MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Không được quên Việt Nam vẫn là nước thu nhập trung bình thấp!

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành khoa học và công nghệ sáng nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý Việt Nam vẫn thuộc nhóm quốc gia "non trẻ", đứng cuối cùng trong 4 nhóm quốc gia về về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất tương lai theo WEF.

Mặc dù đánh giá ngành khoa học công nghệ trong năm 2018 có kết quả rõ, thực chất nhưng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhanh chóng lưu ý câu chuyện hiện thực của đất nước.

Ông nhắc nhở rằng không được quên Việt Nam vẫn là nước có thu nhập trung bình thấp, vẫn thuộc nhóm quốc gia "non trẻ" gồm 58/100 quốc gia, đứng cuối cùng trong 4 nhóm quốc gia về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất tương lai theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).

Cụ thể như trong 8 nhóm tiêu chí đánh giá của WEF có 2 nhóm thuộc về hạ tầng sản xuất truyền thống, 6 nhóm còn lại thuộc về động lực cho nền sản xuất tương lai thì có 2 nhóm liên quan đến khoa học công nghệ và nhân lực trình độ cao, Việt Nam đứng thứ 90.

Để cải thiện thứ hạng, ông cho rằng không chỉ liên quan ngành khoa học, công nghệ sản xuất mà còn cả chính sách, môi trường đầu tư, kinh doanh.

Theo đó, ngay trong Nghị quyết 02 về giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Chính phủ giao Bộ KHCN là đầu mối để hướng dẫn một số tiêu chỉ số về đổi mới sáng tạo, sự sẵn sàng cho nền sản xuất tương lai…

"Chúng ta nói khoa học công nghệ là quốc sách, là lực lượng sản xuất trực tiếp nhưng còn nhiều chính sách nói chung chưa thực sự coi khoa học công nghệ là động lực, chìa khoá quan trọng bậc nhất để Việt Nam có thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, phát triển nhanh và bền vững", ông nhận xét.

Phó Thủ tướng nhận định: Nói nhận thức đúng mà tổ chức thực hiện không đúng thì suy cho cùng là nhận chưa tới ngưỡng, chưa tới tầm.

"Nhận thức về tầm quan trọng của khoa học công nghệ không chỉ là tiền, là kinh phí đầu tư mà còn là chính sách để giải quyết triệt để những nhiêu khê về thủ tục hành chính, cơ chế tài chính trong nghiên cứu khoa học, chấp nhận quan niệm ‘khoa học có rủi ro’", ông nói.

Theo ông, môi trường kinh doanh nếu có chính sách để phân bổ nguồn lực thuận lợi, minh bạch cho những doanh nghiệp, cá nhân sử dụng hiệu quả hơn, các cơ chế về thuế, tài chính đủ mạnh thì doanh nghiệp sẽ thực sự là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, chú trọng đầu tư vào khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực.

Phó Thủ tướng cũng đánh giá việc năm vừa qua có nhiều viện nghiên cứu của doanh nghiệp tư nhân được thành lập là tín hiệu đáng mừng.

Cùng với đó, những sản phẩm mang hàm lượng khoa học công nghệ cao của doanh nghiệp, cần được tạo điều kiện thuận lợi thâm nhập thị trường trong nước và quốc tế, chứ không chỉ bó gọn trong những sản phẩm được nhà nước hỗ trợ.

T.Công

Theo VGP

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên