Phòng vệ khi Mỹ - Trung "so găng" tiền tệ
Chúng ta cần hết sức bình tĩnh, không để bị cuốn vào dòng xoáy của cuộc "so găng" tiền tệ này.
- 03-08-2019“Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và tác động đến Việt Nam”
- 02-08-2019Diễn biến mới leo thang căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ tác động như thế nào tới Việt Nam?
- 02-08-2019Con số này cho thấy bất chấp căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, các nhà sản xuất Việt Nam vẫn thành công
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang sau tuyên bố trên Twitter hôm 1-8 của Tổng thống Mỹ rằng nước này sẽ áp dụng mức thuế 10% đối với 300 tỉ USD còn lại đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc từ ngày 1-9 và mức thuế có thể tăng lên 25% trong tương lai.
Trung Quốc thao túng tiền tệ?
Chỉ vài ngày sau, tức 5-8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã thiết lập tỉ giá tham chiếu giữa đồng USD và nhân dân tệ (NDT) ở mức 6,9225 - tức 1 USD đổi được 6,9225 NDT, thấp nhất kể từ tháng 12-2018. Ngay lập tức, trên thị trường tài chính quốc tế, NDT cũng lao dốc và lần đầu tiên rớt khỏi "lằn ranh đỏ" kể từ giữa năm 2008, tức mốc quan trọng 7 NDT ăn 1 USD (mốc 7) khiến thị trường tài chính toàn cầu chao đảo.
Các chuyên gia và tổ chức tài chính quốc tế sau đó đã đồng loạt cắt giảm dự báo tỉ giá NDT. Chẳng hạn, các chiến lược gia của Tập đoàn Bank of America Corp (Mỹ) hạ dự báo tỉ giá NDT vào cuối năm nay về mức 7,3 NDT/USD (so với mức 6,63 NDT/USD trước đó) sau khi cho rằng Trung Quốc muốn một đồng NDT yếu hơn nhằm giảm bớt tác động của thuế quan Mỹ. Các chuyên gia của Tập đoàn Citigroup Inc. (Mỹ) thậm chí dự báo NDT có thể xuống mức 7,5 NDT/USD nếu căng thẳng leo thang hơn nữa. "Chiến tranh thương mại và tiền tệ đang leo thang từng ngày" - nhà phân tích Philip Wee của Tập đoàn DBS Group Holdings (Singapore) nhận định với trang Bloomberg, đồng thời dự báo tỉ giá NDT và các đồng tiền khác ở châu Á có thể tiếp tục giảm.
Những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thủy sản, dệt may sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể từ việc Trung Quốc phá giá đồng NDT, cũng như thương chiến Mỹ - Trung đang căng thẳng Ảnh: NGỌC TRINH - TẤN THẠNH
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump lập tức phản ứng mạnh bằng cách chính thức gọi Trung Quốc là "quốc gia thao túng tiền tệ", mở đường cho khả năng Washington áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Bắc Kinh. Theo Reuters, bước đi này có thể giúp Mỹ có thêm một số công cụ chưa được sử dụng trong 2 năm đàm phán thương mại với Trung Quốc. Theo đó, một đạo luật tiền tệ năm 1988 quy định Bộ Tài chính Mỹ sẽ phải đàm phán với Bắc Kinh hoặc thông qua Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để điều chỉnh chính sách hối đoái của Trung Quốc với mục tiêu loại bỏ bất kỳ lợi thế không công bằng nào đến từ việc định giá thấp tiền tệ. Nếu không có giải pháp nào đạt được, Tổng thống Mỹ có thể áp đặt những biện pháp trừng phạt.
Tuy vậy, một số chuyên gia cảnh báo việc Mỹ gán mác "thao túng tiền tệ" cho Trung Quốc sẽ khiến hai nền kinh tế hàng đầu thế giới thêm căng thẳng, tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu. Ông Stephen Roach - chuyên gia tại Trường ĐH Yale (Mỹ) - cho rằng nếu Mỹ leo thang hơn nữa trên mặt trận thuế quan hoặc áp đặt các biện pháp trừng phạt khác nhằm vào Trung Quốc, sức ép từ động thái trả đũa của Bắc Kinh cũng tăng theo. Bằng chứng là Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 6-8 đã thông báo các công ty nước này đã ngưng mua nông sản Mỹ. Cùng ngày, ông Yu Yongding, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nói với tờ South China Morning Post rằng động thái mới nhất của Mỹ là "ngớ ngẩn"! Theo ông Yu, chính Washington mới đang tìm cách khơi mào cuộc "so găng" tiền tệ và vội vã tìm cái cớ để làm điều này.
Để thể hiện thiện chí, Trung Quốc đã có bước đi kiềm chế đà sụt giảm của đồng NDT trong ngày 6-8. Cụ thể, PBOC đã thiết lập tỉ giá NDT tham chiếu là 6,9683 NDT đổi 1 USD (so với mức 6,9225 đổi 1 USD hôm 5-8). Trang Bloomberg nhận định mức tỉ giá NDT tham chiếu mới nhất mạnh hơn dự báo của các nhà phân tích, qua đó cho thấy Bắc Kinh muốn làm chậm lại đà giảm giá của NDT. "PBOC đang phát đi tín hiệu họ muốn giảm đà mất giá của NDT" - ông Frances Cheung, chuyên gia của Ngân hàng Westpac (Úc), nhận định. Ngoài ra, PBOC còn thông báo bán số trái phiếu trị giá 30 tỉ NDT tại Hồng Kông ngày 14-8 tới - động thái cho thấy ngân hàng này đang tăng cường tiền mặt để đối phó nguy cơ bán khống NDT.
Việt Nam cảnh giác trước vòng xoáy
Trao đổi với Báo Người Lao Động, TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc - Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, đánh giá động thái phá giá đồng NDT của Trung Quốc đến từ cân nhắc dựa trên các yếu tố của nền kinh tế trong nước hơn là một toan tính chính trị. Cụ thể, Trung Quốc cũng không còn là nước dư giả về dự trữ ngoại tệ để "bảo vệ" tỉ giá bằng mọi giá. Ngoài ra, việc thiết lập tỉ giá tham chiếu mới cho đồng NDT yếu hơn không có nghĩa là hành động "tấn công Mỹ" bằng việc tìm cách triệt tiêu tác động của thuế quan thông qua tỉ giá. "Lợi thế của hàng xuất khẩu Trung Quốc hiện nay chủ yếu không đến từ giá rẻ mà từ quy mô và chuỗi cung ứng. Đặc biệt, tác động tích cực của tỉ giá đến hàng xuất khẩu sẽ không tồn tại quá 3 tháng nên cuộc chơi tỉ giá là cuộc chơi vô nghĩa nếu dự trữ ngoại tệ không đủ lớn" - ông Thành phân tích.
Ông Thành còn cho rằng thời điểm bảo vệ đồng NDT mạnh, Trung Quốc tính toán đến ba mục đích: thực hiện tham vọng quốc tế hóa đồng NDT, giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài và tiếp tục đẩy mạnh giảm nợ của nền kinh tế. "Từ lâu, Trung Quốc đã bị Mỹ đưa vào tầm ngắm với tư cách một quốc gia "thao túng tiền tệ". Nhưng 25 năm qua, Bộ Tài chính Mỹ đã nhiều lần không sử dụng "nhãn mác" này để gia tăng căng thẳng với Trung Quốc ngay cả khi Tổng thống Trump thúc giục. Tuy nhiên, chỉ một ngày sau khi PBOC tuyên bố thả nhẹ tỉ giá tham chiếu về sát mức 7,0 khiến tỉ giá thị trường rơi xuống dưới ngưỡng 7,0, Bộ Tài chính Mỹ đã chính thức gọi Trung Quốc là "quốc gia thao túng tiền tệ". Điều bất thường là toàn bộ các căn cứ để gọi một quốc gia là "thao túng tiền tệ" đã bị dẹp bỏ sang một bên" - chuyên gia này bình luận.
Trong khi đó, theo TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả của Viện Đào tạo và Nghiên cứu - Ngân hàng BIDV, Việt Nam hiện không bị Mỹ "gắn mác" là nước thao túng tiền tệ. Tuy nhiên, Việt Nam cũng là quốc gia có nguy cơ khá cao bị chuyển sang nhóm các nước thao túng tiền tệ nếu chúng ta không có biện pháp phù hợp, quyết liệt. "Việt Nam cần phối hợp tốt để trao đổi thông tin, giải trình, thể hiện thiện chí, thường xuyên trao đổi đối với Mỹ. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà Bộ Tài chính Mỹ quan tâm trên tinh thần hợp tác, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc giải trình các vấn đề liên quan tới chính sách tỉ giá, thương mại của Việt Nam phục vụ đợt rà soát vào tháng 9-2019 nhằm tránh bị đưa vào danh sách thao túng tiền tệ" - TS Cấn Văn Lực đề xuất.
Đồng thời, chính sách tỉ giá của Việt Nam cần tiếp tục theo hướng chủ động, linh hoạt, khéo léo, hạn chế can thiệp trực tiếp, một chiều và liên tục vào thị trường ngoại hối để không bị vi phạm ngưỡng thứ ba như nêu trên. Việt Nam cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý; cần thực hiện linh hoạt (có mua, có bán) và cần giải trình với Mỹ việc điều hành tỉ giá trong thời gian qua là phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế cũng như đặc thù của nền kinh tế Việt Nam, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không lành mạnh.
"Đặc biệt, Việt Nam cần hết sức bình tĩnh, không để bị cuốn vào dòng xoáy chiến tranh tiền tệ (nếu có) và không nên phá giá đồng tiền vì điều chỉnh tỉ giá liên quan đến nhiều mặt của nền kinh tế (không chỉ liên quan đến xuất khẩu, mà còn nhập khẩu, nợ nước ngoài, áp lực lạm phát…) và có thể tăng rủi ro bị Mỹ gắn mác "thao túng tiền tệ". Việt Nam cần kiên định chính sách tỉ giá chủ động, linh hoạt, tiếp tục củng cố dự trữ ngoại hối, kết hợp với truyền thông một cách hiệu quả nhằm kiểm soát yếu tố tâm lý, rủi ro lan truyền" - TS Cấn Văn Lực nêu ý kiến.
Doanh nghiệp Việt âu lo
Dưới góc độ doanh nghiệp (DN), ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn U&I, cho rằng đồng NDT rớt giá sẽ có lợi cho hàng xuất khẩu Trung Quốc đi các thị trường, trong đó có thị trường Việt Nam. Làn sóng dịch chuyển nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ mạnh mẽ hơn nữa từ tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và đồng NDT ở mức thấp. Lúc này, áp lực cạnh tranh từ các DN Trung Quốc lên DN trong nước chúng ta sẽ càng nặng nề thêm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit, lo lắng việc xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc bị ảnh hưởng, lợi nhuận sụt giảm. "Vinamit đang bán hàng cho hệ thống Walmart ở Trung Quốc, mặc dù giao dịch bằng đồng USD, trước mắt chưa ảnh hưởng đến lợi nhuận nhưng đối tác ở Trung Quốc đã "khóc", xin đàm phán lại đơn giá" - ông Viên thông tin.
Một số DN khác lo lắng rằng tác động từ đồng NDT giảm giá trước mắt là hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ tràn vào Việt Nam với giá ngày càng rẻ. Người tiêu dùng và DN nhập nguyên liệu đầu vào từ nước này có thể thấy lợi ích trước mắt nhưng hệ lụy về lâu dài là rất đáng lo khi các ngành sản xuất trong nước bị ảnh hưởng bởi hàng nhập khẩu, DN trong nước khó cạnh tranh với hàng Trung Quốc… Bên cạnh đó, nguy cơ DN - nhất là DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) - sẽ lợi dụng cơ hội giá rẻ này để tăng nhập khẩu hàng Trung Quốc rồi mượn xuất xứ Việt Nam để xuất sang những thị trường khác. "Những tác động này là lâu dài và nghiêm trọng nên cần có giải pháp để ứng phó và bản thân DN trong nước cũng cần lưu ý điều này" - phó tổng giám đốc một DN về bán lẻ nhìn nhận.
Theo ông Đoàn Văn Sang, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Chế biến nông sản Cát Tường (tỉnh Tiền Giang), khi NDT giảm giá thì việc giá trị xuất khẩu bị giảm là không tránh khỏi. Tuy nhiên, xuất khẩu đường chính ngạch thanh toán qua USD sẽ ít bị ảnh hưởng hơn đường tiểu ngạch, biên mậu do quy đổi trực tiếp từ NDT sang tiền Việt. "Sắp tới, khi đàm phán lại hợp đồng, chắc chắn bên mua sẽ yêu cầu giảm giá để bù đắp một phần do biến động tỉ giá và DN xuất khẩu phải chia sẻ thiệt hại cùng đối tác nếu muốn giữ sản lượng xuất khẩu, ổn định sản xuất" - ông Sang dự báo.
Về ứng phó, ông Sang cho hay hiện các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc nhu cầu nhập khẩu trái cây rất lớn, có thể cân bằng với thị trường Trung Quốc do các tập đoàn Hàn Quốc, Nhật Bản có hệ thống phân phối toàn cầu. Tuy nhiên, muốn mở rộng những thị trường này, giảm tỉ lệ xuất khẩu sang Trung Quốc thì cần nguồn nguyên liệu ổn định về số lượng, chất lượng từ nông dân nhưng không thể chuyển đổi ngay mà cần có nhiều thời gian.
Trung Quốc là thị trường lớn của cá tra Việt Nam (có thời gian là thị trường số 1, hiện là thị trường số 2) nên cũng sẽ bị ảnh hưởng lớn khi NDT giảm giá. Theo ông Nguyễn Văn Kịch, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, hiện cá tra đang trong giai đoạn cung vượt cầu, lại thêm NDT mất giá thì bên thiệt sẽ là DN Việt Nam giữa bối cảnh giao thương bên mua là người cầm cán. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, do Trung Quốc siết nhập khẩu tiểu ngạch, một số hệ thống phân phối của Trung Quốc chưa chuyển mình kịp nên giảm lượng mua từ Việt Nam. Do vậy, năm nay ngành cá tra sẽ gặp nhiều khó khăn sau khi thành công lớn vào năm 2018.
Rất nhiều nước bị ảnh hưởng
Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định việc Trung Quốc hạ tỉ giá NDT/USD sẽ khiến hàng hóa xuất nhập khẩu từ các nước và vùng lãnh thổ đến Mỹ, Trung Quốc cũng như chiều ngược lại đều bị tác động.
Đối với Việt Nam, VNĐ sẽ gặp phải những áp lực đáng kể khi Trung Quốc phá giá NDT. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước có thể phải tính tới phương án chủ động hạ giá VNĐ để tránh làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam đối với các quốc gia mới nổi khác. Bằng không, hàng hóa Trung Quốc xâm nhập thị trường Việt Nam mạnh hơn.
NDT mất giá còn tác động tiêu cực đến cán cân thương mại của Việt Nam. Theo đó, hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có thể tăng lên do giá rẻ hơn, thương nhân trong nước cũng sẽ lựa chọn nhập hàng Trung Quốc để tiêu thụ, trong khi xuất khẩu của Việt Nam lại gặp khó, nhất là nông sản, vì đây là thị trường tiêu thụ chính của Việt Nam. Đặc biệt, DN Trung Quốc sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang Việt Nam và các nước khác để "né" Mỹ nên sẽ gây không ít áp lực cho DN sản xuất trong nước. "Chính phủ cần sớm có biện pháp kiểm soát hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, không để DN Việt gặp bất lợi ngay chính sân nhà" - TS Nguyễn Trí Hiếu đề xuất.
Người lao động