Phó Thủ tướng truy nguyên nhân chậm giải ngân vốn vay
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết vừa qua Chính phủ đã dừng một số dự án do không bảo đảm về thời gian và hiệu quả sử dụng vốn.
Ngày 23/11, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành và địa phương về tình hình giải ngân vốn vay nước ngoài từ đầu năm đến nay.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng số kế hoạch chi đầu tư phát triển vốn nước ngoài được Quốc hội phê duyệt cho các bộ, ngành và địa phương năm 2018 là 60.000 tỷ đồng, trong đó Thủ tướng Chính phủ đã giao gần 55.000 tỷ đồng.
Số liệu tổng hợp trên Hệ thống Giám sát đầu tư công quốc gia cho thấy, đến hết quý III/2018, tỷ lệ giải ngân chưa đạt 40% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn 11% so với cùng kỳ năm 2017.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh những thay đổi gần đây về mặt thể chế nhằm quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay nước ngoài cho đầu tư phát triển, trong đó ngoài quy định việc các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài đều phải nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, Chính phủ còn ban hành Nghị định số 97 ngày 30/6/2018 về cho vay lại vốn vay nước ngoài, Nghị định 132 ngày 1/10/2018 về quản lý và sử dụng ODA và các nguồn vốn vay ưu đãi…
Đặc biệt, các bộ, ngành và địa phương đã nỗ lực thúc đẩy việc hoàn thành chuẩn bị để kịp thời đàm phán 7 dự án sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi cuối cùng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ABD) trong năm tài khóa 2018 nhằm tận dụng tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển đất nước.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, tiến độ giải ngân còn chậm, Phó Thủ tướng yêu cầu từng bộ, ngành, địa phương nêu rõ nguyên nhân vì sao, do cơ chế chính sách, do khách quan, hay do nguyên nhân chủ quan của từng bộ, ngành và địa phương.
Báo cáo cập nhật của các bộ, ngành và địa phương cho thấy đến thời điểm này, nhiều địa phương đã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ giải ngân, thậm chí còn có thể hấp thụ thêm vốn do khối lượng thực hiện cao hơn so với kế hoạch vốn được giao, điển hình là Hà Nội. Trong khi đó, Bộ Y tế và một số địa phương còn tỷ lệ giải ngân thấp do nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân kéo dài.
Tổng hợp ý kiến từ các bộ, ngành và địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết nguyên nhân của việc giải ngân vốn chậm là do công tác chuẩn bị, triển khai thực hiện dự án chậm hơn so với kế hoạch dự kiến.
Quá trình chuẩn bị dự án như giải phóng mặt bằng, chuẩn bị hồ sơ thầu, đấu thầu; xây dựng và trình thẩm định, phê duyệt thiết kế cơ sở, thiết kế chi tiết dài hơn so với kế hoạch do thiếu vốn đối ứng. Quy trình, thủ tục thẩm định, phê duyệt còn mất nhiều thời gian.
Nhiều dự án triển khai tốt, có khả năng giải ngân cao nhưng không thể bố trí kế hoạch vốn giải ngân vượt hạn mức đã phân giao. Một số dự án có khối lượng thực hiện lớn, đã giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2018 nhưng chưa được điều chỉnh, bổ sung. Nhưng vẫn còn có các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch vốn chưa sát với tiến độ thực hiện của các chương trình dự án trong khi thủ tục điều chỉnh kế hoạch còn phải trình duyệt qua nhiều cấp có thẩm quyền.
Đặc biệt, các dự án phát triển sinh kế ứng phó với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long còn gặp khó khăn trong quá trình xây dựng, thiết kế dự án do đây là lĩnh vực mới, đối tượng thụ hưởng trải rộng ở các tỉnh khác nhau.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài đều là dự án nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, do đó nguồn vốn đầu tư được bảo đảm, việc còn lại là tập trung triển khai tốt để các dự án nhanh chóng mang lại lợi ích thiết thực.
Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chủ quản dự án phải rà soát kỹ lưỡng, đôn đốc thường xuyên để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân, bảo đảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay phải trả lãi suất này.
Đặc biệt, các bộ, ngành và địa phương phải xác định rõ đâu là nguyên nhân chủ quan để tập trung khắc phục, trong đó có khâu giải phóng mặt bằng; tránh tình trạng dự án giải ngân nhanh thì thiếu vốn trong khi vốn được giao bị ách tắc trong các dự án thực hiện chậm.
Liên quan đến thẩm quyền điều chuyển vốn linh hoạt trong nội bộ các Bộ, ngành và địa phương, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính rà soát, đề xuất phướng án xử lý theo hướng điều chuyển nhanh hơn nguồn vốn của các dự án chậm tiến độ sang các dự án triển khai tốt, giải ngân nhanh.
Đối với các dự án không có khả năng thực hiện, Phó Thủ tướng cho biết ông "rất lo lắng” đồng thời yêu cầu các Bộ, ngành liên quan phải có báo cáo rõ để có phương án xử lý tiếp theo. Phó Thủ tướng cũng cho biết vừa qua Chính phủ đã dừng một số dự án do không bảo đảm về thời gian và hiệu quả sử dụng vốn.
Liên quan đến đề xuất về phương án sử dụng dự phòng 10% kế hoạch đầu tư công trung hạn của các bộ, ngành và địa phương làm vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài, Phó Thủ tướng ghi nhận và yêu cầu có báo cáo cụ thể trên tinh thần phát huy trách nhiệm quản lý, sử dụng vốn đã được phân bổ của các Bộ, ngành và địa phương.
Cũng trong sáng nay, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã chủ trì cuộc họp để cho ý kiến về các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài cho g iai đoạn sau 2020./.