Phong trào 'ngưng sống ảo': Rời bỏ mạng xã hội giúp tôi tự tin đưa ra quyết định
Dùng mạng xã hội được xem như một hình thức thoát ly khỏi thực tại, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ.
- 08-11-2022Siêu thị “sống ảo” khai trương thêm chi nhánh hoành tráng tại quận 2, khu ăn uống huyền thoại đông kín
- 02-11-2022Bảo tàng Hà Nội bất ngờ trở thành toạ độ sống ảo được giới trẻ săn lùng bởi những góc check-in mới lạ
- 17-10-2022Những điểm “sống ảo” đẹp như phim, đã có từ lâu ở Vũng Tàu nhưng bây giờ mới nổi trở lại
Cũng giống như vô số những người khác, ngay khi được đặt chân đến dãy núi Sierra Nevada hùng vĩ của đất nước Tây Ban Nha, cô Gayle Macdonald không chỉ đơn giản là dừng lại và thưởng thức cảnh đẹp. Thay vào đó, người phụ nữ 45 tuổi đã rút ngay chiếc điện thoại ra, và tìm cho mình vị trí đẹp nhất để chụp một bức ảnh thật ấn tượng, giúp cô có thể nhận được nhiều lượt yêu thích trên mạng xã hội. Thậm chí cô còn di chuyển đến gần rìa núi mặc cho nguy hiểm đang cận kề.
Khoảnh khắc đó đã khiến chồng cô vô cùng tức giận, và đó là lý do khiến Gayle quyết định từ bỏ mạng xã hội.
Ảnh minh họa.
Khi nói về quá trình từ bỏ của mình, cô chia sẻ: “ Tôi đã nghĩ rằng việc này cần phải được chấm dứt. Chụp ảnh đã từng là việc đầu tiên tôi làm mỗi khi đi đến một nơi nào đó. Cứ phải suy nghĩ về việc mình sẽ chụp ảnh gì, viết trạng thái như thế nào khiến cho não tôi như bị quá tải ".
Một tuần sau khi câu chuyện tại đỉnh núi xảy ra, cô đã thông báo với những bạn bè trên Facebook và Instagram rằng cô sẽ không sử dụng mạng xã hội nữa, và thật đáng kinh ngạc, đó là bài đăng nhận được nhiều lượt yêu thích nhất từ trước đến nay của cô. Mọi người đều bình luận rằng ước gì họ có thể làm được điều đó, hay khen ngợi cho sự dũng cảm của Gayle.
Đã từng dành hơn 11 giờ mỗi tuần cho việc sử dụng mạng xã hội, việc từ bỏ chúng lại dễ dàng hơn nhiều so với những gì mà cô nghĩ: “ Sau khi trải qua thời gian đầu, tôi không còn cảm thấy khó chịu nữa. Trái lại, nó còn mang lại cho tôi cảm giác tự do. Hiện tại, khi đã từ bỏ Instagram được 6 tháng, tôi cảm thấy sự yên bình trong cuộc sống của mình, đó là một trải nghiệm tương tự như việc cai nghiện rượu ".
Đối với nhiều người, dùng mạng xã hội có thể chiếm phần lớn thời gian trong ngày. Một nghiên cứu toàn cầu vào tháng 7 năm 2022 ước tính rằng một người trung bình dành 2 giờ 29 phút mỗi ngày để xem các trang mạng xã hội hay các trang web tương tự.
Trong khi một số người nghĩ rằng đây là thói quen xấu mà họ có thể bỏ đi, thì đối với một số người khác, đó lại là một cơn nghiện mà họ khó có thể vượt qua nếu không có sự giúp đỡ đến từ bên ngoài.
UK Addiction Treatment (UKAT), tổ chức chuyên điều hành các trung tâm “cai nghiện" mạng xã hội thống kê rằng số lượng người tìm đến để được giúp đỡ đã tăng đến 5% chỉ trong vòng 3 năm qua. Cố vấn viên Nuno Albuquerque cho biết: “ Sự phụ thuộc vào mạng xã hội nói riêng và Internet nói chung đã phát triển mạnh mẽ kể từ sau đại dịch Covid-19 ”.
Chính vì nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề, nhiều người cũng đã quyết định từ bỏ mạng xã hội. Đầu năm nay, Meta - công ty mẹ của Facebook - đã báo cáo lần giảm số lượng người dùng đầu tiên trong lịch sử. Trong khi đó, một báo cáo nội bộ của Twitter bị rò rỉ vào tháng trước cũng đã cho thấy những người dùng tích cực nhất trước đây của họ nay đã có phần “kiềm chế" hơn, dù vậy thông tin này vẫn chưa được chính thức xác nhận.
