MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó Viện trưởng CIEM: Năm nay, Chính phủ tập trung khắc phục những chồng chéo về đầu tư, đất đai và xây dựng

Phó Viện trưởng CIEM: Năm nay, Chính phủ tập trung khắc phục những chồng chéo về đầu tư, đất đai và xây dựng

Chính phủ không chỉ nêu rõ những nhiệm vụ cụ thể phải hoàn thiện trong năm nay mà còn cam kết hoàn thành cả những mục tiêu chưa hoàn thành về cải thiện môi trường kinh doanh giai đoạn 2019-2022.

Trao đổi với Người Đồng Hành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) Phan Đức Hiếu cho biết Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vừa thông qua có nêu 3 đột phá chiến lược, trong đó tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Vì vậy, Chính phủ đặt mục tiêu tập trung khắc phục ngay những điểm chồng chéo của quản lý nhà nước về đầu tư, đất đai và xây dựng trong năm nay.

Phó Viện trưởng CIEM: Năm nay, Chính phủ tập trung khắc phục những chồng chéo về đầu tư, đất đai và xây dựng - Ảnh 1.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM). Ảnh: Bảo Linh.

- Việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh năm nay có điểm gì mới so với năm ngoái và cả giai đoạn 2019-2020, thưa ông?

- Quyết tâm hoàn thiện thể chế được thể hiện bằng việc Chính phủ đã ban hành nghị quyết về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh (Nghị quyết 02) vào ngày đầu tiên của năm 2021. Trong đó, Chính phủ không chỉ nêu rõ những nhiệm vụ cụ thể phải hoàn thiện trong năm nay mà còn cam kết hoàn thành cả những nhiệm vụ chưa thực hiện được về cải thiện môi trường kinh doanh giai đoạn 2019-2022.

Bên cạnh đó, việc tháo gỡ vướng mắc còn tập trung vào những lĩnh vực, chỉ số lâu lắm chúng ta không có sự cải thiện ví dụ như chất lượng quản lý hành chính đất đai, giải quyết tranh chấp hợp đồng, đăng ký tài sản, kỹ năng nghề cho sinh viên, mức độ tham gia giao dịch trực tuyến hay đăng ký phát minh trực tuyến...

- Tại sao Chính phủ lại lựa chọn tháo gỡ khó khăn ở những lĩnh vực ông vừa nêu vào thời điểm này?

- Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vừa ban hành nêu 3 đột phá chiến lược, trong đó tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Vì vậy, Chính phủ đặt mục tiêu tập trung khắc phục ngay những điểm chồng chéo của quản lý nhà nước về đầu tư, đất đai và xây dựng... trong năm nay. Đây là những chồng chéo ảnh hưởng chính đến hoạt động đầu tư kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.

Ví dụ như chồng chéo về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư quy định tại Luật Đầu tư và Luật Nhà ở dẫn đến sự khác nhau về phân loại dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh. Hiện cả cơ quan nhà nước và nhà đầu tư không xác định được phải áp dụng theo luật nào mới là đúng. Trên thực tế, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở, một số địa phương chỉ yêu cầu nhà đầu tư thực hiện một lần trong khi đó nhiều địa phương khác lại yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện hai lần. Sự khác nhau về quy định khiến doanh nghiệp là đối tượng bị chịu thiệt hại.

Một doanh nghiệp từng chia sẻ với tôi rằng, ban đầu họ đầu tư một dự án trị giá 7 tỷ đồng, con số đầu tư này có thể bị đội lên gấp đôi do sau 5 năm dự án vẫn chưa được triển khai. Chưa kể, nhiều thứ khác còn bị mất đi như nhà đầu tư già hơn, nhiệt huyết kinh doanh giảm đi, tỷ suất sinh lời trên tài sản bị giảm, giá cả, dịch vụ, sản phẩm sau này được đưa ra thị trường phải đội lên với chi phí rất lớn. Ngân hàng có thể không tiếp tục tài trợ vốn, đối tác trước đây cam kết đầu tư cũng có thể xin rút vì thời gian chờ dự án quá lâu. Ngược lại, nếu dự án được triển khai 5 năm trước đã tạo công ăn việc làm, thu nhập và nộp thuế vào ngân sách Nhà nước...

Ví dụ này cho thấy một dự án đầu tư chỉ cần được triển khai đúng tiến độ đã mang lại vô số lợi ích cho nhà đầu tư, nhà nước và tạo ra tác động tích cực đối với xã hội mà chưa cần xét đến những yếu tố sâu xa khác.

Đó cũng là lý do khiến chương trình cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế năm nay của Chính phủ mở rộng cách tiếp cận, cải cách ở phạm vi rộng hơn nằm xóa bỏ những chồng chéo, mâu thuẫn liên ngành, liên lĩnh vực theo hướng minh bạch, cụ thể quyền và trách nhiệm cơ quan, đơn vị đầu mối và đơn vị phối hợp thay vì chỉ cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính ở phạm vi một ngành, một lĩnh vực và một bộ.

- Bên cạnh việc mở rộng phạm vi và cách tiếp cận cải cách, nội dung chương trình cải cách còn điểm gì khác nữa không?

- Nội dung của việc xây dựng chính sách năm nay còn tính đến năng lực phản ứng thể chế của Chính phủ trong mọi tình huống bất định, bất ngờ như thiên tai, dịch họa chứ không riêng gì dịch Covid-19. Điều này là hoàn toàn cần thiết trong bối cảnh kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất định.

Đồng thời, việc xây dựng thể chế còn chú trọng đến hoạt động thúc đẩy Chính phủ điện tử và Chính phủ số. Khi những hoạt động này được triển khai vô hình trung sẽ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số để hưởng lợi từ hoạt động của Chính phủ. Cũng từ đây, những cơ hội, ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh mới có điều kiện được ra đời như thiết kế phần mềm, cung cấp dịch vụ nền tảng... Có thể điều này tạo ra tác động còn lớn hơn cả mục tiêu kép.

Năm vừa qua, ngoài ảnh hưởng của dịch Covid-19 nền kinh tế còn chịu tác động của lũ lụt, hạn hán. Có thể nói đây là những gì mà chúng ta phải trả giá cho sự phát triển thiếu bền vững trong thời gian qua. Giờ là lúc Chính phủ phải xây dựng thể chế thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh và tạo lập mô hình kinh doanh theo hướng nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững hơn.

Ngoài ra, Chính phủ còn tính đến những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh để thích ứng với bối cảnh mới “sống chung với dịch” thay vì chỉ hỗ trợ mang tính cầm cự và chia sẻ khó khăn như năm vừa qua. Theo tôi gói hỗ trợ nếu được ban hành phải có tầm nhìn dài hạn hơn.

- Ông có khuyến nghị gì cho hoạt động cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh năm nay?

- Tôi nghĩ rằng đó vẫn phải là việc thực thi. Hoạt động cải cách muốn thành công cần hai điều kiện đó là nội dung chương trình cải cách tốt và việc thực thi cũng phải tốt. Nếu thiếu một trong hai yếu tố này thì hoạt động cải cách không hiệu quả.

Đến nay, có khoảng 8.700 văn bản quy phạm pháp luật ở trung ương được rà soát và phát hiện được 75 nhóm vấn đề, trong đó có 15 vấn đề chồng chéo, 60 vấn đề là quan điểm đánh giá không phù hợp thực tiễn. Có được kết quả này không thể không nhắc đến vai trò của Tổ Công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật đã thường xuyên đôn đốc, giám sát thậm chí là đe dọa và có khi còn nài nỉ, hỗ trợ chuyên môn.

Tôi kỳ vọng năm nay có thể khôi phục lại hoạt động của Tổ công tác để tiếp tục giám sát hoạt động này một cách hiệu quả. Đây cũng là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công Nghị quyết 02/2021.

Theo Ngọc Hà

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên