MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Dù một hay nhiều bộ sách thì chất lượng vẫn phải bằng hoặc tốt hơn trước đây

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng những việc liên quan đến chuyên môn dạy ngôn ngữ cho trẻ bước đầu đi học phải có trao đổi cởi mở, cầu thị.

Ngày 4/11, đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020, dự kiến các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025...

Liên quan đến vấn đề SGK, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh rằng đây là vấn đề được nhiều đại biểu quốc hội, nhà giáo dục, phụ huynh, nhiều người phản ánh, lắng nghe phản ánh, để làm sao có bộ sách giáo khoa tốt phát triển, đổi mới giáo dục.

"Trước khi phiên thảo luận của Quốc hội diễn ra, cũng đã có rất nhiều đại biểu gọi điện, gặp trực tiếp để góp ý về sách giáo khoa. Nhiều người dân trong đó có cả nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ, chuyên gia, giáo viên và cả người dân bình thường với tư cách là ông bà, cha mẹ, có con em học lớp 1 cũng đã có phản ánh".

Theo Phó Thủ tướng, Luật Giáo dục mới sửa đổi quy định rất rõ ai chịu trách nhiệm về sách giáo khoa, từ việc hướng dẫn quy trình biên soạn, thành lập hội đồng và quy trình thẩm định, đến việc phê duyệt sách như thế nào. Phó Thủ tướng nhận định: "Trực tiếp ở đây là trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, trực tiếp là trách nhiệm Bộ trưởng".

Phó Thủ tướng cho rằng, việc này không thuộc thẩm quyền trực tiếp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Song, tương tự như các vấn đề giáo dục khác được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, nhiều cuộc thảo luận về vấn đề sách giáo khoa, có nhiều cuộc họp với các Bộ, ngành, nhiều cuộc trao đổi riêng với các thầy cô giáo.

Phó Thủ tướng phân tích: "Trước đây chỉ có một chương trình, một bộ sách giáo khoa cũng như quy định mặc đồng phục một màu, kiểu áo. Nhưng hiện nay quy định nhiều bộ sách giáo khoa tức là chỉ quy định đồng phục, còn chất liệu, kiểu dáng khác nhau".

"Sai đến đâu, sai mức nào thì phải cơ quan chuyên môn, ngay cả Bộ trưởng Nhạ nói với tôi là không hề có kiến thức và kinh nghiệm dạy ngữ văn lớp 1. Bộ SGK được biên soạn nhưng vốn tiếng Việt của nhóm Cánh Diều đã được Bộ GD&ĐT thẩm định và phê duyệt là có lỗi, có sạn, có sai sót".

Theo Phó Thủ tướng Đam, để xảy ra sai sót này, nguyên nhân do Bộ GD-ĐT đã không thông tin kịp thời, cần thiết, không có sự trao đổi qua lại. "Việc biên soạn SGK thuộc trách nhiệm của Bộ GD-ĐT, tuy nhiên Bộ sẽ không thể hoàn thành được nếu không có giáo viên, chuyên gia và toàn thể người dân đóng góp. Dù có một hay nhiều bộ sách thì chất lượng vẫn phải bằng hoặc tốt hơn trước đây".

Cuối cùng, Phó Thủ tướng khẳng định, lỗi sách SGK lớp 1 cần phải được tiếp thu cầu thị. Đặc biệt, những việc liên quan đến chuyên môn dạy ngôn ngữ cho trẻ bước đầu đi học phải có trao đổi cởi mở, cầu thị.

"Bộ trưởng Nhạ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và nhìn nhận rõ có sai sót và trách nhiệm thuộc cá nhân Bộ trưởng và đã có những bước chỉ đạo kiên quyết, thay Chủ tịch hội đồng thẩm định. Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ và Bộ trưởng phải lưu ý những sai sót này có thể tránh được phải được rút kinh nghiệm nghiêm túc, để quy trình biên soạn sách lớp 2, lớp 6 năm nay các năm tiếp theo không lặp lạị".

Q.L

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên