MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phong tục đón năm mới có một không hai: Đập vỡ đĩa trước nhà người khác, đốt hình nộm hoặc câu cá trên băng

22-01-2023 - 22:15 PM | Tài chính quốc tế

Phong tục đón năm mới có một không hai: Đập vỡ đĩa trước nhà người khác, đốt hình nộm hoặc câu cá trên băng

Cùng dạo một vòng quanh thế giới để hiểu về những phong tục đón năm mới có một không hai.

Trong thời điểm chuyển giao năm cũ và năm mới, mọi người thường thực hiện các nghi thức xóa bỏ vận hạn năm cũ và cầu mong một năm mới bình an. Trong đó, mỗi quốc gia lại có một phong tục riêng đặc trưng cho bản sắc văn hóa. Hãy cùng điểm qua nghi thức chào đón năm mới tại các nước trên thế giới:

Mỹ: Ngắm quả cầu rơi

Phong tục đón năm mới có một không hai: Đập vỡ đĩa trước nhà người khác, đốt hình nộm hoặc câu cá trên băng - Ảnh 1.

Nghi thức ngắm quả cầu rơi được thực hiện bởi Adolph Ochs, chủ sở hữu tạp chí New York Times từ năm 1907 và đã trở thành sự kiện thường niên kể từ đó. Vào giờ khắc giao thừa, hàng triệu người Mỹ tụ tập tại Quảng trường Thời đại (Times Square) đếm ngược khoảnh khắc quả cầu khổng lồ hạ xuống cùng các tờ giấy sắc màu đính kèm lời chúc ý nghĩa.

Brazil: Đi biển

Phong tục đón năm mới có một không hai: Đập vỡ đĩa trước nhà người khác, đốt hình nộm hoặc câu cá trên băng - Ảnh 2.

Thời điểm đầu năm rơi vào mùa hè ở Brazil, cũng là lúc mọi người đổ xô ra các bãi biển. Hudson Bohr - nhiếp ảnh gia người Brazil - cho biết: “Ngay sau đêm giao thừa, bạn phải nhảy qua bảy con sóng trong khi thực hiện bảy điều ước”. Truyền thống này nhằm bày tỏ lòng kính trọng đối với Yemanja, nữ thần nước. Hơn nữa, trước khi xuống nước, bạn phải mặc toàn đồ trắng vì màu trắng tượng trưng cho sự tinh khiết.

Tây Ban Nha: Ăn 12 quả nho

Người Tây Ban Nha quan niệm rằng nếu ăn hết 12 quả nho trước giao thừa, họ sẽ có một năm mới thịnh vượng và may mắn. Mỗi trái nho tượng trưng cho 1 tháng trong năm mới. Truyền thống này bắt nguồn từ cuối thế kỷ 19 và được cho là có tác dụng xua đuổi tà khí.

Ấn Độ: Dựng tượng ông già rồi thiêu rụi

Phong tục đón năm mới có một không hai: Đập vỡ đĩa trước nhà người khác, đốt hình nộm hoặc câu cá trên băng - Ảnh 3.

Tại Ấn Độ, người dân tạo hình nộm ông già rồi đốt vào đêm giao thừa. Hình nộm này tượng trưng cho nỗi buồn và ân oán của năm cũ, đốt hình nộm nghĩa là mọi người muốn rũ bỏ mọi điều không may đã qua. Mọi người tập trung xung quanh ngọn lửa hát bài Auld Lang Syne (tạm dịch: những ngày xưa yêu dấu) và sau đó cùng nhau tham gia một bữa tiệc nhỏ.

Nhật Bản: Ăn mì soba

Phong tục đón năm mới có một không hai: Đập vỡ đĩa trước nhà người khác, đốt hình nộm hoặc câu cá trên băng - Ảnh 4.

Người Nhật bắt đầu năm mới bằng cách ăn một bát mì soba còn nóng. Truyền thống này có từ thời Kamakura và gắn liền với câu chuyện về một ngôi chùa Phật giáo phát mì cho người nghèo. Vì sợi mì dài, mảnh và chắc nhưng rất dễ cắn, người ta tin rằng ăn soba tượng trưng cho sự chia tay năm cũ và chào đón năm mới.

Pháp: Tổ chức tiệc rượu

Người Pháp tổ chức tiệc rượu để chào đón năm mới. Trong bữa tiệc thường có các hoạt động khiêu vũ và nhảy nhót. Các thực phẩm phổ biến bao gồm rượu vang sủi kết hợp với hàu, gà tây, ngỗng hoặc gà mái Cornish.

Haiti: Chia sẻ súp joumou

Phong tục đón năm mới có một không hai: Đập vỡ đĩa trước nhà người khác, đốt hình nộm hoặc câu cá trên băng - Ảnh 5.

Súp joumou (súp bí ngô) là món súp truyền thống của người Haiti, bắt nguồn từ lịch sử đau buồn của những người nô lệ da màu. Do đó, ngày 1 tháng 1 hằng năm được coi là Ngày độc lập của người Haiti và người dân ăn súp joumou để tưởng nhớ về sự kiện đó. Các gia đình thường đến nhà người khác và trao đổi súp cho nhau.

Đan Mạch: Ném đĩa cũ

Phong tục đón năm mới có một không hai: Đập vỡ đĩa trước nhà người khác, đốt hình nộm hoặc câu cá trên băng - Ảnh 6.

Một truyền thống lâu đời vào năm mới ở Đan Mạch là đập vỡ bát đĩa. Đêm giao thừa, người ta lấy bát đĩa xấu, sứt mẻ trong nhà và chạy đến nhà hàng xóm, bạn bè để đập vỡ trước hiên nhà. Nhà nào nhận được càng nhiều mảnh vỡ sành sứ thì càng may mắn, giàu có và cũng chứng tỏ được nhiều người yêu mến. Họ không hề thấy phiền mà còn rất thích thú với đống bát đĩa vỡ này.

Canada: Câu cá trên băng

Phong tục đón năm mới có một không hai: Đập vỡ đĩa trước nhà người khác, đốt hình nộm hoặc câu cá trên băng - Ảnh 7.

Nhiệt độ giá buốt cũng không ngăn được người Canada bắt đầu năm mới với môn thể thao yêu thích trong mùa đông: câu cá trên băng. Theo Global News, các gia đình sẽ thuê các túp lều có hệ thống sưởi và dụng cụ nấu ăn để họ có thể tận hưởng bữa tiệc cùng những người thân yêu ngay tại chỗ.

Philippines: Mâm cỗ 12 loại quả hình tròn

Phong tục đón năm mới có một không hai: Đập vỡ đĩa trước nhà người khác, đốt hình nộm hoặc câu cá trên băng - Ảnh 8.

Vào đêm giao thừa, các gia đình ở Philippines sẽ dọn mâm cỗ gồm 12 loại trái cây hình tròn như táo, nho và mận, những loại quả tượng trưng cho sự thịnh vượng do hình dạng giống đồng xu. Về con số may mắn, mỗi quả cũng tượng trưng cho một tháng trong năm.

Mexico: Tặng bánh tamales tự làm

Phong tục đón năm mới có một không hai: Đập vỡ đĩa trước nhà người khác, đốt hình nộm hoặc câu cá trên băng - Ảnh 9.

Ở Mexico, các gia đình thường tụ tập để chuẩn bị đồ ăn cho đêm giao thừa. Trong đó có món tamales - món bánh ngày Tết truyền thống của Mexico được làm từ bột ngô, thịt, pho mát và rau, được gửi tặng cho những người thân yêu vào đêm giao thừa. Vào ngày đầu năm, menudo - món súp truyền thống của Mexico làm từ dạ dày bò sẽ được phục vụ cho mọi người.

Hy Lạp: Treo hành ngoài cửa

Theo quan niệm của người Hy Lạp, hành tây không chỉ là thực phẩm thiết yếu trong nhà bếp mà còn mang lại may mắn trong năm mới sắp tới. Hành tây tượng trưng cho sự sinh sôi và phát triển (nhờ khả năng tự nảy mầm). Sau buổi lễ tại nhà thờ vào ngày đầu năm, hành tây sẽ được treo bên ngoài cửa của mỗi gia đình.

