm đáng kể số lượng Chi cục Thuế trong cả nước từ 711 xuống còn 415 Chi cục Thuế, đạt 102% kế hoạch và vượt thời gian quy định trước 10 tháng. Năm 2019 lần đầu tiên sau nhiều năm, 63/63 địa phương đã hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách được giao và năm 2020 tiếp tục hoàn thành tổng thể dự toán.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những kết quả và thành tích đã đạt được của gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của ngành thuế trong năm qua, góp phần cùng cả nước đạt được những thành tựu rất ấn tượng trong bối cảnh, trạng thái "bình thường mới".

Khắc phục ngay tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" và "virus trì trệ"

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình cũng đề nghị ngành thuế cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá khách quan và kỹ hơn một số tồn tại, hạn chế của ngành để tập trung khắc phục, có giải pháp đột phá trong thời gian tới như chính sách về thuế dần được hoàn thiện, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn phát triển. Các chính sách phải được hoàn thiện theo hướng vừa bảo đảm nguồn thu, vừa nuôi dưỡng nguồn thu, bao quát được nguồn thu, bảo đảm công bằng, khuyến khích hoạt động sản xuất kinh doanh như thế mới tạo ra nguồn thu bền vững.

Bên cạnh đó, vẫn còn xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, khiếu nại, khiếu kiện của doanh nghiệp, người nộp thuế. Cá biệt, có một số trường hợp, việc xử lý kéo dài qua nhiều năm, không được xử lý dứt điểm gây bức xúc cho doanh nghiệp, ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh, đầu tư của Việt Nam và phải đẩy lên Chính phủ, Thủ tướng xử lý. Kỷ luật kỷ cương ở một số nơi còn chưa nghiêm, vẫn còn hiện tượng cán bộ vi phạm, phải xử lý…

"Phải có nhìn nhận thấu đáo, chỉ ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan, áp dụng đúng quy định của pháp luật nhưng không cứng nhắc, thấu tình đạt lý, tăng cường chủ động, trách nhiệm trong công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan, đối thoại, giải thích với doanh nghiệp để tìm giải pháp xử lý dứt điểm, thấu đáo trong thời gian tới, giảm thiểu khối lượng công việc phải đẩy lên Chính phủ. Không để tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", quyết tâm phòng chống "virus trì trệ"", Phó Thủ tướng Thường trực chỉ rõ.

Phó Thủ tướng Thường trực: 5 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác thuế năm 2021 - Ảnh 1.

Ảnh VGP/Lê Sơn

Để toàn ngành thuế chủ động, tích cực quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện thật tốt các nghị quyết của Chính phủ, kế hoạch của ngành, phù hợp thực tế và khả thi cao, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.5 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác thuế năm 2021

Thứ nhất, tích cực triển khai các nhiệm vụ nhằm hoàn thành xây dựng chiến lược cải cách thuế cho giai đoạn 2021-2030. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các chính sách về thuế (chính sách về miễn, giảm thuế, giãn thuế) để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 – đây chính là một trong 3 đột phá mà Đảng ta đã xác định. Tiếp tục tham mưu, hoàn thiện thể chế, chính sách về thuế và quản lý thuế đáp ứng yêu cầu của đổi mới và hội nhập, nhất là trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4.

Xây dựng chính sách lấy người nộp thuế là trung tâm và là đối tượng phục vụ. Xây dựng chính sách phải chú trọng mở rộng cơ sở thuế, bao quát nguồn thu, tránh thất thu, thu sót, lưu ý các lĩnh vực để bảo vệ quyền đánh thuế của Việt Nam như chuyển nhượng vốn, cổ phần của doanh nghiệp kinh doanh ở Việt Nam nhưng thực hiện ngoài Việt Nam, loại hình kinh tế chia sẻ...Phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2021.

Hai là, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, kiên quyết không để xảy ra tình trạng trì trệ, nhũng nhiễu trong thực thi nhiệm vụ, phải xây dựng được văn hóa, đội ngũ cán bộ ‘liêm chính, chí công vô tư", thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương của Đảng viên, nhất là của người đứng đầu. Nâng cao chất lượng nhân lực ngành thuế, chú trọng tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ công chức, đảm bảo tuân thủ pháp luật, quy định của ngành khi thực thi công vụ. Thắt chặt kỷ luật kỷ cương, thực hiện nghiêm quy định về luân chuyển cán bộ, nhất là các vị trí dễ xảy ra tiêu cực, bảo đảm minh bạch, công khai, dân chủ. Trong đó, vẫn còn một số cán bộ ngành thuế còn nhũng nhiễu, thờ ơ, chưa mạnh dạn đề xuất tháo gỡ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân. Ngành thuế cần có biện pháp mạnh mẽ để khắc phục ngay tình trạng này; thực hiện kiểm tra, xử lý nghiêm, đưa ra khỏi ngành những cán bộ công chức hư hỏng, thoái hóa, biến chất.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, hiện đại hóa ngành thuế theo hướng điện tử hóa, số hóa quản lý thuế, tập trung cải cách quản lý thuế, cắt giảm thủ tục hành chính thuế, mạnh dạn đề xuất các giải pháp đột phá, giảm thiểu những phiền hà, khó khăn, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân.

Bốn là, tập trung quản lý thu thuế đối với hộ kinh doanh và khu vực ngoài quốc doanh, lĩnh vực này còn tiềm ẩn nhiều rủi ro thất thu thuế, nhất là trong bối cảnh thanh toán tiền mặt còn lớn, chưa kiểm soát được nguồn tiền và thu nhập. Tiến tới thực hiện thu thuế điện tử đối với khu vực kinh tế ngoài quốc doanh.

Năm là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, tập trung thanh tra hoạt động chuyển giá, thương mại điện tử…Trong đó, tiến tới thanh tra, kiểm tra điện tử; đẩy mạnh công tác kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử. Tổ chức đối thoại thường xuyên với người nộp thuế, gần gũi, đồng hành cùng cơ quan thông tấn, báo chí, tạo chuyển biến rõ nét trong việc chống thất thu góp phần ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả; quản lý chặt chẽ việc xác định giá tính thuế; phát hiện và ngăn chặn các hành vi chuyển giá, trốn lậu thuế; tăng cường quản lý hoạt động của khu vực kinh tế phi chính thức.

Báo cáo với Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết: Kết quả thu năm 2020 do Tổng cục Thuế quản lý đạt 1.278.649 tỷ đồng, bằng 101,9% dự toán. Trong đó, thu từ dầu thô đạt 34.576 tỷ đồng, bằng 98,2% dự toán. Thu nội địa đạt 1.244.073 tỷ đồng, bằng 102% dự toán. Có 55/63 tỉnh, thành phố ước hoàn thành và vượt  mức dự toán, trong đó có một số địa phương vượt trên 10% như Ninh Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Lào Cai…

Năm 2021, dự toán thu ngân sách nhà nước mà Quốc hội giao cho ngành thuế là 1.116.700 tỷ đồng. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường, nền kinh tế dự báo tăng trưởng thấp. ngành thuế tập trung, nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Theo Lê Sơn

VGPnews

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên