Phó Thủ tướng yêu cầu thực hiện luân chuyển cán bộ nếu xảy ra nhũng nhiễu
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đề nghị không thu hút FDI bằng mọi giá, phải có những bước thu hút đầu tư ở trình độ cao hơn để không xảy ra tình trạng một đất nước 2 nền kinh tế, một bên là các doanh nghiệp FDI và một bên là doanh nghiệp trong nước.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có những chỉ đạo về chiến lược đối với việc thực hiện nhiệm vụ của ngành Kế hoạch và Đầu tư với tư cách là cơ quan tổng hợp, tham mưu của Đảng, Nhà nước trong giai đoạn tới.
Tham mưu theo các tín hiệu thị trường
Sáng ngày 16.7 tại Khánh Hòa, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tham dự Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 về thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế, xã hội. Hội nghị có sự tham dự của hơn 700 đại biểu là lãnh đạo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, lãnh đạo các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp trên cả nước.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng sau 30 năm đổi mới và 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XI, đất nước cơ bản đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội về ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng hợp lý, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an ninh quốc phòng, chăm lo nhiều hơn cho an sinh xã hội. Lãnh đạo Chính phủ nhận định Bộ KH&ĐT đã có nhiều công lao đóng góp cho các thành tựu này của đất nước trong thời gian qua cũng như trong 6 tháng đầu năm 2016.
Tại hội nghị này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng không chỉ đánh giá công việc của ngành KH&ĐT trong 6 tháng đầu năm 2016 mà còn đặt ra nhiều vấn đề quan trọng để ngành nhận thức dứt khoát cho cả nhiệm kỳ 2016- 2020. Để triển khai thành công Nghị quyết Đại hội Đảng, Quốc hội và các chương trình hành động, Nghị quyết của Chính phủ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cho rằng còn nhiều vấn đề của kinh tế xã hội cần có câu trả lời.
“Vì sao chúng ta tăng trưởng dưới tiềm năng? Vì sao có nguy cơ tụt hậu so với các nước trong khu vực, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, nguy cơ “chưa giàu đã già” vì để lỡ thời cơ “dân số vàng”? Vì sao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của quốc gia, của xã hội và doanh nghiệp còn hạn chế? Vì sao mà phát triển thiếu bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường? Vì sao tham nhũng lãng phí vẫn phức tạp, đầu tư công không hiệu quả, hệ số Icor cao và nhiều dự án và nhiều doanh nghiệp thất thoát lãng phí? Vì sao đời sống vật chất tinh thần của người dân được cải thiện bộ mặt nông thôn cải thiện nhưng tại sao chênh lệnh giàu nghèo có xu hướng rộng ra?…”, Phó Thủ tướng đặt ra một loạt những câu hỏi và cho rằng rõ ràng những hạn chế này bắt nguồn từ chủ trương đầu tư và tổ chức thực hiện.
Để giải quyết những câu hỏi trên, lấy lại niềm tin cho người dân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng trách nhiệm là của cả hệ thống chính trị nhưng ngành KH&ĐT với tư cách là các cơ quan tham mưu, tổng hợp, chiến lược của Chính phủ, các địa phương phải nhận thức rõ về vị trí, vai trò và trách nhiệm của mình.
Cụ thể, với chức năng tham mưu, tổng hợp về quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế, xã hội chung của cả nước, Phó Thủ tướng cho rằng ngành cần kiểm điểm đã làm tốt việc này chưa? Luật Quy hoạch được đặt ra từ Hội nghị trung ương 6 khóa X nhưng giờ Chính phủ vẫn nợ Quốc hội. Bộ Chính trị ra Nghị quyết chỉ đạo và Chính phủ có quy hoạch về 6 vùng kinh tế, xã hội, 4 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước nhưng công việc còn rất ngổn ngang, chưa được xem xét, rà soát để điều chỉnh lại quy hoạch.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đặt ra cho ngành KH&ĐT việc lập kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm và quan trọng hơn là tổ chức thực hiện, tổng kết đánh giá đã được ngành quan tâm đúng mức hay chưa. Từ đó, lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh ngành phải coi nhiệm vụ tổng hợp, tham mưu về quy hoạch, kế hoạch, chiến lược cho Đảng, Nhà nước theo tín hiệu thị trường là nhiệm vụ số một.
Về nhiệm vụ tham mưu thể chế chính sách quản lý chung và một số lĩnh vực cụ thể, Phó Thủ tướng cho rằng Bộ KH&ĐT là cơ quan đóng góp hàng đầu trong lĩnh vực này, nhất là trong việc sửa các Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Doanh nghiệp và cùng với các Bộ khác sửa Hiến pháp và các luật khác.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đề nghị toàn ngành phải đổi mới tư duy hơn nữa nhất là tư duy phát triển để giải quyết các nút thắt thể chế, góp phần quan trọng trong tham mưu phát triển kinh tế, xã hội cho đất nước và mỗi địa phương.
Đề cao đạo đức công vụ
Đối với quản lý đầu tư trong và ngoài nước, Phó Thủ tướng đề nghị không thu hút FDI bằng mọi giá mà phải chọn lọc các dự án để hỗ trợ cho quá trình tái cơ cấu kinh tế, dự án có công nghệ tốt, giải quyết việc việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tăng cường xuất khẩu và đảm bảo thanh khoản ngoại tệ của quốc gia.
“Chúng ta phải có những bước thu hút đầu tư ở trình độ cao hơn để không xảy ra tình trạng một đất nước 2 nền kinh tế, một bên là các doanh nghiệp FDI và một bên là doanh nghiệp trong nước”, Phó Thủ tướng nhắc nhở đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm của ngành là tăng cường huy động vốn đầu tư của toàn xã hội hiệu quả nhất, phục vụ sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Phó Thủ tướng cũng đề nghị ngành KH&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ quan tâm sắp xếp bộ máy quản lý hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) khi mà mô hình này đang tồn tại nhiều yếu kém kéo dài theo tinh thần không được tăng thêm biên chế.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ KH&ĐT trong năm 2016 thực hiện rà soát, phân công nhiệm vụ, cơ cấu lại các đơn vị của Bộ và dưới địa phương trên tinh thần rõ người, rõ việc, đảm bảo tính kết nối giữa các bộ phận, tăng cường đạo đức công vụ, chống nhũng nhiễu và thực hiện luân chuyển cán bộ.
“Ngành KH&ĐT là những người xuất sắc nhất trong những người xuất sắc, nhưng không để “con sâu làm rầu nồi canh”. Ai không làm được thì thay thế, trước khi kỷ luật thì dẹp sang một bên không giao thêm việc”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Về các nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị ngành phải tích hợp các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế, phối hợp hiệu quả chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để đạt được mục tiêu kinh tế, xã hội mà Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XII đã đề ra.
Bộ KH&ĐT sớm trình Chính phủ Đề án tổng thể tái cơ cấu giai đoạn 2016- 2020 trong đó có cập nhật các vấn đề mới đặt ra; khẩn trương xây dựng kế hoạch đề án đầu tư công trung hạn, phối hợp với Bộ Tài chính triển khai kế hoạch tài chính trung hạn trình Quốc hội vào tháng 10/2016; tiếp tục đánh giá việc thực hiện kế hoạch năm 2016 và khởi động lập kế hoạch cho năm 2017, coi kế hoạch là công cụ thực sự để phát triển kinh tế; khẩn trương hoàn thiện khung khổ 2 Chương trình mục tiêu quốc gia và 21 chương trình mục tiêu khác để có chất lượng cao nhất.
Từ nay cuối năm, ngành KH&ĐT tập trung thực hiện nhiệm vụ để đảm bảo tăng trưởng, kiểm soát lạm phát dựa trên tinh thần chỉ đạo của các Nghị quyết 19, 35 và 60 của Chính phủ, các kịch bản điều hành giá. Đồng thời có kịch bản cụ thể đối với tăng trưởng kinh tế, đảm bảo tăng trưởng dương cho nông nghiệp từ nay tới cuối năm.
Để làm tốt nhiệm vụ của ngành trong giai đoạn mới, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành KH&ĐT “chủ động hơn nữa, đổi mới hơn nữa, sáng tạo hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa để đạt hiệu quả cao hơn nữa, xứng đáng là cơ quan tham mưu, tổng hợp chiến lược của Đảng, Nhà nước”.