Colombia: Đặt ba củ khoai tây dưới gầm giường

Vào đêm giao thừa, các hộ gia đình Colombia thực hiện một nghi thức truyền thống có tên là agüero, họ đặt ba củ khoai tây dưới gầm giường của mỗi thành viên trong gia đình. Trong đó, một củ đã gọt vỏ (tượng trưng cho một năm may mắn), một củ chưa gọt vỏ (tượng trưng cho khó khăn tài chính) và củ cuối cùng chỉ gọt một phần (tượng trưng cho cả may mắn và khó khăn về tài chính). Lúc nửa đêm, từng thành viên sẽ nhắm mắt lấy một củ. Củ khoai họ chọn sẽ mang đến thông điệp năm mới tương ứng.

Na Uy và Đan Mạch: Ăn mừng với chiếc bánh cao chót vót

Phong tục đón năm mới có một không hai: Đập vỡ đĩa trước nhà người khác, đốt hình nộm hoặc câu cá trên băng - Ảnh 10.

Người Đan Mạch và Na Uy thường ăn Kransekake, một loại bánh vòng truyền thống vào đêm giao thừa. Bánh được làm với ít nhất 18 lớp. Các lớp đường trông giống như bánh quy và được giữ cho dính lại với nhau bằng lớp kem đường thơm ngon.

Ireland: Đập bánh mì vào tường

Để xua đuổi tà khí và thu hút các linh hồn thiện, các gia đình ở Ireland bắt đầu cho một năm mới khỏe mạnh và thịnh vượng bằng cách đập những ổ bánh mì Giáng sinh vào tường và cửa xung quanh nhà.

Ý: Mặc nội y màu đỏ

Màu đỏ tượng trưng cho may mắn và khả năng loại bỏ năng lượng tiêu cực trong văn hóa Ý. Một câu chuyện thời trung cổ kể lại rằng người đàn ông phải đeo một tấm vải đỏ quanh háng để bảo vệ mình khỏi mụ phù thủy. Về sau, nghi thức này đã biến thành một tập tục năm mới. Mặc đồ lót đỏ được tin là giúp bạn có một năm mới sung túc. Người ta thậm chí có thể tặng nhau đồ lót màu đỏ trong dịp này.

Anh: Nghe tiếng chuông Big Ben

Phong tục đón năm mới có một không hai: Đập vỡ đĩa trước nhà người khác, đốt hình nộm hoặc câu cá trên băng - Ảnh 11.

Vào đêm giao thừa, các hộ gia đình tại Anh sẽ quây quần bên nhau để đợi đồng hồ Big Ben đánh chuông chào đón năm mới. Khi tiếng chuông điểm, mọi người sẽ nắm tay nhau và bắt đầu hát bài hát truyền thống “Auld Lang Syne”. Một số người còn trao nhau nụ hôn năm mới.

Puerto Rico: Dọn dẹp nhà cửa

Giống với nhiều quốc gia khác, Puerto Rico cũng bắt bắt đầu một năm mới bằng việc dọn dẹp nhà cửa với mong muốn loại bỏ cái cũ, bắt đầu một năm mới với sự ngăn nắp, sạch sẽ, tươm tấp.

Đức: Xem Bữa tối cho một người (Dinner for one)

Phong tục đón năm mới có một không hai: Đập vỡ đĩa trước nhà người khác, đốt hình nộm hoặc câu cá trên băng - Ảnh 12.

“Bữa tối cho một người” là vở hài kịch đen trắng của Anh được phát sóng đầu tiên vào năm 1963. Ở một số nước châu Âu, bao gồm cả Áo và Đức, xem vở hài kịch này đã trở thành truyền thống vào đêm giao thừa. Mặc dù bộ phim có cốt truyện khá đơn giản, nhưng những mẩu chuyện vui và tình huống tiếu lâm trong phim đủ để đem lại tiếng cười cho các thành viên trong gia đình.

Theo Hạ Khương

Báo Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên