Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Nghiên cứu phương án hỗ trợ Tết cho người lao động phải nghỉ việc
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ đang nghiên cứu phương án hỗ trợ trong dịp Tết cho người lao động phải nghỉ việc, giãn việc dài ngày do đơn hàng xuất khẩu giảm.
- 25-12-2022Bình Phước: Phó Giám đốc Sở 48 tuổi nói gì sau khi nộp đơn xin nghỉ việc?
- 24-12-2022Một phó giám đốc sở ở Bình Phước xin nghỉ việc vì tinh thần mệt mỏi
- 19-12-2022Nhiều thư ký, thẩm phán tòa án ở Bình Dương xin nghỉ việc
Sáng 27/12, tại Hội nghị lần thứ 7 Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thông báo về “bức tranh” kinh tế- xã hội của đất nước, cũng như những thuận lợi, khó khăn trong năm 2023.
Theo Phó Thủ tướng, năm 2022 tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt khoảng 8%. Trong số 15 chỉ tiêu chủ yếu có 13 chỉ tiêu đạt và vượt, còn 2 chỉ tiêu về tăng năng suất lao động và tỉ trọng công nghiệp chế tạo trong tổng giá trị công nghiệp cũng "ngấp nghé" mục tiêu đặt ra.
Công tác an sinh xã hội được bảo đảm, đã có 55 triệu lượt người được hỗ trợ do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 với tổng kinh phí khoảng 85.000 tỷ đồng. Trong năm 2022, Chính phủ đã thực hiện sắp xếp lại bộ máy tổ chức, giảm 17 tổng cục, 145 vụ, ban thuộc các cơ quan hành chính, dành biên chế cho những chỗ cần thiết.
Dự báo tình hình kinh tế thế giới những năm tới sẽ rất khó khăn, ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp xuất khẩu, Phó Thủ tướng cho biết, nhiều doanh nghiệp, nhà máy phải giãn việc, cho người lao động nghỉ việc do không có đơn hàng. “Chính phủ đang nghiên cứu phương án hỗ trợ trong dịp Tết cho người lao động phải nghỉ việc , giãn việc dài ngày do đơn hàng xuất khẩu giảm”, Phó Thủ tướng thông tin.
Phó Thủ tướng chia sẻ thêm một số điểm nổi bật trong năm 2022 "dù không được thể hiện qua các con số, chỉ tiêu". Trước hết, theo Phó Thủ tướng là nhận thức vấn đề văn hóa-xã hội đã được nâng lên một tầm mức mới.
“Tới đây, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa tới vấn đề văn hóa-xã hội bằng cách dành nhiều thời gian quan tâm, chỉ đạo; đầu tư nguồn lực; chú trọng đội ngũ cán bộ”, Phó Thủ tướng bày tỏ.
Thứ hai, là sức mạnh đoàn kết, thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng ngày càng phát huy hiệu quả, nhất là trong những thời điểm khó khăn. Các quy chế phối hợp, tham khảo ý kiến phản biện, xây dựng đối với các chủ trương, chính sách ngày càng thực chất và cần tiếp tục được đẩy mạnh, tạo đồng thuận trong thực hiện.
Thứ ba, theo Phó Thủ tướng, Việt Nam đã nắm bắt nhanh nhạy hơn xu thế của thế giới, đưa ra phản ứng chính sách kịp thời hơn trước những điều chỉnh chính sách của các nước. Ví dụ, tại COP 27, các nước cam kết tài trợ cho Việt Nam 15,5 tỷ USD để thực hiện mô hình chuyển đổi năng lượng công bằng. Đây cũng là nguồn vốn khơi thông để thu hút các nhà đầu tư đến Việt Nam.
Nhấn mạnh yêu cầu phát triển nhanh hơn để đuổi kịp các nước, nhưng Phó Thủ tướng nêu rõ, phát triển phải bền vững, lo cho môi trường, lo cho công bằng xã hội. “Giống như gánh hai thùng nước đầy mà vẫn đi rất nhanh, không để nước sóng ra ngoài”, Phó Thủ tướng nói, đồng thời cho rằng cần phải có sự quyết tâm và sáng tạo để thực hiện được mục tiêu trên.
Tiền phong