MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Không thu đủ sẽ phải cắt giảm chi tương ứng

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2017 của ngành Tài chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ yêu cầu thu NSNN vượt dự toán 5-8% bên cạnh việc siết chặt chi tiêu công và quản lý nợ công, tài sản công.

Nhiều điểm sáng

6 tháng đầu năm 2017, mặc dù đứng trước nhiều áp lực lớn, song tình hình kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tăng trưởng quý 2 khởi sắc hơn quý 1 là một “bước nhảy” khá lớn. Thu NSNN khá, tuy chưa đạt 50% dự toán nhưng tăng gần 14% so với cùng kỳ năm 2016 nên triển vọng đảm bảo cân đối thu chi năm 2017 có thể được hiện thực hóa.

Nhìn vào KT-XH 6 tháng qua, một điểm yếu cần nhắc tới là tăng trưởng chưa đạt như kỳ vọng; giải ngân đầu tư công quá chậm, chỉ khoảng 25% vốn dự toán, tác động tiêu cực đến sản xuất, việc làm, thu nhập của người lao động cũng như hiệu quả sử dụng vốn, nguồn thu NSNN và tăng trưởng kinh tế.

Một điểm yếu nữa là sản xuất kinh doanh của DN còn rất khó khăn. 6 tháng, số DN thành lập mới là hơn 60.000 DN. Nếu tính cả số quay lại hoạt động là 76.000 DN. Tuy nhiên, số giải thể, sắp giải thể là 38.000 DN. Như vậy, cứ 2 DN thành lập mới thì 1 DN giải thể. Tỷ lệ này tăng lên khá bất thường trong 6 tháng đầu năm.

Những vấn đề căn cơ của nền kinh tế tuy đã định hướng giải quyết tích cực nhưng chưa có nhiều chuyển biến, nhất là tái cơ cấu nền kinh tế, xử lý nợ xấu, nợ công, các dự án thua lỗ, các tổ chức tín dụng yếu kém,…

Trong bối cảnh đó, ngành Tài chính đã rất nỗ lực và đạt nhiều kết quả thiết thực, có ý nghĩa quan trọng, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ được giao, đóng góp xứng đáng vào thực hiện các mục tiêu KT-XH chung của cả nước trong 6 tháng đầu năm.

Có thể nhấn mạnh một số điểm sáng như sau, điều hành chính sách tài khoá chủ động, chặt chẽ, phối hợp tốt với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác. Kỷ luật, kỷ cương tài chính được tăng cường, nhất là trong nề nếp làm việc. Công tác thu, chi NSNN được đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ.

Việc xây dựng thể chế có bước tiến quan trọng khi trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; trình Quốc hội cho ý kiến vào Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Các văn bản hướng dẫn Luật NSNN đã được ban hành đầy đủ bên cạnh việc ban hành nhiều cơ chế, thể chế tài chính đặc thù cho các vùng động lực gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và sắp tới là Hải Phòng, Cần Thơ.

Đặc biệt, đầu năm 2017, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững với nội dung công phu, cụ thể.

Hoạt động của các Ban chỉ đạo có sự tham gia của Bộ Tài chính rất tích cực, hoàn thành công việc tốt, trách nhiệm, cơ bản đúng tiến độ. Công tác điều hành kiểm soát giá cả được bám sát, nhịp nhàng, kiểm soát lạm phát tốt. Cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh,...

Siết chặt chi tiêu công

Thời gian tới, đề nghị ngành Tài chính tiếp tục tập trung cao độ, chỉ đạo hoàn thành và vượt mức thu, chi NSNN năm 2017. Về thu, cố gắng vượt dự toán 5 – 8%. Chống thất thu nhưng không được lạm thu, thu đúng, thu đủ nghĩa vụ thu của mọi đơn vị kinh doanh; phấn đấu giảm thuế suất nhưng mở rộng cơ sở thuế, đưa hộ kinh doanh lên thành lập DN; tăng cường quản lý chế độ chứng từ hóa đơn.

Về chi, ngành Tài chính phải đảm bảo chi theo đúng dự toán. Nếu đơn vị, địa phương thu không đạt dự toán thì phải có giải pháp dự phòng bù đắp, nếu không có bù đắp phải giảm chi tương ứng. Với tinh thần “tiết kiệm chi NSNN là quốc sách”, các hệ thống phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chi tiêu; siết chặt quản lý chi tiêu công, đầu tư công; quản lý chặt chẽ nợ công, tài sản công song song với khuyến khích phát triển thành phần kinh tế tư nhân.

Ngoài ra, các công việc khác như tái cơ cấu DNNN, phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán; hoàn thiện thể chế để động viên khai thác các nguồn lực sử dụng cho tăng trưởng; kiểm soát tốt lạm phát; cải cách hành chính; phối hợp các đơn vị nội ngành,... vẫn phải được đẩy mạnh.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn mong muốn ngành Tài chính tiếp tục hiện đại hoá, chuyên nghiệp hoá hơn nữa; tăng cường sắp xếp tinh gọn bộ máy; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong nội ngành; xây dựng đội ngũ cán bộ công chức trong sạch, vững mạnh; phát huy truyền thống, đồng lòng đồng sức, tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Chính phủ các giải pháp căn cơ nhất để phát triển KT-XH của của đất nước.

Theo Hồng Vân

Báo hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên