Phó Tổng giám đốc đầu tư Dragon Capital: Bất chấp Covid xảy ra, tăng trưởng 5-10 năm tới của Việt Nam vẫn sáng
Ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc tư vấn đầu tư Dragon Capital nhận định, lạm phát của Việt Nam không phải vấn đề lo lắng, là cơ sở để Việt Nam duy trì lãi suất thấp, ổn định vĩ mô. Việt Nam nên tăng gói hỗ trợ kích cầu quyết liệt hơn để thúc đẩy kinh tế.
Tại hội thảo "Tết doanh nhân trực tuyến – vận hội mới – hành động mới" do Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội tổ chức nhân dịp kỉ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc tư vấn đầu tư Dragon Capital nhận định, đợt bùng phát dịch lần thứ 4 vừa qua đã làm tổn thương nền kinh tế nhưng vẫn còn những điểm sáng để kỳ vọng ngành sản xuất Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022.
Cụ thể, theo tính toán, Việt Nam là một trong những nước đóng cửa chặt nhất thế giới. Chúng ta có 9/63 tỉnh thành áp dụng Chỉ thị 16 và 14 tỉnh thành áp dụng chỉ thị 16+, nhưng điểm sáng là tổng số lượng vaccine đã tiêm đạt gần 40 triệu liều (gần 40% tổng dân số).
Ông Tuấn cho rằng, với năng lực tiêm đạt khoảng 1,5 triệu liều/ngày, chỉ cần có đủ vaccine, tỷ lệ tiêm phủ vaccine của Việt Nam sẽ rất nhanh.
"Nhìn vào số liệu tại các tỉnh Nam bộ và thủ đô Hà Nội, các tỉnh thành này chiếm 45% GDP cả nước và 80% số ca nhiễm. Với việc tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiêm phủ vaccine thời gian qua, hiện TP.HCM đã tiêm 72% số lượng người trên 18 tuổi, Hà Nội đạt hơn 45-46%, Bình Dương, Long An, Đồng Nai tiêm 100% một mũi và số lượng tiêm 2 mũi đạt hơn 45% nên chuyện mở cửa rất gần", ông Tuấn nhận định.
Phó Tổng giám đốc đầu tư Dragon Capital cho rằng chúng ta sẽ không thể đi theo chiến lược zero Covid mà sẽ phải sống chung với Covid, 65-70% dân số sẽ tiêm đủ 2 liều vào quý 1/2022, các tỉnh thành có diễn biến dịch nặng nề sẽ dần nới lỏng, hoạt động kinh tế sẽ bình thường mới vào tháng 10 và gỡ bỏ hoàn toàn vào tháng 12/2021.
Theo tính toán, đâu đó Việt Nam là một trong những nước đóng cửa chặt nhất trên thế giới, nhưng nếu tính toán đúng thì tháng 3/2022 độ phủ vaccine của Việt Nam sẽ tương đương các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản và có thể mở cửa hội nhập hoàn toàn.
Bên cạnh đó, sắp tới đây chúng ta sẽ có nguồn vaccine trong nước nhờ chuyển giao công nghệ và sản xuất trong nước, thì kỳ vọng đâu đó cuối năm 2022 chúng ta sẽ có một lượng vaccine khá dồi dào để không phụ thuộc vào nhập khẩu.
Đánh giá về tác động của Covid với nền kinh tế, ông Tuấn cho rằng "cực kì lớn".
Tổng số doanh nghiệp dừng hoạt động gấp đôi gấp 3 cùng kỳ năm trước trong đó 70% là các doanh nghiệp ngành dịch vụ. Chỉ số lao động tại các tỉnh thành áp dụng Chỉ thị 16+ chỉ đạt 46% tức là có 100 nhân công thì chỉ có 46 người làm việc, tỷ lệ thất nghiệp theo tính toán cao nhất trong 25 năm qua. Trong đó, các ngành sản xuất sử dụng cường độ vốn nhiều như linh kiện điện tử thì không bị ảnh hưởng quá lớn, nhưng các ngành thâm dụng lao động thì giảm 30-50%.
Ngành dịch vụ theo đánh giá của đại diện Dragon Capital "tệ nhất trong 30 năm qua", tăng trưởng bán lẻ dịch vụ giảm còn 35%. Một chỉ số tham chiếu để có thể đánh giá hoạt động dịch vụ trong nước đó là tỷ lệ di chuyển nội địa, giảm 50% bình quân. Số chuyến bay trong tháng 8-9 giảm còn 16%, trước kia TP.HCM có 300 chuyến bay tới mỗi ngày còn hiện tại chỉ còn 20 chuyến/ngày.
Nguồn: Dragon Capital
Những điểm sáng
Theo ông Tuấn, mặc dù ngành sản xuất dịch vụ và lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh, nhưng Việt Nam còn rất nhiều dư địa để có thể phục hồi.
Thứ nhất, gói hỗ trợ chưa đủ tầm. Việt Nam có thể tăng gói hỗ trợ kích cầu quyết liệt hơn để thúc đẩy nền kinh tế khi nợ công ở thời điểm hiện tại vẫn thấp so với trần nợ công 65%, thặng dư ngân sách trong 8 tháng qua đạt 3,6 tỷ USD trong khi cùng kỳ 2020 thâm thụt.
Thứ hai, lạm phát không phải là vấn đề lo lắng. Dù bị đứt gãy chuỗi cung ứng, dù giá dầu tăng từ 30 USD lên 80 USD thì lạm phát 8 tháng đầu năm ở mức 2,8% (không giống như giai đoạn 2012 lạm phát tăng cao khiến nền kinh tế lao đao).
Thứ ba, rủi ro nợ quốc gia ở mức thấp, chỉ số tín nhiệm Việt Nam tăng rất tốt, theo ông Tuấn, điều này là điều rất cần thiết để duy trì tiền đồng ổn định, mức lãi suất thấp trong nước bởi vì nếu lãi suất tăng sẽ gây bất ổn kinh tế.
Thứ tư, mặc dù nhiều thông tin doanh nghiệp FDI rút vốn nhưng số liệu cho thấy FDI 8 tháng đầu năm vẫn khá tốt, xuất khẩu tăng 19%, con số này cao hơn rất nhiều nước trong khu vực mặc dù Việt Nam có 2 tháng gần như lock toàn bộ, có thể thâm hụt cán cân vãng lai, nhưng dự trữ ngoại hối vẫn ở mức kỷ lục 100 triệu USD.
Kế hoạch phục hồi kinh tế
Ông Tuấn nhận định ngành sản xuất bị dồn nén trong năm 2021 nhưng trong 2-3 quý tới sẽ tăng trưởng đột biến. Các doanh nghiệp lớn có thể bị ảnh hưởng mạnh khi đại dịch nhưng sẽ là đầu tầu bật tăng mạnh khi phục hồi.
Về vĩ mô, Dragon Capital dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng 2-2,5% trong năm nay, lạm phát sẽ được kiểm soát ở mức 3,5%, tỷ giá ổn định thậm chí tiền đồng tăng so với USD, năm 2022 tăng trưởng bùng nổ trở lại 9-9,6%.
Quan trọng hơn nhìn trung và dài hạn, 5 động lực tăng trưởng trong 5-10 năm tới là (i) kinh tế ổn định, (ii) dịch chuyển chuỗi cung ứng vào Việt Nam vẫn diễn ra, (iii) tăng trưởng tầng lớp trung lưu sẽ tạo ra một sức mua – sức cầu cực kì lớn trong tương lai, (iv) đầu tư công: chúng ta đang có nền cơ sở hạ tầng thấp trong khu vực và quốc hội và chính phủ đang có quyết tâm nhất định, (v) lãi suất thấp. Do đó, chuyên gia Dragon Capital cho rằng, bất chấp covid xảy ra, tăng trưởng 5-10 năm tới của Việt Nam vẫn sáng.