Phỏng vấn 4 startup được rót vốn thành công sau Shark Tank mùa 4: Làm sao chinh phục dàn cá mập và khiến họ bỏ tiền thật sau khi lên sóng?
Chỉ khi các startup trung thực và minh bạch các số liệu, thì mới có thể hiểu hết mọi ngóc ngách của dự án mình đang làm, tự tin ứng phó với bất cứ câu hỏi nào đến từ các Shark trong bể cá mập. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên nghiên cứu thật kỹ các Shark để biết khẩu vị đầu tư cụ thể của từng người; dự án và bản thân mình phù hợp nhất với ai, rồi tập trung ‘tấn công’ người đó.
- 27-10-2021Mentor của Shark Tank đánh giá Coolmate - startup nổi nhất mùa 4: Khen trải nghiệm vượt trội đối thủ về mọi mặt, nhưng cảnh báo "gót chân Asin" có thể giết chết doanh nghiệp
- 16-08-2021Top 20 startup đáng chú ý nhất Shark Tank mùa 4: Duy nhất một thương vụ được rót vốn hơn 1 triệu USD, 5 mô hình kinh doanh được "cá mập" đánh giá cao
- 16-08-2021Kỷ lục của Shark Tank mùa 4: 35 thương vụ được đầu tư với số tiền gần 205 tỷ đồng, Shark Liên có nhiều thương vụ nhất
Theo thống kê của chúng tôi, kết thúc mùa 4 Shark Tank Việt Nam, có tổng cộng 35 startup nhận được cam kết rót vốn từ 7 cá mập, với tổng số vốn rót cam kết hơn 200 tỷ đồng. Hơn 9 tháng sau khi Shark Tank Việt Nam mùa 4 công chiếu tập cuối, tổng vốn thực rót hơn 21,3 tỷ đồng (*).
Để chuẩn bị cho mùa 5, ban tổ chức Shark Tank Việt Nam truyền thông khá rầm rộ về việc có 4 startup thi đậu mùa 4 đã được nhận tiền.
Cụ thể, Shark Liên đã đầu tư vào Vua Cua, BluSaigon được Shark Việt rót tiền, Shark Bình cũng đã hoàn tất rót vốn vào Coolmate và cuối cùng là AnHome đã chính thức về cùng nhà với Shark Phú. Sau thống kê này, có lẽ các shark sẽ phải chịu áp lực vô hình với kỳ vọng từ ban tổ chức và các startup tham gia, với KPI không chính thức về việc CÓ đầu tư vào 1 startup.
Tuy nhiên, dù được hay không được các Shark rót tiền sau khi lên sóng, thì việc được xuất hiện trên chương trình Shark Tank – đặc biệt còn thi đậu nữa, vẫn mang lại những lợi ích không thể đong đếm với các startup. Ví dụ tiêu biểu là Dh Foods. Dù doanh nghiệp này không kêu gọi thành công việc đầu tư từ Shark Tank, song hiệu quả marketing sau khi lên sóng là không thể phủ nhận, về cả thương hiệu công ty và thương hiệu cá nhân CEO. Doanh nghiệp cũng nhận được rất nhiều lời đề nghị hấp dẫn từ các nhà đầu tư khác ngoài ‘bể cá mập’.
Do đó, những kinh nghiệm giúp ‘vượt vũ môn’ Shark Tank Việt Nam của các Founder từng tham gia đều rất đáng quý.
Founder AnHome: Thuyết trình trên Shark Tank cũng như làm startup, phải nỗ lực – kiên trì – tự tin
Founder AnHome – Bùi Thành Ninh
"Tất nhiên, khi lên Shark Tank thuyết trình, chúng tôi hết sức lo lắng vì chưa từng có kinh nghiệm như vậy trước đó. Giải pháp để giảm sự căng thẳng và bồn chồn là thay vì nhìn mông lung thì các Founder hay chọn một điểm cố định để nhìn. Khi pitching (thuyết trình) trên chương trình Shark Tank 2021, từ đầu đến cuối, chúng tôi chỉ nhìn vào mỗi Shark Phú.
Trước chương trình, thực ra AnHome cũng không tự tin lắm, tất nhiên chúng tôi biết mình có những thứ mà SunHouse đang cần và chắc chắn là Shark Phú sẽ quan tâm; nhưng mức độ quan tâm như thế nào thì cả team đều không biết. Nên trước và cả khi đang thuyết trình, chúng tôi nghĩ rằng, cơ hội của mình chỉ có 50%.
Một vấn đề nữa, trong trường quay của Shark Tank mùa 4, dàn đèn khá sáng và tôi thậm chí không nhìn được mặt của các Shark, nên rất khó tập trung. Để thêm tự tin và bình tĩnh khi lên thuyết trình, các Founder nên tìm một mentor giàu kinh nghiệm để luyện tập trước", Founder AnHome – Bùi Thành Ninh bày tỏ.
Sau quá trình thẩm định, Shark Phú đã đầu tư 100.000 USD cho 40% cổ phần AnHome, như cam kết trong chương trình.
Để nhận được tiền đầu tư từ Shark Phú, đầu tiên, tất cả những gì AnHome có ở thực tế đều giống như đã trình bày trên sóng. Tuy nhiên, trước khi xuống tiền, Shark Phú cũng đã có thêm lần thẩm định kỹ thuật, bằng cách ra một đề tài để team AnHome thực hiện. Tất nhiên đề tài này có liên quan đến SunHouse. Tự tin vì ‘bài toán’ đó không quá khó, đội ngũ AnHome nhanh chóng hoàn thành.
"Chỉ là, Shark Phú và SunHouse vẫn chưa hài lòng với cách mà chúng tôi xây dựng kế hoạch phát triển, kế hoạch kinh doanh cũng như cách kiểm soát tài chính", Ninh cho biết.
"Như chúng ta biết, Shark Phú là người rất chắc chắc; trong khi quả thật là các kế hoạch về tài chính, marketing hay bán hàng gì của AnHome đều không tốt. Vậy nên, để có thể trở thành 1 phần trong hệ sinh thái của SunHouse cũng như thuyết phục được Shark Phú xuống tiền, sau chương trình Shark Tank Việt Nam, chúng tôi đã phải cố gắng rất nhiều nữa.
Như tất cả các công tư có Founder là dân kỹ thuật, cảm giác AnHome khá là ‘bay’, chỉ sau khi va chạm cùng Shark Phú và SunHouse, chúng tôi đã thực tế hơn rất nhiều", Bùi Thành Ninh kể tiếp.
Nhờ sự cố vấn của Shark Phú và SunHouse, kế hoạch marketing và tài chính của AnHome đã thực tế và chi tiết hơn. Ngoài ra, AnHome đã tận dụng được hệ sinh thái rộng lớn của SunHouse để phân phối sản phẩm, dịch vụ của mình. Hơn nữa, khi biết AnHome cũng là một thành viên của SunHouse, khách hàng cũng cảm thấy tin tưởng doanh nghiệp hơn và họ cũng thấy tự tin hơn khi đi bán hàng.
"Trong 2 năm Covid-19 vừa qua, AnHome cũng như các startup khác đã gặp rất nhiều vấn đề, nhưng chúng ta vẫn tồn tại được, thì không có gì phải sợ. Thuyết trình trên Shark Tank cũng như làm startup, phải nỗ lực – kiên trì – tự tin", Bùi Thành Ninh khẳng định.
Founder & CEO BluSaigon: Tìm hiểu rõ khẩu vị đầu tư của mỗi Shark để khiến bài pitching của mình có thể đánh động đến tất cả
Cũng giống như AnHome, trước khi lên chương trình Shark Tank 2021 để gọi vốn, BluSaigon đã chuẩn bị sẵn sàng sổ sách chứng từ, báo cáo tài chính.
Tôn Nữ Xuân Quyên – Founder & CEO BluSaigon
Trước khi thi Shark Tank Việt Nam 2021, Tôn Nữ Xuân Quyên – Founder & CEO BluSaigon thú nhận mình là người không có nhiều thời gian, không có nhiều mối quan hệ cũng như không có kinh nghiệm đi gọi vốn.
Để chuẩn bị, Xuân Quyên đã xem nhiều clip của chương trình Shark Tank Việt Nam lẫn thế giới qua nhiều mùa; để hình dung cơ bản về những gì mình cần phải trình bày và trả lời chất vấn. Sau đó, chị viết ra câu hỏi, rồi điền câu trả lời sau đó học thuộc lòng.
Bên cạnh đó, Xuân Quyên cũng tìm hiểu rõ khẩu vị đầu tư của mỗi Shark để khiến bài pitching của mình có thể đánh động đến tất cả. Ví dụ như Shark Liên thích những startup đóng góp nhiều cho cộng đồng và dân tộc, Shark Phú thích các dự án kinh doanh hiệu quả, Shark Bình chỉ chú ý đến các startup giàu công nghệ…
Rồi chị cũng có rèn luyện thêm về khả năng thuyết trình thông qua việc học hỏi từ các mentor. Càng luyện tập nhiều thì chúng ta càng tự tin khi lên thuyết trình trước các Shark.
Thay vì cảm thấy khó chịu, thì các Founder cũng nên tích cực bàn bạc kịch bản lên sóng với đội biên kịch TV Hub, vì với chuyên môn của mình, họ sẽ biết cái gì khi lên sóng có thể viral tốt.
"Vậy nên, trước khi tham gia chương trình, với định giá doanh nghiệp khá phù hợp, tôi khá tự tin với 90% sẽ thi đậu", Founder BluSaigon tiết lộ.
Sau khi rời chương trình Shark Tank, BluSaigon cũng nhận được nhiều lời đề nghị từ các nhà đầu tư ‘ngoài bể’ - thậm chí có những lời đề nghị hết sức hấp dẫn với định giá gấp 4 đến 5 lần. Tuy nhiên, vì đã ký kết với Shark Việt trên sóng truyền hình, nên Xuân Quyên nghĩ mình phải giữ lời hứa của mình. Vậy nên, quá trình nhận vốn của BluSaigon đã diễn ra rất nhanh, không có mấy khó khăn.
Sau chương trình Shark Tank, định giá của BluSaigon tăng lên gấp 2 đến 3 lần. Startup này cũng đã dễ dàng vượt qua được đại dịch. Xuân Quyên cũng cảm thấy mình không còn đi một mình nữa; bởi với khát vọng làm vang danh bản đồ Việt Nam trên thế giới, đánh thức lòng tự hào dân tộc của người dân, nên họ nhận được rất nhiều ủng hộ của người Việt trong lẫn ngoài nước.
Như cam kết trên chương trình, Shark Việt đã xuống 4 tỷ đồng cho 32% cho BluSaigon. Theo Xuân Quyên, Shark Việt là một người khá vui tính và hết lòng với startup hơn là những gì ông thể hiện trên chương trình. Ngoài rót vốn Shark Việt còn đưa ra nhiều kinh nghiệm và ý kiến đóng góp quý giá cho quá trình hình thành cây bút ‘Tả Thanh Thiên’ của BluSaigon.
"Trong khi mình ăn nằm với startup của mình, còn các Shark phải quyết định xuống tiền tỷ chỉ trong 30 phút; rõ ràng các Shark phải cảm thấy áp lực hơn các startup mới đúng!", Xuân Quyên kết luận.
Co-Founder & Vua Cua: Phải tự hỏi bản thân là đủ kiến thức, đủ kinh nghiệm và tinh thần thép để ‘đấu’ với các Shark hay chưa?
Cũng như thế, theo Anh Thư – Co-Founder & Vua Cua, trước khi lên Shark Tank để kêu gọi đầu tư, chúng ta cần không ngừng luyện tập và cọ xát trước. Chúng ta phải tự hỏi bản thân là đủ kiến thức, đủ kinh nghiệm và tinh thần thép để ‘đấu’ với các Shark hay chưa?
Anh Thư – Co-Founder & Vua Cua đã được Shark Liên rót vốn 2 lần.
Trên thực tế, các Shark không chỉ đầu tư và mô hình dự án, mà còn đầu tư vào đội ngũ và con người. Bởi, chỉ trong 30 phút, rất khó để chúng ta có thể trình bày để các Shark hiểu hết về doanh nghiệp của mình. Vậy nên, nếu chỉ mô hình của mình ổn mà các Founder chưa ổn cũng không được!
Như bản thân Anh Thư, dù đã theo dõi Shark Tank từ mùa 1 nhưng phải đến mùa 4 mới dám đăng ký tham gia. Vì lúc đó chị mới vào thương trường, chưa hiểu nhiều thứ nên phải rèn luyện thêm.
Trước khi quyết định xuất hiện ở Shark Tank Việt Nam mùa 4, Anh Thư tự biết rằng: mô hình kinh doanh chuỗi F&B như Vua Cua sẽ khá là khó gọi vốn từ các Shark, vì scale-up khá khó lại hoạt động ở thị trường ngách. Tuy nhiên, dù khá lo lắng song lúc đứng trước máy quay vẫn khá tự tin. Trước khi lên chương trình, Anh Thư cho rằng, cơ hội thi đậu của Vua Cua chỉ là 50-50.
Cho đến bây giờ, Shark Liên đã rót 3,5 tỷ cho 10% cổ phần như cam kết trong chương trình và đã rót vốn lần 2 cho quá trình mở rộng thị trường của Vua Cua tại Mỹ. Về với team của Shark Liên, ngoài vốn và kinh nghiệp từ ‘cá mập’, Vua Cua còn được hệ sinh thái của Shark Liên hỗ trợ rất nhiều.
"Với Vua Cua, đại dịch đúng là đại nạn khi chúng tôi phải đóng cửa tất cả các nhà hàng cũng như cửa hàng nhỏ, chỉ bán online cầm chừng.
Tuy nhiên, bất chấp điều đó, Shark Liên cùng team của mình vẫn quyết định tiến hành thẩm định chuỗi Vua Cua nhằm rót vốn như cam kết. Kết quả cho thấy, Vua Cua đạt 7/10 điểm, với sổ sách, chứng từ, tình trạng tài chính rõ ràng, minh bạch, giống với những gì trình bày trên sóng truyền hình. Trong quá trình làm DD, Shark Liên chưa từng chất vấn tôi về bất cứ điều gì.
Lúc đó, Vua Cua rớt số không phanh, nên rõ ràng việc Shark Liên vẫn giữ lời hứa của mình chứng tỏ cô đã có những sự ưu ái nhất định với chúng tôi. Shark Liên cũng từng nói rằng, khi đầu tư, đầu tiên bà nhìn người bởi tướng sinh thâm, chứ không phải nhìn vào mô hình kinh doanh hoặc chỉ số tài chính của doanh nghiệp.
Vậy nên, con xin hứa sẽ không để cô nhìn lầm người", chị Anh Thư khẳng định.
Shark Liên từng nói một điều mà khiến Anh Thư nhớ mãi: Khi làm kinh doanh, doanh nhân không nên quá đặt nặng vấn đề doanh số và lợi nhuận mà nên nhìn vào cảm xúc, cảm hứng làm nghề của bản thân. Bởi nếu quá tập trung vào các con số, các Founder hay CEO dễ biến chất và đi lệch hướng sứ mệnh ban đầu mà mình theo đuổi. Lúc đó, doanh nhân không giải cứu thế giới mà chỉ đang giải cứu bản thân chúng ta.
"Sau chương trình, thương hiệu của Vua Cua được nhiều người biết hơn, uy tín hơn trong mắt khách hàng nên thu hút được nhiều khách hàng hơn.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải chuẩn bị thích đáng sau Shark Tank để không hối hận. Chuẩn bị từ website, Fanpage đến nguyên liệu – nhân sự. Như Vua Cua, sau Shark Tank, khách hàng vào các cửa hàng mỗi ngày không chỉ tăng 3 lần mà tăng tới 30 lần", chị Anh Thư cảnh báo.
Phạm Chí Nhu – Founder của Coolmate
Founder của Coolmate: Nếu mình nghĩ những con số mà mình đề nghị đầu tư đúng và xứng đáng, thì phải theo bảo vệ đến cùng
Còn với Phạm Chí Nhu – Founder của Coolmate, quan trọng nhất là chúng ta phải hiểu doanh nghiệp của mình đến tận ‘chân tơ, kẽ tóc’, để khi các Shark hỏi gì cũng phải trả lời được. Lúc lên thuyết trình phải bản lĩnh, tự tin; nếu mình nghĩ những con số mà mình đề nghị đầu tư đúng và xứng đáng, thì phải theo bảo vệ đến cùng.
Cũng như đồng nghiệp bên AnHome, Nhu cũng thấy đèn sân khấu mùa 4 quá sáng, khiến người thuyết trình không thấy gì và cảm giác như chỉ có một mình trên trường quay. Vậy nên, trước khi đến Shark Tank gọi vốn, các founder cần tập dượt trước một chút thì tốt hơn.
Nhịp sống kinh tế