Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương: Giá FIT mới cần ưu tiên doanh nghiệp 'chiến thắng' chứ không thể dàn đều
Phát biểu tại phiên thảo luận trong tọa đàm "Góp ý cơ chế chính sách phát triển năng lượng tái tạo" diễn ra vào ngày 29/10, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, ông Nguyễn Đức Hiển cho biết: "Ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 55 có tính toán cụ thể tỷ trọng năng lượng tái tạo. Nhìn chung, Nghị quyết 55 được triển khai tương đối nhanh và đồng bộ".
- 29-10-2020Vì sao nhiều 'đại gia' điện gió phải giảm 70-80% công suất?
- 29-10-2020Điểm đặc biệt trong chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo
- 28-10-2020Các doanh nghiệp lên kế hoạch đầu tư năm 2021: Liệu Việt Nam còn giữ vị thế điểm đến hấp dẫn?
Ưu tiên doanh nghiệp chiến thắng chứ không thể dàn đều
Liên quan đến cách tiếp cận sơ đồ điện, ông Nguyễn Đức Hiển nhận xét, việc tiếp cận sơ đồ điện VII vẫn còn cứng nhắc, phải bổ sung liên tục. Thực tế, số lượng các dự án triển khai trên tổng số lượng các dự án được bổ sung quy hoạch vẫn còn thấp, chỉ 3,8% đối với điện gió. Do vậy, cần tránh hiện tượng này khi xây dựng các hệ thống tiêu chí để lựa chọn bổ sung quy hoạch điện VIII.
Từ đó, ông Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh, các tiếp cận hiện nay cần "ưu tiên người chiến thắng chứ không thể dàn đều". Cụ thể, các doanh nghiệp có năng lực thì sẽ được ưu tiên, thay vì việc các địa phương đều có cơ hội như nhau.
Vấn đề tiếp theo là cần đẩy mạnh sự tham gia của khu vực doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân trong nước. "Nghị quyết 55 khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, kể cả trong hệ thống truyền tải điện quốc gia chứ không phải đấu nối, thu gom từ nhà máy điện sang hệ thống truyền tải điện quốc gia", ông Hiển nhận định.
Vừa qua, Trung Nam đã làm toàn bộ hệ thống đường dây 17 km đường dây truyền tải trong 102 ngày. Theo đó, cần tận dụng từ thí điểm đó biến thành cơ chế, chính sách để khuyến khích tư nhân tham gia truyền tải điện gắn với năng lượng tái tạo.
"Không thể làm thí điểm trong suốt một thời gian được. Bên cạnh đó, cần khuyến khích mạnh mẽ khối tư nhân cũng như khuyến khích các doanh nghiệp thành công. Ngoài ra, cần tăng trách nhiệm của các địa phương. Trên thực tế, nhiều dự án quy hoạch giữ đất, giữ chỗ trong khi các nhà đầu tư có năng lực lại không bổ sung, không được vận hành".
Lựa chọn giữa hai luồng ý kiến giá FIT
Đối với cơ chế giá, ông Nguyễn Đức Hiển đặt ra vấn đề rằng hiện nay đang có 2 luồng ý kiến về cơ chế giá FIT. Thứ nhất là gia hạn ưu đãi giá FIT điện gió kéo dài năm 2023, ngoài khơi là năm 2035. Song, luồng ý kiến thứ hai lại cho rằng chỉ được duy trì cơ chế giá FIT trong giai đoạn đầu, về sau cần để thị trường quyết định, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư có năng lực.
"Nếu cứ để mãi giá FIT thì doanh nghiệp 'ốm yếu' hay doanh nghiệp 'mạnh' đều như nhau, khi không khuyến khích cạnh tranh sẽ dẫn đến tình trạng giữ chỗ. Tôi cho rằng nếu cả những doanh nghiệp 'ốm yếu' cũng được ưu đãi sẽ dẫn đến tình trạng 'xin cho'. Do vậy, cần phải dùng các công cụ điều tiết kinh tế, khuyến khích doanh nghiệp hoạt động hiệu quả thì mới được ưu đãi", ông Hiển cho biết.
Một vấn đề nữa Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương nêu rõ đó là hợp đồng mua bán điện cần theo chuẩn mực quốc tế. Khi đó, ngân hàng mới có thể thẩm định dòng tiền. Cụ thể, chính sách về giá phải dài hạn, không được thường xuyên thay đổi. Đồng thời, các rủi ro phải đo lường, dự tính được.
Cuối cùng, ông Nguyễn Đức Hiển kết luận, điều kiện và tiềm năng nguồn năng lượng tái tạo trải dài ở rất nhiều địa phương. Tuy nhiên, cần có cơ chế để tập trung phát triển một số trung tâm năng lực tái tạo, chứ không thể làm theo phong trào.