MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó Viện trưởng CIEM bình luận về việc giảm thuế "cứu" doanh nghiệp: Vấn đề là cứu đến đâu, chứ không thể cứu hết được!

Đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp của Chính phủ ngay lập tức đã thu hút được sự quan tâm của hàng loạt doanh nghiệp. Trong khi một số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tỏ ra vui mừng vì những hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ, thì cũng có những doanh nghiệp cho rằng, đề xuất giảm thuế này chưa lan tỏa đến họ.

Quốc hội đầu tuần qua đã biểu quyết và tán thành đưa nội dung giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 2020 vào thảo luận tại kỳ họp lần này. 

Tại dự thảo Nghị quyết Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020, Chính phủ đề xuất giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp đối với trường hợp doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Điều này có nghĩa là không phải thất cả các doanh nghiệp đều được hưởng, mà chỉ những doanh nghiệp có tổng doanh thu của năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân không quá 100 người. 

Doanh nghiệp căn cứ quy định nêu trên để tự xác định số thuế sẽ được giảm khi kê khai tạm nộp thuế. Trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Dự kiến, những nội dung đề xuất giảm thuế sẽ được các đại biểu quốc hội thảo luận vào phiên họp ngày hôm nay (11/6). 

Chuyên cung cấp thực phẩm cho các trường học, khi học sinh nghỉ học vì dịch, Công ty Cổ phần  Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm Việt Nam cũng không có nguồn thu. Với họ, đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ không hỗ trợ trực tiếp đến họ trong thời điểm này. Bà Trần Thị Thu Hằng, Tổng giám đốc công ty cho hay: "Như vừa rồi là nghỉ mất gần 4 tháng, chắc là chúng tôi không có lợi nhuận của năm nay rồi. Nếu không có lợi nhuận thì sẽ không nộp được thuế thu nhập doanh nghiệp. Nếu nhà nước có thể giãn nợ thuế 9 tháng đến 1 năm, thì các doanh nghiệp sẽ dễ vượt qua được khó khăn cũng như giúp cho dòng tiền lưu thông được tốt hơn". 

Những chiếc máy tại Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Nam Hà Nội đang tạm dừng hoạt động. Công suất giảm tới 70%, vì dịch bệnh khiến chi phí nguyên vật liệu leo thang, doanh nghiệp ước tính doanh thu năm nay sẽ giảm ít nhất một nửa, may ra thì được 60 tỷ đồng. Nhưng như vậy sẽ không đáp ứng được yêu cầu là chỉ những doanh nghiệp có doanh thu dưới 50 tỷ đồng mới được giảm thuế thu nhập.

Ông Võ Việt Dũng, Chủ tịch công ty tâm sự với VTV, có doanh thu chưa chắc có lợi nhuận, vì giá thành nguyên liệu cao, doanh nghiệp sẽ không có lợi nhuận và thuế thu nhập doanh nghiệp giảm cũng không có ý nghĩa. 

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP Invest cho biết hiện tại doanh nghiệp vừa và nhỏ đang "ngấm dần" các tác hại của Covid-19, vì thị trường chưa hồi phục, sức mua chưa có, nên nếu giãn thuế chỉ 5 tháng (theo Nghị định 41) thì chưa kịp hồi phục.

Trước đề xuất tăng thời gian giãn thuế lên 12 tháng, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai phản hồi: Theo quy định của Luật Quản lý thuế, việc gia hạn thuế nếu ảnh hưởng đến dự toán ngân sách được Quốc hội thông qua, phải trình Quốc hội. Nếu gia hạn thuế mà không làm ảnh hưởng đến dự toán ngân sách đã được Quốc hội thông qua thì thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Phó Viện trưởng CIEM bình luận về việc giảm thuế cứu doanh nghiệp: Vấn đề là cứu đến đâu, chứ không thể cứu hết được! - Ảnh 1.

Theo khảo sát của VCCI, 50% doanh nghiệp lo lắng chỉ trụ được nửa năm vì dịch bệnh, vì thế doanh nghiệp đang rất cần những "liều thuốc" hỗ trợ sớm, kịp thời.

Nhưng nếu kéo dài thời gian chậm nộp thuế, nguồn thu ngân sách năm nay chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Các chuyên gia cho rằng, để kịp thời cứu doanh nghiệp thì Chính phủ có thể cân nhắc điều chỉnh các chỉ tiêu ngân sách. Ngoài ra, trong nguồn lực ngân sách có hạn, hỗ trợ tất cả các doanh nghiệp là điều không hề dễ dàng. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia đã lên tiếng, việc hỗ trợ doanh nghiệp cần có hoạch định cụ thể, và câu hỏi quan trọng nhất được đặt ra là: Cần cứu những doanh nghiệp nào?

Các chuyên gia cho rằng, sức bật của nền kinh tế sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng phục hồi của doanh nghiệp, nhưng không phải là tất cả doanh nghiệp. Theo các chuyên gia, nếu các doanh nghiệp trụ cột của nền kinh tế vượt qua được đại dịch, chính họ sẽ kéo các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đi lên. Bởi lẽ, các doanh nghiệp lớn hiện nay thường là cả một hệ sinh thái, liên quan tới rất nhiều doanh nghiệp và ngành nghề khác nhau. Doanh nghiệp lớn sống thì doanh nghiệp nhỏ mới có thể sống tốt. Mặt khác chính các doanh nghiệp lớn mới đủ sức chống lại làn sóng M&A đang diễn ra ồ ạt thời gian qua.

"Trong phạm vi nguồn ngân sách có hạn, chúng ta phải lựa chọn cái nào là tốt hơn, chứ không có cái tốt nhất. Bởi thế cho nên, vấn đề là cứu đến đâu, chứ không thể cứu hết được. Chắc chắn, nhưng hỗ trợ được những anh (doanh nghiệp - PV) mạnh, vượt qua được cơn bĩ cực, thì lại kéo nền kinh tế đi lên" - PGS.TS Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định.

Trao đổi với VTV, Chủ tịch Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI Nguyễn Duy Hưng cho rằng, nên cứu những doanh nghiệp có đông người lao động, với những cam kết rằng họ không sa thải lao động và tiền hỗ trợ thực sự được dùng để trả lương cho người lao động. Phải xác định rõ những doanh nghiệp này đóng vai trò gì trong nền kinh tế, vì nếu doanh nghiệp này tồn tại có thể lan tỏa và cứu được những thành phần kinh tế khác.

Hoàng An

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên