MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phố Wall bừng tỉnh trước những thiệt hại mà virus corona có thể mang đến: Dịch bệnh không hề giống chiến tranh thương mại hay khủng hoảng kinh tế!

26-02-2020 - 19:08 PM | Tài chính quốc tế

Thế giới tài chính đang nhận ra sự khác biệt giữa dịch bệnh và chiến tranh thương mại hay bất cứ cuộc khủng hoảng kinh tế nào khác.

Trong những tuần qua, có 1 sự thiếu nhất quán kỳ lạ giữa những người đang cố gắng dự đoán dịch bệnh do virus corona chủng mới gây ra sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với thị trường tài chính quốc tế và kinh tế thế giới.

Những người chuyên nghiên cứu về thương mại quốc tế - các giám đốc chuỗi cung ứng, chuyên gia ngành du lịch, ông chủ của các doanh nghiệp từ lớn đến nhỏ - đồng loạt cảnh báo về tình trạng hoạt động kinh doanh bị gián đoạn lâu dài. Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo dịch bệnh sẽ vượt ra rất xa bên ngoài Trung Quốc.

Thế nhưng thị trường tài chính và hầu hết các chuyên gia dự báo kinh tế lại nhận định dịch bệnh sẽ không gây ra tổn thất quá lớn cho kinh tế toàn cầu cũng như lợi nhuận của các doanh nghiệp. Dù có giảm điểm khi dịch bắt đầu bùng phát ở Vũ Hán, thị trường đã nhanh chóng hồi phục và cho đến thứ 4 tuần trước, S&P 500 vẫn lập đỉnh mới.

Phải đến đầu tuần này, sau khi những tin tức về các ca nhiễm mới ở những nền kinh tế lớn như Hàn Quốc và Italy xuất hiện, cái nhìn bi quan hơn mới bắt đầu xuất hiện. Không ai có thể chắc chắn về diễn biến của dịch bệnh, nhưng thế giới tài chính bất chợt nhận ra sức tàn phá của dịch bệnh có thể lớn đến đâu, và "cơn gió ngược" lần này khác gì so với các cuộc khủng hoảng gần đây, đặc biệt là so với sự kiện gần nhất là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

"Vũ Hán đã bị phong tỏa, liệu dịch bệnh có thể khiến cả Trung Quốc bị phong tỏa, cả châu Á bị phong tỏa hay thậm chí là cả thế giới bị phong tỏa? Đó là lý do khiến tâm lý của nhà đầu tư thay đổi, vì câu chuyện sẽ rất khác nếu so sánh 1 quốc gia bị phong tỏa trong vài tuần với toàn bộ thế giới đóng chặt cửa", Patrik Chovanec, cố vấn về kinh tế Trung Quốc tại quỹ đầu tư Silvercrest nói.

Kể từ khi khủng hoảng tài chính toàn cầu kết thúc hơn 1 thập kỷ trước, các nhà đầu tư cảnh giác nhất trước nhiều loại rủi ro lại có xu hướng thua lỗ. Trên toàn cầu, giá các loại tài sản vẫn liên tục tăng lên bất chấp các sự kiện như khủng hoảng nợ ở eurozone, Mỹ chấm dứt các gói nới lỏng định lượng hay chiến tranh thương mại.

Do đó, hoàn toàn dễ hiểu khi nhà đầu tư nhanh chóng nhận định virus corona sẽ đi theo xu hướng tương tự: một sự kiện có thể khiến kinh tế Trung Quốc giảm tốc trong 1 hay 2 quý nhưng sẽ kết thúc chóng vánh và không ảnh hưởng quá nhiều đến thế giới. "Những nhà quản lý quỹ nghĩ rằng đây chỉ là tình trạng tạm thời, chỉ là loại virus có vòng đời ngắn ngủi sẽ kết thúc khi mùa đông qua đi, hoặc kể cả khi giả định đó sai thì các NHTW sẽ vào cuộc và giải quyết mớ hỗn độn", Megan Greene, chuyên gia của Harvard Kennedy School nói.

Tuy nhiên, có lẽ đó là 1 quan điểm sai lầm.

Chiến tranh thương mại – cuộc chiến mà Mỹ và Trung Quốc liên tục áp thuế quan trả đũa lên một loạt hàng hóa dịch vụ - đã khiến hoạt động sản xuất sụt giảm mạnh trong năm ngoái. Tuy nhiên, nếu như chiến tranh thương mại chủ yếu chỉ ảnh hưởng đến khu vực sản xuất thì virus corona đang tác động mạnh đến cả ngành dịch vụ. Nếu nhiều nền kinh tế lớn bắt đầu đóng cửa hàng loạt nhà máy, trung tâm thương mại, sân bay, thiệt hại sẽ rộng hơn và kéo dài hơn.

Khi 1 khách sạn hoặc 1 chiếc máy bay trống rỗng trong vài tuần vì mọi người sợ hãi và không dám đi du lịch, đó là những tổn thất không thể bù đắp khi mọi thứ bình thường trở lại.

Điều này đặc biệt quan trọng đối với kinh tế Mỹ, nơi có ngành dịch vụ chiếm phần lớn các hoạt động kinh tế. Có nghĩa là kể cả những công ty có thể sống tốt khi chiến tranh thương mại nổ ra vẫn sẽ chịu thiệt hại lớn vì dịch bệnh.

Hơn nữa, mặc dù thuế quan có thể khiến hoạt động thương mại toàn cầu không còn trơn tru như trước, câu chuyện hoàn toàn khác đi khi tất cả hoạt động đều phải dừng lại. Các công ty có nhiều lựa chọn khác để đối phó với chiến tranh thương mại, ví dụ như tìm nguồn hàng mới hoặc đơn giản là chịu đựng mức chi phí cao hơn. Nhưng "công xưởng thế giới" càng đóng cửa lâu và càng có nhiều nước phải thực hiện những biện pháp tương tự thì các công ty trên toàn thế giới càng gặp nhiều khó khăn hơn.

Và điều quan trọng là mặc dù Cục dự trữ liên bang Mỹ và các NHTW khác có thể hành động để bảo vệ kinh tế thế giới trước các cú sốc, lần này "vũ khí" của họ có vẻ không phù hợp. Dịch bệnh sẽ gây ra "cú sốc cung", làm giảm sản lượng của các quốc gia bị ảnh hưởng vì những lý do không liên quan đến các yếu tố mà các chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa có thể tác động.

Cụ thể, mức lãi suất thấp hơn cũng không thể giúp 1 người ốm khỏe mạnh trở lại, hoặc giúp các cơ quan y tế tự tin khẳng định rằng các doanh nghiệp có thể mở cửa trở lại. Tất cả những gì các NHTW có thể làm là hạ chi phí đi vay và khuyến khích các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn.

"Vaccine là thứ cần thiết hơn so với 1 cú hạ lãi suất và rõ ràng là chính sách tiền tệ không phải giải pháp tối ưu để đối phó với cú sốc như thế này", Krishna Guha, chuyên gia của công ty nghiên cứu Evercore kết luận.

Tham khảo New York Times

Phố Wall bừng tỉnh trước những thiệt hại mà virus corona có thể mang đến: Dịch bệnh không hề giống chiến tranh thương mại hay khủng hoảng kinh tế! - Ảnh 2.

Thu Hương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên