Phớt lờ mọi cảnh báo, môi giới địa ốc Alibaba tiếp tục "chiêu dụ" khách hàng, quảng cáo dự án
Cùng với những cảnh báo của Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng Khu đô thị Tây Bắc cũng có văn bản báo cáo UBND TP.HCM với nội dung việc Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba đang bán đất nền tại khu đô thị Tây Bắc là trái với pháp luật.
- 07-10-2017Vụ án cựu ĐBQH Châu Thị Thu Nga lừa đảo: Hé lộ những tình tiết bất ngờ
- 03-10-2017Cựu đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga chối tội lừa đảo
- 20-05-2017TP.HCM: Công an vào cuộc điều tra cơn sốt đất nền, sẽ xử lý hình sự cò đất lừa đảo thổi giá BĐS
- 06-11-2016Hà Nội: Bắt nữ giám đốc lừa đảo hơn 11 tỷ đồng
Trước khi bị HoREA vạch trần tính phi pháp của việc tự xưng là chủ đầu tư của Dự án Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi Khu vực VIII - 3, có diện tích 97,58 ha thuộc Khu đô thị Tây Bắc, huyện Củ Chi, TP.HCM, Công ty Alibaba đã từng làm mưa làm gió tại thị trường bất động sản Long Thành (Đồng Nai) bằng mánh khóe dùng đất trồng cây để vẽ nên hàng loạt “dự án” mang tên Alibaba Long Phước 1 đến Alibaba Long Phước 14 bán cho khách hàng.
Theo thông tin doanh nghiệp, Công ty CP Địa ốc Alibaba đăng ký hoạt động kinh doanh vào ngày 5/5/2016, mã số doanh nghiệp 0313788565, trụ sở chính đặt tại 353 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, với vốn điều lệ 1 tỷ đồng.
Ngày 3/12/2016, thực hiện thay đổi lần thứ nhất, doanh nghiệp này tăng vốn điều lệ lên 20 tỷ đồng, trụ sở được dời về số 321 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh. Ngày 26/9/2017, thay đổi lần hai với vốn điều lệ tăng chóng mặt 1.600 tỷ đồng. Công ty có 3 cổ đông gồm: Ông Nguyễn Thái Lĩnh - Giám đốc kiêm đại diện pháp luật, góp 10% vốn điều lệ, ông Nguyễn Thái Luyện, chiếm 80% vốn điều lệ, Bà Võ Thị Thanh Mai, góp 10% vốn điều lệ.
Công ty CP Alibaba Tây Bắc TP.HCM, mã số doanh nghiệp: 0314675116, đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 12/10/2017, vốn điều lệ 12.000 tỷ đồng, trụ sở chính đặt tại 120-122 Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức.
Theo hồ sơ chúng tôi có được, công ty này đã thực hiện đăng ký thay đổi lần thứ 1 ngày 25/10/2017 dời địa chỉ trụ sở chính về số 321 đường Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh. Ba cổ đông chính gồm: Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Ali, đăng ký góp 7.800 tỷ đồng, tương đương 65% vốn điều lệ; Ông Lê Xuân Sơn 3.600 tỷ đồng, tương đương 30% vốn điều lệ; Bà Đặng Thị Bích Ngọc đăng ký góp 600 tỷ đồng tương đương 5% vốn điều lệ. Công ty do Ông Nguyễn Văn Huấn là đại diện pháp luật.
Tiếp đến, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Xây dựng Ali, mã số doanh nghiệp: 0310511406, đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 11/12/2010 với tên gọi đầu tiên là Công ty TNHH một thành viên RENTHOUSE, vốn điều lệ chỉ có 100 triệu đồng, chỉ có 1 thành viên là Ông Nguyễn Thái Luyện và cũng là người đại diện pháp luật. Trụ sở chính đặt tại 146/59/6 Vũ Tùng, quận Bình Thạnh.
Ngày 05/08/2017 đăng ký thay đổi lần thứ 1 với tên mới là Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Xây dựng Ali, vốn điều lệ được nâng lên 100 tỷ đồng, trụ sở chính đặt tại 120-122 Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức. Đăng ký thay đổi lần thứ 2 ngày 27/09/2017, trụ sở chính đặt tại 321 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh.
Về con số vốn điều lệ trên, HoREA cho rằng vốn điều lệ này chỉ là “vốn ảo”. Theo đó, với số vốn điều lệ lên đến 1.600 tỉ đồng là rất lớn, khác thường đối với một công ty khởi nghiệp trên thị trường BĐS. Đối chiếu với các tập đoàn BĐS lớn nhất Việt Nam qua nhiều năm hoạt động đến nay, thì chỉ có 1 tập đoàn có vốn điều lệ trên 19.000 tỷ đồng, 3 tập đoàn tiếp theo cũng chỉ có vốn điều lệ trên dưới 8.000 tỷ đồng, tính đến năm 2016.
HoREA nhận định, trong quá trình hoạt động kinh doanh, Công ty CP Alibaba Tây Bắc TP. HCM đăng ký vốn điều lệ 12.000 tỷ đồng, quá lớn, đến mức phi lý, không bình thường đối với một công ty khởi nghiệp trên thị trường BĐS. Cổ đông lớn nhất là Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Xây dựng Ali chỉ đăng ký vốn điều lệ 100 tỷ đồng, mà lại cam kết góp vốn vào Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc TP. HCM đến 7.800 tỷ đồng, là không bình thường.
Từ những phân tích trên, HoREA đã lập tức ban hành một văn bản mang tính cảnh báo khẩn cấp gửi đến UBND TP.HCM và nhiều cơ quan chức năng khác nhằm sớm có biện pháp chặn đứng các hoạt động quảng bá, giao dịch dự án "ảo" của công ty này. Tiếp theo đó, Sở Xây dựng cũng đã chỉ đạo Thanh tra Sở vào cuộc kiểm tra hoạt động kinh doanh của địa ốc Alibaba. Mới đây nhất, hôm qua (20/11) Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những thông tin mà doanh nghiệp này đang làm "náo loạn" thị trường.
Theo Ban Quản lý đầu tư - xây dựng Khu đô thị Tây Bắc, dự án khu nhà ở thấp tầng, dịch vụ đô thị tại khu VIII - 3 thuộc KĐT Tây Bắc đang được công ty Alibaba quảng bá và nhận tiền đặt cọc khách hàng là một trong 133 dự án được công bố tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào TP.HCM tổ chức ngày 11/10/2017. Dự án có diện tích 91,45ha thuộc một phần khu VIII, KĐT Tây Bắc, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, nhằm xây dựng nhà ở thấp tầng, dịch vụ đô thị, y tế. Hiện trạng khu đất chưa thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, chưa có hạ tầng kỹ thuật. Hạ tầng giao thông kết nối với các dự án đang được kêu gọi đầu tư.
Yêu cầu đối với nhà đầu tư được lựa chọn sẽ tài trợ công tác lập quy hoạch chỉnh trang theo định hướng của thành phố đối với khu vực lập dự án, đồng thời thực hiện các công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có), đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong khu đất này. Sau khi hoàn thành các hạng mục hạ tầng kỹ thuật nội khu sẽ bàn giao cho TP.HCM quản lý, không yêu cầu hoàn trả vốn đã đầu tư. Nguồn vốn đầu tư dự án từ nhà đầu tư được lựa chọn, bên mời thầu là Ban Quản lý đầu tư - xây dựng KĐT Tây Bắc.
Như vậy, dự án khu nhà ở thấp tầng, dịch vụ đô thị tại khu VIII - 3 thuộc KĐT Tây Bắc đang được TP.HCM mời gọi đầu tư, chưa được giải phóng mặt bằng, chưa có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 nên chưa thể có bản đồ phân lô nền nhà để chào bán. Vì thế đến nay chưa thực hiện thủ tục lựa chọn chủ đầu tư nên Alibaba không có tư cách để tự xưng là chủ đầu tư.
Đáng lưu ý hơn, trang web của Công ty CP Địa ốc Alibaba (trước khi đóng cửa hoạt động) có đưa ra danh sách 10 dự án phân lô bán nền do công ty này làm chủ đầu tư, nhưng không đúng sự thật. Như dự án Marine City tại Cửa Lấp, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, diện tích 28,2ha, với khoảng 1.000 căn nhà phố, biệt thự, chủ đầu tư là Công ty TNHH Xây dựng Nam Hải, trụ sở đặt tại địa chỉ số 16 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Thắng Tam, TP Vũng Tàu.
Đối với các dự án Alibaba Long Phước 1, 2, 3, 4, 5... tại huyện Long Thành, ông Trương Văn Phương, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã xác định không có dự án nào do Công ty CP Địa ốc Alibaba làm chủ đầu tư ở địa phương này.
Tuy nhiên, phớt lờ những lời cảnh báo và thông tin được đại diện các cơ quan chức năng đưa ra như trên, hiện nay trên các mạng xã hội, nhiều trang web vẫn nhan nhản thông tin quảng cáo về các dự án của công ty này nhằm "chiêu dụ" khách hàng. Thậm chí, nhiều nhân viên môi giới tự xưng là người của công ty địa ốc Alibaba gọi điện thoại cho khách hàng nhằm "nói lại cho rõ", cho rằng các thông tin này chỉ có một mục đích là vu khống, cạnh tranh không lành mạnh vì Alibaba mới ra đời nhưng lớn mạnh quá nhanh.
Ngay như trên một tài khoản facebook có tên Đất nền Alibaba, một số nhân viên còn giới thiệu rằng chỉ có người trong cuộc mới hiểu rõ bản chất làm ăn của công ty. Nhiều thông tin trên các phương tiện truyền thông gần đây dồn dập đưa ra chỉ cốt yếu hạ uy tín của công ty. Một tài khoản khác tự xưng là nhân viên sale của địa ốc Alibaba đang giới thiệu về dự án Alibaba Tân Thành (Vũng Tàu), cũng có những lời hô hào không kém!
Theo HoREA, vẫn còn nhiều lỗ hổng về pháp lý trên thị trường BĐS Việt Nam. Lỗ hổng đầu tiên nằm ở Luật Doanh nghiệp. Hiện nay, Luật Doanh nghiệp rất thông thoáng, có thể có sơ hở, lỏng lẻo, dễ bị kẻ xấu lợi dụng, thậm chí có thể nhằm mục đích lừa đảo. Đây là vấn đề cần được giám sát, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền để tránh trường hợp doanh nghiệp lợi dụng "Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp" ghi số vốn điều lệ rất lớn để lừa dối khách hàng và đối tác.
Lỗ hổng thứ hai là độ "vênh" giữa Luật Kinh doanh bất động sản và Bộ Luật Dân sự trong quá trình áp dụng pháp luật để quản lý hoạt động bán nhà ở hình thành trong tương lai (bao gồm nền nhà, căn hộ, nhà phố, biệt thự), do đã bị kẻ xấu và một số doanh nghiệp lợi dụng để huy động vốn trái phép, có thể gây thiệt hại hoặc rủi ro cho khách hàng và nhà đầu tư thứ cấp.
Thực tế, trong quá trình áp dụng pháp luật, kẻ xấu và một số doanh nghiệp đã lợi dụng các quy định về "giao dịch dân sự theo nguyên tắc thỏa thuận, tự nguyện", về "đặt cọc", về "hợp đồng hợp tác" của Bộ Luật Dân sự để ký "thỏa thuận đặt cọc giữ chỗ" (hoặc phiếu đặt chỗ); "hợp đồng góp vốn"; "hợp đồng hợp tác đầu tư" để tránh thực hiện các quy định của Luật Kinh doanh bất động sản.