Ngay cả chủ sở hữu mới của Twitter, tỷ phú Elon Musk, cũng đã dự báo về tình trạng này hồi đầu năm. Đồng thời việc tiếp quản của vị tỷ phú cũng đã dẫn đến việc một số ngôi sao Hollywood quyết định rời bỏ trang mạng xã hội này do không đồng tình với quan điểm về tự do ngôn luận của ông.
Vậy đâu là những lý do chính khiến mọi người phải từ bỏ mạng xã hội? Mỗi người đều có cho mình những lý do riêng
Nữ doanh nhân Urvashi Agarwal cũng đã rời bỏ trang Instagram của mình vào năm 2014 và bắt đầu dùng trở lại vào 1 năm sau đó. Nhưng đến tháng 8 năm nay, cô dường như đã thật sự hạ quyết tâm.
Nữ doanh nhân Urvashi Agarwal.
Người sáng lập thương hiệu trà JP's Originals nổi tiếng cho rằng việc dùng mạng xã hội không chỉ lãng phí quá nhiều thời gian, mà nó còn làm mất đi không gian riêng tư của mỗi người: “ Tất cả những gì bạn làm đều bị công khai ".
Hiện nay, Urvashi cũng không còn sử dụng Facebook hay Twitter nữa mà thay vào đó, cô đọc 15 trang sách mỗi đêm.
Hilda Burke, nhà trị liệu tâm lý và đồng thời cũng là tác giả của cuốn sách “The Phone Addiction Workbook" (tạm dịch: Cuốn sách về chứng nghiện điện thoại) cho rằng ở thời điểm hiện tại, nhiều người đã bắt đầu nhận thức được sự lãng phí thời gian khi dùng mạng xã hội.
Cô chia sẻ: “ Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra được thời gian mình đã lãng phí vì hầu hết các điện thoại đều hiển thị thông tin về thời gian sử dụng. Nhìn thấy tổng số lượng thời gian ta sử dụng mạng xã hội trong ngày sẽ đóng vai trò như một lời cảnh tỉnh mạnh mẽ ".
Nhiều người cũng đã bắt đầu nhận thấy mối liên hệ giữa việc dùng mạng xã hội với việc mất ngủ và cảm giác lo lắng. Do đó, Hilda khuyên mọi người nên thông báo với bạn bè rằng mình sẽ từ bỏ mạng xã hội để họ không cố gắng liên lạc với chúng ta thông qua nó. Hãy sử dụng các cách thức liên lạc quen thuộc như gọi điện thoại để hạn chế tiếp xúc với Internet nhiều nhất có thể.
Kashmir, một giám đốc quan hệ công chúng trẻ tuổi đến từ thị xã Rochester, nước Anh cũng đã rời bỏ Instagram và Snapchat từ 10 tháng trước.
Động lực lớn nhất của cô đó chính là tình trạng sức khoẻ tâm lý của mình: “ Việc nhìn thấy người khác đã làm được một việc gì đó trong khi mình thì không khiến tôi thấy áp lực, mặc dù biết rằng họ chưa chắc đã làm được trong thực tế .
Tôi sẽ có một giấc ngủ thật ngon sau đó thức dậy với một tinh thần sảng khoái. Tôi của hiện tại đã không còn so sánh cuộc sống của mình với người khác, và tôi cũng không quan tâm đến cuộc sống riêng tư của người khác .
Rời bỏ mạng xã hội cho phép tôi tự tin đưa ra những quyết định của riêng mình mà không còn bị ảnh hưởng bởi người khác nữa ", Kashmir cho biết thêm.
Cố vấn viên Nuno Albuquerque của UKAT chia sẻ nguyên nhân của việc nghiện mạng xã hội có thể đến từ nhiều lý do, trong đó, lý do lớn nhất là vì mọi người xem đây là một hình thức thoát ly khỏi hiện thực, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ.
“ Khi dùng mạng xã hội, nó tạo ra cảm giác liên kết giữa mọi người, nhưng trên thực tế không có sự kết nối nào là thật cả. Nó cho phép chúng ta sống trong một thế giới riêng của mình, nhưng nếu ai đó dành quá nhiều thời gian để sống trên mạng thay vì hiện thực, thì thế giới riêng đó có thể sẽ là xuất phát điểm của cơn nghiện ".
Nhưng may mắn rằng ngày càng có nhiều người từ bỏ mạng xã hội, có lẽ mọi người đã dần nhận ra được thiệt hại mà nó tạo ra đối với những mối quan hệ ngoài đời thật, sức khỏe tinh thần cũng như những khoảnh khắc giá trị của hiện tại mà chúng ta đang sống.
Nguồn: Canada News Media
Phụ nữ Việt Nam