Phó Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam: Covid đã phá vỡ cuộc chơi “lướt sóng” hái ra tiền
Covid-19 đã làm xoay chuyển mọi kịch bản và quỹ đạo trên thị trường bất động sản. Tâm lý của các nhà đầu tư cũng thay đổi, nhất là sau gần 2 năm, thị trường địa ốc phải chống chọi với tác động mạnh từ dịch bệnh.
Ông Phan Việt Hoàng, Phó tổng thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, thị trường chung các phân khúc BĐS sẽ không có nhiều chuyển biến mang tính đột phá trong thời điểm này vì nền kinh tế chung của Việt Nam vẫn đang gồng mình gánh chịu thiệt hại do dịch bệnh cần thêm thời gian phục hồi.
Ông Phan Việt Hoàng.
Gần 2 năm ảnh hưởng bởi Covid-19, tâm lý của những nhà đầu tư sẽ thay đổi như thế nào, thưa ông?
Chúng ta đều thấy rằng đại dịch Covid-19 với những diễn biến phức tạp và khó kiểm soát đã tác động tiêu cực đến tất cả các nền kinh tế toàn cầu không chỉ riêng Việt Nam. Dường như mọi kịch bản kinh tế vĩ mô đều bị phá vỡ, thể hiện rõ nhất là thị trường việc làm không ổn định dẫn đến thu nhập bị suy giảm rất rõ. Điều này khiến cho đại đa số người tiêu dùng buộc phải cân đo đong đếm lại các giá trị mua sắm ưu tiên của người dân cũng như tạo ra thói quen tiêu dùng mới.
Đối với thị trường có giá trị cao như là BĐS trong giai đoạn hậu Covid-19, tâm lý nhà đầu tư sẽ có sự thay đổi lớn trong cách chọn phân khúc đầu tư sao cho hiệu quả và phù hợp trong tình hình mới.
Có khả năng sẽ chia thành 2 nhóm đầu tư trong thời gian tới. Một là nhóm dài hạn sẽ chọn những sản phẩm mang tính chiến lược, dài hạn dành cho kế hoạch 5 năm bám theo các định hướng phát triển kinh tế và các quy hoạch chung nằm trong giai đoạn 10 năm (2021-2030).
Hai là nhóm đầu tư ngắn hạn, nhóm này sẽ ưu tiên tập trung vào các BĐS phân khúc ít tiền ở nhiều vùng miền cùng nhau tạo nhóm, góp vốn và tạo sóng cục bộ để phục vụ cho lợi ích của họ.
Tuy nhiên, cần lưu ý cuộc chơi đầu tư lướt sóng trước đây được cho là "hái ra tiền" nhưng hiện nay đã bị phá vỡ do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều nhà đầu tư rơi vào tình trạng giữ không được mà bán cũng không xong.
Thị trường BĐS vừa trải qua cú bồi hoàn của dịch Covid-19.
Trước đó, nhiều nhà đầu tư từng kỳ vọng rằng, thị trường địa ốc sẽ nóng ngay trở lại khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Nhưng có vẻ điều đó đã không xảy ra. Ông nghĩ sao về điều này?
Trong 2 năm vừa qua đại dịch covid-19 đã có nhiều tác động đối với nền kinh tế nói chung và thị trường BĐS nói riêng. Có thể nói rằng tác động kép của việc thanh kiểm tra vẫn còn dư âm và ảnh hưởng của dịch bệnh là "hoạ vô đơn chí" của ngành nghề kinh doanh BĐS.
Mặc dù phải liên tục phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng thị trường chỉ trầm lắng mà không rơi vào tình trạng đóng băng. Cộng thêm tiềm lực của chủ đầu tư đã giúp cho thị trường không bị đánh giá là bong bóng BĐS.
Tuy nhiên, hiện tại, thị trường chung các phân khúc BĐS sẽ không có nhiều chuyển biến mang tính đột phá trong thời điểm này vì nền kinh tế chung của Việt Nam vẫn đang gồng mình gánh chịu thiệt hại do dịch bệnh cần thêm thời gian phục hồi.
Bên cạnh đó, nguồn thu nhập của đại đa số người dân còn hạn hẹp vì dịch bệnh trong thời điểm này khiến tình hình thị trường BĐS tạm thời không có biến động lớn. Đa số giao dịch trong thời gian này chủ yếu là các khoản đầu tư dài hạn để đảm bảo dòng tiền biên độ lợi nhuận và với những địa phương khác nhau, tốc độ hồi phục của thị trường BĐS cũng sẽ khác nhau.
Đó là lý do thị trường BĐS sẽ không nóng trở lại ngay sau đại dịch.
Khảo sát thị trường cho thấy, dù e dè với dịch bệnh nhưng nhà đầu tư vẫn có động thái vào hàng. Theo ông điều gì khiến nhà đầu tư vẫn tự tin, lạc quan vào thị trường như vậy?
Dù ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 gần hai năm nay nhưng thị trường bất động sản vẫn ghi nhận những điểm sáng riêng tại một số tỉnh thành. Hiện nay các doanh nghiệp bất động sản đã có những động thái bắt nhịp lại thị trường để từng bước đạt mức bình thường mới.
Tác động của sự phát triển hệ thống hạ tầng ở nhiều địa phương nhất là những nơi có tính kết nối cao đã tạo điểm sáng thúc đẩy thị trường BĐS phát triển. Ở mỗi thời điểm khác nhau dòng tiền sẽ chảy về một kênh đầu tư truyền thống như vàng, ngoại tệ, chứng khoán hay bất động sản… nhưng tại thời điểm này lần đầu tiên chúng ta thấy mức lãi suất huy động vốn ngân hàng đang thấp kỉ lục chỉ rơi vào khoảng từ 3,5 - 5%/năm nên cũng rất dễ hiểu khi nhiều người sẽ chọn gửi tiền vào BĐS.
Và nếu theo dõi thị trường thì từ năm 2020 các doanh nghiệp "cá mập" đã có sự tinh gọn tại các thị trường lớn đồng thời mở rộng phát triển ra các tỉnh vùng ven để thu gom quỹ đất, thay đổi về chiến lược và sản phẩm tập trung khai thác phân khúc M&A với tầm nhìn dài hạn nhằm chuẩn bị cho chu kỳ mới 2021-2030. Việt Nam đang được quốc tế đánh giá là một quốc gia đang phát triển và có nền chính trị ổn định vì thế sẽ có nhiều thuận lợi thu hút đầu tư FDI và thị trường BĐS còn dư địa phát triển rất lớn.
Đây chính là các tín hiệu tích cực khiến nhà đầu tư lạc quan.
- Cảm ơn những chia sẻ của ông!