MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó Tổng giám đốc Sendo: Chúng tôi tăng trưởng gấp 3 một năm, nếu cắt bỏ hết chi phí về phát triển người dùng thì Sendo có lãi rồi

10-12-2019 - 09:40 AM | Doanh nghiệp

Mục tiêu của Sendo trong 3 năm tới sẽ chiếm được 50% thị phần TMĐT B2C ở Việt Nam (thị phần hiện tại khoảng 20%). Khi một người chơi chiếm được 50% thị phần thị trường sẽ tối ưu bài toán, không mất nhiều chi phí cho marketing, tập trung hoàn toàn vào sản phẩm dịch vụ cho tốt và mô hình đó sẽ có lãi.

Thống kê mới nhất của trang iPrice Insights cho thấy top 10 các trang thương mại điện tử có lượng truy cập lớn nhất Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể trong quý 3/2019. Theo đó, Shopee vẫn đang giành vị trí quán quân trong khi Sendo vươn lên vị trí thứ 2, đẩy lùi Tiki và Lazada Việt Nam xuống vị trí thứ 4 và 5, trong khi vị trí thứ 3 thuộc về Thế giới di động.

Thương mại điện tử Việt Nam đang phát triển với tốc độ 30%/năm, dự kiến đạt 13 tỷ USD vào năm 2023, tuy nhiên thanh toán qua thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam hiện chỉ đạt 4,3% tổng sản lượng bán lẻ và đây vẫn là mảnh đất cực kỳ màu mỡ cho các doanh nghiệp startup trong lĩnh vực kinh doanh online.

Chúng tôi đã có buổi phỏng vấn ông Nguyễn Phương Hoàng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Sen Đỏ (Sendo.vn) về bức tranh thương mại điện tử của Việt Nam hiện nay.

Ông có thể chia sẻ về hành trình của Sendo trong việc chinh phục người tiêu dùng Việt?

5 năm qua TMĐT đã rất phát triển ở VN. Các nền tảng gọi xe, mua sắm online đã thay đổi đại bộ phận người tiêu dùng Việt. Mỗi ngày tôi thấy vợ tôi order các gói hàng trên mạng và đồng phục của các bác tài gọi xe công nghệ đầy đường..Bây giờ với những ứng dụng gọi món tôi có rất nhiều sự lựa chọn phong phú cho bữa trưa của mình. Cuộc sống đã tiện lợi hơn rất nhiều nhờ TMĐT và công nghệ mang lại. 

Cách đây 8 năm tôi có cơ hội đi thăm thành phố Hàng Châu (Trung Quốc) nơi đặt đại bản doanh Alibaba. Tôi có tới thăm sàn TMĐT lớn nhất TQ là Taobao và tôi vô cùng ấn tượng với sự tăng trưởng vượt bậc và giá trị mà TMĐT đem lại cho cuộc sống của người dân Trung Quốc. Hàng triệu nhà bán hàng đã có cơ hội giao thương kinh doanh, những doanh nghiệp khởi nghiệp cung cấp dịch vụ giúp người bán hàng trên Taobao cũng phát triển mạnh mẽ…

Thời điểm đó (2011), TMĐT Trung Quốc đã đạt tỷ trọng 10% giá trị bán lẻ cả nước, khi đó TMĐT Việt Nam còn trong tình trạng sơ khai với hạ tầng vô cùng hạn chế, điều đó đã thúc đẩy chúng tôi nhìn thấy tiềm năng rất lớn ở thị trường TMĐT Việt Nam, đó là lí do chúng tôi quyết tâm phát triển TMĐT cho người Việt.

Hiện tại TMĐT Việt Nam mặc dù phát triển rất nhanh nhưng giá trị giao dịch chỉ dừng lại con số 3% tổng giá trị bán lẻ, như vậy room tăng trưởng phía trước rất nhiều. Việt Nam là nước có thị trường TMĐT tăng trưởng mạnh nhất ĐNA, dự kiến tỷ trọng TMĐT trên tổng giá trị bán lẻ B2C năm 2023 sẽ tăng từ 3% lên 8%, vượt Thái Lan và trở thành thị trường TMĐT lớn thứ 2 khu vực sau Indonesia.

Phó Tổng giám đốc Sendo: Chúng tôi tăng trưởng gấp 3 một năm, nếu cắt bỏ hết chi phí về phát triển người dùng thì Sendo có lãi rồi - Ảnh 1.

Với Sendo, chúng tôi tăng trưởng 3 lần mỗi năm, hiện mỗi ngày chúng tôi có 1,1 triệu người dùng truy cập qua mobile và 1 triệu người dùng truy cập qua destop. Lượt truy cập hàng tháng là 60 triệu lượt trên mobile. 

Tôi muốn nhấn mạnh với Sendo, người mua phần lớn lại nằm ở các địa phương khác ngoài Hà Nội và TP.HCM, trong khi người bán lại nằm ở thành phố lớn (Sendo hiện có 600.000 người bán trên toàn quốc). Điều đó có nghĩa là TMĐT đã xóa bỏ khoảng cách về địa lý, mở ra cơ hội cho các nhà bán hàng có thể tiếp cận hàng triệu người mua ở khắp cả nước cũng như mang lại cơ hội lớn cho người dân ở các địa phương có cơ hội được mua hàng hóa ở các thành phố lớn. Chỉ trong 3 ngày với vài cú click là có thể có hàng.

Ông có chia sẻ tốc độ tăng trưởng của Sendo là 3 lần một năm (300%), vậy điều gì đã tạo nên kỳ tích này?

Tới tháng 10 vừa rồi Sendo đã xếp thứ 5 ở Đông Nam Á và thứ 2 ở VN, chỉ sau Shopee về tiêu chí người truy cập website và download app.

Phó Tổng giám đốc Sendo: Chúng tôi tăng trưởng gấp 3 một năm, nếu cắt bỏ hết chi phí về phát triển người dùng thì Sendo có lãi rồi - Ảnh 2.

Top 10 các trang thương mại điện tử có lượng truy cập lớn nhất Việt Nam quý 3/2019

Do sức hấp dẫn của thị trường TMĐT ở khu vực nói chung nên các nhà đầu tư rất quan tâm và hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp phát triển về số lượng người dùng, đó là lí do các doanh nghiệp TMĐT hiện nay đều theo đuổi chiến lược marketing để tăng tập user base. Tuy nhiên so với các đối thủ khác thì khoản chi tiêu marketing của Sendo là thấp nhất.

Chúng tôi là công ty nội địa, am hiểu địa phương. Cộng với sự phát triển của internet, smartphone, Sendo đã khai thác được tập khách hàng ở tỉnh với chi phí marketing thấp hơn nhiều so với việc cạnh tranh khốc liệt ở khu vực thành thị.

Vấn đề của các trang TMĐT là việc đốt tiền cho marketing để tăng số lượng người dùng, nhưng tiền có hạn, không thể cứ đốt mãi. Vậy điều gì sẽ giữ chân khách hàng ở lại ngoài việc khuyến mại, giảm giá?

Công nghệ và trải nghiệm khách hàng là hai thứ sống còn của TMĐT.

Giai đoạn đầu là giai đoạn giáo dục người dùng, để làm sao họ tiếp cận và nhận ra sự tiện dụng của TMĐT, giai đoạn tiếp theo làm sao giữ được trái tim người tiêu dùng khi thanh toán online, công nghệ sẽ giải quyết vấn đề đấy. Chúng tôi dùng trí tuệ nhận tạo, máy học sàng lọc chấm điểm người bán. Mọi người đều có thể bán hàng nhưng không phải ai cũng tiếp cận được khách hàng, những người bán hàng tốt, giá tốt sẽ tiếp cận phù hợp với từng loại khách hàng. Việc cá nhân hóa trải nghiệm người mua cũng là một vấn đề, hàng triệu sản phẩm trên Sendo làm sao chúng ta hiểu được khách hàng muốn gì cần gì. Anh James Dong CEO Lazada đã chia sẻ, mở app ra thấy trải nghiệm khác nhau. Chúng tôi áp dụng nhiều công nghệ 4.0 như trí tuệ nhân tạo để cá nhân hóa trải nghiệm người mua, đưa trải nghiệm người mua hàng gần với offline nhất.

TMĐT mang đến rất nhiều tiện ích cho người tiêu dùng, tuy nhiên giá trị giao dịch online hiện nay chỉ đạt 3-4% tổng giá trị bán lẻ cả nước, theo ông có phải do người tiêu dùng còn chưa tin vào TMĐT không? Bên cạnh việc lộ thông tin khách hàng, còn là vấn đề hàng giả, hàng nhái, Sendo giải quyết điều này như thế nào?

Rào cản vấn đề niềm tin vẫn còn tương đối lớn, các doanh nghiệp TMĐT như Sendo hiện nay vẫn đang nỗ lực phá vỡ rào cản đấy. Với công nghệ hiện nay có thể giúp người mua có thể chưa sờ nắn được món hàng trực tiếp, nhưng công cụ chat giúp người mua bán dễ dàng hơn, hay công nghệ livestream giúp người mua và người bán cách xa nhau có thể tương tác với nhau theo thời gian thực.

Với những đơn vị sản sinh ra hàng triệu giao dịch một ngày, việc quản lý bằng con người là không khả thi. Vấn đề hàng nhái hàng giả là vấn đề cực kì lớn của TMĐT ảnh hưởng niềm tin của người tiêu dùng, chúng tôi đang đầu tư rất nhiều vào trí tuệ nhân tạo, máy học, dữ liệu lớn để phát hiện ra hàng nhái hàng giả, chăm sóc khách hàng tốt hơn.

Ngày nay công nghệ càng phát triển càng tạo ra nhiều tính năng, nhưng bên cạnh đó cũng sẽ tạo ra nhiều kẽ hở cho đối tượng xấu lấy thông tin của khách hàng. Chúng tôi có một bộ phận riêng về rủi ro, quản lý truy suất dữ liệu và sử dụng dữ liệu để đảm bảo các thông tin của khách hàng được bảo vệ đúng đắn nhất.

Sendo cung cấp hạ tầng giúp người bán hàng dễ hơn, kết nối với nhà vận chuyển đơn vị giao dịch, hệ thống thanh toán khép kín. Việc tìm kiếm khách hàng, giao nhận, thu tiền Sendo lo hết. Chúng tôi tự hào là sàn TMĐT đầu tiên sử dụng hình thức COD đầu tiên tại VN. Với tôi, TMĐT Việt Nam nhờ COD đã gỡ được nút thắt của người tiêu dùng về niềm tin và thanh toán, nó đã phát triển rất nhanh từ năm 2011 tới nay. Thu hộ chiếm gần 90% nhưng nếu không có thu hộ chúng ta có thể mất 90% giao dịch đấy. Chúng ta vẫn luôn nỗ lực phát triển thanh toán online nhưng cần có cái nhìn khác về COD.

Phó Tổng giám đốc Sendo: Chúng tôi tăng trưởng gấp 3 một năm, nếu cắt bỏ hết chi phí về phát triển người dùng thì Sendo có lãi rồi - Ảnh 3.

Ảnh: Hương Xuân

Vậy chiến lược thời gian tới của Sendo là gì?

Chi tiết chiến lược có thể tôi không chia sẻ được nhưng Sendo là công ty TMĐT Việt Nam, tập trung vào thị trường Việt Nam. Đối thủ của Sendo hiện nay phần lớn là các công ty khu vực, giải quyết bài toán chung của khu vực trong khi Sendo có lợi thế am hiểu thị trường nội địa, tạo ra sự tin tưởng hơn với nhà bán hàng vì mình cam kết phục vụ cac nhà bán hàng ở vn.

Mục tiêu của Sendo trong 3 năm tới sẽ chiếm được 50% thị phầm TMĐT B2C ở Việt Nam (thị phần hiện tại khoảng 20%). Khi một người chơi chiếm được 50% thị phần thị trường sẽ tối ưu bài toán, không mất nhiều chi phí cho marketing nữa, tập trung hoàn toàn vào sản phẩm dịch vụ cho tốt và mô hình đó sẽ có lãi. Nếu cắt bỏ hết chi phí về phát triển người dùng thì Sendo có lãi rồi, mình vẫn muốn tăng trưởng 3 lần mỗi năm, trong khi mặt bằng chung thị trường chỉ tăng trưởng 30%/năm thì nếu mình chỉ ngang với thị trường việc có lãi không phải là quá khó.

Chiến lược của Sendo vẫn tập trung vào thị trường tỉnh nhưng về cơ bản chúng tôi vẫn quan tâm đến các thị trường, chúng tôi phát triển thị trường nội thành bằng các gói giao hàng 3h phối hợp với Grab.

Công nghệ vẫn là yếu tố cốt lõi, để tạo ra sự khác biệt và chiến thắng được trên thị trường vẫn là sản phẩm còn marketing chỉ là seeding ban đầu thôi. Chúng tôi sẽ tận dụng dữ liệu để đưa ra sản phẩm mới tạo giá trị gia tăng cho khách hàng, như thanh toán hóa đơn điện nước, thậm chí là vay vốn.

Trong Sendo có ví điện tử Senpay, giờ dòng tiền của Sendo đều đi qua Senpay, hiện nằm trong top 3 ví điện tử ở Việt Nam. Chúng tôi muốn phát triển Senpay thành một super app bao gồm các dịch vụ tài chính, như cash back tiền cho khách hàng…

Sendo vừa gọi vốn được 61 triệu USD, công ty sử dụng nguồn vốn mới này như thế nào?

Sendo vừa kết thúc vòng gọi vốn 61 triệu USD, nguồn vốn mới này sẽ được dùng để đầu tư vào công nghệ, phát triển sản phẩm chăm sóc khách hàng, phát triển các hướng kinh doanh mới về tài chính dựa trên nền tảng dữ liệu mà Sendo đang có.

Xin cảm ơn ông.

Châu Cao

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên